18.01.2023 – Thứ Tư Tuần II Thường Niên
Lời Chúa: Mc 3, 1-6
Khi ấy, Đức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy ngày sabát không, để tố cáo Người. Đức Giêsu bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây!” Rồi Người nói với họ: “Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” Nhưng họ làm thinh. Đức Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Đức Giêsu.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay là cao điểm của năm cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu với các kinh sư hay người Pharisêu (Mc 2, 1-3, 6). Đó là các cuộc tranh luận về quyền tha tội của Đức Giêsu, về chuyện Ngài ăn uống với người thu thuế, chuyện môn đệ không ăn chay, chuyện môn đệ bứt lúa ngày sabát, và cuối cùng là chuyện Ngài chữa bệnh. Trong hội đường, vào một ngày sabát, một người có bàn tay bị teo đi dự lễ. Các người Pharisêu rình xem Đức Giêsu có chữa cho anh ấy không. để có cớ tố cáo Ngài. Đức Giêsu chủ động đưa âm mưu của họ ra ánh sáng. Ngài muốn công khai hóa và chính thức hóa việc làm của mình, bởi vậy Ngài mới nói với người bị tật rằng: “Anh hãy trỗi dậy ra giữa đây!” Như thế mọi người trong hội đường đều thấy được anh. Rồi Ngài đặt câu hỏi với các người đang rình rập Ngài về điều được phép làm trong ngày sabát: được làm điều tốt hay điều xấu, cứu sống hay giết chết? Câu trả lời tưởng như quá rõ ràng,nhưng ta nên nhớ rằng chữa bệnh ngày sabát bị coi như lao động. Chỉ được chữa bệnh ngày sabát khi đó là một bệnh nguy tử. Anh bại tay không phải là người lâm cơn bệnh nguy tử. Nếu hoãn lại đến ngày mai mới chữa anh, thì có vẻ cũng chẳng sao. Nhưng Đức Giêsu đã không chấp nhận sự trì hoãn này. Đối với Ngài, làm điều tốt là chữa ngay cho anh. Ngài không đợi anh ấy gần chết mới cứu sống. Cứu sống là cho con người được sống hạnh phúc dồi dào hơn. Một bàn tay héo khô, teo tóp, bại liệt, một bàn tay đàn ông chẳng còn làm việc được, chẳng còn tự phục vụ được, một bàn tay đã chịu tật nguyền như thế từ bao giờ, theo Đức Giêsu, bàn tay ấy phải được chữa lành ngay khi có thể.
“Hãy giơ tay ra!” Người ấy đã giơ tay ra và tay anh trở lại bình thường. Giơ tay ra là điều trước kia anh mong muốn mà không làm được. Bây giờ anh có thể giơ tay để nắm lấy một bàn tay khác, và cảm được sự ấm áp chân thành của tình bạn. Có bao nhiêu bàn tay, dù không bại liệt, nhưng chẳng bao giờ bình thường vì chẳng bao giờ dám đưa ra để trao và để nhận, để nắm và để buông. Trước sự thinh lặng chai đá của các kẻ chống đối, Đức Giêsu vừa giận vừa buồn (c.5). Ngài chấp nhận trả giá cho quyết định của mình. Ngài đã chữa bệnh chỉ bằng một lời nói, chứ không bằng đụng chạm. Thế nên theo Luật Môsê, Ngài vẫn không bị coi là đã vi phạm ngày sabát.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau để làm thành một vòng tròn khép kín. Sau đó chúng con hiểu rằng cần phải buông tay nhau để nhận những người bạn mới, để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng và trái tim được lớn lên mãi. Lạy Chúa, chúng con biết rằng cần phải nối vòng tay lớn xuyên qua các đại dương và lục địa. vòng tay người nối với người, vòng tay con người nối với Tạo Hóa. Chúng con thích Chúa đứng chung một vòng tròn với tất cả loài người chúng con, nắm lấy tay chúng con và đưa chúng con lên cao. Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau và nhận nhau là anh em.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Ngày sabat được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” (Mc 3,4)
Câu chuyện minh họa:
Người ta kể lại rằng thánh Antôn ẩn tu đã tìm đến gặp một người thợ giày, vì nghe đồn rằng người thợ giày này có một đời sống đạo đức lạ thường. Ðể hỏi đâu là bí quyết để nên thánh, người thợ giày đáp gọn: “Tôi chỉ biết đóng giày”.
Ngạc nhiên vô cùng, thánh Antôn hỏi vặn lại: “Nếu chỉ có thế thì làm sao mà gọi là thánh thiện được. Tôi đây, tôi tưởng nghĩ đến Chúa từng phút giây. Ông có bí quyết gì khác nữa không?”. Người thợ giày giải thích: “Tôi làm việc 8 giờ, cầu nguyện 8 giờ và ngủ nghỉ 8 giờ”.
Thánh Antôn vẫn chưa cho đó là cuộc sống lý tưởng. Ngài cho biết, ngài cầu nguyện từng phút giây. “Vậy ông sống đức khó nghèo như thế nào?”. Người thợ giày bảo: “Tôi cho Giáo hội một phần ba của cải của tôi, một phần ba tôi bố thí cho người nghèo và một phần ba tôi giữ lại cho tôi”. Thánh Antôn chưa cho đó là bí quyết nên thánh trọn hảo, bởi vì chính ngài đã phân phát tất cả của cải của ngài cho Giáo hội và người nghèo…
Thánh nhân vặn hỏi mãi, cuối cùng người thợ giày mới khai ra bí quyết của ông như sau: “Mặc dù tôi phân phát một phần ba tiền lương của tôi cho người nghèo, nhưng đêm ngày tôi không ngủ yên được khi tôi nhìn thấy cảnh nghèo xung quanh tôi, đến độ tôi đã thưa với Chúa: Chúa ơi, thà để con đi hỏa ngục còn hơn nhìn thấy những người khốn khổ này phải triền miên trong cảnh nghèo đói…”.
Nghe đến đó, thánh Antôn đã bỏ ra về. Ngài chợt hiểu rằng ngài chưa đủ thánh thiện như người thợ giày này đến độ dám hy sinh tất cả chỉ vì người nghèo.
Suy niệm:
Chúa Giêsu đặt họ trước vấn đề nan giải để họ kết luận xem cần phải làm điều lành hay điều dữ, giết người hay cứu người. Nhưng họ chỉ biết làm thinh, họ khép kín tâm hồn trước người anh em đang gặp khó khăn. Chúa Giêsu trong thân phận con người, Ngài cũng cảm nhận được những nỗi đau của con người, và Ngài đã giải thoát họ qua việc chữa lành bệnh. Ngài đã mặc cho ngày sabat một ý nghĩa: ngày của niềm vui, sự giải thoát và ngày của tình bác ái yêu thương.
Lạy Chúa, xin cho tâm hồn con luôn rộng mở trước những khó khăn của anh chị em con.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Bài Tin mừng này cùng với 3 bài trước, lại tiếp tục cho chúng ta thấy được những sự đối chọi giữa Chúa Giêsu và người biệt phái về ngày Sabat. Qua việc chữa lành người bại tay ngày Sabat, Chúa Giêsu cho thấy đó không chỉ là ngày để thờ phượng Thiên Chúa, mà còn là để thi hành tình bác ái với anh em nữa.
Quan điểm của Chúa Giêsu và nhóm biệt phái về việc giữ đạo nói chung, giữ ngày Sabat nói riêng, quá đối nghịch nhau, khiến mâu thuẫn giữa họ và Người ngày càng lớn thêm. Từ đó, thay vì ngẫu nhiên gặp thấy rồi chê trách Chúa, họ lại còn tìm cách để rình và gài bẫy Người.
Với người biệt phái, họ thường rình xem Chúa Giêsu có “hành nghề” chữa bệnh trong ngày Sabat không để tố cáo Người lỗi luật (luật cấm hành nghề ngày Sabat); còn Chúa, Người muốn họ nghĩ đến lòng bác ái khi làm việc ngày Sabat: “Luật được đặt ra vì lợi ích con người”. Người buồn vì họ cứng lòng: thấy Người làm đúng, làm tốt thì họ làm thinh, không bắt bẻ được Người; thế mà vẫn không thay đổi suy nghĩ, lại còn tìm cách làm hại Chúa, giết Chúa.
Chúa Giêsu coi việc cứu giúp người hoạn nạn chính là “làm lành”, là “cứu sống” nên dù gặp chống đối, Chúa vẫn chữa người bại tay; ngược lại, thờ ơ trước nỗi khốn khổ của anh em khi có thể giúp họ chính là đang “làm dữ”, đang “giết chết”.
Đó đây giữa các cộng đoàn hay gia đình, thường có những người chống đối. Có người bản tính luôn chống đối mọi sự, chỉ “bàn ra” chứ không tìm cách xây dựng cho cộng đoàn hay gia đình. Có người chống đối vì đố kỵ ghen tuông: luôn cho ý kiến của mình là nhất, luôn giỏi hơn, đúng hơn người khác, đến độ thấy điều phải mà không theo, thấy điều tốt mà không công nhận, thậm chí còn phá hoại. Có người thì hễ thích ai thì dù dở cũng ủng hộ, không ưa ai thì có hay cũng chê bai, phản đối. Vậy tôi có thuộc những loại người đó không?
Giữa cộng đoàn ta đang sống, giữa những người chung quanh mà ta gặp gỡ hằng ngày, ta dễ giúp đỡ kẻ cần đến ta khi ta có cơ hội thuận tiện; ngược lại, khi phải khó khăn, phiền toái nhiều, ta dễ tìm cớ để thoái thác. Gương của Chúa mời gọi tôi cứu giúp tha nhân trong hoàn cảnh nào?
Khi thấy người khác lỗi phạm, gặp người dễ tính, ta còn muốn góp ý; gặp người ương bướng, cãi ngang, ta dễ mặc kệ họ chứ không tìm cách nào tốt nhất để góp ý cho họ. Vậy, tôi có ý thức rằng: để mặc người khác ngày càng đi sâu vào các nết xấu, là tôi đang “làm điều dữ”, đang “giết chết” họ không?
Ở đời, người ta thường muốn “xin được hai chữ bình an”, vì thế, lạy Chúa, xin giúp con luôn biết mở lòng ra trước lời mời gọi của Thánh Thần, để con giúp đỡ tha nhân, dù có phải hy sinh và phiền toái. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #SuyNiemHangNgay #SuyNiemLoiChuaHangNgay #MuaThuongNien