20.12.2022 – Thứ Ba Tuần IV Mùa Vọng
Lời Chúa: Lc 1, 26-38
Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”
Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
Suy niệm:
Cách đây gần chín tháng, chúng ta đã nghe đọc bài Tin Mừng này vào lễ sứ thần Gabrien Truyền Tin cho Đức Mẹ. Hôm nay chúng ta nghe đọc lại bài này trong bầu khí rộn ràng của những ngày gần đại lễ Giáng Sinh. Các sách Tin Mừng không nói nhiều về thời gian Đức Mẹ mang thai. Luca chỉ nói về chuyện Mẹ đi thăm bà chị họ hiếm muộn (Lc 1, 39-45). Còn Mátthêu nói về chuyện thánh Giuse nằm mộng và được sứ thần mời đón nhận Maria làm vợ và thai nhi Giêsu làm con của mình (Mt 1, 18-24). Nhưng thời gian mang thai là một thời gian khá dài và quan trọng, nhất là đối với người mẹ trẻ sinh con so. Các bà mẹ mang thai thấy mình như mang một mầu nhiệm, mầu nhiệm sự sống đang lớn lên mỗi ngày trong lòng dạ mình. Dần dần mỗi chuyển động của thai nhi và cả nhịp tim cũng được người mẹ cảm nhận. Thai nhi trở thành người trọn vẹn nhờ được dưỡng nuôi trong cái nôi êm ấm của lòng mẹ.
Con Thiên Chúa làm người cũng trải qua một tiến trình như thế. Ngài không từ trời hiện xuống bất ngờ trong quyền năng, nhưng Ngài đã là một thai nhi yếu đuối trong lòng Đức Trinh Nữ. “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã tạo cho con một thân thể… Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (x. Dt 10, 5-7). Con Thiên Chúa đã cất lên tiếng Xin Vâng đối với kế hoạch của Cha. Tiếng Xin Vâng khiến Ngài chấp nhận hủy mình ra không, để “trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 7). Khi trở thành một thai nhi sống nhờ lòng mẹ, Con Thiên Chúa như cất giấu đi vinh quang chói ngời của thần tính. Ngài vui lòng đồng hành với mọi con người trên mặt đất để Ngài thực sự là anh em của họ.
“Tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin xảy ra cho tôi như lời sứ thần nói” (c. 38). Ngay sau tiếng Xin Vâng này, Đức Maria được Thánh Thần ngự xuống, và Con Thiên Chúa bắt đầu tiến trình làm người ở đời (c. 35). Ngài từ từ có trái tim, khuôn mặt, vân tay riêng… Đấng Cứu Độ sung sướng trở nên một sinh linh nhỏ bé, để nói cho nhân loại biết về sự cao quý của một thai nhi. Đức Maria trở thành Hòm Bia Thiên Chúa, nơi Ngôi Hai hiện diện. Chúng ta ít khi nghĩ đến thời gian Mẹ Maria mang thai.
Thời gian cưu mang chẳng bao giờ nhẹ nhàng hay dễ dàng. Để có thể sinh ra Đức Giêsu cho môi trường ta đang sống, cũng cần thời gian thai nghén lâu dài và vất vả. Chúng ta phải mang Ngài trong lòng mình, kiên nhẫn và chăm chút để Ngài lớn lên, trước khi sinh Ngài cho thế giới. “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là mẹ tôi” (Mc 3, 35).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con gặp được ánh mắt của Chúa ít là một lần trong đời. Khi tương lai con đang vững vàng ổn định, xin hãy nhìn con như Chúa đã nhìn Lêvi và mời gọi con đứng lên theo Chúa, bỏ lại tất cả những gì con cậy dựa. Khi con chẳng còn là mình, vấp ngã như Simon, xin hãy quay lại nhìn con bằng ánh mắt xót thương, tha thứ, để con òa khóc như trẻ thơ. Khi con khao khát sống cuộc đời hoàn thiện, xin hãy nhìn con bằng ánh mắt yêu thương như Chúa đã trìu mến nhìn người thanh niên giàu có. Khi con ước mong được thấy khuôn mặt Chúa, xin Chúa hãy dừng lại và ngước lên nhìn con, như Chúa đã ngước lên nhìn Dakêu và cho ông thấy cả tấm lòng bao la bát ngát.
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết nhìn con người hôm nay bằng ánh mắt của Chúa. Chúa động lòng thương khi thấy bao người yếu đau, thấy đám đông bơ vơ như chiên không mục tử. Ánh mắt Chúa thấu suốt lòng người. Chúa buồn phiền khi thấy có kẻ lòng chai dạ đá, nhưng Chúa cũng vui khi thấy bà góa nghèo bỏ vào tất cả. Đôi mắt Chúa đã từng nhòa lệ trước cái chết của người bạn thân là Ladarô, và trước viễn ảnh sụp đổ của thành đô yêu dấu. Lạy Chúa, đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Xin cho con qua cửa sổ ấy mà vào tâm hồn Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
Bấy giờ, Bà Maria nói với sứ thần: “Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”(Lc 1,38).
Câu chuyện minh hoạ:
Một nông dân trồng bụi tre nơi góc vườn. Thân tre mỗi ngày mỗi cao lớn, thẳng đuột. Ngày kia, người ấy đến nói với cây cao nhất: “Này bạn, ta cần bạn”. Cây tre nói: “Thưa ông, tôi sẵn sàng, ông cứ sử dụng tôi theo ý ông”
– Được, ta sẽ xẻ anh ra làm đôi.
Nghe thế, cây tre phản đối:
– Xẻ tôi? Sao vậy? Trong vườn có cây nào đẹp hơn tôi đâu? Xin ông đừng… Ông dùng tôi thế nào cũng được, nhưng xin đừng xẻ tôi ra…
– Nếu không xẻ anh ra thì anh chả được việc gì.
Một làn gió nhẹ thổi qua, cây tre cúi đầu thở dài: “Thưa ông, nếu chỉ còn cách đó, thì xin ông cứ làm theo ý ông”.
Người nông dân nói tiếp: “Ta sẽ tước bỏ hết các cành của ngươi”
– Ông tước cành tôi? Như vậy còn gì là vẻ đẹp của tôi ? Lạy Chúa, xin ông thương đừng làm thế…
– Nếu không tước cành, anh chả được việc gì.
Gió thổi mạnh hơn. Cây tre quằn quại trong gió và nắng. Rồi nó mạnh dạn thưa: “Thưa ông, xin ông chặt tôi đi”.
Ông chủ nói: “Bạn thân mến, thực thì ta buộc lòng phải làm bạn đau, phải tước cành, khoét đốt bạn; nếu không, ta không thể dùng bạn”.
Cây tre cúi rạp xuống đất nói: “Thưa ông, xin ông cứ việc chặt, dùng tôi theo ý ông”.
Người nông dân chặt tre, tước cành, xẻ đôi và lóc ruột làm thành cái máng chuyển nước từ dòng suối vào cánh đồng. Và sau đó, người nông dân có một vụ mùa bội thu.
Suy niệm:
Nhờ lòng tin tưởng và phó thác vào tình yêu Chúa, Đức Maria đã dám bỏ mình, xin vâng theo thánh ý Chúa để Ngôi Lời được nhập thể trong thế giới này. Nếu cuộc đời của mỗi chúng ta nhận ra thánh ý Chúa và thực thi trong cuộc đời, thì Chúa sẽ đi vào thế giới hôm nay. Khi Mẹ xin vâng, Mẹ cũng chưa hiểu rõ con đường Chúa muốn nhưng Mẹ tin tưởng để Chúa làm chủ cuộc đời Mẹ. Nhìn vào gương Mẹ, chúng ta có dám thưa tiếng xin vâng ngay trong những lúc đen tối nhất của cuộc đời không?
Lạy Chúa, xin biến đổi trái tim chúng con để chúng con biết sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa trong mọi hoàn cảnh, nhất là những lúc cuộc đời chúng con tưởng chừng như vô vọng.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Tin mừng mở ra với khuôn mặt Mẹ Maria – một “Đấng đầy ân sủng và được Chúa ở cùng”. Chỉ với lời chào đơn giản ấy thôi, đủ để biết rằng Mẹ thực sự đã được Chúa chọn, được Chúa chọn cũng là vì Mẹ đã đáp lời xin vâng.
Mẹ chọn Chúa khi tự nguyện hiến dâng cuộc đời mình cho Ngài. Mẹ chọn Chúa khi luôn mong đợi để được lắng nghe tiếng Chúa. Mẹ chọn Chúa khi luôn biết nhẫn nại ấp ủ ý Chúa trong cuộc đời của mình. Thế mới hiểu tại sao Mẹ được gọi là Đấng đầy ân sủng. Ân sủng ở đây là gì nếu như không phải tình yêu của một Vị Thiên Chúa luôn được đong đầy trong trái tim và khối óc của Mẹ. Tình yêu ấy rồi đây sẽ trở nên Ngôi Lời, trở nên nhục thể mà Mẹ sẽ phải phân định để đón nhận hay chối từ.
Khi sứ thần nói: “Chúa ở cùng bà”, có lẽ chính lời này đã làm Mẹ bối rối đến hoảng hốt. Bởi lẽ, là một người luôn sống trong môi trường Thánh kinh thì làm sao Mẹ có thể quên được những lời tương tự ấy, khi mà Thiên Chúa cũng đã từng nói với các tổ phụ và ngôn sứ: “Ta ở cùng ngươi”. “Ta ở cùng ngươi” là một lời chúc phúc có kèm theo một sứ vụ mà sứ vụ ấy luôn vượt quá giới hạn tự nhiên của con người. Nghĩ như thế thì làm sao mà Mẹ không hoảng hốt, không bối rối cho được! Thế nên “lời chào ấy có nghĩa gì”, không phải là mẹ không hiểu, nhưng đúng hơn là lời chào như thế có sứ vụ gì?! Như vậy với Mẹ, sự chọn lựa khởi đi từ sự phân định, sự phân định khởi đi từ ý Chúa, mà ý Chúa sẽ sáng lên trong tâm hồn của những ai luôn biết quan tâm đến Lời Ngài.
Khi sứ thần tỏ lộ cho biết sứ vụ ấy là gì, thì trong tâm trí Mẹ lại diễn ra một sự phân định để chọn lựa. Rồi khi Mẹ hỏi: “Việc ấy xảy ra thế nào?”, tuy là câu hỏi nhưng có kèm theo một hàm ý chấp nhận. Vì nếu không nhận thì mẹ đã không hỏi cách thực hiện. Câu hỏi ấy cũng để minh chứng Mẹ của chúng ta không đón nhận ý Chúa một cách hời hợt cho qua chuyện, nhưng Mẹ đã đưa ra quyết định thật nghiêm túc. Mẹ đón nhận vì Mẹ biết rằng đó là thánh ý Thiên Chúa. Trước mẹ, sau mẹ và ngay cả cho đến thời đại khoa học tiến bộ như bây giờ chưa ai có thể làm cho người nữ có thai mà không cần đến sự cộng tác của người nam. Theo suy luận đó thì những lời sứ thần vừa nói, thật là chuyện không tưởng. Mà nếu nhắm đến hiệu quả của công việc thì chắc chắn Mẹ sẽ không nhận lời. Ấy thế mà Mẹ vẫn can đảm thưa: “xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Chính vì lời chấp nhận tuyệt vời ấy mà Thiên Chúa Cứu Độ sẽ được sinh ra cho con người. Những ngày cận kề mừng Chúa Giáng Sinh, lòng chúng ta có háo hức và mong chờ Chúa đến hay không? Chúng ta có chuẩn bị hang đá lòng như cung lòng của Mẹ Maria để cho Chúa ngự vào hay chưa?
Lạy Chúa, nhờ biến cố truyền tin mà Ngôi Hai đã trở nên xác phàm, để sinh hạ cho nhân loại. Xin giúp chúng con luôn biết canh tân, sửa đổi đời sống mỗi ngày để xứng đáng mừng lễ Chúa Giáng Sinh sắp tới. Xin Chúa ở lại trong chúng con để mỗi người cũng biết mang Chúa đến cho mọi người. Đó là sứ vụ quan trọng nhất của chúng con. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muavong