16.02.2023 – Thứ Năm Tuần VI Thường Niên
Lời Chúa: Mc 8, 27-33
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.
Suy niệm:
Không rõ tại sao Thầy Giêsu lại chọn lúc đi đường với các môn đệ lên vùng cao phía bắc xứ Paléttin, gần chân núi Khécmôn, để thăm dò xem dân chúng nghĩ Thầy là ai. Quan trọng hơn, Thầy muốn biết các môn đệ nghĩ gì về Thầy: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Thầy Giêsu đã sống bên các môn đệ từ mấy năm qua. Họ đã được gọi, được chọn, được theo, đã được thấy, được nghe, được chạm đến. Bao nhiêu là kinh nghiệm gần gũi! Nhưng Thầy Giêsu chẳng nói rõ cho họ biết mình là ai. bây giờ Thầy lại đặt câu hỏi cho họ. Ông Phêrô đại diện cho anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.” Đấng Kitô là Đấng Mêsia, Đấng được Thiên Chúa xức dầu thánh hiến. Vì thế người ta thường coi Ngài là Đấng giải phóng hùng mạnh. Nhiều người Do Thái mong Đấng Kitô đến để đánh đuổi quân Rôma và đem lại thái bình cho đất nước. Câu trả lời của Phêrô cơ bản là đúng. Thầy đúng là Mêsia, nhưng lại không phải là Mêsia như Phêrô nghĩ. Bởi lẽ Thầy là một Mêsia phải chịu nhục nhã và thất bại, chịu mang thân phận đau khổ của Người Tôi Trung (Is 52-53). Để vào ánh sáng, Thầy phải vượt qua bóng tối của hố thẳm. Dù sao câu trả lời của Phêrô đã mở ra một giai đoạn mới. Từ nay Thầy sẽ chia sẻ nhiều hơn cho các ông về định mệnh tương lai. Thầy sẽ nói rõ chứ không nói bóng gió bằng dụ ngôn nữa (c. 32). Thầy Giêsu biết rõ đau khổ và cái chết đang đe dọa mình đến từ phía các nhà lãnh đạo Do thái giáo.
Nhưng Thầy cũng tin rằng Cha ở với Thầy và sẽ không bao giờ bỏ Thầy. Lần đầu tiên Thầy chia sẻ cho môn đệ chuyện riêng tư, niềm đau và hy vọng, cái chết sắp đến và niềm tin vào sự sống lại, dù chắc Thầy đã không nói nguyên văn như ta thấy ở câu 31. Phêrô không thể chấp nhận được định mệnh mà Thầy mới gợi lên (c. 32). Ông không hiểu được chuyện Đấng Kitô mà phải chịu khổ đau, nhục nhã. Ông không biết rằng chữ phải ấy đến từ Thiên Chúa, và thất bại cũng như cái chết có chỗ trong chương trình của Ngài. Phêrô thương Thầy, và tình thương lại trở thành một cám dỗ lớn. Ông muốn Thầy đổi ý, ông muốn đi trước dẫn đường cho Thầy. Thầy Giêsu đòi ông trở lại đằng sau, đi sau Thầy như môn đệ (c.33). Chúng ta cũng sợ như Phêrô, sợ cùng với Thầy Giêsu đi con đường hẹp. Chúng ta cũng dễ nghĩ theo kiểu người phàm, chứ không nghĩ theo kiểu Thiên Chúa (c. 33). Xin được uốn lối nghĩ khôn ngoan của mình theo sự điên dại của Thiên Chúa (1 Cr 1, 25).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, sống cho Chúa thật là điều khó. Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con. Chúa đòi con cho Chúa tất cả để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa. Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa. Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà để cây đời con sinh thêm hoa trái. Chúa cương quyết chinh phục con cho đến khi con thuộc trọn về Chúa. Xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt. Ước gì con cảm nghiệm được rằng trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Người ta nói Thầy là ai?”. (Mc 8,27)
Câu chuyện minh họa:
Valentia mồ côi lúc mới lên 5, phải ở với mẹ tại một khu lao động nghèo khổ. Ngày ngày sau Thánh lễ, cậu phải vào các tiệm ăn để đánh giầy cho khách. Mỗi lần khách trả tiền, cậu đều làm dấu Thánh Giá cám ơn Chúa. Tụi bạn nom thấy thế nhiều lần to nhỏ với nhau “Gạo thì không lo mà lo giữ đạo”. Valentia vẫn cứ hiên ngang giữ hình thức cầu nguyện đơn sơ ấy.
Năm 17 tuổi, cậu được ban văn nghệ khu phố cho đóng vai thằng quỷ. Màn đầu vừa dứt, khán giả vỗ tay hoan nghêng nhiệt liệt. Sang màn thứ hai, trời đột nhiên đổ mưa, sấm sét nổi lên ầm ầm. Như bao nhiêu lần trước, “thằng quỷ trên sân khấu quên mất mình đang đóng kịch, vội quỳ gối làm dấu Thánh giá. Khán giả cười rồ lên, tưởng thằng quỷ làm hề, không ngờ Valentia cầu nguyện thật!”
Sau đêm ấy, mọi người trong khu xóm hiểu được hoàn cảnh của cậu, họ chung nhau quyên tiền để giúp Valentia ăn học. Đến sau, Valentia đỗ tiến sĩ lúc mới 30 tuổi.
Suy niệm:
Đức Kitô là ai đối với mỗi người chúng ta? Đó là câu hỏi mà Chúa muốn mỗi người trả lời trước mặt Chúa bằng đời sống mỗi ngày. Vì tin vào Chúa, Valentia đã không ngần ngại tuyên xưng đức tin của mình ngay trong vai diễn.
Ông Phêrô tuyên xưng đức tin của mình theo cái nhìn của ông, chứ không theo đường lối của Chúa. Vì ngay sau lời tuyên xưng đức tin, ông đã ngăn cản Chúa thực hiện chương trình cứu độ. Với sự yếu đuối của con người, chắc hẳn mỗi người chúng ta cũng sẽ dễ dàng dừng lại nơi những lời tuyên xưng. Vì thế, đức tin của chúng ta cần phải có hành động, để những lời tuyên xưng ấy mang một ý nghĩa cao cả hơn. Như Phêrô đã tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô” và cũng đã có lần chối bỏ không biết Chúa, nhưng sau những lần ấy, ông đã chỗi dậy, sống trọn vẹn đức tin của mình hơn, và hăng say làm chứng cho Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con biết chỗi dậy sau mỗi lần vấp ngã, để đức tin của con thêm can trường và vững mạnh hơn, không dừng lại ở những lời nói, mà đem những lời tuyên xưng ấy vào cuộc sống của mình.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
“Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ mục, các thượng tế, các luật sĩ loại bỏ và giết chết, rồi sau ba ngày sẽ sống lại”. Đọc Tin mừng hôm nay, tôi coi lời này của Chúa Giêsu là lời chủ chốt, thiết yếu của cả đoạn Tin mừng, vì nó nói lên cách trọn vẹn nhất sứ mạng, vai trò của Chúa Kitô. Đó cũng chính là nền tảng căn bản của đời sống con người. Bởi giống như Chúa Kitô, không ai là không nếm trải thập giá đời mình.
Năm 1991, tại Mỹ người ta đã viết một cuốn sách mang tên “Cái ngày người Mỹ nói lên sự thật” sau khi đã thăm dò dân chúng Mỹ bằng một câu hỏi: “Nếu có mười triệu đô, bạn sẽ làm gì?”. Kết quả thăm dò làm chúng ta kinh ngạc: có đến 25% người được hỏi đã trả lời: “Nếu có tiền, tôi sẽ bỏ nhà thờ, bỏ đức tin” . Đọc được câu trả lời trên đây, những tâm hồn thiện chí không khỏi không đau lòng. Bởi hình như đối với người đam mê vật chất, Thiên Chúa chỉ là “đồ phế thải”. Họ thay thế Thiên Chúa, Đấng mà tất cả mọi người, không trừ ai, đều phải tôn thờ, bằng đồng tiền. Đồng tiền trở nên chúa của họ. Họ cần tiền chứ không phải cần Chúa…
Giữa lúc thế giới đua đòi, cạnh tranh nhau, hơn thua nhau về vật chất, chúng ta lại nghe Chúa Giêsu dạy về ý nghĩa sứ mạng của Người: “ Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ mục, các thượng tế, các luật sĩ loại bỏ và giết chết, rồi sau ba ngày sẽ sống lại”. Sứ mạng đó cũng là cái giá phải trả cho tất cả những môn đệ muốn theo Người, trung thành với đường lối giáo huấn của Người. Bởi thánh giá mà Chúa chấp nhận thế nào, chúng ta cũng được mời gọi nên giống Chúa, chấp nhận thánh hóa chính mình bằng chính thánh giá đời mình như thế. Hãy nhớ rằng, ý nghĩa đích thật của đời người chỉ có nơi Thiên Chúa, nơi Chúa Kitô, nơi thánh giá cứu độ mà Chúa Kitô đã thực hiện, chứ không phải của cải vật chất. Bởi tất cả những vật chất rồi sẽ qua đi, sẽ tan như bọt nước xà bông. Chỉ có Chúa Kitô và thánh giá mà người tín hữu tin nhận mới tồn tại. Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từng chịu cám dỗ. Chúa hiểu sự yếu ớt của phận người chúng con trước những cạm bẫy thế gian giăng mắc mời mọc. Xin nâng đỡ chúng con, để chúng con trung thành theo Chúa. Xin đồng hành với chúng con, để chúng con không cô đơn, không vấp váp, không dễ bỏ cuộc. Amen.
#GiaoPhanBaRia #GPBR #SuyNiemHangNgay #SuyNiemLoiChuaHangNgay #MuaThuongNien