09.12.2022 – Thứ Sáu Tuần II Mùa Vọng
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Tôi phải ví thế hệ này với ai?” (Mt 11,16)
Câu chuyện minh họa:
Truyện vui kể rằng: Một nông dân nghèo được vào thiên đàng, ông nhìn thấy người ta mang những vật rất kỳ lạ vào trong nhà bếp. Ông thắc mắc và lên tiếng hỏi:
– Cái gì thế? Có phải để nấu súp không?
– Không phải. Đó là những cái tai của con người. Khi sống ở trần gian, tai giúp họ nghe những điều tốt lành, nhưng họ không làm điều tốt lành đó. Khi chết, chỉ có tai của họ được vào thiên đàng thôi, những phần khác của cơ thể thì không được vào.
Một lát sau, người nông dân lại nhìn thấy người ta mang vào nhà bếp những vật kỳ lạ khác. Ông cũng lên tiếng hỏi:
– Cái gì thế? Có phải để nấu súp không?
– Không phải. Đó là những cái lưỡi của con người. Khi sống trên đời, lưỡi khuyên bảo người khác làm điều tốt và sống tốt, nhưng chính họ lại không sống; không làm những điều tốt lành đó. Khi chết, chỉ có lưỡi của họ được vào thiên đàng thôi, những phần khác của cơ thể thì không được vào.
Suy niệm:
Chúa Giêsu so sánh thế hệ của Ngài với lũ trẻ trái tính trái nết: khi chúng chơi trò đám cưới, “thổi sáo”, thì đòi người ta cũng chơi theo trò đó; khi chúng chơi trò đám ma thì cũng thế. Nghĩa là chúng chỉ muốn bắt người ta theo ý riêng của chúng, ai không theo thì chúng phê phán, trách móc.
Cả Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu đều đến để dạy dân Do Thái con đường cứu độ. Nhưng vì điều đó không hợp với sở thích của họ nên họ luôn khước từ và còn phê phán, hai ngài làm gì cũng bị họ chê: Gioan sống khắc khổ thì họ chê là “bị quỷ ám”; Chúa Giêsu sống hoà mình ăn uống với mọi người thì họ chê là “tay ăn nhậu”.
“Nhưng đức Khôn ngoan được biện minh bằng hành động”: giá trị thật của một người không tuỳ vào lời phê phán của người khác về người đó, nhưng tùy vào chính hành động, vào lối sống của người đó. Người ta nói Gioan Tẩy Giả “bị quỷ ám”, nói Chúa Giêsu là “tay ăn nhậu”. Không sao, hành động và lối sống của hai Ngài sẽ biện minh cho hai Ngài.
Lạy Chúa, xin biến đổi con để con biết nhận ra Chúa đang hiện diện trong mọi biến cố của cuộc đời và trong mỗi anh chị em con, và cho con biết sử dụng thật tốt những ơn lành Chúa ban.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Tin mừng hôm nay ghi lại lời Đức Giêsu mượn trò chơi của trẻ em Do Thái để khiển trách những kẻ cứng lòng tin.
Trẻ em Do Thái trong trò chơi này thường chia làm hai phe. Bên xướng bên đáp. Nếu bên xướng hát những điệu buồn hay đưa đám thì bên đáp phải khóc lóc, than vãn… Còn nếu bên xướng hát lên những điệu nhạc vui, thì bên kia phải nhảy múa hân hoan… Nếu hai bên xướng đáp hòa hợp với nhau thì trò chơi sẽ vui hơn. Ngược lại thì làm cho trò chơi mất vui vì “chúng tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa”.
Chúa Giêsu muốn dùng hình ảnh này để nói lên thái độ mâu thuẫn giữa nhóm Biệt phái và Gioan Tẩy Giả cũng như giữa họ với chính ngài. Khi Gioan Tẩy Giả đến với họ trong chay tịnh, ăn uống nghiêm ngặt bằng châu chấu mật ong, mặc áo nhặm da thú (Mt 3,4) thì họ gọi là “đồ quỉ ám” (c. 18). Ngược lại khi Chúa đến, Chúa đã dự tiệc cưới tại Cana (x. Ga 2,1-11), dự tiệc tại nhà ông Giakêu (x. Lc 19,2-10)… thì Chúa bị kết án “mê ăn uống, bạn bè với quân thu thuế và tội lỗi” (c. 19).
Chúng ta đang sống trong tâm tình và bầu khí của Mùa Vọng, Hội thánh đang xướng lên những bài bi ai qua tinh thần Mùa Vọng, chúng ta cần đối lại cho hòa hợp bằng sự dọn mình đón Chúa đến trong tâm tình sám hối, trở về với Chúa trong phẩm giá người Kitô hữu, của con cái Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết đáp lại lời mời gọi của Chúa để ăn năn sám hối, canh tân đời sống, ngõ hầu tâm hồn chúng con được xứng đáng đón tiếp chính Chúa giáng sinh hằng ngày qua việc đón nhận Mình và Máu Thánh Chúa. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muavong