09.05.2023 – Thứ Ba Tuần V Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 14, 27-31a
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin. Thầy không còn nói nhiều với các con nữa, vì thủ lãnh thế gian đã đến. Nó không có quyền lực gì đối với Thầy. Nhưng để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha, thì Thầy làm như Cha đã truyền dạy”.
Suy niệm:
Con người thời nay gần như có mọi sự. Nhưng tiếc thay nhiều người lại không có một điều rất quan trọng, đó là bình an ở nơi tâm hồn. Nhiều người bị mất ngủ, căng thẳng, suy sụp, chán đời, tự tử. Có người rơi vào tình trạng nghiện ngập, bạo hành hay trụy lạc. Gia đình cũng chẳng bình an khi gặp cảnh xung đột, ly dị, ngoại tình. Con người nôn nóng đi tìm bình an. Có người tìm đến những giáo phái, liệu pháp tâm lý hay đơn giản là tập thở. Bình an phải chăng chỉ là kết quả của cố gắng từ phía con người?
Tự sức con người có thể tạo ra bình an cho mình, gia đình và thế giới không? Khi thấy các môn đệ xao xuyến và sợ hãi trước việc Thầy sắp ra đi, Đức Giêsu đã nói câu mà chúng ta không ngừng lặp lại trong mỗi Thánh lễ. “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (c. 27). Bình an là quà tặng cao quý của Thầy Giêsu khi Thầy sắp trở về với Cha qua cái chết thập giá (c. 28). Bình an cũng là quà tặng của Chúa Giêsu phục sinh khi Ngài hiện ra cho các môn đệ đang đóng cửa vì sợ hãi: “Bình an cho anh em” (Ga 20, 19.21.26). Như thế các môn đệ vẫn phải luôn bình an trước và sau cái chết của Thầy. Đời sống Kitô hữu được bình an không phải vì không gặp sóng gió, nhưng là bình an giữa những sóng gió. “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33). Bình an của chúng ta dựa trên chiến thắng của Đức Giêsu. “Trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu chúng ta” (Rm 8, 37). Đức Giêsu nhìn nhận thế gian có khả năng ban cho chúng ta bình an. Nhưng Ngài phân biệt thứ bình an ấy với thứ bình an của Ngài. Chúng ta tự hỏi mình có tìm bình an dựa trên sự vững bền mong manh của tiền bạc, sắc đẹp, chức quyền, tài năng, tri thức không? Sự bình an mà chúng ta nhận được và trao cho nhau trong mỗi Thánh lễ có thật sự gây âm vang trong cuộc sống đời thường của ta không?
Cầu nguyện:
Giữa những ồn ào của đám đông, giữa những sôi nổi của thành công và ê chề của thất bại, xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu. Giữa những đam mê quay cuồng, giữa những khát khao thèm muốn và những trói buộc của sợ hãi, âu lo, xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu. Giữa lúc bị cuộc đời từ khước,giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông, chẳng có ai để cậy dựa, xin trở về với cõi riêng bên Giêsu, để một mình ở đó, trầm lắng và bình an.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Cuộc sống xã hội hôm nay là một chuỗi những bất an lo sợ. Có người sợ già, sợ xấu; có người sợ chiến tranh thiên tai, sợ thất nghiệp nghèo đói, sợ cô đơn và sợ bị bỏ. Nỗi sợ lớn nhất là sợ chết. Nỗi sợ nào cũng đáng sợ. Vì thế con người cố tìm cho mình một thế lực nào đó để khỏa lấp nỗi sợ và để tìm sự bình an. Có người tìm kiếm sự bình an nơi của cải vật chất, nơi danh vọng và quyền lực nhưng vẫn cảm thấy bất an. Có người tìm kiếm bình an trong phục vụ và các việc đạo đức, nhưng họ vẫn không đạt được do bản tính yếu đuối. Vậy đâu là sự bình an đích thực?
Trước lúc chịu khổ nạn thập giá, Chúa Giêsu đã ban bình an của Chúa cho các tông đồ; một kiểu bình an khác với kiểu bình an vừa nói ở trên (x. Ga 14,27). Bình an mà Chúa Giêsu ban cho các tông đồ khi xưa, cũng chính là bình an Chúa trao ban cho Giáo hội; trao ban cho mỗi Kitô hữu hôm nay. Một kiểu bình an đích thực, luôn bền vững trong tâm hồn cho dù gặp được hạnh phúc hay đối diện đau khổ; lúc thành công hay những khi thất bại; lúc mạnh khỏe hay lúc bệnh tật ốm đau… thì tâm hồn vẫn thấy bình an, không sợ hãi, không hoang mang. Đó chính là bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh biến đổi, giúp ta có thể can đảm và tự tin vượt qua gian khổ.
Bình an của Chúa Giêsu mang đến không phải là thứ bình an mà thế gian ban tặng. Bình an của thế gian thường chỉ là đồng nghĩa với an phận, với trốn tránh, với thoả hiệp. Bình an của Chúa mang đến chỉ có thể có được bằng một giá đắt đỏ: Nó đòi hỏi sự chiến đấu, chấp nhận mất mát, có khi cả hy sinh mạng sống mình nữa. Bình an ấy chỉ có khi con người có thể thốt lên như thánh Phaolô: “Lương tâm tôi không trách tôi điều gì”.
Kinh nghiệm sống trong “bình an đích thực” này được khắc họa rõ nét trong cuộc đời của Mẹ Maria. Khi thưa tiếng “xin vâng”, Mẹ đã cảm thấu được sự bình an, vì từ nay Mẹ có Chúa ở cùng, và mọi suy nghĩ, hành động của Mẹ đều làm theo thánh ý Thiên Chúa. Sự bình an đó trải dài suốt cuộc đời của Mẹ, cho dù cuộc đời Mẹ gặp nhiều chông gai và chứng kiến cái chết của con mình. Thế nhưng Mẹ vẫn bình an vì đó là “ý của Thiên Chúa”, và sự bình an đó được bừng lên khi con Mẹ – Đức Giêsu Kitô – đã phục sinh từ cõi chết.
Lạy Chúa! Xin giúp chúng con luôn biết tín thác hoàn toàn vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, để chúng con cũng được bình an và can trường trước những gian nan, thử thách.
Cùng với Mẹ Maria, xin cầu cho nhân loại được ơn bình an đích thực, là ơn bình an nhờ tin vào Chúa Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa – đã phục sinh. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaphucsinh