03.02.2023 – Thứ Sáu Tuần IV Thường Niên
Lời Chúa: Mc 6, 14-29
Khi ấy, vua Hêrôđê nghe biết về Ðức Giêsu, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói: “Ðó là ông Gioan Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy, nên quyền làm phép lạ mới tác động nơi ông.” Ðó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ”. Kẻ khác nói: “Ðó là ông Êlia”. Kẻ khác nữa lại nói: “Ðó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ”. Vua Hêrôđê nghe thế, liền nói: “Ông Gioan, ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy!” Số là vua Hêrôđã sai đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hêrôđia, vợ của người anh là Philípphê, mà ông Gioan lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” Bà Hêrôđia căm thù ông Gioan và muốn giết ông, nhưng không được. Thật vậy, vua Hêrôđê nể sợ ông Gioan vì biết ông là người công chính thánh thiện; vua che chở ông. Khi nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe. Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hêrôđê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê. Con gái bà Hêrôđia vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con”. Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?” Mẹ cô nói: “Ðầu Gioan Tẩy Giả”. Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm”. Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, và khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.
Suy niệm:
Như mọi con người khác ở trên đời, con người của Hêrôđê bị giằng co giữa cái xấu và cái tốt. Vấn đề là ông ta sẽ ngả theo cái nào. Hêrôđê biết Gioan là người công chính thánh thiện nên sợ ông. Hêrôđê đã bảo vệ che chở cho Gioan và thich nghe ông nói, dù những điều đó làm Hêrôđê hết sức bối rối (c. 20). Nhưng Hêrôđê cũng là người đã sai bắt Gioan và xiềng ông trong ngục, chỉ vì Gioan dám nói: “Nhà vua không được lấy vợ của anh mình.” Rõ ràng cái ác trong Hêrôđê đã thắng cái thiện, cái xấu đã thắng cái tốt. Hêrôđê thuộc loại người “nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận, nhưng không đâm rễ, mà là những kẻ nông nổi nhất thời…” (Mc 4, 16-17). Chính vì thế khi gặp thử thách thì ông vấp ngã ngay. Hêrôđê còn quỵ ngã một lần nữa nặng hơn.
Ngày sinh nhật của ông cũng là ngày chết của một vị ngôn sứ. Khi con gái bà Hêrôđia biểu diễn một điệu múa làm vui lòng mọi người, Hêrôđê đã lỡ thề hứa một điều thiếu khôn ngoan, trước mặt bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được” (c. 23). Không biết lúc đó Hêrôđê đã say chưa, nhưng chắc chắn nhà vua đã quên một điều quan trọng. Ông quên mình chỉ là một tiểu vương nắm vùng Galilê và Pêrê (Lc 3,1), nên ông không có quyền cho đất hay chia đất. Bà Hêrôđia đã không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này để trả thù Gioan. Bà nói với cô con gái xin đầu Gioan Tẩy giả (c. 24). Hẳn điều này là một bất ngờ lớn đối với Hêrôđê . Lập tức ông bị đặt vào thế giằng co xâu xé. Một mặt ông hết sức đau buồn vì quý mạng sống của Gioan. Mặt khác ông lại không muốn thất hứa với cô bé, một lời hứa đã trót nói ra công khai trước mặt quan khách dự tiệc. Hêrôđê có dám chịu đánh mất chút danh dự của mình không khi khiêm tốn xin rút lại lời thề hứa vội vàng, bồng bột? Ông có dám nhận mình đã sai và chịu mất mặt không? Tiếc quá! Hêrôđê đã không có được can đảm này. Như người thanh niên giàu có buồn rầu bỏ đi (Mc 10, 22), Hêrôđê cũng sẽ buồn suốt đời vì cái chết do ông gây ra. Như Hêrôđê, sau này Philatô cũng chịu áp lực khi ông xử án Đức Giêsu. Ông cũng phạm đúng tội của Hêrôđê trước đám đông (Mc 15, 15), coi ghế ngồi của mình quý hơn mạng sống của Đức Giêsu, người vô tội.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện: Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi mọi biển lận tầm thường. Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên để gánh chịu mọi buồn vui. Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang để đem tình yêu gánh vác việc đời. Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó, hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy. Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày. Và cho tôi sức mạnh tràn trề để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn.
(R. Tagore – Ðỗ Khánh Hoan dịch)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. (Mc 6,26-27)
Câu chuyện minh họa:
Một học sinh người Nhật là Kitô hữu duy nhất trong ngôi trường có 150 học sinh. Trước mỗi bữa ăn, em thường mạnh dạn làm dấu Thánh Giá và đọc kinh. Các học sinh đến tố cáo với thầy giáo là em có “hành vi ma thuật”. Nghe thấy thế, thầy gọi em lên đứng giữa lớp và hỏi xem em đã làm gì. Em thẳng thắn nói rằng, em chỉ cám ơn Chúa đã ban cho lương thực hàng ngày. Nghe vậy, thầy giáo gục xuống bàn, nước mắt ràn rụa nói: “Này con, ta cũng là Kitô hữu, nhưng ta không can đảm tỏ ra cho mọi người biết. Giờ thì cám ơn Chúa, ta đã biết là Kitô hữu, mình phải làm gì”.
Suy niệm:
Một hành vi tuyên xưng đức tin đã làm thay đổi và thức tỉnh tâm hồn của một con người. Dù em bé người Nhật này biết rằng xung quanh em chỉ có mình em là Kitô hữu mà thôi, nhưng em đã can đảm tuyên xưng niềm tin của mình.
Gioan Tẩy Giả là hình ảnh của người công chính, ông đã thi hành trách vụ ngôn sứ một cách can đảm chứ không vì quyền lực mà không dám nói sự thật. Ông thi hành ý Chúa bất chấp mọi khó khăn. Ông đã bị bắt bớ vì Chúa và bị lên án tử. Thế nhưng ông là người được Chúa coi là cao trọng nhất trong các con cái loài người. Ông cũng là hình ảnh báo trước của Chúa Giêsu, Đấng bị bắt bớ và bị chết nhục nhã trên Thánh giá.
Muốn theo Chúa hôm nay chúng ta không có con đường nào khác. Và càng chịu khổ, chịu bắt bớ thì chúng ta lại càng phải vui mừng vì được nên giống Chúa Kitô hơn. Nhưng thực tế, chúng ta thường muốn loại trừ những ai động chạm đến cuộc sống hay sự an toàn của bản thân.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết can đảm làm chứng cho niềm tin của mình, vì chính Chúa đã dùng cái chết của mình để bảo đảm cho niềm tin của chúng con.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Trình thuật Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy hai nhân vật đối lập nhau, với hai chọn lựa cũng rất khác biệt nhau. Đó là vua Hêrôđê và Gioan Tẩy Giả.
Ngay từ câu đầu tiên, trình thuật Tin mừng hôm nay diễn tả: “Vua Hêrôđê nghe biết về Đức Giêsu”. Và vua nhầm tưởng rằng Đức Giêsu là ông Gioan Tẩy Giả đã từ cõi chết trỗi dậy: Ông Gioan, ta đã cho chém đầu, chính ông đã chỗi dậy! Và rõ ràng, vua Hêrôđê làm điều dữ và ông bị dày vò bởi điều dữ, cái nhìn của ông bị chi phối tất yếu bởi điều dữ ông đã làm. Như thế, không phải sự thiện dùng phương tiện của sự dữ, là bạo lực và sức mạnh, chống lại sự dữ, nhưng sự dữ sẽ tự hủy diệt sự dữ, như lời Thánh vịnh loan báo: “Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài, còn con đây, thì được thoát khỏi” (Tv 141,10).
Vua Hêrôđê loại trừ một Gioan Tẩy Giả thì lại có một “Gioan Tẩy Giả” khác xuất hiện. Như thế, sự thiện, ánh sáng và chân lý không thể bị loại trừ bởi bạo lực, nghĩa là bởi sự dữ, bóng tối và dối trá.
Đức Giêsu không phải là Gioan Tẩy Giả sống lại, nhưng Người là Đấng mà Gioan loan báo, Người là niềm hi vọng của ông, là sự sống lại của ông. Thật vậy, nơi mầu nhiệm Vượt qua, Đức Giêsu sẽ bị giết chết cách bất công như Gioan, nhưng Người mạnh hơn sự chết, Người sẽ phục sinh và làm cho mọi người phục sinh, trong đó có thánh Gioan.
Ngược lại với chọn lựa sai lầm của Hêrôđê, chúng ta nhận ra lựa chọn đúng đắn, và gương chứng nhân của Gioan Tẩy Giả. Và chính sai lầm của vua Hêrôđê đã làm cho chúng ta nhận ra rằng cả cuộc đời của thánh Gioan, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết, gắn bó biết bao với Đức Giêsu, với sự sinh ra, sự sống, sự chết và sự sống lại của Người. Thật vậy, thánh Gioan đã loan báo và chuẩn bị cho Đức Kitô ngự đến, trong cách mình được cưu mang và được sinh ra và bằng cả cuộc đời của mình, như chính ông Dacaria, cha của Gioan, đã tiên báo:
“Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,
bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ
là tha cho họ hết mọi tội khiên” (Lc 1,76-77)
Như thế, lựa chọn đúng đắn của Gioan là loan báo Đức Kitô cho đến chết và bằng chính cái chết của mình. Thánh Gioan chuẩn bị đường đi cho Đức Giêsu một cách hoàn hảo bằng chính cái chết của mình, đúng hơn là bằng chính cách mình bị giết chết.
Ơn gọi của thánh Gioan cũng chính là ơn gọi của chúng ta, với tư cách là Kitô hữu, đó là ơn gọi, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết cũng gắn liền với Đức Giêsu Kitô: lúc sinh ra, phép rửa làm chúng ta trở thành Kitô hữu, nghĩa là môn đệ của Đức Kitô; trong hành trình làm người, chúng ta đi theo Đức Kitô trong một ơn gọi; và khi chết, chúng ta cũng sẽ cùng chết với Đức Kitô để được sống lại với Người, như chính phép rửa đã loan báo. Vấn đề là chúng ta có nhận ra và đón nhận như một ơn huệ, một mối phúc hay không. Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban ơn nâng đỡ và giúp chúng con luôn biết chọn lựa đúng đắn theo cách của Gioan đã chọn, qua những hy sinh, bác ái và bằng đời sống chứng nhân cho Chúa trong mỗi giây phút cuộc đời mình. Amen.
#GiaoPhanBaRia #GPBR #SuyNiemHangNgay #SuyNiemLoiChuaHangNgay #MuaThuongNien