01.12.2022 – Thứ Năm Tuần I Mùa Vọng
Lời Chúa: Mt 7, 21.24-27
Khi ấy Chúa Giêsu nói với môn đệ rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bảo táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành.”
Suy niệm:
Sau khi một cơn bão đi qua thành phố, người ta ngạc nhiên khi thấy những căn nhà sụp đổ lại là những công trình mới xây chưa được bao lâu. Còn những công trình xưa lại hiên ngang đứng vững. Cũng có khi sau một cơn dông, một cây còn xanh bỗng nhiên ngã đổ. Người ta lại gần và thấy ruột của cây đã bị mục từ lâu. Dông bão làm lộ ra sự thật, vén mở chân tướng, vì khi biển lặng, ai cũng có thể là hoa tiêu. Đời con người tránh sao khỏi những dông tố. Ai cũng mong xây căn nhà đời mình cho kiên cố vững vàng, đứng được trước bão táp phong ba. Nhà càng cao, nền càng phải chắc chắn. Xây trên cát hay trên đá cho thấy ai dại, ai khôn. Thầy Giêsu dạy các môn đệ biết thế nào là xây đời mình trên đá. Đó là đem ra thực hành những lời Thầy dạy mà họ đang nghe trong Bài Giảng trên núi (Mt 5-7). Sống lời Thầy dạy là chọn đi vào con đường hẹp, ít người đi, với những thách đố và thiệt thòi, những hiểm nguy và nhục nhã. Chỉ ai dám sống như thế mới đứng vững khi dông bão bất ngờ ập tới. Lúc ấy người bị coi là ngu vì sống lời Thầy, mới lộ ra là người khôn. Vì lời của Thầy Giêsu diễn tả ý muốn của Cha trên trời, nên thi hành lời Thầy cũng là thi hành ý muốn của Cha.
Đây là điều kiện cần thiết để được vào Nước Trời, vì tuyên xưng trên môi Thầy Giêsu là Chúa, vẫn chưa đủ (c. 21). Chúng ta đang sống trong Mùa Vọng, mùa ngóng đợi Nước Chúa đến. Đây là thời gian thuận tiện để suy nghĩ về cái nền của căn nhà mình, cái nền của những công trình ta đang đầu tư xây dựng. Có khi chúng ta thấy nó sao quá mong manh. Chúng ta không đợi đến lúc dông bão mới gia cố nền móng. Căn nhà của giáo xứ, giáo phận hay Giáo Hội cũng vậy. Xây nhà cao tầng mà nền không chắc thì nhà dễ nghiêng. Đối với ngôn sứ Isaia, “Chính Đức Chúa là Đá Tảng bền vững ngàn năm” (Is 26, 4). Tin vào Ngài, ta sẽ được bảo vệ chở che và thêm mạnh sức. Ngoài Đức Chúa, chẳng có gì vĩnh hằng. Cuộc sống hôm nay có vẻ ổn định hơn xưa. Thật ra số phận con người hôm nay bấp bênh hơn nhiều. Chỉ một sai sót nhỏ cũng kéo theo một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Chỉ một tranh chấp nhỏ cũng có thể làm bùng lên một cuộc chiến. Hãy xây tương lai của xã hội và Giáo Hội trên Đá Tảng. Hãy xây những dự tính của đời mình trên nền đá. Nhờ đó những công trình của chúng ta trở thành vĩnh cửu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay. Chúng con thường xây nhà trên cát, vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy, nhưng lại không dám đem ra thực hành. Chính vì thế Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con. Xin cho chúng con đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa, đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình, để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng. Ước gì ngôi nhà đời chúng con được xây trên nền tảng vững chắc, đó là Lời Chúa, Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, mới được vào Nước Trời” (Mt 7,21).
Câu chuyện minh hoạ:
Đến thăm Rôma, nếu được vào bên trong Vatican, du khách không thể bỏ qua một tác phẩm nghệ thuật mà người ta thường gọi là ‘viên ngọc quý’ của nghệ thuật thời văn nghệ phục hưng ở Âu Châu: Đó là nguyện đường SIXTINA bởi vì đã được xây cất và dâng tặng cho ĐGH Sixtô IV vào những thập niên cuối thế kỷ XV. Được gọi là “viên ngọc quý” của nền nghệ thuật văn nghệ phục hưng, bởi vì bốn bức tường và trần nhà là bộ tranh có nội dung Kinh Thánh, do các hoạ sĩ thời danh thực hiện. Nổi tiếng hơn cả là các bức tranh trên trần nhà do chính danh hoạ Michael Angelo thực hiện.
Trong suốt 7 năm ròng rã ngày đêm, Michel Angelo nằm trên những chiếc giàn gỗ, mắt nhìn lên trần, để vẽ lại những chương đầu trong sách Sáng Thế Ký. Thông thường, sau khi hoàn thành 1 tác phẩm, nhà nghệ sĩ nào cũng ký tên lên tác phẩm để tên tuổi của mình lưu truyền cho hậu thế. Thế nhưng, nhìn kỹ những bức tranh trên trần nhà nguyện Sixtina, không ai có thể tìm thấy bất cứ 1 dấu vết nào của danh hoạ M.Angelo. Thay vào đó, người ta chỉ đọc được 2 chữ ALPHA và OMEGA, nghĩa là Nguyên Thuỷ và Cùng Đích. Qua 2 chữ này, M.Angelo muốn dành tất cả danh dự và vinh quang cho Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, Đấng là Nguyên Thuỷ và là Cùng Đích của mọi sự. Tất cả cho Thiên Chúa. Tất cả vì Thiên Chúa!”
Suy niệm:
Để kết thúc những lời dạy dỗ dân chúng trong Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã đưa ra điều kiện để làm người môn đệ chân chính, đó là: không chỉ lắng nghe mà còn phải cố gắng đem lời Chúa ra thực hành, như lời Chúa Giêsu khẳng định: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).
Khi tạo dựng nên con người, Ngài muốn con người sống để làm cho nhiều người biết đến danh Ngài, thế nhưng vì sự ích kỷ mà con người đã bất tuân và làm sai lệnh Chúa. Ngày nay chúng ta cũng có thể làm mờ danh Chúa, chỉ biết làm sáng danh mình khi chạy theo những lợi lộc riêng tư, sống theo những cảm tính bên ngoài, mà quên rằng thánh ý Chúa là tất cả cho cuộc đời.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sống Lời Chúa dạy. Đặc biệt trong mùa vọng này, chúng con nỗ lực thi hành Lời Chúa qua đời sống kính mến Chúa và bác ái với tha nhân để đón mừng Chúa đến. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Hôm nay là ngày đầu tháng Mười Hai, và cũng là ngày thứ Năm trong tuần đầu tiên của năm Phụng vụ mới. Phụng vụ Giáo hội mở đầu năm mới với Chúa nhật 1 Mùa Vọng, để hướng đến mầu nhiệm nhập thể – lễ Giáng Sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa. Vậy Mùa Vọng là gì? Và người tín hữu cần sống như thế nào cho đúng tinh thần và ý nghĩa của Mùa Vọng? Để hiểu cho thấu đáo Mùa Vọng có ý nghĩa gì, chúng ta cần triết tự để hiểu ý nghĩa gốc từ. Mùa Vọng: được Giáo hội dịch từ danh từ Hy lạp παρουσία (”parousia” có nghĩa là ”ĐẾN”) . Khi dịch sang ngôn ngữ Latin là ”Adventus” do động từ ”advenirê: nghĩa là: “đến” (1) có quá khứ là: ”adventum”: Đà ĐẾN. Trong tiếng Anh: bỏ âm /us/ của ”adventus” để có danh từ ”Advent”.
Nhưng tại sao tiếng Việt lại dịch là vọng? Vọng nghĩa là gì? Mùa Vọng được hiểu như thế nào? ”Vọng” mang 2 ý nghĩa:
Thứ 1: là ”nhìn, hướng lòng về, tin tưởng, trông chờ” . Ví dụ: hy vọng, hay là: kính viễn vọng; Hòn Vọng Phu;/ hy vọng có ngày gặp lại nhau; hết hy vọng rồi!… Vọng là: “nhìn – trông chờ”.
Thứ 2: ”vọng” còn có nghĩa ”đến từ xa, từ nơi khác” , chẳng hạn: Nghe tiếng thầy giảng từ xa vọng lại; / hoặc là: đứng ngoài sân – nói vọng vào.
Thế thì: Ai đến từ xa? Và trông chờ cái gì? Ai trông chờ? Đó chính là: Chúa đến và con người trông chờ Chúa đến. Khi phân tích triết tự cả 3 ngôn ngữ như thế: chúng ta mới hiểu được ý nghĩa thật sự của Mùa Vọng mà Giáo hội muốn diễn tả. Mùa Vọng đích thật là : sự hiện diện, viếng thăm, trông đợi. Mùa Vọng cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa vẫn ở đó, Ngài không rời bỏ khỏi thế gian, mà Ngài đến viếng thăm chúng ta bằng nhiều cách khác nhau. Như thế, dù đang rất bận rộn với cuộc sống, với công việc làm ăn, với bao lo toan, nhưng Mùa Vọng mời gọi mỗi chúng ta tạm dừng lại để nhận biết rõ ràng sự hiện diện của Thiên Chúa. Trình thuật Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến căn tính của người môn đệ và mời gọi phải sống triệt để thì mới được chung hưởng phần phúc nước Trời với Người, đó là: “Không phải tất cả những ai nói với Ta, ‘lạy Chúa, lạy Chúa!’, là được vào nước Trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước Trời”. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần tránh lối sống giả hình, đạo đức hão huyền. Không thể sống mãi kiểu đạo đức hình thức bên ngoài.
Như vậy, mỗi chúng ta được mời gọi dấn bước và dám sống kiên định trong những đòi hỏi của Tin mừng. Cách cụ thể là biết sống ý nghĩa đích thật trong Mùa Vọng này. Cho nên trong tuần này của Mùa Vọng, hãy thay đổi, hãy thật sự thay đổi. Bằng cách, mỗi chúng ta cố gắng từ bỏ, cố gắng thay đổi: bắt đầu từ một tật xấu, từ một cám dỗ, từ một tội… mà lâu nay mình vẫn cứ loay hoay, vẫn cứ chai lì trong nó. Hãy để lòng chúng ta, và con người chúng ta được biến đổi. Bởi lẽ, Mùa Vọng là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa dân Người, và là mùa mà con người được biến đổi và phải biến đổi. Năm Phụng vụ mới là cơ hội để gạt bỏ quá khứ tội lỗi, để mặc lấy con người mới: tinh tuyền thánh thiện. Lạy Chúa Giêsu, xin thương tha thứ chúng con vì những lần chúng con chai lỳ và ở mãi trong tội. Xin giúp chúng con biết sống thật tình với Chúa và anh chị em trong cuộc đời và nhất là trong Mùa Vọng này. Amen.