14.12.2022 – Thứ Tư Tuần III Mùa Vọng
Lời Chúa: Lc 7, 19-23
Khi ấy, ông Gioan sai hai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu rằng: “Thầy có thật là đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Khi đến gặp Ðức Giêsu, hai người ấy nói: “Ông Gioan Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy: “Thầy có thật là ‘Ðấng phải đến’ không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Chính giờ ấy, Ðức Giêsu chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy. Người trả lời hai người ấy rằng: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe tin mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”
Suy niệm:
Đường lối của Thiên Chúa lúc nào cũng làm con người ngỡ ngàng. Ngài có lối nghĩ, lối đi rất riêng, khó đoán trước được. Chính vì thế con người dễ bắt hụt Ngài. Ngài ở đây mà ta lại cứ đi tìm Ngài ở kia. Nhiều khi ta kêu ca vì không sao gặp được Ngài ở những điểm hẹn quen thuộc. Phải đổi cái nhìn xưa, ra khỏi lối nghĩ cũ, mới hy vọng gặp được Ngài. Gioan có một hình ảnh khá rõ về Đấng Mêsia. Ngài như người cầm nia rê lúa và đốt thóc lép trong lửa hay như cái rìu chặt những cây không sinh trái. Đấng Mêsia thích dùng lửa để thanh luyện cái xấu (Lc 3, 9, 16-17). Gioan rất xác tín về hình ảnh này của mình. Vì thế ông sốt ruột khi không thấy Đức Giêsu làm điều ông chờ đợi. Trong bóng tối của nhà tù nằm ở phía đông Biển Chết, Gioan còn phải chiến đấu với bóng tối của sự nghi ngờ nơi mình. Đức Giêsu mà ông loan báo có đúng là Đấng Mêsia không?
Ông sai hai môn đệ đến tận nơi gặp Đức Giêsu, để hỏi cho ra lẽ. “Thầy có thật là Đấng-phải-đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (c. 19). Câu trả lời của Đức Giêsu cho thấy một khuôn mặt Mêsia khác hẳn. Ngài bảo hai môn đệ của Gioan về thuật lại cho thầy mình những gì họ mắt thấy tai nghe vào chính giờ họ đến gặp (c. 21). Có sáu dấu chỉ của thời đại Mêsia, thời của Đấng Thiên Sai: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, và người nghèo được nghe Tin Mừng (c. 22). Đây là những dấu chỉ Ngài đã và đang làm cho dân chúng.
Những dấu chỉ này làm cho bao lời ngôn sứ Isaia ngày xưa được ứng nghiệm (Is 26, 19; 29, 18-19; 35, 5-6; 42, 18; 61,1). Như thế Đức Giêsu quả là Đấng Mêsia, nhưng không phải là Mêsia như Gioan chờ đợi. Ngài không phải là một Mêsia đến phán xét hay tiêu diệt ác nhân, cho bằng là một Mêsia khiêm nhu và đầy lòng thương xót. Đức Giêsu đến để công bố một năm hồng ân cứu độ (Lc 4, 19). “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (c. 23). Muốn tránh vấp ngã, Gioan phải đổi cái nhìn của mình về Đấng Mêsia. Đổi cái nhìn về Thiên Chúa không phải chuyện dễ. Nhiều khi chúng ta thích một Thiên Chúa chiến thắng vẻ vang, một Thiên Chúa quyền uy, dùng sức mạnh để chinh phục lòng người. Chúng ta không chịu được một Thiên Chúa kiên nhẫn với cỏ lùng, và để cho kẻ ác nhởn nhơ tác oai tác quái. Ước gì chúng ta không mất đức tin khi đứng trước máng cỏ, trước Hài Nhi Giêsu, nhỏ bé và yếu ớt, lặng lẽ và khiêm hạ, vì chúng ta tin Ngài cứu độ thế giới bằng chính sự yếu đuối.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải, để con làm bật rễ khỏi lòng con những ích kỷ và khép kín. Xin cho con đức tin can đảm để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến, chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay. Xin cho con đức tin sáng suốt để con thấy được thế giới mà mắt phàm không thấy, thấy được Đấng Vô hình, nhưng rất gần gũi thân thương, thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ. Xin cho con đức tin liều lĩnh, dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân, dám tiến bước trong bóng đêm chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa, dám lội ngược dòng với thế gian và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó. Xin cho con đức tin vui tươi, hạnh phúc vì biết những gì đang chờ mình ở cuối đường, sung sướng vì biết mình được yêu ngay giữa những sa mù của cuộc sống. Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp qua những cọ xát đau thuong của phận người, để dù bao thăng trầm dâu bể, con cũng không để tàn lụi niềm tin vào Thiên Chúa và vào con người.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Lc 7,19)
Câu chuyện minh hoạ:
Vào Tuần Thánh 1980, Đài phát thanh Vienne nước Áo truyền đi một bài phỏng vấn vô cùng cảm động. Người được phỏng vấn là một nữ sinh viên đang nằm chờ cái chết đến từng ngày tại một bệnh viện ở thủ đô Áo quốc. Cô phát biểu: “Sau khi bác sĩ chẩn đoán và cho biết tôi mắc chứng sưng bạch huyết, tôi có cảm tưởng như trời sập xuống trên tôi. Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy như Chúa muốn gởi đến cho tôi một cơ may mới. Từ hai ba năm nay tôi đã bắt đầu có một cái nhìn mới. Tôi nhận ra trong đau khổ của riêng tôi cũng như của những người chung quanh phản ảnh chính nỗi đau khổ của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên thập giá. Tôi đã tìm cách yêu thích nỗi đau khổ ấy”. Chính vì muốn chấp nhận đau khổ mà cô gái đã ghi danh vào trường Y khoa. Nằm trên giường bệnh, biết mình không còn sống bao lâu nữa, vậy mà cô vẫn cầm trên tay một cuốn sách và cây viết. Cô giải thích: “Không ai có thể nói cho tôi biết chắc 100 phần trăm là tôi sẽ không học xong hoặc tôi sẽ không bao giờ trở thành bác sĩ. Tuy nhiên vẫn luôn luôn có những phép lạ. Và riêng tôi, tôi xác tín rằng tôi phải thực thi ý Chúa nếu tôi muốn tiến tới. Đó là cách thế tôi chuẩn bị đón nhận cái chết, chuẩn bị đi vào thiên đàng. Tôi để Chúa làm việc hầu cho tất cả mọi việc trở thành tình yêu. Tất cả mọi sự, từ việc học hành của tôi cho đến những việc nhỏ mọn tôi làm cho người khác. Bởi vì tôi không làm được những việc quan trọng nữa.”
Không khỏi ngạc nhiên trước những lời phát biểu trên đây, người phóng viên liền hỏi: “Tôi đọc thấy trên gương mặt của cô niềm vui và hy vọng. Thế nhưng cô còn chờ đợi gì nơi cuộc sống này?” Cô gái mỉm cười nói: “Tôi chờ đợi mọi sự từ cuộc sống. Nhưng trên hết mọi sự là tình yêu của Chúa. Chính Ngài đã cho tôi nếm thử thiên đàng. Chỉ có như thế tôi mới đương đầu được với những đau khổ đang đè nặng trên tôi”.
Suy niệm:
Chúa Giêsu đã dùng việc làm của mình mà loan báo cho mọi người biết Người là Đấng phải đến. Người đến chữa lành bệnh tật, mở tai cho kẻ điếc, mở mắt cho kẻ mù lòa… Là môn đệ Chúa, chúng ta cần trở nên giống như Người, mang niềm vui và bình an đến những người cần đến chúng ta, vì không có lời chứng nào sống động cho bằng qua những việc làm của người Kitô hữu, nhiều người nhận ra sự hiện diện của Chúa. Thế nhưng, trong thực tế hôm nay mỗi Kitô hữu chúng ta đã làm gì để Chúa được nhận biết?
Lạy Chúa, xin cho đôi tay con biết mở ra với những mảnh đời đang cần được đỡ nâng, cho đôi chân con biết đến với những con người khốn khổ, và xin cho tâm hồn con biết mở ra với những anh chị em đang sống chung quanh con, vì con tin rằng Chúa sẽ mang an bình cho những ai mong đợi Người.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Đường lối của Thiên Chúa lúc nào cũng làm con người ngỡ ngàng. Ngài có lối nghĩ, lối đi rất riêng, khó đoán trước được. Chính vì thế, con người dễ bắt hụt Ngài. Ngài ở đây mà ta lại cứ đi tìm Ngài ở kia. Nhiều khi ta kêu ca vì không sao gặp được Ngài ở những điểm hẹn quen thuộc. Phải đổi cái nhìn xưa, ra khỏi lối nghĩ cũ, mới hy vọng gặp được Ngài.
Trong bóng tối của nhà tù nằm ở phía Đông Biển Chết, Gioan còn phải chiến đấu với bóng tối của sự nghi ngờ nơi mình. Đức Giêsu mà ông loan báo có đúng là Đấng Mêsia không? Ông sai hai môn đệ đến tận nơi gặp Đức Giêsu để hỏi cho ra lẽ: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?”. Câu trả lời của Đức Giêsu cho thấy một khuôn mặt Mêsia khác hẳn. Người bảo hai môn đệ của Gioan về thuật lại cho thầy mình những gì họ mắt thấy tai nghe vào chính giờ họ đến gặp.
Và đây là những dấu chỉ của thời đại Mêsia, thời của Đấng Thiên Sai: người mù được thấy, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, và người nghèo được nghe Tin mừng. Đây là những dấu chỉ Người đã và đang làm cho dân chúng. Những dấu chỉ này làm cho bao lời ngôn sứ Isaia ngày xưa được ứng nghiệm.
Như thế Đức Giêsu quả là Đấng Mêsia, nhưng không phải là Mêsia như Gioan chờ đợi. Bởi vì Đức Giêsu truyền giảng Tin mừng nước Thiên Chúa không chỉ bằng lời nói suông, nhưng còn bằng chính cuộc sống và hoạt động cụ thể của Người. Đức Giêsu không phải là một Mêsia đến phán xét hay tiêu diệt ác nhân, cho bằng là một Mêsia khiêm nhu và đầy lòng thương xót.
Lạy Chúa Giêsu, bản chất của Hội thánh là truyền giảng Tin mừng. Tất cả mọi Kitô hữu, bất kể già trẻ lớn bé, đều có bổn phận truyền giảng Tin mừng. Đức cố Giáo hoàng Phaolô VI đã nhắc nhở rằng: “Ngày nay người ta không thích nghe các thầy dạy mà chỉ muốn thấy các chứng nhân, và nếu người ta có nghe các thầy dạy vì các thầy dạy ấy trước đó đã là những chứng nhân”.
Xin giúp chúng con luôn biết truyền giảng Lời Chúa bằng chính phong cách sống và hoạt động cụ thể để giới thiệu Chúa cho anh chị em. Xin cũng giúp chúng con luôn biết sống thánh thiện, góp phần nhỏ bé để xoa dịu những khổ đau của anh chị em, và sống bác ái phục vụ tha nhân theo gương của Chúa. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muavong