24.12.2022 – Thứ Bảy Tuần IV Mùa Vọng
Lời Chúa: Lc 1, 67-79
Khi ấy, ông Dacaria, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: “Chúc tụng Ðức Chúa là Thiên Chúa Israel đã viếng thăm cứu chuộc dân Người. Từ dòng dõi trung thần Ðavít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta, như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa: sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên và nhớ lại lời xưa giao ước; Chúa đã thề với tổ phụ Ápraham rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người, mà phụng thờ Người suốt cả đời ta. Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Ðấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên. Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Ðông tự chốn cao vời viếng thăm ta. Soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tối tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an.”
Suy niệm:
Sau hơn chín tháng bị câm, khi Gioan đã sinh được tám ngày, lời nói đầu tiên của ông Dacaria là một bài ca chúc tụng. Ông chúc tụng Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel vì Ngài đã viếng thăm và cứu chuộc dân Ngài (c. 68). Mọi việc Thiên Chúa sắp làm cho đoàn dân riêng được gói gọn trong một động từ rất đơn sơ: viếng thăm. Thiên Chúa đi thăm dân Ngài để cứu độ và ban ơn tha tội (c. 77). Gioan, con của ông, được hân hạnh là người đi trước mở đường (c. 76). Dacaria vui vì niềm vui của cả dân tộc và của riêng gia đình ông. Thiên Chúa đi thăm dân qua Đức Giêsu, Người Con Một. Đó là Vị Cứu Tinh quyền thế đến từ dòng dõi Đavít (c. 69). Do lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa, Đấng Mêsia đã được sai đến như Vừng Đông tự chốn cao vời (c. 78). Vừng sáng này đến thăm những ai ngồi trong bóng tối sự chết và đưa dắt dân Ngài vào con đường bình an (c. 79). Bình an là được giải thoát khỏi tay kẻ thù (c. 71), khỏi tội lỗi (c. 77), là được tự do phụng thờ Thiên Chúa trên quê hương (cc. 74-75). Cả đời sống Đức Giêsu là một cuộc viếng thăm của Thiên Chúa. Đây là cuộc viếng thăm độc nhất vô nhị, vì là cuộc viếng thăm của đích thân Con Thiên Chúa. Ngài không chỉ thăm như người khách ghé qua. Ngài đã thăm và ở lại, dựng lều cư ngụ với loài người (Ga 1, 14). Khi Đức Giêsu hoàn sinh người con của bà góa thành Nain, đám đông reo lên: Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài (Lc 7, 16). Nhưng trong thực tế dân Ngài đã khước từ cuộc thăm viếng ấy.
Ngôi Lời đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận (Ga 1, 11). Mãi mãi con người có tự do để ở lại trong bóng tối và sự chết, và cũng có quyền khước từ bình an thật của trời cao (Lc 19, 42). Giêrusalem đã bị sụp đổ vào năm 70 dưới tay kẻ thù, vì đã từ khước sự thăm viếng chở che của Thiên Chúa (Lc 19, 44). Đó là một bi kịch và hơn nữa, là một thảm kịch. Tiếc thay thảm kịch ấy vẫn tiếp diễn trên thế giới. Hôm nay Thiên Chúa từ ái, bao dung vẫn đến thăm con người, và nhiều người trong chúng ta vẫn giữ thái độ chối từ, khép kín. Ơn cứu độ, ơn giải phóng, ánh sáng, và bình an của trời cao,\ là những điều còn xa lạ với bao người, kể cả các Kitô hữu. Bóng tối của sự chết, của hận thù ghét ghen vẫn thống trị địa cầu. Mừng lễ Giáng Sinh là mừng cuộc viếng thăm của Thiên Chúa. Cách duy nhất để mừng là mở cửa lòng cho Con Thiên Chúa vào. Hãy tiếp đón Ngài đến với ta dưới những hình thái bất ngờ: một trẻ thơ nghèo hèn, yếu đuối; một Mêsia không tấc sắt trong tay; một ông thợ mộc ở vùng quê Nadarét; một tử tội bị đóng đinh thập tự. Hãy thắp lên một ngọn nến trong đêm Noel để chào mừng Ánh Sáng.
Cầu nguyện:
Giữa giá rét của mùa đông, xin cho con gặp Chúa. Giữa những long đong và bấp bênh của phận người, xin cho con gần Chúa. Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi, xin cho con thấy Chúa đi với con và hiểu con. Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ, xin cho con cảm được sự bình an của Chúa, ngay giữa những âu lo hằng ngày. Xin cho con đón lấy cuộc đời con với bao điều không như ý. Và cuối cùng, xin cho con dám sống như Chúa vì Chúa đã dám sống như con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel, đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.” (Lc 1,68)
Câu chuyện minh họa:
Hôm ấy là chiều ngày áp lễ Giáng Sinh (24.12.1946) trong một trại tập trung những người lính Đức bị Nga bắt làm tù binh mọi vật đều im lặng, một sự im lặng chết chóc, buồn thảm. Các tù nhân mệt mỏi sau một ngày làm việc cực nhọc trong mỏ than. Lúc này, họ không mong ước gì hơn là được cởi bỏ bộ đồ lem luốc, bẩn thỉu để lên giường tìm những phút thư giãn. Chỉ còn có mấy người đi đi lại lại, ngó trước ngó sau, như là để tìm kiếm một thứ gì đó. Thì ra những người này đang tìm cách để lén mừng lễ Giáng Sinh. Họ đang moi ra từ trong trí nhớ của họ một vài bản thánh ca Giáng Sinh quen thuộc, rồi se sẽ ngâm nga với một giọng khàn khàn.
Những âm thanh phát ra tuy nhỏ và khàn khàn như thế đó, nhưng vẫn đủ để làm cho cả hàng trăm tù binh đang nằm trên giường, trong một dãy nhà dài, được soi sáng bằng một ngọn đèn dầu leo lét, đều nghe thấy.
Thế là vô tình những âm thanh đó đã đưa hồn của những người tù binh này đi vào một thế giới khác, thế giới của hoài niệm. Bao nhiêu những hình ảnh thương mến của gia đình, của quê hương đã được quay lại trong tâm trí họ. Kèm theo những hình ảnh đó là những tình cảm dạt dào yêu thương. Thế nhưng khi chợt nhớ ra là mình đang nằm trên một chiếc giường trong một trại giam, thì tất cả những hình ảnh, những tâm tình tuyệt vời kia đã biến mất để nhường chỗ cho một thực tế thật đáng lo âu buồn tủi.
Tất cả người và vật trong trại giam đều như đang chìm đắm trong một thế giới riêng tư của mình như thế, thì bỗng cánh cửa nhà giam mở tung ra. Một người lính Nga, nét mặt hằm hằm, nện gót giày thật mạnh bước vào. Anh ta ra lệnh cho mọi người ra sân tập họp. Tuy biết đây chỉ là một lệnh có ý hành hạ người tù binh trong đêm khuya khoắt giá lạnh, nhưng không một ai dám trái lệnh.
Ánh đèn pha trong các chòi canh của trại giam quét đi quét lại trên những khuôn mặt xanh xao vì đói và rét, của những người tù binh, làm cho người ta nhìn thấy thật rõ nét những hàm răng của những người tù đang dập vào nhau.
Viên sĩ quan coi nhà tù ra lệnh cho người thông dịch nói với đám tù binh: Hôm nay tại quê hương các anh, bọn phản động đang bắt đầu tưng bừng mừng lễ của bọn chúng, liên tiếp trong mấy ngày. Nhưng tại Liên Xô này không có việc đó, bởi vì chúng ta dồn nỗ lực vào việc xây dựng hạnh phúc cho giới vô sản. Và để cho giờ phút vinh quang huy hoàng đó mau chóng, điểm ở khắp nơi, chúng ta phải tận dụng thời gian để lao động. Để tỏ tình liên đới với giai cấp lao động trên thế giới, các anh hãy hát thật lớn “bài ca cách mạng lao động quốc tế”.
Thông dịch xong những lời trên đây, người thông dịch cất cao giọng bắt câu đầu của bài hát: “Hãy chỗi dậy, hỡi những người bị chúc dữ của thế giới này”.
Sau lệnh 2,3 bắt vào nhịp của bài hát, toàn thể đám tù binh vẫn đứng im. Thế rồi giữa đám đông có vài người cất nhẹ lên bài “Đêm thánh vô cùng”. Thế là như một ngòi pháo được châm lửa, đột nhiên hàng trăm tiếng hát đã đồng loạt vang lên, thật đẫy đà và hùng tráng. Đặc biệt là mấy tiếng sau cùng của bài hát, đã được đám tù binh hét thật lớn: “Đức Kitô, Đấng Cứu Thế đã đến”. Sau đó mọi người im lặng. Viên sĩ quan cai tù hỏi người thông dịch:
– Bọn chúng hát gì thế?
Người thông dịch tỉnh khô trả lời:
– Bài ca cách mạng vô sản, nhưng lời và nhạc là của Đức
“Đêm thánh vô cùng”
Suy niệm:
Người thánh là người của riêng Thiên Chúa, người để cho Thiên Chúa lớn lên trong mình, mà Thiên Chúa là Tình Yêu, nên người thánh phải là người để cho “Tình yêu” ngự trị và chiến thắng tất cả, tin tưởng phó thác, an vui, thuận hoà, tha thứ, và để cho Thiên Chúa lớn lên trong mình. Người là Đấng đem đến cho nhân loại một tương lai hứa hẹn vượt quá mọi khả năng tiên đoán.
Ước gì cuộc sống của chúng ta được dệt nên bằng những “Đêm thánh vô cùng”, như thế là chúng ta đang hát lên khúc ca đêm thánh tuyệt vời, tuyệt vời không phải bởi lời ca ý nhạc, nhưng tuyệt vời bởi những cử chỉ tin yêu, phó thác.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Trong Mùa Vọng chúng ta được đọc qua những bài thánh ca rất hay từ trong Thánh kinh, từ thánh ca của Isaia về thời kỳ bình an, thịnh vượng của Israel, được loan đi khi vị Hoàng tử bình an đến, và mới đây, bài thánh ca Magnificat của Đức Mẹ, hôm nay, từ miệng Dacaria lại cất lên bài ca tuyệt vời: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel, đã viếng thăm cứu chuộc dân người”.
Lời ca tụng của Dacaria là lời ca tri ân, vì Chúa không bỏ rơi dân của Ngài. Ngài thân chinh đến thăm dân của Ngài. Ngài chủ động nhập thế để đến với con người. Ngài bước vào thế giới với một chương trình kỹ lưỡng, một chương trình đã chuẩn bị từ ngàn xưa, từ mầu nhiệm tuyển chọn, từ Abraham tổ phụ, cho đến dòng dõi vương giả, dòng tộc David, từ thời các ngôn sứ được gửi đến cho dân Ngài nhằm chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế, đến vị tiên tri sau cùng là Gioan con của Dacaria đây.
Như Mẹ Maria cũng đã nhìn lại toàn lịch sử cứu độ bằng tấm lòng tri ân, bằng con mắt của kẻ tin rằng: “Lời Chúa phán sẽ được thực hiện”. Dacaria qua bài ca này cũng nhìn lại toàn lịch sử cứu độ cho đến hiện tại với lòng tri ân và con mắt đức tin như vậy. Tin vào chương trình của Chúa và tin vào những gì Ngài sẽ thực hiện.
Lời ca tụng này còn là một lời nguyện hứa thánh hiến chính đứa con yêu quý và duy nhất của mình: “Hài nhi hỡi con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng tối cao”. Dacaria đã có một chút nghi hoặc khi thiên thần hứa cho vợ ông mang thai, nhưng bây giờ, qua tất cả những gì đã xảy đến, ông hoàn toàn tin vào Chúa, thánh hiến đứa con duy nhất của mình cho Ngài. Như mẹ Maria, Dacaria qua lời nguyện hứa trao phó đứa con mình cho chương trình của Chúa, ông dường như cũng thốt lên như Mẹ: “Xin hãy làm cho tôi những gì thiên thần truyền”. Đó là một lời tuyên xưng tuyệt đối, một sự vâng phục tuyệt đối khi đã nhận ra mình chỉ là khí cụ bình an của Chúa, xin hãy dùng như ý Chúa muốn.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng tin tuyệt đối nơi ngài, để khi biết được ý muốn của Chúa, chúng con hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muavong