02.11.2022 – Thứ Tư Tuần XXXI Thường Niên : Cầu Nguyện Cho Các Đẳng Linh Hồn
Lời Chúa: Mc 15, 33-39
Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Ðức Giêsu kêu lớn tiếng: “Êlôi, Êlôi, lama sabácthani!” Nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: “Kìa hắn kêu cứu ông Êlia”. Rồi có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển, thấm đầy giấm, cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống mà nói: “Ðể xem ông Êlia có đến đem hắn xuống không.” Ðức Giêsu lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. Bức màn trướng trong Ðền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Ðức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.”
Suy niệm:
Ðoạn Tin Mừng trên đây kể lại cho ta cuộc đời Ðức Giêsu vào những giây phút cuối. Ngài đã đón nhận cái chết một cách không dễ dàng sau nhiều giờ hấp hối trên thập giá. Ðau đớn đến tột cùng, nhục nhã và cô đơn kinh khủng. Có vẻ lúc đó Cha lại vắng mặt và làm thinh. “Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Ðức Giêsu có cảm tưởng như Cha bỏ rơi mình vào chính lúc Ngài vâng phục Cha, chấp nhận cái chết. Chúng ta cần nghe được tiếng kêu xé ruột của Ðức Giêsu. Ngài kêu bằng tất cả sức lực còn lại của mình. Ngài kêu một tiếng lớn, rồi tắt lịm. Chúng ta thích thấy Ðức Giêsu chết bình an hơn, chết anh hùng hơn và chết lành hơn. Nhưng Ðấng vô tội, chết thay cho cả nhân loại, đã chẳng được hưởng chút êm đềm nào từ Thiên Chúa. Lời cuối của Ngài là một tiếng gọi: Lạy Thiên Chúa của con, một câu hỏi tại sao mà Ngài không rõ câu trả lời. Ðức Giêsu đã nhắm mắt trong niềm tin trần trụi.
Tháng 11 được dành để nhớ đến những người đã khuất. Ðã có thời người ta cho rằng theo đạo là bất hiếu, vì không lo giỗ chạp, cúng vái, nhang đèn… Nhưng trong niềm tin của Kitô giáo, điều người chết cần không phải là đồ ăn hay vàng mã, mà là cầu nguyện, hy sinh, việc lành và thánh lễ. Ngọn lửa luyện ngục tuy gây nhiều đau đớn không nguôi, nhưng có sức tẩy luyện, biến đổi và thánh hóa. Có thể nói các linh hồn ở luyện ngục có phúc hơn ta, vì họ biết chắc chắn sớm muộn gì cũng vào thiên đàng. Chính vì thế họ vui lòng để cho tình yêu Chúa thanh lọc, và càng lúc càng trở nên hoàn hảo hơn để đến gần bên Chúa. Chúng ta cần sống mầu nhiệm các thánh thông công. Các thánh trên trời chuyển cầu cho Hội Thánh dưới thế. Hội Thánh dưới thế chuyển cầu cho các linh hồn đau khổ. Tất cả liên đới với nhau như các chi thể của một thân thể.
Trong tháng này Hội Thánh mời chúng ta đi viếng nghĩa trang để cầu nguyện cho các người thân yêu đã lìa đời. Những hàng mộ nói với ta về cái chết không sao tránh được. Dù già hay trẻ, dù khỏe hay đau, dù giàu hay nghèo, nhưng cuối cùng cái chết vẫn là điểm hẹn. Cái chết được chia đều cho mọi người. Nghĩa trang có phải là nơi an nghỉ cuối cùng không? Con người còn gì khi thân xác nát tan trong lòng đất? Nhờ Ðức Giêsu phục sinh mà mầu nhiệm cái chết được vén mở. Cái chết chỉ là nhịp cầu đưa ta vào cõi sống. Con người sống là để chết, và chết là để sống mãi, sống một cuộc sống hạnh phúc tuyệt vời hơn nhiều. Cùng với thánh Phanxicô, xin gọi cái chết là chị – Chị Chết. Ước gì người Kitô hữu học được nghệ thuật sống nhờ biết đón lấy cái chết trong niềm hy vọng tin yêu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, nếu người ta cứ phải sống mãi trên cõi đời này thì thật là phiền toái. Nhưng cái chết vẫn làm chúng con đau đớn vì phải chia tay với những người thân yêu, vì bao mộng mơ, dự tính còn dang dở. Xin cho chúng con đừng nhìn cái chết như một định mệnh nghiệt ngã và phi lý nhưng như một hành trình trở về nguồn cội yêu thương. Lạy Chúa Giêsu, trước cái chết thập giá, Chúa đã run sợ, nhưng không tháo lui, và Chúa đã chết trong niềm vâng phục tín thác, để trở nên người đầu tiên bước vào cõi sống viên mãn. Xin cho chúng con nghe được lời dạy dỗ của cái chết. Cái chết cho thấy cuộc sống mong manh, ngắn ngủi, chính vì thế từng giây phút trôi qua thật quý báu. Cái chết bất ngờ mời gọi chúng con luôn tỉnh thức. Cái chết nhắc nhở chúng con là khách lữ hành đang trên đường về quê hương vĩnh cửu. Sống một đời và chết một lần. Lạy Chúa, đó là thân phận làm người của chúng con. Xin dạy chúng con biết cách chết nhờ biết cách sống. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Hôm qua, ngày 01/11, Giáo hội mừng lễ kính các thánh nam nữ, nghĩa là cùng với vô số các thánh chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban thưởng cho các thánh hạnh phúc, vinh thắng trên trời.
Hôm nay, ngày 02/11, liền sau đó Giáo hội cùng hướng về các linh hồn đang còn chịu thanh luyện. Cả hai ngày lễ đã làm nổi bật ý nghĩa của tín điều: “các thánh thông công”, nhằm diễn tả 1 Giáo hội hiệp nhất và duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.
Đó là giáo lý về một Hội thánh trong ba tình trạng. Chúa Giêsu thiết lập Nước Trời là Hội thánh. Hội thánh ấy hiện nay gồm có ba tình trạng: một là Hội thánh “lữ hành”, hai là Hội thánh “vinh thắng”, ba là Hội thánh “đau khổ” như sau:
– Hội thánh “lữ hành” trần gian: gồm các tín hữu đang còn sống, đang bước đi trên con đường của Chúa Giêsu. Như dân Israel xưa, Hội thánh sẽ phải vượt qua sa mạc trần gian tiến về đất hứa Nước Trời là thiên đàng đời sau. Các tín hữu trong Hội thánh lữ hành trần gian còn phải chiến đấu với ba thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt của mình. Họ được Chúa ban cho 2 thứ bánh thiêng liêng là bánh Lời Chúa và bánh Thánh thể. Nhờ đó họ sẽ đủ sức vượt qua sa mạc trần gian để tiến về miền đất hứa là thiên đàng đời sau.
– Hội thánh “vinh thắng” trên trời: gồm các tín hữu đã qua đời trong niềm tin cậy vào Chúa. Khi còn sống ở trần gian, các ngài đã thực hành hiến chương Nước Trời là Tám mối phúc thật của Chúa Giêsu, nên ngày nay các ngài đang được hưởng hạnh phúc thiên đàng với Chúa.
Hội thánh “đau khổ” thanh luyện: Gồm các tín hữu tuy đi theo con đường của Chúa Giêsu, nhưng khi chết vẫn đang ở trong tình trạng còn nhiều sai lỗi, chưa xứng đáng được vào Nước Trời. Họ cần tiếp tục chịu đau khổ trong ngọn lửa tin yêu để được thanh luyện sạch mọi vết nhơ. Rồi khi hoàn toàn trở nên thánh thiện, họ sẽ được về hưởng hạnh phúc thiên đàng.
Như vậy, tín điều các thánh thông công muốn diễn tả về một Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Nghĩa là, cho dù ở trong ba tình trạng (ba nơi) những vẫn hiệp thông cùng nhau, vẫn chia sẻ, vẫn chuyển cầu và vẫn cùng nhau, nhắc nhở nhau đang sống trong tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Thông công tức là vẫn đang tác động đến nhau, cùng một nhóm, liên quan đến nhau, chứ không phải như hình thức xa cách hữu hình: người chết và người sống không còn gì liên quan đến nhau; các linh hồn, các thiên thần và chúng ta chẳng còn liên hệ gì nhau… Không phải như thế. Nhưng thông công tức là dù rằng có thể ở ba nơi khác nhau, nhưng cả ba vẫn là một nhóm duy nhất, một gia đình và chung một tình thương trong Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi chúng con luôn ý thức và sống tinh thần hiệp thông của tín điều Hội thánh thông công, để nhờ đó mỗi chúng con cảm nhận được tình yêu và lòng thương xót của Chúa nơi mọi người; và cũng để chúng con biết mở lòng mình ra, hướng về và cầu nguyện cùng với những anh chị em khác, ngay cả đối với các thánh và các linh hồn. Amen.