17.12.2022 – Thứ Bảy Tuần III Mùa Vọng
Lời Chúa: Mt 1, 1-17
Ðây là gia phả Ðức Giêsu Kitô, con cháu vua Ða-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham: Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram; A-ram sinh Am-mi-na-đáp; ông Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xam-môn; Xam-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; Gie-sê sinh Ða-vít. Vua Ða-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn; Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon. Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven; Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do; A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút; Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Ðức Giêsu cũng gọi là Ðấng Ki-tô. Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Ða-vít, là mười bốn đời; từ vua Ða-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Ðức Kitô, cũng là mười bốn đời.
Suy niệm:
Chúng ta bước vào một giai đoạn mới để mừng lễ Giáng Sinh, mừng Mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người cách trọn vẹn. Làm người là có một gia phả. Thánh Matthêu đã muốn viết một gia phả dài của Đức Giêsu Kitô, không phải một cách hết sức chính xác và đầy đủ theo nghĩa lịch sử, nhưng mang nặng ý nghĩa thần học. Matthêu muốn cho thấy Đức Giêsu là con của cụ tổ Abraham, và cuộc đời Ngài gắn kết với Ítraen, dân được tuyển chọn. Ngài cũng là Con của vua Đavít, nên Ngài có cơ sở để là Đấng Kitô. Làm người là sống trong dòng lịch sử một dân tộc với tất cả những thăng trầm và biến động của nó. Matthêu chia lịch sử dân Do-thái làm ba thời kỳ. Thời kỳ chuẩn bị cho bước đầu của vương triều vua Đavít (cc. 2-6a), thời kỳ trị vì của các vua thuộc dòng Đavít (cc. 6b-11), và thời kỳ sau lưu đầy, khi vương quyền Đavít đã mai một (cc. 12-16). Mỗi thời kỳ mười bốn đời, nghĩa là hai lần bẩy, một con số linh thánh.
Đức Kitô đã đằm mình trong dòng lịch sử này. Ngài là người cuối của gia phả, nhưng lại là nhân vật trung tâm (c.16-17). Tất cả lịch sử của dân tộc Ítraen cũng là lịch sử cứu độ. Dòng lịch sử cứu độ này đã lên đến tuyệt đỉnh nơi Đức Giêsu Kitô. Nơi Ngài, Thiên Chúa đã đưa lịch sử nhân loại đến chỗ thành tựu. Trong gia phả Đức Giêsu có tên một số phụ nữ. Đó là chuyện lạ, vì người Do-thái thường chỉ để tên người cha. Trừ Đức Maria, bốn phụ nữ kia đều có gốc dân ngoại. Ta-ma và Ra-kháp gốc Canaan, Rút gốc Mô-áp, vợ Urigia người Hít-tít. Các phụ nữ này đều có hoàn cảnh khác thường. Ta-ma giả làm điếm để ngủ với cha chồng là Giu-đa, hầu sinh con cho nhà chồng (St 38). Ra-kháp là một cô điếm ở Giêricô, đã giúp Giosuê chiếm Canaan (Gs 2). Bét-sa-bê, vợ của Urigia, đã ngoại tình và lấy vua Đavít (2Sm 11-12). Rút đã lấy ông Bô-át là người bà con gần, để nối dõi cho chồng (R 1-4). Đức Giêsu đã là con cháu của các phụ nữ khác thường này. Ngài cũng mang trong mình chút dòng máu của dân ngoại. Cuộc sinh hạ của Đức Kitô cũng khác thường. Mátthêu diễn tả một cách tinh tế như sau: “Gia-cóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, từ bà Đức Giêsu được sinh ra, cũng gọi là Đức Kitô” (c. 16). Như thế Con Thiên Chúa đã có một người mẹ để trọn vẹn là người. Ngài có cha nuôi là thánh Giuse để được thuộc về dòng Đavít. Làm người cần được sống trong bầu khí gia đình để lớn lên. Gia phả của Đức Giêsu nhắc tôi về gia phả của chính mình. Cũng với những bóng tối của lưu đày, với bao bất thường và vấp ngã. Chỉ mong trong cuộc đời tôi, gia đình tôi, dân tộc tôi, có mặt Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Cha từ ái, đây là niềm tin của con. Con tin Cha là Tình yêu, và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con. Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa, cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt, cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân, con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái. Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại, chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha. Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất cũng có một đốm lửa của sự thiện, được vùi sâu dưới những lớp tro. Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ. Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích, thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người. Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng. Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu. Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ đang chuyển mình tiến về với Cha, qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần. Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau, vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng, mọi dị biệt, thành kiến, để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn. Lạy Cha, đó là niềm tin của con. Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavit” (Mt 1,1).
Câu chuyện minh hoạ:
Có một chú Sẻ con sống cùng với mẹ trong cái tổ xinh xắn trên cành cây bàng. Hằng ngày, Sẻ mẹ đi kiếm thức ăn về mớm mồi cho Sẻ con.
Khi mùa đông đến, những chiếc lá vàng thi nhau rơi xuống đất, cành cây trơ trụi. Những đợt gió lạnh buốt giá ùa về, chiếc tổ xinh xắn giờ đây nằm hiu quạnh giữa khoảng trời bao la.
Hôm ấy, cũng như thường lệ, Sẻ mẹ phải bay xa hơn để kiếm mồi, Sẻ con ở nhà. Chờ mãi không thấy mẹ về, Sẻ con cứ ngó đầu ra ngoài tìm kiếm mẹ. Bỗng Sẻ con nghĩ ra điều gì đó, nó bèn can đảm dồn hết sức vào đôi cánh bé nhỏ để bay xuống đất.
Một lát sau, Sẻ con mang về những cành cây khô, một ít rơm và bắt chước mẹ lót tổ.
Chiều tối, Sẻ mẹ bay về, mỏ cắp một miếng mồi. Nhưng vừa vào tổ, Sẻ mẹ đã quỵ xuống và run lên vì lạnh. Thấy vậy, Sẻ con dang vội đôi cánh nhỏ bé của mình che gió và ủ ấm cho mẹ.
Lát sau, Sẻ mẹ tỉnh dậy và cảm thấy ấm áp vô cùng. Sẻ mẹ hết sức ngạc nhiên vì thấy chiếc tổ đã được lót lại. Sẻ mẹ nhìn Sẻ con, trong lòng lâng lâng hạnh phúc. Sẻ mẹ khẽ ôm con vào lòng và nói: “Con của mẹ thật đáng yêu!”.
Suy niệm:
Tin Mừng thánh Matthêu giới thiệu về gia phả Đức Giêsu để nói rằng: Đức Giêsu chính là con cháu Abraham, người được Chúa chọn. Vì thế gia phả này bắt đầu với Abraham. Đồng thời tuy là Con Thiên Chúa, nhưng Đức Giêsu cũng là người thật, có cha có mẹ, thuộc về một dòng họ rõ ràng: chi tộc Juda.
Gia phả của Chúa Giêsu có những con người mang tiếng tốt, bên cạnh đó cũng có những người tội lỗi, nhưng Chúa đã không ngần ngại đến với con người trong một gia phả như thế, để dạy mỗi người chúng ta rằng, Ngài đến trần gian bất chấp tội lỗi nhân loại, sống giữa nhân loại tội lỗi để thánh hóa nhân loại và mang con người tội lỗi của chúng ta về cho Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn ý thức sống tốt để xứng đáng với đức tin của tổ phụ chúng con là Abraham. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Gần ngày lễ Giáng Sinh, Giáo hội cho chúng ta nghe lại bản gia phả của Chúa Giêsu theo Tin mừng thánh Matthêu. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra thánh Giuse chỉ là “cha nuôi” của Chúa Giêsu, và vì thế, Chúa Giêsu không có liên hệ huyết thống đối với thánh Giuse, Người cũng không có liên hệ huyết thống trong bản gia phả này. Vậy thì tại sao thánh Matthêu tường thuật lại bản gia phả ấy, và điều đó có nghĩa gì?
Ngay từ những dòng đầu tiên, thánh Matthêu thuật lại: đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Abraham. Theo thánh giáo phụ Giêrônimô, thánh Matthêu đã trực tiếp nhắc đến tổ phụ Abraham và vua David là vì ngài muốn nói tới dân tộc Israel và dòng dõi từ tổ phụ Abraham sẽ được ban phúc lành: “Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta” (St 22,18); với vua David cũng vậy: “Đức Chúa đã thề cùng vua David và sẽ không thất tín bao giờ, thề rằng: ‘Chính con ruột của ngươi, Ta sẽ đặt lên thừa kế ngai vàng’” (Tv 132,11). Từ đó, chúng ta có thể hiểu rằng, Abraham đại diện cho việc thành lập dân tộc Israel và David đại diện cho hy vọng về một vương quốc trong tương lai.
Trong Chúa Giêsu – Đấng được xức dầu, con vua David – đã xuất hiện, Người sẽ thực hiện lời hứa của Thiên Chúa với Abraham rằng, tất cả các dân tộc trên mặt đất sẽ được ban phúc lành; và lời hứa của Thiên Chúa với vua David rằng ngai vàng của ngài sẽ vững bền mãi mãi. Khi đó, trong Chúa Giêsu Kitô lời hứa cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện.
Như thế, chỉ vài lời ngắn gọn trong dòng đầu tiên của Tin mừng Matthêu, ngài đã tuyên bố rằng, Chúa Giêsu chính là người hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa và trở thành niềm hy vọng của dân tộc Israel và của mỗi chúng ta. Chúa Giêsu chính là niềm hy vọng của mọi dân tộc trên mặt đất.
Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến. Xin đến với chúng con và đến với gia đình chúng con. Xin Chúa luôn là niềm an ủi và là niềm hy vọng của chúng con. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muavong