27.10.2022 – Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên
Lời Chúa: Lc 13, 31-35
Khi ấy, có mấy người Pharisêu đến thưa Ðức Giêsu rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!” Người bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: “Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được. Giêrusalem, Giêrusalem! Người giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Ðã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các người không chịu. Thì này, nhà các người sẽ bị bỏ mặc cho các người. Mà Ta nói cho các người hay: các người sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các người nói: ‘Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa!’”
Suy niệm:
Sống là bước đi mỗi ngày trong cuộc hành trình, phiêu lưu. Hơn ai hết Đức Giêsu đã sống phận người của mình như thế. Cuộc sống nay đây mai đó, không chỗ tựa đầu. Cuộc sống bấp bênh, sống nhờ lòng tốt của người khác. Hơn thế nữa, cuộc sống này còn bị đe dọa bởi quyền bính đạo đời. Trong bài Tin Mừng hôm nay, vài người Pharisêu báo tin cho Đức Giêsu về việc tiểu vương Hêrôđê muốn giết Ngài (c. 31). Họ khuyên Ngài nên ra khỏi vùng đất dưới quyền của Hêrôđê, vì chính ông này đã giết ngôn sứ Gioan Tẩy giả. Đức Giêsu lộ vẻ ung dung, không sợ hãi gì. Ngài gọi Hêrôđê là con cáo, một con vật ranh mãnh quỷ quyệt (c. 32). Đe dọa của ông ta không làm Ngài chùn bước. Ngài vẫn tiếp tục làm điều đã làm như trừ quỷ và chữa bệnh.
Hôm nay, ngày mai, ngày mốt vẫn cứ như thế. “Tôi phải tiếp tục đi” (c. 33). Đức Giêsu biết rất rõ mình đang đi đâu và đến đâu. Ngài sẽ tiếp tục lên đường, không phải vì sợ quyền lực của Hêrôđê, nhưng vì Ngài chấp nhận ở dưới quyền của Thiên Chúa. Ngài hướng tới Giêrusalem, nơi nhiều ngôn sứ đã chịu bách hại. Đức Giêsu ý thức mình là một ngôn sứ của Thiên Chúa. Số phận của Ngài cũng chẳng hơn gì bao ngôn sứ khác. Cái chết đang chờ đợi Ngài ở Giêrusalem. Giêrusalem là nơi đáng sợ, nhưng cũng là nơi đáng thương. Đức Giêsu đã âu yếm gọi hai lần: “Giêrusalem, Giêrusalem!” Ngài tự ví mình như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh. “Đã bao lần Ta muốn… nhưng các ngươi lại không muốn” (c. 34). Một tình yêu bị từ chối nên thốt lên những lời thở than.
Vị ngôn sứ Giêsu phải dừng bước khi con người khép lòng mình lại. Án phạt đến từ thái độ từ khước của con người, giống như đàn gà con không để cho gà mẹ chở che dẫn dắt. “Nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi” (c. 35). Thiên Chúa bỏ đền thờ, bỏ thành thánh Giêrusalem mà đi, để mặc cho quân thù vây hãm và tiêu hủy. Nhưng rồi sẽ đến ngày Đức Giêsu trở lại trong vinh quang. Lúc ấy mọi người sẽ tung hô: Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến.
Chúng ta cũng có sứ mạng làm ngôn sứ như Đức Giêsu. Những đe dọa, đụng chạm đến an toàn là điều không tránh khỏi. Nhưng chúng ta vẫn được mời gọi đi đến cùng con đường của mình, với một tinh thần bất khuất, không gì lay chuyển. Vẫn phải trung thành với việc được Thiên Chúa giao, dù điều đó dẫn ta đến với cái chết. Trước một Giêrusalem thù nghịch, xin có được đảm lược của Giêsu. Trước một Giêrusalem từ khước, xin có được lòng nhân hậu. Để trái tim chúng ta biết kết hợp đảm lược với lòng nhân.
Cầu nguyện:
Lạy các thánh tử đạo Việt Nam, các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm. Sự hy sinh của các ngài cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt. Dù mang phận người yếu đuối, nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng, các ngài đã chiến thắng khải hoàn. Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài biết can trường sống đức tin của bậc cha anh trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa, biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu bằng một đời hiến thân phục vụ. Ước gì ngọn lửa đức tin mà các ngài đã thắp lên bằng cuộc sống và cái chết, được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam. Ước gì máu thắm của các ngài thấm vào mảnh đất quê hương để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được.” (Lc 13,33)
Câu chuyện minh hoạ:
Hạnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam kể lại rằng:
Ông Trùm Đích và con rể là ông Lý Mỹ đều bị bắt trong cuộc bách hại đạo. Trước sức ép của bạo lực cũng như cám dỗ bổng lộc, cả hai ông thà chịu chết chứ kiên quyết không chịu đạp lên Thánh Giá. Sau khi hai lần tự nguyện chịu đòn thay cho nhạc phụ đã già yếu, ông Lý Mỹ đối diện với quan quân, mạnh dạn tuyên xưng Đức tin:
Thưa quan lớn, tôi đã suy xét và tin nhận Đạo Thiên Chúa là Đạo thật nên tôi không thể chối bỏ. Giả như có ai bảo quan lớn đạp lên đầu Đức Vua là người đã ban chức cao quyền trọng cho quan lớn, ắt hẳn quan lớn chẳng dám làm. Vậy thì tôi đây, lẽ nào lại cả gan đạp lên tượng ảnh Thiên Chúa mà tôi hết lòng tôn thờ?”
Cô con gái tên là Mỹ mới 12 tuổi, vào thăm ông Lý Mỹ trong ngục, đã khích lệ: “Xin cha hãy can đảm chịu chết vì Chúa!” Đến cậu bé Tường mới 9 tuổi cũng nói: “Xin cha đừng lo cho chúng con. Cha hãy vững lòng an tâm xưng Đạo và chịu chết vì Đạo!” Cuối cùng là lời khuyên của bà vợ: “Vợ con ai mà chẳng thương tiếc, nhưng ông hãy vác thập giá, trung thành với Chúa cho đến cùng. Đừng lo nghĩ gì cho mẹ con tôi.”
Suy niệm:
Bài Tin Mừng ghi lại việc Chúa Giêsu cho biết việc Người sẽ chịu chết ở Giêrusalem và bày tỏ lòng thương tiếc Giêrusalem: “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp con dưới cánh, mà các ngươi không chịu” (Lc 13,34).
Trước bạo quyền của Hêrôđê, Chúa Giêsu đã không lo sợ nhưng mạnh mẽ lên đường, vì Ngài luôn tuân hành thánh ý Chúa. Biết bao vị ngôn sứ đã chịu chết nơi đây chỉ vì nói lời Thiên Chúa, Ngài cũng vậy, Ngài cũng biết rằng cuộc đời của Ngài cũng sẽ bị giết giống như vậy nhưng Ngài vẫn hiên ngang. Các vị thánh cũng đã đi theo con đường Chúa Giêsu đã đi vì một chân lý là rao truyền và nói lời Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con đừng chai lỳ, cứng lòng trước tình thương và sự chăm sóc quan phòng của Chúa, nhưng tin theo Chúa và dấn thân sống theo giáo huấn của Ngài để tạo cho mình một đời sống thánh thiện. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Tục ngữ Việt Nam có câu “dĩ hoà vi quý”, kiểu một sự nhịn chín sự lành. Xét phương diện nào đó, trong cư xử hàng ngày, điều này là tốt, nó mang đến sự an yên, không cần phải hơn thua với ai. Căn cội của tư tưởng này có từ ngàn xưa, cứ thuận theo tự nhiên, đừng hơn thua ắt sẽ an nhà.
Ngày nay trên facebook người ta loan truyền nhau bài thơ “được” như sau:
“Nhà to nhà nhỏ, có chỗ ở là được,
Hai bánh bốn bánh, đi được là được,
Tiền ít tiền nhiều, đủ ăn là được,
Người xấu người đẹp, dễ coi là được…”.
Mới nghe thì thấy nó an yên, nó xuề xoà, bình an và hạnh phúc, có nghĩa là “miễn sao cũng được”, chấp nhận là được. Tâm lý đó, nó có cái gì đó chấp nhận, cam chịu, tự thoả mãn.
Có lẽ mình sống trong môi trường thuần nông, phong kiến, thường phải đối diện với nhiều áp bức, khó khăn, bất công và thống trị, nên biết thoả mãn là tự tạo hạnh phúc. Hạnh phúc và bình an không phải là cái chúng ta phải đạt được mà chúng ta phải tự thoả mãn với cái mình đang có, thậm chí là những bất trắc đang xảy ra.
Nếu Chúa Giêsu của chúng ta cũng chấp nhận thái độ thoả hiệp và tự thoả mãn, bằng cách là “sao cũng được” thì đã không có tinh thần và những lời lẽ đầy quyết đoán mạnh mẽ như trong Tin mừng hôm nay: “Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được”.
Ngày nay, chúng ta hay có thói quen nhượng bộ. Nhượng bộ trong cả việc giảm thiểu các giá trị Tin mừng, nhượng bộ trong các sinh hoạt của Giáo hội sao cho dĩ hoà vi quý, nhượng bộ trong cơ cấu tổ chức, trong việc chọn nhân sự… nhượng bộ trong cả đức tin, luân lý, văn hoá… và trong nhiều việc khác, miễn sao Giáo hội được bình yên, nghĩa là không làm gì đụng chạm tới “tôi” là được. Chúng ta có thấy đó là một mối nguy không? Đã bao tháng năm lịch sử của Giáo hội, vẻ bi tráng mà mạnh mẽ của chúng ta là dám chấp nhận hy sinh như Chúa, miễn sao Tin mừng được loan báo. Đó là tư tưởng của Phaolô, nhờ đó mà chúng ta được đón nhận Tin mừng. Và Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng từng nói: thà thấy một Hội thánh lem luốc vì làm chứng còn hơn là một Hội thánh tươm tất sạch sẽ mà không cần làm chứng gì.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa thật can đảm và mạnh mẽ, không một chút sợ hãi và nhượng bộ nào. Xin cho Hội thánh và mỗi người chúng con có ơn mạnh mẽ và can đảm như Chúa. Amen.