18.2.2023 – Thứ Bảy Tuần VI Thường Niên
Lời Chúa: Mc 9, 2-13
Khi ấy, Ðức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Ðức Giêsu. Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, hay quá! Chúng con xin dựng ba cái lều, Thầy một cái, ông Môsê một cái, và ông Êlia một cái.” Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Và có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe Người.” Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Ðức Giêsu với các ông mà thôi. Ở trên núi xuống, Ðức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trừ khi Con Người đã từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì. Các ông hỏi Ðức Giêsu: “Tại sao các kinh sư lại nói ông Êlia phải đến trước?” Người đáp: “Ðúng thế, ông Êlia đến trước để chỉnh đốn mọi sự. Vậy, sao có lời chép về Con Người rằng Người phải chịu nhiều đau khổ và bị kinh chê? Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Êlia đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông.”
Suy niệm:
Trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu được tuyên bố là Con Thiên Chúa ba lần: lúc chịu phép rửa (1, 11), lúc được biến hình (9, 7), và sau khi tắt thở (15, 39). Trong cả ba lần này, Đức Giêsu đều ở trong thái độ vâng phục tự hạ. Lần thứ nhất, khi Ngài đứng chung với những tội nhân chịu phép rửa (1, 9). Lần thứ hai, sau khi Ngài tiên báo và chấp nhận cuộc Thương Khó (8, 31). Lần thứ ba, sau khi Ngài bị đóng đinh và chết trên thập giá (15, 39). Như thế khi Đức Giêsu đi xuống đến cùng của phận người tội lụy thì Ngài lại được tôn vinh là Con Thiên Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu lên một ngọn núi cao. Ngài chỉ đem theo ba môn đệ thân tín: Phêrô, Giacôbê và Gioan. Ba ông này đã được thấy Ngài hồi sinh con gái ông Giairô (5, 37), và sẽ được ở bên Ngài trong vườn Dầu sau này (14,33). Đức Giêsu được biến hình trước mắt các ông, y phục Ngài trắng tinh rực rỡ. Cha đã muốn cho ba môn đệ thấy sự cao trọng thánh thiêng của Đức Giêsu, vốn được ẩn giấu che khuất bởi bề ngoài rất đỗi bình thường.
Đức Giêsu biến hình không phải là đổi qua một hình khác, mà là vén mở trong một thời gian ngắn để cho ta thấy tư cách thần linh vẫn luôn luôn có nơi Ngài. Phêrô và các bạn ngây ngất trước cảnh tượng chưa từng thấy. Hơn nữa, họ còn thấy ông Êlia và ông Môsê hiện ra trò chuyện với Đức Giêsu. Hai ông này đã từng đàm đạo với Thiên Chúa trên núi (Xh 33,11; 1V 19, 8-18). Bây giờ họ cũng đàm đạo với Đức Giêsu trên núi cao. Phêrô chỉ muốn kéo dài giây phút tuyệt vời này mãi. Ông đề nghị căng ba lều để ba vị ở lại đây luôn. Có lẽ ông quên là Thầy Giêsu còn cả một con đường nhọc nhằn phải đi. “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe Người” (c. 7). Câu duy nhất của Chúa Cha nói với chúng ta trong Tin Mừng Máccô. Cha giới thiệu cho ta Con của Cha, Cha mời gọi ta vâng nghe Ngài. Ba môn đệ chẳng thể ngờ rằng trên ngọn núi này họ sẽ được bao phủ bằng sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa qua đám mây, và tai họ được nghe thấy lời của chính Thiên Chúa nói. Rồi đến lúc Thầy và các trò phải xuống núi. Con người Thầy Giêsu trở lại như thường, y phục trở lại bình thường. Thầy xuống núi này để chuẩn bị lên một ngọn núi khác. Nhưng những gì diễn ra ở ngọn núi này thật là không thể quên.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa thường hay lên núi cầu nguyện. Thỉnh thoảng xin dẫn con lên một ngọn núi cao để con sống tình bạn với Chúa. Xin cho con ngỡ ngàng khi chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa, khuôn mặt mà con tưởng mình đã quen biết từ lâu. Chúa cho con thấy những nét đơn sơ để lòng con trở nên giản dị. Chúa cho con thấy những nét hiền hậu để con biết thứ tha. Chúa cho con gặp những nét sáng tươi để con nở một nụ cười với cuộc sống. Lạy Chúa, xin hãy cho con có kinh nghiệm lên núi với Chúa, yêu thích sự cô tịch và thanh thoát, trầm lặng để lắng nghe. Ước gì khoảng trời bao la trên đỉnh núi nâng con lên khỏi những nhỏ mọn hàng ngày. Và ước gì khi xuống núi, con thấy mình mạnh mẽ hơn để đón lấy những gai góc của đời con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông.” (Mc 9,2)
Câu chuyện minh họa:
Nhà tâm lý học Abraham Maslow kể lại câu chuyện một người mẹ trẻ tuổi như sau: “Vào một buổi sáng nọ, cô sửa soạn bữa sáng cho gia đình của cô. Nhà bếp tràn đầy những ánh sáng, những đứa con của cô đang cười đùa và nói năng vui vẻ, và chồng cô đang đùa giỡn với đứa con út. Trong khi cô đang trét bơ trên bánh mì và rót nước cam, ngay lúc đó, cô cảm thấy tràn trề niềm vui sướng và yêu thương trong gia đình của cô. Rưng rưng nước mắt, cô đã cảm động đến nỗi không thể nào nói được.”
Maslow gọi lúc đó là giây phút tột đỉnh. Nó là những giây phút ngắn ngủi quí báu chúng ta nhìn thấy những biến cố thông thường cách siêu thường. Nó là giây phút giống như là Thiên Chúa chiếu ánh sáng của Ngài vào những sự vật chung quanh chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy mình đang nhìn thấy một thế giới khác.
Suy niệm:
Trong một giây phút hạnh phúc tột đỉnh được chiêm ngắm dung nhan Chúa, các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan chắc hẳn không thể nào quên được kinh nghiệm ấy. Chỉ trong những giây phút ngắn ngủi ấy đã dẫn các ông đến một nơi gần gũi Thiên Chúa hơn. Tiếp xúc với Thiên Chúa sẽ làm thay đổi tâm hồn con người, diệt trừ khỏi những kiêu căng, tha thứ, thanh luyện tâm hồn ta để biết đón nhận anh chị em mình. Và càng gần Chúa, ta càng giống Chúa nhiều hơn. Thế nhưng, Chúa Giêsu không để các ông ở lại trong vinh quang ấy lâu được, Chúa còn cho các ông thấy Chúa còn phải qua khổ hình thập giá, rồi mới được hưởng vinh quang thiên quốc.
Lạy Chúa, xin cho con đừng dừng lại ở những niềm vui chóng qua nhưng xin cho con biết vượt qua những khó khăn để đến với Chúa trong hạnh phúc muôn đời.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Việc Chúa Giêsu biến hình xảy ra sau khi Người loan báo về cuộc khổ nạn của mình. Quả vậy, nhằm trấn an và củng cố niềm tin của họ, Chúa Giêsu đã đưa ba môn đệ thân tín lên núi để các ông hiểu rõ con đường khổ nạn Người sắp đi qua, đồng thời để các ông xác tín mối liên hệ mật thiết giữa Người với Chúa Cha mà vững tin bước theo Người.
Chúng ta có thể thắc mắc, tại sao lại là Môsê và Êlia hiện ra chứ không phải ai khác? Thiên Chúa ban thập giới và các thánh chỉ qua Môsê nên ông được coi là tượng trưng cho các sách lề luật. Còn Êlia được coi là ngôn sứ cao trọng nhất trong các ngôn sứ vì lời rao giảng và uy quyền làm phép lạ, nên ông xứng đáng là đại diện cho sách các ngôn sứ. Và trong ngày Chúa biến hình, sự hiện diện của hai ông chứng tỏ toàn bộ lề luật và các ngôn sứ, nói đúng hơn là toàn bộ Kinh Thánh đều hướng về Chúa Giêsu và làm chứng rằng Người là Đấng hoàn tất mọi lời hứa về Đấng Mêsia, Đấng cứu độ nhân loại để đem con người về với Thiên Chúa.
Trong cuộc hiển dung, tiếng Chúa Cha từ trong đám mây đã xác nhận rõ ràng cho cả ba môn đệ: “Đây là Con Ta yêu dấu” . Những lời này làm chúng ta nhớ tới biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa. Khi Người lên khỏi mặt nước, tiếng Chúa Cha đã long trọng giới thiệu Người Con yêu dấu sẽ khai mạc sứ vụ cứu độ. Và hôm nay, trước khi Chúa Giêsu kết thúc sứ vụ của mình tại Giêrusalem, Chúa Cha lại tái xác nhận Chúa Giêsu, người Nazareth, người cùng ăn cùng uống với các môn đệ, là Con Thiên Chúa. Đồng thời, khi xác nhận như thế, Chúa Cha cũng đòi buộc các môn đệ thân tín và cả chúng ta nữa: hãy vâng nghe lời Người.
Vâng nghe lời Người là đón nhận chương trình cứu độ của Thiên Chúa, cho dù chương trình ấy không theo suy nghĩ hay ước muốn của chúng ta. Vâng nghe lời Người cũng là thực hiện lời kêu gọi của Chúa Giêsu: “ Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Ta ”.
Vậy mà nhiều khi chúng ta chỉ muốn đi theo một Chúa Giêsu vinh hiển, chứ không muốn đón nhận một Chúa Giêsu vác thập giá. Chúng ta ngại thập giá và gian khổ, ngại hy sinh nghèo khó. Chúng ta chỉ thích theo Chúa lên núi Tabôrê để chiêm ngưỡng Chúa hiển dung, chứ không muốn theo Người lên đỉnh Canvê để chịu đau khổ với Người. Hãy nhớ rằng, hiển dung không phải là đích đến, mà chỉ là bước khởi đầu của một niềm tin thực sự. Con Thiên Chúa đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Cha, ra khỏi ngai tòa vinh hiển để đến với nhân loại thấp hèn và chọn đi con đường thập giá. Bởi đó, ngoài Chúa Giêsu chịu đóng đinh, sẽ không có một dung mạo nào khác mà Thiên Chúa muốn chọn để biểu tỏ lòng thương xót của Người cho con người.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp mỗi người chúng con hôm nay luôn biết ý thức được điều đó, để vững bước trên con đường hy sinh từ bỏ mình từng ngày, vốn là con đường đã dẫn Chúa đạt tới vinh quang. Amen.
#GiaoPhanBaRia #GPBR #SuyNiemHangNgay #SuyNiemLoiChuaHangNgay #MuaThuongNien