21.10.2022 – Thứ Sáu Tuần XXIX Thường Niên
Lời Chúa: Lc 12, 54-59
Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: “Mưa đến nơi rồi”, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: “Trời sẽ oi bức”, và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét? Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải? Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy có gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng.”
Suy niệm:
Tục ngữ ca dao nước ta không thiếu những câu nói về thời tiết. Kinh nghiệm dân gian cho phép dự đoán những gì sắp xảy ra. Có những dấu hiệu báo trước cơn mưa hay dông bão. “Sấm đàng đông vừa trông vừa chạy, sấm đàng nam vừa làm vừa chơi.”Người dân nước Paléttin cũng có những kinh nghiệm tương tự. “Mây kéo lên ở phía tây” là mây đến từ biển Địa Trung Hải. Khi thấy mây từ biển tiến vào, người ta đoán mưa đến nơi rồi (c. 54). Khi thấy gió từ phương nam thổi đến, luồng gió nóng từ vùng núi Ả-rập, người ta biết ngay thời tiết sẽ hết sức oi bức (c. 55).
“Và xảy ra đúng như vậy”, Đức Giêsu nhắc lại câu này hai lần. Ngài cho thấy dự đoán của dân chúng về thời tiết ít khi sai. Họ khá bén nhạy trước những dấu hiệu thay đổi nhỏ của trời đất. Tiếc là dân chúng thời Đức Giêsu lại không đủ bén nhạy để có thể nhận biết được ý nghĩa của những dấu chỉ đang diễn ra trước mắt họ.
Đức Giêsu ngạc nhiên vì những người cùng thời với Ngài không thấy được cái độc nhất vô nhị của thời đại họ đang sống. Họ không cảm thấy hạnh phúc khi được Thiên Chúa đến viếng thăm.MChính vì thế ơn cứu độ của Thiên Chúa có thể bị quên lãng. “Hỡi những kẻ đạo đức giả!” Đức Giêsu đã gọi họ như thế (c. 56). Tại sao các anh nhạy bén trước điều này, mà lại thờ ơ trước điều kia? Thiếu bén nhạy về mặt tôn giáo cũng là cơn bệnh của con người thời nay. Thiên Chúa vẫn nói với con người hôm nay qua các dấu chỉ. Vấn đề là làm sao đọc được ý nghĩa của những dấu chỉ đó.
Thiên Chúa không hiện ra để dạy con người biết tôn trọng trái đất. Nhưng những hậu quả mà con người phải chịu là lời nhắc nhở của Ngài. Khi trái đất ấm dần lên, khi băng tan ra và mực nước biển dâng cao, một số phần đất của quê hương ta sẽ bị chìm dưới nước. Khi người dân chặt phá rừng, thì lụt lội và hạn hán là chuyện dĩ nhiên. Cơn bệnh của thế kỷ cũng có thể là một lời nhắc nhở. Thiên Chúa mời gọi vợ chồng sống chung thủy trong hôn nhân, và mời các bạn trẻ sống trong sạch trước khi lập hôn ước.
Ngay cả cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng là một dấu chỉ. Con người được mời gọi tìm ra những cơ cấu kinh tế vững vàng hơn, để không bị một số ít nhà tư bản hay nước tư bản thao túng. Mở mắt to để thấy, mở tai to để nghe, đó phải là thái độ của Kitô hữu, vì hôm nay Thiên Chúa vẫn nói, vẫn làm nơi Đức Kitô, Con của Ngài. Ngài vẫn nói với chúng ta qua hơn 90% người Việt Nam chưa biết Chúa. Ngài vẫn nói với ta khi có những bạn trẻ Kitô hữu nghiện ngập, hư hỏng. Ngài vẫn mời chúng ta làm một điều gì đó cho bao người nghèo khó, cho trẻ em thất học, cho những phụ nữ lỡ làng, cho những người neo đơn. Chỉ xin cho ta cảm được chút gió nhẹ của Chúa trong đời ta.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới: Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này là thuộc về mọi người, mọi dân tộc. Con mơ ước không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng, bên trong là người giàu yến tiệc linh đình. Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp, không còn những cô gái đứng đường hay những người ăn xin. Con mơ ước những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng, các ông chủ coi công nhân như anh em. Con mơ ước tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình, các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ. Lạy Chúa của con, con ước mơ một thế giới đầy màu xanh, xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển, và xanh của bao niềm hy vọng nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây. Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ, thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“…thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét.” (Lc 12,56)
Câu chuyện minh họa:
Tác giả nổi tiếng về giáo dục nhân cách là ông Norman Vincent Pearle, người Mỹ, có kể lại kinh nghiệm sau:
Một hôm, có một người đàn ông tìm đến với ông, vẻ mặt thiểu não, chán chường; người đàn ông cho biết ông ta không còn muốn sống nữa. Tác giả Norman Vincent Pearle mới đề nghị với kẻ chán đời một liều thuốc:
– Sáng mai, khi thức giấc, ông hãy tự nhủ đây là ngày cuối cùng, trong đời ông, ông hãy vươn vai và tự nhủ: đây là lần cuối cùng ta bước ra khỏi chăn êm nệm ấm; ông hãy đi chuẩn bị thức ăn sáng và nhớ rằng, đây là bữa điểm tâm cuối cùng. Ông hãy xin vợ ông chuẩn bị cho ông những món mà ông thích nhất; đừng đọc báo, như ông vẫn có thói quen khi ăn điểm tâm, nhưng ông hãy nói chuyện với vợ ông cứ như đó là lần cuối cùng trong đời; trên đường đi đến ga xe lửa, ông hãy đi chậm rãi và nhìn kỹ đến ngôi nhà của ông cũng như thành phố, hãy nhìn đến những người hàng xóm của ông lần cuối cùng. Ngồi trên xe lửa, ông hãy nghĩ đây là chuyến đi cuối cùng của ông, hãy nhìn những gì ông không ưa thích, bởi không bao lâu nữa, ông sẽ chẳng còn thấy lại những thứ ấy.
Người đàn ông lắng nghe những lời khuyên của tác giả Norman Vincent Pearle, ông hứa sẽ làm theo lời khuyên của tác giả và sẽ kể lại kết quả. Thế nhưng, ông không chờ đến ngày mai, ngay tức khắc ngồi trên chuyến xe lửa trở về nhà, thay vì đọc báo như thường lệ, ông ta nhìn qua cửa sổ, ánh sáng ban đêm của đô thị và cảnh vật ban đêm chung quanh tự nhiên thu hút ông, ông ta cảm thấy chuyến đi vô cùng lý thú. Ra khỏi xe lửa, ông đi chậm rãi để ngắm trăng và bầu trời trong sáng. Về đến nhà, thay vì dùng chìa khóa để mở cửa ra, người vợ đã từng sống với ông bao nhiêu năm qua xuất hiện trong một ánh sáng kỳ diệu và với một nụ cười khó tả; và kẻ đã từng chán đời kết luận: từ lúc đó, tôi quyết định phải sống và sống cho tới ngày Chúa còn cho tôi được sống.
Suy niệm:
Qua những dấu chỉ thiên nhiên, Chúa cho con người nhận biết những gì sắp xảy đến trong thiên nhiên. Cũng vậy, trong đời sống siêu nhiên, chúng ta cũng phải biết nhận ra thánh ý Chúa qua những biến cố trong đời sống hằng ngày, để qua đó chúng ta sống đức tin vững mạnh hơn. Muốn được như thế, chúng ta cần nuôi dưỡng đời sống đức tin, tập nhận ra thánh ý Chúa trong từng việc nhỏ hằng ngày để chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết canh tân đời sống tâm linh của chúng con theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để mọi việc chúng con làm đều đẹp ý Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Tin mừng hôm nay Đức Giêsu trách dân chúng là những kẻ đạo đức giả. Họ đạo đức giả vì họ rất giỏi biết quan sát cảnh sắc đất trời để tiên đoán đúng về thời tiết, nhưng lại không thể hay không muốn đọc dấu hiệu của thời cuộc đang diễn ra để nhận biết thời giờ cứu độ. Người mời gọi họ hãy để ý đến các dấu hiệu của thời đại mà lo tính công việc của mình trước ngày chung thẩm.
Những người cầm đầu dân Do Thái đã cố chấp không tin nhận vào Chúa. Họ không biết căn cứ vào những việc Chúa làm và những lời Chúa giảng dạy mà nhận ra rằng: thời kỳ “thiên sai” đã đến với họ, và nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Mêsia mà họ vẫn đang mong đợi.
Lời trách của Đức Giêsu đối với những người Do Thái trong Tin mừng hôm nay cũng là lời nhắc nhở về phần rỗi của mỗi người chúng ta. Chúng ta không chỉ dùng khả năng hiểu biết của mình để giải quyết và xử lý cho thích hợp những sự việc cuộc sống ở trần gian, nhưng chúng ta cũng phải biết nhận ra những dấu chỉ của Chúa qua các biến cố của cuộc sống, qua Hội thánh, để biết những việc phải làm, hầu mưu ích cho phần rỗi của mình và của tha nhân.
Lạy Chúa, xin giúp chúng ta luôn biết nhìn vào những dấu chỉ của thời đại mà nhận ra và thi hành ý Chúa. Amen.