06.01.2023 – Thứ Sáu Trước Lễ Hiển Linh
Lời Chúa: Mc 1, 7-11
Khi ấy, ông Gioan rao giảng rằng: “Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần”. Hồi ấy, Ðức Giêsu từ Nadarét miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.
Suy niệm:
Sau khi mừng Lễ Chúa Hiển Linh cho các đạo sĩ dân ngoại, chúng ta mừng Đức Giêsu được hiển linh trên sông Giođan, dù theo Tin Mừng Máccô, cuộc hiển linh này chỉ mình Ngài biết. Nghe lời kêu gọi của Gioan từ hoang địa, bao người từ khắp nơi kéo đến thú tội và chịu phép rửa của ông. Phép rửa này nhằm bày tỏ lòng sám hối để được tha các tội (Mc 1, 4-5). Trong số những người xếp hàng chờ đến lượt mình, có Đức Giêsu, một ông thợ mộc từ vùng Nadarét. Đức Giêsu có thú tội với Gioan, và sám hối để được tha thứ không? Đức Giêsu có biết mình là Đấng cao trọng mà Gioan loan báo không? Chúng ta cần chiêm ngắm mầu nhiệm lạ lùng này thật lâu.
Hành vi công khai đầu tiên của Đức Giêsu là đứng chung với đồng bào, với tội nhân, là khiêm hạ để mình bị dìm xuống nước, hầu được thanh tẩy. Nhưng vào chính giây phút Ngài lên khỏi nước (c. 10) bất ngờ Ngài thấy trời cao mở ra: Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài, bất ngờ Ngài nghe tiếng Thiên Chúa nói riêng với mình : “Con là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con” (c. 11).
Đối với Đức Giêsu, đây thật là một mặc khải quan trọng. Thiên Chúa vén mở mối tương quan Cha-Con thân thiết, đồng thời ban Thần Khí để Thần Khí ở lại mãi với Đức Giêsu. Nơi dòng sông Giođan hôm đó, có sự hiển linh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đức Giêsu là Đấng vô tội, vì luôn làm đẹp lòng Cha, nhưng vẫn đến với Gioan để xin chịu phép rửa sám hối. Đức Giêsu là Đấng gần gũi với Thiên Chúa như Con với Cha, nhưng cũng gần gũi với anh em của mình. Những gì đã xảy ra ở sông Giođan, sẽ xảy ra mãi cho Đức Giêsu. Mỗi lần Ngài khiêm hạ dìm mình, xóa mình, hủy mình, là mỗi lần Ngài được nghe, được thấy Thiên Chúa mặc khải. Sau khi chấp nhận đi con đường thập giá (Mc 8, 31), Đức Giêsu được biến hình và được Cha tỏ mình trên núi (Mc 9, 2). Sau khi chấp nhận dìm mình trong cái chết nhục nhằn, Đức Giêsu đã được Cha phục sinh và nâng dậy. Có thể câu đầu tiên Chúa Cha nói với Ngài là: “Cha hài lòng về Con”. Cuộc sống người Kitô hữu cũng là liên tục dìm mình. Thánh Phaolô nói: khi được dìm vào nước lúc chịu phép thánh tẩy, chúng ta được dìm vào trong cái chết của Đức Giêsu (Rm 6,3). Chỉ ai chấp nhận bị dìm như thế, người ấy mới được sống đời sống mới. Đức Giêsu chịu phép rửa là mầu nhiệm đầu tiên của Năm Sự Sáng. Ánh sáng của Thiên Chúa chỉ bừng tỏa trên con người khiêm nhu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài. Xin tha thứ cho con vì đã quá bận tâm đến những điều mình nói, đến ảnh hưởng của mình, đến những điều người ta nói và nghĩ về con. Xin tha thứ cho con vì muốn nên giống kẻ khác mà quên mất chính mình, vì khao khát có được những đức tính của họ, mà quên phát triển bản thân. Xin tha thứ cho con vì đã mất nhiều thời gian cho việc phô trương hơn là cho việc xây dựng bản thân.
Xin cho con biết cởi mở với anh em; nhờ đó, Chúa có thể đến với con như đến với một người bạn. Và Chúa sẽ làm cho con trở nên “người” mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài vì con là con của Chúa và là anh em của mọi người.
(Michel Quoist)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.” (Mc 1,7)
Câu chuyện minh họa:
Trong một trại giam những người nô lệ ở Nam Mỹ, những người da đen ban ngày thì lam lũ làm việc quần quật trên nương mía, dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt, ăn không đủ no, bị hành hạ đánh đập như một đàn vật; ban đêm lại bị lùa vào giam trong trại như một đám tù nhân. Bỗng một đêm nọ một người trong bọn họ rỉ tai với những người chung quanh rằng một người da đen đang tìm cách để giải thoát họ. Dấu hiệu để nhận ra người đó là một cây Thánh Giá trên trán người ấy. Niềm hy vọng dâng trào trong tâm hồn của tất cả mọi người; mấy đêm liền họ không sao chợp mắt được, sống trong hồi hộp đợi chờ. Rồi giây phút đó đã đến: trong đêm khuya, một người da đen, đã đến, lẻn vào mở cửa và giải thoát họ, dẫn họ chạy, chạy suốt đêm và cuối cùng họ đã đến miền đất tự do. Rồi người da đen đó biến mất. Đêm hôm sau, sau một buổi nhảy múa vì niềm vui được tự do, mọi người an giấc thì bỗng một luồng ánh sáng giữa đêm khuya làm sáng rực cả cánh rừng nơi họ đang ngủ. Mọi người choàng tỉnh dậy, thì thấy Chúa Giêsu hiện đến với họ với cây Thánh Giá trên trán. Họ liền nhận ra người đã đến giải thoát cho họ chính là Chúa Giêsu.
Suy niệm:
Chúa Giêsu khi khởi đầu cuộc sống công khai của mình bằng việc chịu phép rửa tỏ lòng sám hối. Ngài là Đấng vô tội, Ngài đến để đưa nhân loại ra khỏi vùng tối tăm. Ngài từ bỏ địa vị, hòa mình vào dòng người tội lỗi để đứng ngang hàng với con người. Nhìn vào đó chúng ta thấy Ngài là Đấng quá khiêm tốn, Ngài cùng đi với con người trong hành trình sám hối để con người biết cúi mình trước tội lỗi của mình. Hành động ấy cũng mang đến cho mỗi người chúng ta một sứ điệp trong cuộc đời công khai của Ngài là mời gọi mọi người sám hối để được ơn cứu độ.
Lạy Chúa, xin cho con khiêm tốn để nhìn nhận tội lỗi mình mà sám hối, dám chấp nhận cắt tỉa đau đớn để lớn lên trong ơn Chúa mỗi ngày.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Phép rửa của Gioan dành cho những người hối tiếc về những lầm lỗi của mình và muốn bày tỏ lòng quyết định từ bỏ chúng, dứt khoát với chúng. Nhưng một phép rửa như thế thì liên hệ gì đến Chúa Giêsu? Người há không phải là Đấng vô tội, và một phép rửa như thế há không phải là hoàn toàn không cần thiết, không thích hợp với Người hay sao?
Chúa Giêsu không cần phải ăn năn tội, nhưng đây là lúc mà dân chúng cần quay về với Thiên Chúa, và với phong trào trở về đó, Người quyết định tự hòa mình vào. Có thể có người đang sống thoải mái dư giả, sung túc, nhưng nếu người ấy thấy dấy lên một phong trào có thể đem đến nhiều điều tốt đẹp hơn cho những kẻ nghèo khổ bị chà đạp, phải cư ngụ trong những căn nhà lụp xụp tồi tàn, phải lao động quá sức nhưng lại nhận những đồng lương quá ít ỏi, không có lý do gì để người ấy không chịu đến để hòa mình vào đó. Sự hòa mình thật sự có ý nghĩa khi một người tự hòa mình vào một phong trào không phải vì chính mình nhưng vì kẻ khác.
Bunyan là nhà truyền đạo nổi tiếng, trong một giấc chiêm bao, ông thấy mình đi đến một cung điện được canh giữ cẩn mật, đòi hỏi phải có một chiến trận để tìm đường vào. Tại cổng có một người ngồi, tay cầm bút mực để ghi tên những người dám tấn công, Trong lúc mọi người đang chùn lại thì ông thấy một người dung mạo cường tráng, tiến đến bên cạnh người đang cầm bút và nói “Thưa ông, xin hãy ghi tên tôi”. Khi thấy việc trọng đại trước mắt, ông bị buộc phải nói “Thưa ông, xin hãy ghi tên tôi”, và đó chính là điều Chúa Giêsu đã làm khi Người đến để chịu phép rửa.
Chẳng có ai nhẹ dạ bỏ nhà ra đi mà không biết mình đi đâu. Người ấy phải biết chắc chắn mình đã hành động đúng. Chúa Giêsu đã quyết định bắt đầu hành động và giờ đây, Người đang chờ đợi dấu ấn của sư chấp thuận về phía Thiên Chúa. Vào thời của Chúa Giêsu, dân Do Thái nói về điều họ gọi là Bath Qol có nghĩa là “con cái của tiếng gọi”. Bấy giờ, họ tin là có nhiều tầng trời, trên tầng cao nhất có Thiên Chúa ngự trong một vùng ánh sáng không một ai đến gần được. Thật là hiếm có những cơ hội mà các tầng trời mở ra và Thiên Chúa truyền phán. Theo họ, Thiên Chúa ở xa đến nỗi người ta chỉ nghe được tiếng phán của Ngài vọng lại từ nơi thật xa mà thôi. Với Chúa Giêsu tiếng phán hoàn toàn trực tiếp. Theo thánh Marcô kể, đây là một kinh nghiệm riêng của Chúa Giêsu chứ không mang ý nghĩa bày tỏ cho quần chúng. Tiếng từ trời không nói, “này là Con yêu dấu của Ta” như Matthêu đã ghi lại, nhưng phán thẳng với chính Người rằng “Ngươi là Con Yêu dấu của Ta”. Lúc chịu phép rửa, Chúa Giêsu đã quyết định phục tùng Thiên Chúa, và rõ ràng quyết định ấy được chấp thuận, không có nghi ngờ gì cả.
Bấy giờ, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người. Ở đây có ý nghĩa biểu tượng, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống như chim bồ câu đáp đậu. Hình ảnh dùng so sánh không phải là ngẫu nhiên. Chim bồ câu tượng trưng cho sự nhu mì. Cả Matthêu và Luca đều kể lại cho chúng ta cách truyền giảng của Gioan. Thông điệp của Gioan là thông điệp của chiếc búa đang đặt gần gốc cây, về việc luyện lọc khủng khiếp, về ngọn lửa thiêu rụi. Đó là một thông điệp cấp báo sự tàn hại, hủy diệt, chứ không phải một thông điệp của những tin tức vui mừng. Nhưng ngay từ đầu, bức tranh về Chúa Thánh Thần được ví sánh với chim bồ câu là một bức tranh nhu mì, hiền hậu, Ngài sẽ chiến thắng nhưng chiến thắng ấy sẽ là chiến thắng của tình yêu thương.Lạy Chúa, xin cho con được làm con yêu dấu của Chúa. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaGiangSinh