02.02.2023 – Thứ Năm Tuần IV Thường Niên: Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thánh
LỜI CHÚA: Lc 2,22-40
Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Và này đây, tại Giêrusalem, có một người tên là Simêon. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Ðấng Kitô của Ðức Chúa. Ðược Thần Khí dun dủi, ông lên Ðền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ítraen Dân Ngài.
Cha mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêon vừa nói về Người. Ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra.”
Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là Anna, con ông Pơnuen, thuộc chi tộc Ase. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Ðền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ gặp ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem.
Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là Nadarét, miền Galilê. Còn Hài Nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
SUY NIỆM:
Sau khi sinh Hài Nhi Giêsu bốn mươi ngày, Đức Maria phải chịu thanh tẩy để được phép tham dự các lễ nghi. Bà mẹ mới sinh con phải vất vả đi đoạn đường xa để lên Đền Thờ. Bà không đi một mình, nhưng đi với chồng và đứa con hơn tháng tuổi. Đây là chuyến đi lên Đền Thờ đầu tiên của cả gia đình. Đền Thờ là nơi Thiên Chúa hiện diện trên trần gian. Con Thiên Chúa lần đầu tiên đến Nhà Cha của Ngài. Giây phút Thánh Gia có mặt ở khuôn viên Đền Thờ là giây phút Thánh Thần mặc khải về Hài Nhi cho hai vị ngôn sứ. Simêôn và Anna vui sướng vì gặp thấy Đấng mà mình chờ đợi. Họ nhận ra Ngài là “vinh quang cho dân Ítraen”, và là “ánh sáng và ơn cứu độ cho muôn dân tộc” (Lc 2,31-33). Maria mang theo lễ vật cần cho việc thanh tẩy chính mình, đó là hai con bồ câu non: một làm lễ toàn thiêu, một làm lễ tạ tội. Thật ra lễ vật của đôi vợ chồng không phải chỉ là đôi bồ câu. Họ mang theo một lễ vật quý hơn nhiều, đó là cậu con trai đầu lòng. Họ biết tất cả các con đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa, vì chính Ngài đã chỉ đánh phạt các con đầu lòng của Ai-cậpvà tha cho các con đầu lòng của Ítraen (Ds 3,13).
Nhưng Hài Nhi Giêsu không phải là con đầu lòng bình thường. Maria và Giuse biết người con mình đang bồng ẵm là ai. Đây là Đấng Kitô của Đức Chúa (Lc 2,26), Đấng mà Maria đã thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần (Lc 1,35). Đây là quà tặng của Đức Chúa cho dân Ítraen, và cho Thánh Gia. Khi lên Đền Thờ, Giuse và Maria muốn dâng lại cho Đức Chúa quà tặng tuyệt vời này. Ông bà không muốn giữ Người Con này cho riêng mình.
Người Con này thuộc về Đức Chúa và mãi mãi thuộc về Đức Chúa.
Tin Mừng Luca không nói rõ chuyện ông bà chuộc Giêsu bằng một số bạc nhỏ, để giữ Giêsu làm con của mình (Ds 3,46-47), nhưng lại nhấn mạnh chuyện ông bà dâng Con cho Đức Chúa. Tuy dâng con trai đầu lòng không phải là một luật buộc, nhưng ông bà muốn làm vì lòng kính mến Chúa, và cả hai đã muốn sống lễ dâng này suốt đời mình. Mẹ Maria đã không rút lại Người Con mình dâng cho Chúa. Giêsu được tự do để sống như một lễ vật cho Cha. Năm mười hai tuổi, Giêsu đã ở lại Đền Thờ, nhà Cha của Cậu. Khi quá tuổi ba mươi, Đức Giêsu đã lên đường đi sứ vụ Để lại người mẹ ở nhà, không ai chăm nom. Khi Con bị đóng đinh trên thập giá, dâng mình như lễ vật lên Cha, Mẹ cũng dâng lễ vật là chính Người Con đang hấp hối của mình. Những gì cụ Simêôn nói hôm nay ở Đền Thờ, rồi Mẹ sẽ thấy được ứng nghiệm trọn vẹn (Lc 2,34-35). Con Mẹ sẽ bị người đời chống báng, có nhiều người bị té ngã và nhiều người được đứng lên. Dưới chân thánh giá, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Mẹ. Nỗi đau của Con Mẹ, Mẹ mang tất cả vào mình. Khi Đức Giêsu gục đầu, việc dâng Con của Mẹ mới được hoàn tất.
Trong lễ Thánh Tẩy, cha mẹ cần dâng con cho Chúa, và mong con mình được thánh hiến để thuộc trọn về Chúa. Cả cuộc đời làm cha mẹ, nhiều lần phải làm lại việc dâng hiến này, lắm khi trong nước mắt, lắm khi trong bóng đêm, nhưng luôn tín thác, dù không hiểu hết kế hoạch của Chúa.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, Xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ trí hiểu, Và trọn cả ý muốn của con, Cùng hết thảy những gì con có, Và những gì thuộc về con. Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, Lạy Chúa, nay con xin dâng lại Chúa. Tất cả là của Chúa, Xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa. Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng, Được như thế, là đủ cho con.
(Kinh Dâng Hiến của Thánh Inhaxiô Loyola)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh dành cho Chúa.” (Lc 2,23)
Câu chuyện minh họa:
Người dân của một vùng cao nguyên nọ có tục lệ rất đẹp. Hằng năm cứ mỗi độ xuân về, mọi người già trẻ lớn bé đều tham dự vào một cuộc thi đua tìm bông hoa đầu tiên của mùa xuân. Ai tìm thấy và hái được bông hoa ấy sẽ được xem là người may mắn nhất trong năm.
Một năm nọ khi tuyết đông vừa tan, mặt trời xuân ló rạng, mọi người trong làng đều kéo nhau ra rừng tham gia vào cuộc thi. Một buổi sáng trôi qua mà chưa có ai tìm thấy một bông hoa đầu xuân nào. Giữa lúc mọi người đang chán nản định bỏ cuộc, thì trên một triền núi cao, người ta bỗng nghe vọng cuống một tiếng la mừng rỡ: “tôi đã tìm thấy”.
Thì ra đó là tiếng reo hò của một cậu bé nhỏ nhất trong làng. Tất cả mọi người già cả lớn bé, đàn ông đàn bà đều chạy lên triền núi chia sẻ niềm vui của cậu bé. Thế nhưng không may cho cậu, vì cánh hoa lại nằm kẹt trong một khe đá mãi dưới vực sâu. Muốn được xem là người may mắn nhất trong năm, chính cậu phải là người đích thân hái cánh hoa. Tất cả mọi người tham dự cuộc thi đều mong muốn cho cậu bé được vinh dự ấy. Năm đàn ông lực lưỡng nhất trong làng liền mang dây thừng đến để giúp cậu bé leo xuống vực. Nhưng cậu bé oà khóc lớn tiếng. Cậu muốn được cánh hoa nhưng lại không dám leo xuống vực sâu. Mặc cho mọi người cố gắng thuyết phục cậu vẫn cứ khóc.
Người ta lại mang đến một dây thừng khác chắc chắn hơn. Và lần này tất cả trai tráng trong làng đều được động viên đến để giúp cậu bé hái cho bằng được cánh hoa. Đám đông bao quanh cũng hết lời cổ võ. Nhưng vô vọng, không một sức mạnh nào có thể thuyết phục được cậu bé. Thế rồi, như một phép lạ, người ta bỗng thấy cậu bé đưa tay lên lau nước mắt và nói một cách quả quyết: “Tôi sẽ leo xuống vực sâu, với điều kiện để cho ba tôi nắm dây thừng”.
Suy niệm:
Đức Maria và thánh Giuse cũng đến dâng Chúa Giêsu cho Thiên Chúa như luật dạy. Việc làm này mang ý nghĩa: Ngài là ánh sáng đến soi đường cho muôn dân, và là món quà quý giá nhất mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Ngày lễ Dâng Chúa Giêsu vào đền thánh còn được gọi là lễ Nến. Và chính Chúa Giêsu là ngọn nến luôn cháy sáng trong tâm hồn những ai yêu mến Người.
Lạy Chúa, xin cho con biết gìn giữ tâm hồn luôn trong sáng để con xứng đáng thuộc về Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Việc dâng Chúa Giêsu vào đền thánh là một hành vi theo luật Môsê, và dưới con mắt người đời thì đây là một việc làm bình thường đối với tất cả các phụ nữ Do Thái sau khi sinh. Vì theo luật Môsê, người phụ nữ sau khi sinh bị coi là ô uế không được bước vào đền thờ, và sau 40 ngày nếu là sanh con trai, và 80 ngày nếu là sanh con gái, thì phải đến đền thờ để cử hành việc thanh tẩy. Ngoài ra, việc dâng con đầu lòng là để nhắc lại biến cố Thiên Chúa cứu dân Do Thái khỏi ách nô lệ Ai Cập qua việc giết chết các con trai đầu lòng của dân Ai Cập.
Thế nhưng trong cái nhìn của lịch sử cứu độ, biến cố dâng Chúa Giêsu vào đền thánh được hiểu là biến cố của cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với dân Người, và qua đó gặp gỡ với nhân loại. Đấng Mêsia đến trong đền thánh và gặp gỡ với dân của giao ước cũ qua ông Simeon và bà Anna, những người hằng trung tín trông chờ lời hứa cứu độ.
Mọi biến cố xảy đến trong cuộc đời chúng ta thường phân định bởi cái nhìn “hên xui may rủi”. Thế nhưng, cuộc đời không là một cuộc chơi, nhưng là một ân huệ Thiên Chúa tặng ban cho từng người. Qua ân huệ này, chúng ta được mời gọi dự phần vào cuộc sống vĩnh hằng với Thiên Chúa. Để chuẩn bị cho sự sống viên mãn, Thiên Chúa đã và đang đến gặp gỡ với chúng ta trong từng biến cố của cuộc đời. Những cuộc gặp gỡ là những lời mời gọi dấn thân, và củng cố niềm hy vọng vào sự sống mà Chúa đã hứa trao ban cho những kẻ tin vào Người.
Chúng ta chỉ có thể đọc được sự gặp gỡ Thiên Chúa trong các biến cố với một tâm hồn ngay thẳng, hằng trông chờ ngày chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa. Một tâm hồn như thế chỉ có thể có được khi chúng ta khước từ lời mời gọi của những chủ nghĩa thế tục, coi cuộc sống tạm bợ này là cùng đích. Lời mời gọi này luôn làm cho chúng ta hiểu sai lạc về ân huệ của sự sống, để rồi hoặc chúng ta rơi vào một trạng thái hưởng thụ chủ nghĩa, luôn tìm kiếm những khoái lạc, đam mê trần thế, đánh mất lương tâm, sống ích kỷ… hoặc chúng ta rơi vào khoảng trống thất vọng, bi quan, từ đó nảy sinh lòng thù hận, ghen ghét…
Cuộc đời không là một trò chơi may rủi, hên xui, nhưng là ân huệ của Thiên Chúa, do đó chúng ta phải luôn tôn trọng sự sống này. Vì là ân huệ của Thiên Chúa, nên chính trong thân xác đã có sự hiện hữu của sự sống vĩnh cửu. Cho nên chúng ta phải giữ gìn sự sống qua việc tôn trọng thân xác. Chúng ta không biến thân xác trở thành phương tiện để phục vụ cho những sở thích ích kỷ, những đam mê hư hèn của chúng ta. Thân xác là đền thờ của Thiên Chúa, hãy tôn trọng đền thờ này. Thân xác là điểm hẹn của những cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Thiên Chúa, do đó phải loại trừ ra khỏi thân xác những gì làm cản trở cuộc gặp gỡ này. Có như thế chúng ta sẽ nhận ra cuộc sống này quả thật là một ân huệ lớn lao. Và như thế chúng ta đã chiêm ngưỡng được Thiên Chúa ngay chính trong đời sống tạm bợ này.
Lạy Chúa, xin dâng lên Chúa cuộc đời của chúng con, vì chính Chúa là chủ của sự sống. Xin giúp chúng con luôn biết khám phá sự sống đích thật trong chính cuộc đời tạm bợ này, để chúng con không ngừng bảo vệ cuộc sống này bằng việc siêng năng đến với Chúa và khước từ những lời mời gọi thế trần. Xin Chúa thương đến và làm chủ lấy cuộc đời của chúng con. Amen.
#GiaoPhanBaRia #GPBR #SuyNiemHangNgay #SuyNiemLoiChuaHangNgay #MuaThuongNien