15.11.2022 – Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên
Lời Chúa: Lc 19, 1-10
Sau khi vào Giêrikhô, Ðức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. Và kìa, có một người tên là Giakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Ðức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Ðức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. Khi Ðức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Còn ông Giakêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Ðức Giêsu nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”
Suy niệm:
Ở thành phố Giêricô không chỉ có anh mù Báctimê ngồi ăn xin, mà còn có ông Giakêu, đứng đầu các người thu thuế. Ông là người giàu có, nhưng thật ra ông là người nghèo, vì ông bị mọi người khinh rẻ bởi cái nghề thu thuế của ông. Giakêu đi chung với đám đông, theo sau Đức Giêsu. Ông có một khao khát mãnh liệt là được thấy mặt Ngài, vì chắc ông đã nghe nhiều người nói về vị ngôn sứ khác thường ấy. Giêsu không khinh giới thu thuế, trái lại còn kết bè kết bạn với họ. Giêsu là ai? Đó là người ông tìm cách gặp mặt (c. 3). Có hai cản trở khiến cho cuộc gặp gỡ trở nên khó khăn. Đám đông vây quanh Đức Giêsu khiến ông không thấy Ngài. Hơn thế nữa, thân hình ông lại thấp bé. Nhưng Giakêu không dễ nản lòng. Ông chạy đón đàng trước và leo lên một cây sung để thấy Đức Giêsu, vì ông biết thế nào Ngài cũng đi qua đó. Như thế ông đã vượt qua được đám đông và sự thấp bé của mình.
Để vượt qua thì phải chạy chứ không đi từ từ, và phải vất vả leo lên cao, vượt lên trên cái tôi nhỏ bé. Giakêu khao khát đến mức nào mới dám nghĩ và dám làm như vậy. Điều mà Giakêu không ngờ là Đức Giêsu đã dừng lại nơi cây sung, và ngước mắt nhìn lên ông đang nằm bò trên cây như một đứa trẻ. Ánh mắt của Ngài kéo theo hàng trăm cái nhìn khác của đám đông. Giakêu chắc xấu hổ luống cuống, còn Đức Giêsu thì hạnh phúc tràn trề. Dường như Ngài quên đám đông, để chỉ nghĩ đến con chiên lạc này. “Giakêu, xuống nhanh đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (c. 5). Đây là một lời hối thúc dịu dàng và một đề nghị bất ngờ. Giakêu ngỡ ngàng kinh ngạc trước ánh mắt ấy, lời nói ấy. Ông đã nhanh chóng leo xuống và dẫn Đức Giêsu về nhà mình. Đường từ gốc sung về nhà ông bao xa, ta không biết, nhưng chắc chắn đó là đoạn đường đầy niềm vui. Giakêu bỗng thấy mình mất đi mặc cảm tự ti, lấy lại được danh dự, vì Đức Giêsu sắp đến nhà ông, căn nhà ít ai muốn đến (c. 7). Ông chỉ muốn thấy mặt Ngài, còn Ngài lại muốn vén mở lòng mình. Cách cư xử của Ngài đối với một người tội lỗi như ông đã làm lòng ông tan chảy và mời gọi ông đổi đời. Những thứ ông từng say mê, bây giờ chẳng có gì hấp dẫn. “Tôi xin cho người nghèo nửa tài sản của tôi…” (c. 8). Giakêu đã hoán cải một cách bất ngờ, tự nguyện, sâu xa và cụ thể. Cuộc đổi đời của Giakêu là kết quả của việc hai người đi tìm nhau. Không phải chỉ Giakêu mới là người đi tìm. “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (c. 10). Giakêu dạy cho chúng ta biết cách tìm kiếm Chúa trong đời. Phải ước ao cho mãnh liệt, rồi ta sẽ được soi sáng để tìm ra con đường, ngay cả khi ở trong tình huống tưởng như tuyệt vọng. “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (c. 9). Giakêu đã quảng đại và vui sướng mở lòng để đón lấy ơn cứu độ đó.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, sám hối không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi. Chúng con ngỡ ngàng khi thấy Chúa là Đấng vô tội mà lại đứng chung với các tội nhân, chờ Gioan ban phép Rửa. Chúa đã muốn nên bạn đồng hành với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con. Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh lối nghĩ và lối sống của mình, tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng, thành thật để khỏi tự dối mình. Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải, dám đi đến những hành động cụ thể, và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau. Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con niềm vui của Giakêu, hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” (Lc 17,4)
Câu chuyện minh hoạ:
Nhiều đệ tử đang theo học Thiền định dưới sự hướng dẫn của thiền sư Sengai. Một người trong bọn họ thường hay thức dậy ban đêm, vượt tường ra phố để dạo mát cho thỏa thích.
Một đêm kia, Sengai đi giám thị phòng ngủ, thấy một đệ tử vắng mặt và cũng khám phá ra được chiếc ghế đẩu cao mà anh ta thường dùng để leo qua tường. Sengai dời chiếc ghế đi chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó. Khi anh chàng rong chơi trở về, không biết rằng Sengai là chiếc ghế, anh ta đặt chân lên đầu thầy và nhảy xuống đất. Lúc khám phá ra việc mình đã làm, anh ta hoảng sợ, nhưng Sengai nhẹ nhàng bảo:
– Sáng sớm hôm nay trời lạnh lắm. Con hãy cẩn thận kẻo bị cảm đấy?
Từ đó, người đệ tử ấy không bao giờ bỏ ra ngoài ban đêm nữa. Anh chuyên tâm học tập và trở thành người đệ tử gương mẫu của thầy Sengai.
Suy niệm:
Sau khi chữa người mù tại Giê-ri-khô, Đức Giê-su tiếp tục lên Giê-ru-sa-lem. Dọc đường, Người gặp Da-kêu. Người đã vào nhà ông và ông đã được biến đổi hoàn toàn.
Sự biến đổi của Dakêu, hay Ơn cứu độ mà ông Dakêu có được là kết quả sự hợp tác từ hai phía. Đó là Dakêu biết khiêm tốn nhìn nhận mình tội lỗi, bất toàn trước Chúa Giêsu, nên ông đã tìm mọi cách gặp cho bằng được Chúa, mời Chúa đến nhà mình. Và điều quan trọng thứ hai là chính Chúa Giêsu. Hay nói đúng hơn, ơn cứu độ đích thực là có Chúa Giêsu, vì có Chúa Giêsu là có bình an, hoan lạc. Nhờ đó, ta có thể sống quảng đại và vị tha với tha nhân, như lời Dakêu đã thưa với Chúa: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8). Chính Chúa đã mở đôi mắt tâm hồn ông Dakêu khiến ông không còn thấy tiền bạc là tất cả nữa, nhưng Chúa mới là tất cả đời ông. Ông đã quảng đại cho đi tài sản và nhận được điều lớn lao là ơn cứu độ.
Lạy Chúa, giúp chúng con được gặp Chúa, gặp trong lời cầu nguyện, trong các giờ kinh, và gặp Chúa trong anh em… để chúng con cũng có thể sống cách quảng đại và vị tha với tha nhân như ông Dakêu. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Chúng ta thấy, mở đầu câu chuyện, ông Giakêu được mô tả là người tội lỗi. Ông làm nghề thu thuế, và hơn nữa, ông còn là “thủ lãnh những người thu thuế”. Vì có được chỗ đứng quan trọng trong xã hội và vì cố công thu tích của cải, nên ông trở thành một “người giàu có”. Tuy nhiên, cuối câu chuyện, ông đã có sự thay đổi ngoạn mục. Ông đã phân phát tài sản cho người nghèo, và đền bù những thiệt hại mình đã gây ra cho người khác. Và Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ”.
Nếu xét rõ, chúng ta nhận ra hai nhân tố đã tạo nên bước ngoặt của sự thay đổi ấy. Thứ nhất, đó là những cố gắng và nỗ lực của chính Giakêu: “chạy tới trước”, “trèo lên một cây sung để nhìn xem Người”. Tuy nhiên, nhân tố quan trọng nhất vẫn là lòng nhân từ của Chúa Giêsu. Người đã “nhìn lên” ông, gọi ông “hãy xuống mau”, đề nghị “hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”. Vì chưng, như lời Chúa Giêsu đã nói: “Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”. Như thế, ơn cứu độ chính là kết quả của sự hợp tác từ hai phía. Một bên là lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa; và phần còn lại là thiện chí, cũng như sự cố gắng của con người.
Con người Giakêu trước lúc hối cải là hình ảnh của những người giàu tiền nhưng nghèo đạo đức; nghĩa là mặc dù dư giả vật chất nhưng trong lòng vẫn thiếu thốn và trống trải. Chúng ta thấy, hình ảnh và tiêu chuẩn của người môn đệ trong Tin mừng Luca luôn là: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó” (Lc 20,6). Quả thật, Chúa Giêsu thường khuyên các môn đệ của mình hãy bán tài sản để mua Nước Trời. Và Giakêu đã làm đúng như vậy.
Lời Chúa hôm nay đem lại cho ta chìa khóa của sự bình an, đó là sống quảng đại. Thiên Chúa ngự trong tâm hồn ta, nhưng chúng ta chỉ cảm nhận được sự hiện diện đó nếu chúng ta ra khỏi chính mình để sống quảng đại với người khác.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết tin tưởng vào vào lòng nhân từ của Chúa, và vào ơn cứu độ mà Chúa đã hứa ban; để chúng con luôn biết sống thanh thoát với của cải trần thế, cũng như biết giúp đỡ những người chung quanh chúng con. Amen.