30.11.2022 – Thứ Tư Tuần I Mùa Vọng: Thánh Anrê Tông Đồ
Lời Chúa: Mt 4, 18-22
Khi ấy, Đức Giêsu đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là Simon, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Ði một quảng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.
Suy niệm:
Như một sự tình cờ, lúc đang đi dọc theo bờ hồ Galilê, Đức Giêsu thấy bóng dáng các anh đánh cá quen thuộc. Hẳn họ đã có lần nghe Ngài giảng và thấy Ngài chữa lành bệnh nhân. Đức Giêsu yên lặng nhìn các anh làm việc. Họ đang quăng lưới bắt cá hay ngồi trong khoang vá lưới với cha. Cảnh tượng rất đời thường và ấm áp. Đẹp biết mấy chuyện con người làm việc chung với nhau. Sau này họ sẽ biết cách làm việc với nhau trên con thuyền Giáo Hội. Chúa Giêsu hôm nay cũng thấy tôi. Tôi thế nào, Ngài thấy tôi thế ấy. Cái nhìn của Ngài không làm tôi bị tê liệt, nhưng cho tôi tự do. Ngài chấp nhận trọn vẹn con người tôi, cả tội lỗi và yếu đuối. Chẳng cần son phấn, tôi thu hút Ngài bằng cái mộc mạc của tôi. Ngài gặp tôi hôm nay lúc tôi đang mải mê làm một việc gì đó. Ngài gặp tôi giữa cái vất vả kiếm sống của đời thường. Hạnh phúc cho người nào được thấy Thiên Chúa (Mt 5, 8), và cũng thật hạnh phúc cho người nào được Thiên Chúa thấy.
“Các anh hãy theo tôi”: đây là một lời mời dành cho mọi Kitô hữu. Ơn gọi Kitô hữu khởi đi từ tiếng gọi của Thầy Giêsu. Người Do Thái thường tầm sư học đạo, còn ở đây, chính Thầy Giêsu đi chọn môn đệ cho mình (Ga 15, 16). Ngài mời ta đi theo chính con người của Ngài, chứ không phải theo một lý tưởng cao đẹp hay một dự án hấp dẫn. “Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới con người.” Một cuộc đổi đời thực sự, từ lưới cá đến lưới con người. Con người của mọi dân tộc là mối bận tâm của Thiên Chúa. Theo Chúa Giêsu là chia sẻ nỗi thao thức của Ngài về nhân loại, và đồng lao cộng khổ với Ngài trong sứ mạng cứu độ thế giới. Simon và Anrê đã bỏ chài lưới, Giacôbê và Gioan bỏ thuyền và cha. Sự từ bỏ nào cũng gây ít nhiều xót xa đau đớn. Biển cả, sóng nước, thuyền bè, lưới cá, người cha, người vợ: biết bao giá trị phải bỏ lại, những người tôi đã và vẫn còn yêu mến. Từ bỏ chỉ khả thi nếu tôi gặp một giá trị cao hơn, một tình yêu lớn hơn. Chúa không đòi mọi người phải sống đời tu, nhưng đòi phải từ bỏ mình. Từ bỏ đơn giản là đặt Thiên Chúa lên trên mọi thụ tạo khác, là chọn Giêsu trong giây phút hiện tại, là đón lấy cái bấp bênh. Bốn anh ngư phủ đã lên bờ để đi theo một ông thợ mộc bỏ nghề. Đời họ đã sang một trang mới. Hôm nay Chúa vẫn đi ngang qua đời tôi như một sự tình cờ. Ngài vẫn thấy, vẫn gọi, để tôi bỏ và đi theo. Không thấy và gọi, thì cũng chẳng ai từ bỏ và đi theo. Tiến trình này được lặp lại nhiều lần, làm nên hành trình Kitô hữu. Hôm nay tôi mong theo Chúa hơn hôm qua, và ngày mai hơn hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu thương mến, xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi nơi chúng con đi. Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con bằng Thần Khí và sức sống của Chúa. Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa. Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con. Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Chân phước Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mt 4,17)
Câu chuyện minh họa:
John Henry Newman đến Rôma vì muốn minh xác Chúa Giêsu có mời gọi ông, theo Ngài như một Kitô hữu hay không? Một ngày kia trên đường trở về, ông cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin hướng dẫn con. Con không thể tìm được đường đi. Xin hướng dẫn con, ôi ánh sáng dịu dàng!”.
Những lời này đem lại cho ông sự bình an, đến nỗi ông lấy bút và bắt đầu viết. Ông đã viết lời cho một thánh ca nổi tiếng: “Xin hướng dẫn con, ôi ánh sáng dịu dàng.”
Trở về Anh, ông đã gia nhập đạo Công giáo và trở thành một trong những người lãnh đạo vĩ đại nhất. Đó là Đức Hồng Y Newman.
Suy niệm:
Khi Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên theo Ngài, các ông đã có thái độ nào? Chúng ta hãy nghe Thánh Marcô kể lại: “Hai ông bỏ cha là Dêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm và đi theo Ngài”. Tác giả hình như muốn cho chúng ta thấy hai ông đã phải hy sinh lớn lao; hai ông không những bỏ chài lưới, nhưng bỏ cả cha già tức là bỏ cả gia đình để theo Chúa. Chúa đã lôi cuốn được người ta bỏ mọi sự mà theo Ngài. Mà Chúa cũng muốn cho người ta thấy rằng muốn theo Chúa, thì phải bằng lòng bỏ tất cả.
Thực vậy, các tông đồ đầu tiên thoát ly mọi sự trước kia đã ràng buộc các ông là để gắn bó với Chúa Giêsu. Các ông đi theo Ngài một cách tin tưởng, mà không hỏi xem Ngài sẽ dẫn các ông đi đến đâu và tương lai sẽ ra sao. Các ông đi theo Ngài để chia sẻ vui sướng, nhưng đồng thời cũng đồng lao cộng khổ với Ngài. Các ông đi theo Ngài để lãnh nhận lời giáo huấn, lấy đó là mẫu mực cho đời sống mình trước hết, để rồi sau đó tuyên xưng giáo thuyết của Ngài, và truyền bá giáo thuyết đó cho mọi người.
Ước gì mỗi chúng ta biết thực hành những gì các Tông đồ đã làm, là sẵn lòng chấp nhận cái giá các ngài đã phải trả, chúng ta phải sẵn lòng thiêu hủy mọi chiếc cầu phía sau chúng ta để bước theo Chúa Giêsu bất cứ nơi nào Ngài muốn dẫn đi.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Hôm nay chúng ta mừng lễ kính thánh Anrê tông đồ – anh của Simon Phêrô và bạn của Gioan và Giacôbê. Tin mừng cho chúng ta biết Anrê cùng với các bạn chài đã lắng nghe Lời Chúa phán với họ như thế nào: “ Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá ”; “ Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người ”. Ở đây chúng ta thấy một sự đáp trả nhanh chóng phát suất từ niềm tin xác tín của các tông đồ, trong đó có thánh Anrê. Chính sự sẵn sàng này đã cho phép các tông đồ đón nhận sứ mạng trở thành những người rao truyền “ Tin mừng ” về sự cứu rỗi.
Quả thật, đức tin đến từ việc lắng nghe và điều được nghe là lời của Đức Kitô. Nghe để ghi khắc nơi con tim, để sống và để loan báo. Do đó, chúng ta được mời gọi lắng nghe Lời Chúa bằng chính trái tim của chúng ta như lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh trong chủ đề ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 56: “ Hãy lắng nghe bằng con tim ”. Lắng nghe là phương cách lành mạnh, cũng là một đòi hỏi quyết định. Đây là lý do tại sao chúng ta dễ dàng muốn bịt tai mình lại trước Thiên Chúa – Đấng đang nói với chúng ta. Chúng ta hiểu rằng việc lắng nghe sẽ có hiệu quả. Chúng ta phải nghĩ rằng Lời Chúa là một phương thuốc, đôi khi làm cho chúng ta đau khổ và đánh đổi, bởi đó là lợi ích của chúng ta, để chuẩn bị cho chúng ta đón nhận các ân ban của Chúa.
Tuy nhiên, Lời Chúa không chỉ là một phương thuốc, mà còn là một thức ăn không thể thiếu cho tâm hồn. Chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa sẽ làm cho thế gian đói khát, tuy nhiên không phải là đói vì cơm bánh, mà là đói để nghe Lời Ngài. Chính sự đói khát này là điều chúng ta cần, bởi vì khiến chúng ta không ngừng tìm kiếm và đón nhận Lời Chúa, biết rằng Lời ấy phải nuôi dưỡng chúng ta trong suốt cuộc đời. Không có gì trong cuộc sống có thể mang đến cho chúng ta sự vĩnh cửu, cũng không có gì có thể thực sự thỏa mãn chúng ta nếu nó không được nuôi dưỡng, thẩm thấu, soi sáng và hướng dẫn bởi Lời Chúa.
Chúng ta cầu xin thánh Anrê luôn giúp chúng ta biết lắng nghe, biết đón nhận Lời Chúa cách quảng đại, rất giản dị, rất huynh đệ, hiệp thông với Chúa và với nhau.