06.12.2022 – Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng
Lời Chúa: Mt 18, 12-14
Khi ấy Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”
Suy niệm:
Chăn chiên là một nghề đã có từ lâu. Nhiều nhà lãnh đạo dân Do Thái như Môsê, Đavít, đều làm nghề này. Trên những đồng cỏ mênh mông, giữa trời và đất, chỉ có chiên và mục tử, nên giữa đôi bên có một sự thân thiết và hiểu biết nhau thật gần gũi. Chính vì thế trong Cựu Ước, Thiên Chúa hay ví mình với người chăn chiên. Đàn chiên là dân Do Thái, là dân riêng Ngài rất mực quý yêu: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa… Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11). Như Thiên Chúa, Đức Giêsu cũng ví mình với người mục tử tốt lành “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10, 14). Sự hiểu biết thân thương này mạnh đến độ Ngài dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (Ga 10, 15). Sau khi chết và phục sinh, Đức Giêsu muốn Simon nhận sứ mạng mục tử. Ngài mời ông chăm sóc và chăn dắt chiên của Ngài (Ga 21, 15-17). Như thế đoàn chiên mới của Đức Giêsu lúc nào cũng được bảo vệ.
Qua bao thế kỷ Giáo Hội vẫn không ngừng có những mục tử mới, nối gót Simon Phêrô để phục vụ và hiến mạng vì đoàn chiên. Nhưng Đức Giêsu không dạy người mục tử chỉ lo cho cả đoàn, mà quên chăm sóc cho từng con chiên một. Ngài mời ta để ý đến tập thể lớn, nhưng không được quên từng cá nhân nhỏ. Có khi chỉ một con chiên lạc lại khiến người mục tử bận tâm lo lắng đến nỗi để chín mươi chín con trên núi mà đi tìm con bị mất (c. 12). Không phải vì coi thường chín mươi chín con không bị lạc, nhưng vì người mục tử không muốn mất con nào.
Con chiên lạc lại có chỗ đứng đặc biệt trong trái tim mục tử. Chúng ta ai cũng có kinh nghiệm về chuyện tìm lại được điều đã mất. Khi mất thì đứng ngồi không yên, khi tìm thấy thì bình an và niềm vui òa vỡ. Người mục tử lo âu, vất vả tìm kiếm con chiên lạc, nhưng khi tìm được rồi thì niềm vui là vô bờ. Có thể nói còn vui hơn chuyện chín mươi chín con không bị lạc (c. 13). Dường như người ta bắt đầu quý một điều từ khi mất điều đó. Có khi một người bắt đầu hiện diện từ khi người ấy vắng mặt và mất đi. Cha không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất (c. 14). Cha muốn cho mọi người được cứu độ và không muốn mất một ai (1 Tm 2, 4).
Mùa Vọng là thời gian chúng ta nhìn lại những người bé mọn quanh ta, những người từ lâu đã bỏ nhà thờ, những người mất lòng tin vào Chúa Mỗi người chúng ta phải là mục tử cho nhau, chăm sóc nhau, quý nhau, khởi đi từ những người trong gia đình, trong nhóm bạn thân quen. Chúng ta quý nhau vì Thiên Chúa quý từng người chúng ta. Chúng ta chẳng thể mừng Lễ Giáng sinh nếu còn một người đang lạc ở đâu đó. Nếu chịu mất công đi tìm về, chúng ta mới được hưởng niềm vui trọn vẹn
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Khi làm người, Chúa đã nhận trái đất này làm quê hương. Chúa đã ban nó cho chúng con như một quà tặng tuyệt vời. Nếu rừng không còn xanh, dòng suối không còn sạch, và bầu trời vắng tiếng chim. thì đó là lỗi của chúng con. Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến làm người để tôn vinh phận người, vậy mà thế giới vẫn có một tỷ người đói, bao trẻ sơ sinh bị giết mỗi ngày khi chưa chào đời,bao kẻ sống không ra người, nhân phẩm bị chà đạp. Đó là lỗi của chúng con. Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến đem bình an cho người Chúa thương, vậy mà trái đất của chúng con chưa một ngày an bình. Chiến tranh, khủng bố, xung đột, có mặt khắp nơi. Người ta cứ tìm cách giết nhau bằng thứ vũ khí tối tân hơn mãi. Đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu ở Belem, Chúa đã cứu độ và chữa lành thế giới bằng tình yêu khiêm hạ, nhưng bất công, ích kỷ và dối trá vẫn thống trị địa cầu. Chúa đến đem ánh sáng, nhưng bóng tối vẫn tràn lan. Chúa đến đem tự do, nhưng con người vẫn bị trói buộc. Đó là lỗi của chúng con. Vì lỗi của chúng con, chương trình cứu độ của Chúa bị chậm lại, và giấc mơ của Chúa sau hai ngàn năm vẫn chưa thành tựu. Mỗi lần đến gần máng cỏ Belem, xin cho chúng con nghe được lời thì thầm gọi mời của Chúa để yêu trái đất lạnh giá này hơn, và xây dựng nó thành mái ấm cho mọi người.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Thiên Chúa không muốn những kẻ bé nhỏ này phải hư vong” (Mt 18,14).
Câu chuyện minh họa:
Trên một chuyến tàu khách vượt biển, trời bỗng nổi sóng gió, một cậu bé vì mê chơi đã không kịp vào khoang tàu, những ngọn sóng như những tấm màn quá khổ vút cao trùm xuống con tàu hất tung cậu xuống biển. Bất chấp tất cả người cha lao mình theo. Sau nửa giờ tìm kiếm đội cứu hộ đã tìm ra hai cha con trong tình trạng bất tỉnh.
Sau khi được phục hồi. Viên thuyền trưởng đến chúc mừng và hỏi người cha: “ông không sợ nguy hiểm sao?” người cha cười trả lời: “Rất sợ, nhưng tôi sợ mất con tôi hơn”.
Suy niệm:
Chúa Giêsu đến rao giảng nước Thiên Chúa và Người dùng hình ảnh người mục tử quen thuộc để minh họa tình yêu Cha trên trời. Chúa Giêsu chính là người mục tử nhân lành hết mình vì đoàn chiên, Người không để con nào phải mất, như Lời Chúa đã nói: “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,14). Bởi vì, Thiên Chúa thương yêu hết mọi người, Ngài không chê bỏ ai, Thiên Chúa luôn tìm kiếm đón nhận và vui mừng khi tìm lại được một tâm hồn lầm lạc.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn yêu mến Chúa, tin nhận Chúa chính là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người để chia sẻ kiếp người với chúng con. Nhờ đó, chúng con mau mắn đến với Chúa và gặp gỡ tha nhân hơn. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Tin mừng thuật lại một sự nghịch lý qua dụ ngôn người mục tử bỏ lại chín mươi chín con chiên trên đồng cỏ để đi tìm một con chiên lạc. Nếu đứng về phía những người làm kinh tế, hẳn chúng ta sẽ không thể chấp nhận việc làm mạo hiểm ấy để rồi con chiên đi lạc chưa chắc kiếm về được, mà có nguy cơ mất thêm số chiên còn lại do sói dữ rình bắt, do cám dỗ xung quanh, do tò mò đi kiếm thức ăn lạ, do mãi rong chơi nên tách bầy, do bẫy giăng bủa lưới…
Tuy nhiên, Chúa Giêsu không đang là một giáo sư tài chánh hay chuyên gia kinh tế để dạy chúng ta, mà Người dạy chúng ta hiểu biết về lòng thương xót của Thiên Chúa, về trái tim của một người cha dành cho con cái. Con nào cũng là con, có đứa khỏe mạnh thông minh, có đứa yếu đuối dại dột, có đứa tật nguyền thương tích, có đứa ngỗ nghịch chưa ngoan… thì vẫn là con trong lòng cha mẹ, vì thế mà Ngài vẫn thăm viếng, vẫn chăm nom, vẫn kiên nhẫn tha thứ, vẫn mở cửa đón con trở về. Chỉ ai làm cha mẹ mới hiểu được lòng cha mẹ. Làm sao ngủ yên khi đứa con đang phiêu bạt bên ngoài vòng tay mẹ ẵm, ánh mắt cha trông. Vậy Thiên Chúa càng chứng tỏ là một Đấng giàu lòng thương xót, Ngài cho mưa xuống trên kẻ dữ cũng như người lành, Ngài đi tìm và cứu chữa những gì đã hư mất.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có ánh mắt bao dung, cái nhìn cảm thương và cách hành xử như Chúa. Cũng chính lòng thương xót muốn cứu chữa ấy mà Giáo hội có những vị đã dám đứng dậy sau vấp ngã và trở thành chứng nhân về lòng Chúa yêu thương như Mađalêna, Phaolô, Augustinô, Charles de Foucauld…
Lạy Chúa, Chúa không kết án chúng con vì tội lỗi quá khứ của chúng con nhưng Chúa nhìn vào hiện tại muốn hoán cải của chúng con và sự phục thiện vì chúng con đều là con cái của Chúa. Xin giúp mỗi người chúng con luôn biết nhận ra mình đang sống trong dòng lịch sử cứu độ là lịch sử những tháng ngày Thiên Chúa dày công vất vả tìm đến và cứu chuộc con người. Xin giúp chúng con biết tận dụng Mùa Vọng là cơ hội để chúng con quay về với Chúa một cách thật lòng. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muavong