21.04.2023 – Thứ Sáu Tuần II Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 6, 1-15
Khi ấy, Đức Giêsu sang bên kia Biển Hồ Galilê, cũng gọi là Biển Hồ Tibêria. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do thái. Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philípphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Philípphê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” Một trong các môn đệ, là ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” Đức Giêsu nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.
Suy niệm:
Có người coi tôn giáo như một thứ duy tâm, duy linh, chỉ để ý đến chuyện linh hồn, chuyện đời sau, mà hững hờ với cái đói cái no của thân xác, với chuyện áo cơm thường nhật. Kitô giáo hẳn không phải là thế. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã khai mở Nước Thiên Chúa trên trần gian không phải chỉ bằng việc rao giảng như một thầy dạy, mà còn bằng việc chữa bệnh thân xác như một thầy thuốc. Ơn cứu độ do Ngài mang lại có tính toàn diện, cả xác lẫn hồn, và ơn cứu độ ấy đã bắt đầu ngay từ đời này rồi. Trong Mùa Phục sinh, Giáo hội cho ta nghe đọc chương 6 của Tin Mừng Gioan, bởi lẽ chương này nói về Đức Giêsu là Bánh hằng sống, Bánh ban sự sống. Chương này khởi đầu bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều. Phép lạ diễn ra ở bên kia hồ Galilê, vào mùa xuân, cỏ mọc xanh mướt. Đám đông đến với Đức Giêsu đang ở trên núi với các môn đệ. Tất cả bắt đầu bằng câu hỏi bất ngờ của Thầy Giêsu: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Các câu trả lời của hai ông Philípphê và Anrê thật đáng thất vọng. Hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ mỗi người một chút (c. 7).
Năm cái bánh lúa mạch và hai con cá khô thì thấm vào đâu (c. 9). Nhưng Đức Giêsu lại cần năm cái bánh và hai con cá đó. Ngài đón nhận sự đóng góp của con người, dù là rất nhỏ mọn. Nhỏ mọn nhưng là tất cả những gì tìm được ở chốn hoang vu này. Không có sự đóng góp của một em bé, không chắc phép lạ đã xảy ra. Khi mọi người đã ngồi xuống trên cỏ theo lệnh các tông đồ, Đức Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn và phân phát cho họ. Chắc các tông đồ đã giúp Ngài phân phát đến tay dân. Chính khi bẻ ra để phân phát thì bánh và cá hóa nhiều. Chúng ta không hiểu được điều gì đang diễn ra. Mầu nhiệm chia sẻ vẫn làm chúng ta ngỡ ngàng, sửng sốt. Chia sẻ là biến điều ít ỏi ta đang có trở thành kho báu vô tận cho mọi người. Chia sẻ làm chúng ta chẳng vơi đi, nhưng còn mãi. Hơn năm ngàn con người đã được ăn tùy ý, được no nê, được dư thừa. Gần một tỷ con người sống trên trái đất hôm nay cũng mong được như vậy. Đức Thánh Cha coi việc liên đới chia sẻ như một cách thức để thoát ra khỏi nạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ước gì việc chúng ta chia sẻ Tấm Bánh thánh trong nhà thờ giúp chúng ta tiếp tục chia sẻ những tấm bánh vật chất ngoài cuộc sống.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới: Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này là thuộc về mọi người, mọi dân tộc. Con mơ ước không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng, bên trong là người giàu yến tiệc linh đình. Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp, không còn những cô gái đứng đường hay những người ăn xin. Con mơ ước những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng, các ông chủ coi công nhân như anh em. Con mơ ước tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình, các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ. Lạy Chúa của con, con ước mơ một thế giới đầy màu xanh, xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển, và xanh của bao niềm hy vọng nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây. Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ, thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.” (Ga 6,15)
Câu chuyện minh họa:
Vào một đêm không trăng, không sao, bóng điện đang hãnh diện tỏa ra thứ ánh sáng chói ngời.
Nó lia những tia sáng kiêu kỳ rạng rỡ đi khắp gian nhà. Chợt nó dừng lại ở góc bếp vì nhận thấy một vật gì nhỏ bé, đen đúa với khuôn mặt bám đầy mạng nhện đang đứng ở đó. Đó là Đèn Dầu. Bóng điện liền kênh kiệu hỏi: “Này tên kia, mi là ai thế, sao mi nhỏ bé, xấu xí hôi hám nữa? Mi nhìn ta đây này, vừa to lớn, vừa rực rỡ lại cực kỳ sang trọng. Ta thấy mi chướng mắt quá. Mi cút khỏi đây ngay!”
Đèn Dầu thản nhiên đáp lại: “Tôi biết mình nhỏ bé, bụi bặm, nhưng tôi không hèn mọn, không khoe khoang hống hách. Một ngày nào đó tôi sẽ cho anh thấy tôi là người hữu dụng, mọi người sẽ ưu ái tôi”.
Và một đêm kia, cũng lại là một đêm không trăng không sao nhưng cúp điện. Mọi người chẳng thấy Bóng điện đâu cả mà chỉ thấy một Đèn Dầu đang thầm lặng tỏa ra thứ ánh sáng cần thiết cho căn nhà nhỏ, tỏa ra những tia sáng tí tách reo ca. Bóng điện chết lặng trong bóng tối vì hổ thẹn, nó ngẫm ra rằng: Không ai hoàn hảo cả và cũng không nên lấy cái tốt của mình mà chế giễu cợt đùa phần chưa tốt của người khác. Cuộc đời này là những sự bù đắp diệu kỳ!
Suy niệm:
Chúa Giêsu lo lắng về vật chất cũng như tinh thần của con người. Ngài nhạy cảm với nhu cầu của con người. Để lắng nghe Ngài, họ cần phải no bụng. Đối với các môn đệ, đây cũng là bài học Ngài muốn các ông ngoài việc giảng dạy, các ông cần phải lo cho nhu cầu vật chất của dân Chúa nữa. Thế nhưng, Chúa cũng làm gương cho chúng ta, Người biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình. Trong thực tế, nhiều khi chúng ta cũng bị cuốn hút bởi những kết quả mình đạt được và vui thú với chúng, chúng ta quên đi mục đích chính của mình là phục vụ vì yêu thương.
Dưới ánh sáng của Chúa phục sinh, chúng ta hãy nhìn lại những việc bác ái của chúng ta, chúng ta làm với mục đích gì? Chúng ta có khiêm tốn như Thầy Chí thánh đã nêu gương chưa?
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu đã làm dấu lạ, từ số ít ỏi này, Chúa Giêsu cung cấp cho một đám đông dân chúng ăn no nê, và còn thừa tới mười hai thúng. Dân chúng không khỏi cảm thấy kinh ngạc, và thừa nhận đây chính là vị ngôn sứ, Đấng phải đến để giải thoát. Họ đã nói rất đúng khi xác định Chúa Giêsu là ai, và họ muốn Người làm vua của họ. Xét về quyền năng và tầm ảnh hưởng của Chúa Giêsu, người ta muốn điều này không có gì sai trái cả, nhưng tại sao Chúa Giêsu lại từ chối! Về cơ bản, họ đã hiểu sai về ý nghĩa của việc Chúa đến trần gian. Đây là lý do Chúa lánh đi và lên núi.
Chúng ta thường nghe về lối giải thích Chúa Giêsu là vua không theo kiểu thế gian, trị vì một vương quốc như một vị vua nào đó mà trước đây họ từng nghe hoặc đang thấy hoặc đang chịu ảnh hưởng. Chúa Giêsu không chỉ là vị vua thoả mãn các nhu cầu của dân chúng: như ăn uống, chữa lành bệnh tật… Người vượt lên trên các nhu cầu của con người. Tình yêu và lòng quảng đại của Chúa vượt qua các cảm giác thèm thuồng của chúng ta. Chúa muốn chúng ta được nên như Chúa, và ai đi con đường này của Chúa sẽ được thoả mãn cuối cùng – hạnh phúc đời đời.
Đám đông dân chúng chỉ thấy được một niềm vui của “phục sinh”, nghĩa là họ chỉ thấy được phép lạ, và muốn Chúa làm phép lạ; còn cuộc khổ nạn của Chúa, họ không thấy, và có khi không muốn thấy. Đây là một bài học Chúa dành cho họ, và cũng dành cho chúng ta. Niềm tin của chúng ta vào Chúa Giêsu – Đấng đến thế gian để cứu độ nhân loại nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Người. Nếu chỉ thấy các phép lạ mà tin, làm sao có thể đứng vững được trước những khó khăn và đau khổ của thân phận con người, nhất là bệnh tật và cái chết, làm sao có thể đi vào cuộc khổ nạn của Chúa để tới vinh quang được.
Ngày nay chúng ta dễ chạy theo các phép lạ: muốn được khỏi bệnh, thoát khỏi đau khổ, hoặc tìm kiếm giàu sang hay hạnh phúc theo những cách huyền bí thần thánh. Nghe ở đâu hoặc ở nhóm nào có cách chữa bệnh mang tính phù phép là người ta chạy tới. Chúng ta cần nhớ rằng, trước khi Chúa Giêsu vào vinh quang phục sinh cùng Chúa Cha, thì Người đã trải qua thân phận con người, chịu nhiều đau khổ, Người đã phải chết như chúng ta và từ đó Người bước vào vinh quang vĩnh cửu.
Lạy Chúa, Chúa làm được hết mọi sự, xin thương giúp con vững tin vào Chúa, xin nâng đỡ đức tin cho con và mọi công việc Chúa đã khởi sự nơi con. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaphucsinh