02.05.2023 – Thứ Ba Tuần IV Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 10,22-30
Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông. Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-môn. Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói : “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.” Đức Giê-su đáp : “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời ; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một.”
Suy niệm:
Có những Kitô hữu theo đạo để mong tránh sóng gió của cuộc đời. Nhưng đã có lần con thuyền chở Đức Giêsu và môn đệ gặp bão lớn, nước tràn vào khiến thuyền gần chìm, làm môn đệ hốt hoảng. Theo Chúa đâu phải để tránh bão, nhưng để vượt qua cơn bão. Theo Chúa đâu phải để khỏi bị cám dỗ, nhưng để thắng cơn cám dỗ. Cuộc sống của người Kitô hữu không tránh khỏi những khó khăn mà những người không Kitô hữu phải đối mặt mỗi ngày. Hơn nữa, người Kitô hữu còn gặp nhiều khó khăn hơn. Có những cơn bão ập đến bất ngờ chỉ vì họ là Kitô hữu. Làm chiên trong đàn chiên của Đức Giêsu không có nghĩa là được hưởng một sự êm ả dễ chịu. Được ở trong ràn chiên của Chúa, không có nghĩa là được yên ổn, chẳng bị ai quấy phá.
Đức Giêsu đã nói đến chuyện kẻ trộm, kẻ cướp, leo tường mà vào (c.10). Chúng đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy đàn chiên (c. 10). Khi được dẫn đi ăn nơi đồng cỏ, chiên còn phải đối đầu với sói dữ. “Sói cướp lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (c. 12). Đức Giêsu khẳng định mình không phải là người làm thuê, nên khi sói đến, Ngài không bỏ chiên mà chạy. Chiên là điều quý giá đối với Ngài đến độ Ngài dám nói nhiều lần: “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (cc. 11.15.17.18.). Và thực sự Ngài đã làm điều đó trên thập giá. Rõ ràng bảo vệ đoàn chiên là chuyện mấy chẳng dễ dàng.
Nếu Đức Giêsu, người mục tử nhân hậu mà bất khuất, đã phải hy sinh mạng sống cho đoàn chiên, thì hẳn cuộc chiến giằng co phải rất là ác liệt. Kẻ thù của chiên chẳng phải là kẻ kém cỏi tầm thường. Trong cuộc chiến để bảo vệ chiên, còn có sự hiện diện của Cha. Chiên là của Cha và Cha đã giao chiên cho Đức Giêsu (c. 29). Cha và Con cùng hợp tác để bảo vệ đoàn chiên, không để ai cướp chiên ra khỏi vòng tay che chở của mình (cc. 28-29). Cha và Con một lòng một ý trong nhiệm vụ này (c. 30). Việc bảo vệ chiên còn kéo dài mãi đến tận thế. Chúng ta làm gì để cộng tác với Chúa trong việc bảo vệ mình khỏi sói dữ ? Hãy tin vào Giêsu và nhận ra giọng nói của Giêsu để khỏi bị lừa. Hãy theo sát sự dẫn đường của Giêsu, vị Mục tử đã chiến thắng cái chết. Và hãy tin vào Chúa Cha, Đấng mạnh mẽ hơn tất cả (c. 29).
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục. Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi trần gian lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó Thế gian này vàng thau lẫn lộn Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình, giữ được vị mặn của muối, và sức tác động của men, để đem đến cho thế gian một linh hồn, một sức sống. Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo, chỉ sợ mình bỏ sống đạo vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế. Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo, những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống. Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con, thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J
Lời Chúa:
“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.” (Ga 10,28)
Câu chuyện minh họa:
Trong thiệp báo tin Maria Cristina Cella Mocellin qua đời không mang màu đen tang chế nhưng được viền màu xanh hy vọng của cây cỏ tươi. Chính giữa nổi bật cánh hoa hồng, đọng những giọt sương mai lóng lánh. Bên trong là di ảnh của Cristina, tươi trẻ, duyên dáng và lộng lẫy trong chiếc áo ngày cưới. Bên dưới bức ảnh là lời nguyện trích từ nhật ký của Cristina lúc còn thiếu nữ: Lạy Cha, xin dâng Cha niềm vui của con như ca khúc chúc tụng Cha, trái tim con như căn nhà tiếp đón Cha và cuộc đời con để Cha thực hiện điều Cha muốn.
Và… cuộc đời Cristina kết thúc vào năm 26 tuổi. Chiếc bướu ung thư ác tính nơi tử cung mắc phải năm 18 tuổi, tưởng đã chữa lành, nào ngờ tái xuất hiện. Nàng đã có hai con một trai một gái. Cristina đang đợi đứa con thứ ba. Khi vị bác sĩ báo hung tin: “Cristina, tôi rất tiếc phải cho bà biết chứng ung thư quái ác tái xuất hiện”, Cristina im lặng một giây. Lấy lại bình tĩnh nàng nhìn thẳng vào mắt vị bác sĩ và nói:
– Tôi đang có thai. Tôi đang mang thai, bác sĩ ạ!
Vị bác sĩ hiểu ngay. Ông không dám đề nghị với nàng lối trị liệu hóa học, vì như thế có nghĩa là giết chết bào thai!
Maria Cristina sinh hạ Riccardo vào tháng 8 năm 1994. Ngay sau đó, nàng bắt đầu các phương pháp trị liệu hóa học, nhưng quá trễ, bướu ung thư đã ăn sâu nơi nội tạng. Người mẹ trẻ anh dũng êm ái trút hơi thở cuối cùng ngày 22.10.1995, để lại 3 con thơ.
Suy niệm:
Bà mẹ trẻ trong câu chuyện trên đây là hình ảnh đẹp, vì bà đã dám chết để cho con được sống. Đó cũng chính là họa ảnh Chúa Giêsu đã chết vì nhân loại. Chúa Giêsu đã đến trần gian để cứu con người khỏi vũng lầy tội lỗi, và đã chăm sóc từng người chúng ta. Chúa quan tâm đến từng hoàn cảnh, từng cuộc đời, và Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc. Sự chăm sóc ấy không những để chúng ta được hạnh phúc đời này nhưng Ngài còn muốn chúng ta được hạnh phúc ở sự sống đời sau, nếu chúng ta biết lắng nghe và bước đi trong đường lối của Ngài.
Phần chúng ta, chúng ta có biết hy sinh cho anh chị em mình chưa? Cuộc sống của chúng ta có họa lại hình ảnh của Chúa Giêsu, Vị mục tử nhân lành không?
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
“ Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh ” vốn là một cách nói của ông bà ta khi mô tả người con thường mang dấu ấn của người cha. Dung mạo người mục tử nhân lành của Chúa Giêsu còn hoàn hảo biết chừng nào, khi Người mạnh mẽ xác quyết tương quan “đồng bản tính” hay còn gọi là “thuộc về” , là “ nên một ” giữa Người với Chúa Cha, rằng “ Tôi và Chúa Cha là một ” (Ga 10,30). Mặc khải quan trọng này gợi nhớ tương quan nền tảng nơi lời tựa của Tin mừng Gioan: “ Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành ” (Ga 1,1-3). Một tương quan hiệp thông giữa Cha và Con vốn có trong công trình sáng tạo, giờ đây được tiếp tục biểu lộ trong công trình cứu độ, mà khởi điểm là cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu. Thế nên Người không nói gì hay làm gì mà không bởi Chúa Cha. Đỉnh cao của công trình cứu độ chính là sự tự nguyện của Chúa Giêsu hiến mình trên thập giá và đã phục sinh bởi Thánh Thần của Thiên Chúa.
Đứng trước câu hỏi của người Do Thái “ Nếu ông là Đức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết ” (Ga 10,24), Chúa Giêsu đã trả lời với tư cách là Đấng Kitô bằng chính cuộc sống và sứ vụ của mình: “ Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, làm chứng về tôi” (Ga 10,25). Như thế, việc thi hành thánh ý Chúa Cha chứng tỏ tương quan “thuộc về” của Chúa Giêsu và của người môn đệ Chúa, như lời Người từng xác quyết: “ Ai yêu mến thầy, thì sẽ giữ lời thầy. Cha thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha thầy và thầy sẽ đến và ở lại với người ấy ” (Ga 14,23). Rõ ràng điều làm nên giá trị của một Kitô hữu là mức độ thuộc về Đức Kitô, là mức độ được Đức Kitô hóa trong tâm tình, thái độ và hành động của mình. Được như thế, ta mới có thể là những con chiên ngoan, biết nghe tiếng mục tử, Người sẽ biết ta và ta sẽ theo Người. Đến nỗi, nếu “ Tôi và Chúa Cha là một ” (Ga 10,30) thì chúng ta cũng có thể hoàn toàn tin tưởng và hy vọng rằng: “ Chúa Cha, Chúa Giêsu và tôi, chúng tôi là một ” (x. Ga 17,20-21).
Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, nhờ lời chuyển cầu của thánh Athanasiô – bậc thầy bảo vệ thần tính của Chúa Giêsu – mà Giáo hội kính nhớ hôm nay, xin giúp chúng con luôn tin tưởng vào thần tính của Chúa và mạnh mẽ dấn thân vào quỹ đạo tình yêu của “ Tôi và Chúa Cha là một ” . Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaphucsinh