20.10.2022 – Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên
Lời Chúa: Lc 12, 49-53
Hôm ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất! Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết, không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”
Suy niệm:
Nhiệt độ của trái đất có chiều hướng nóng dần lên. Ðó là một điều đáng sợ. Nhưng điều đáng sợ hơn lại là sự lạnh lùng giữa người với người. Con người cần cơm bánh và giải trí, nhưng con người còn cần sự nâng đỡ cảm thông. Nhân loại sống được là nhờ tình thương ấm áp. Vậy mà băng giá của lãnh đạm dửng dưng vẫn tồn tại khắp nơi trên mặt đất. Băng giá nằm ngay nơi lòng con người.
Ðức Giêsu đã khẳng định sứ mạng của Ngài: Ngài đến để ném lửa trên mặt đất, và Ngài ước mong, phải chi lửa ấy đã bùng lên. Ngọn lửa Ðức Giêsu muốn nhóm lên không phải là ngọn lửa của án phạt và hủy diệt, không phải là thứ lửa từ trời mà Gioan và Giacôbê định xin đổ xuống trên một làng của xứ Samari. Ðây là ngọn lửa vẫn bừng cháy trong tim Ngài, lửa của Thánh Thần, lửa của yêu thương, lửa hâm nóng hai môn đệ Emmau đang tuyệt vọng. Chúng ta cần được ngọn lửa của Ðức Giêsu chạm đến, cần được Ngài làm bừng sáng lên những sức mạnh tiềm ẩn nơi ta, để chúng ta trở thành ánh lửa cho thế giới.
“Phải chi lửa ấy đã bùng lên!”
Chúng ta được mời gọi để thực hiện niềm ước mong mà Ðức Giêsu đã suốt đời ôm ấp, đó là làm cho thế giới nên ấm áp hơn vì con người biết sống cho Thiên Chúa và cho nhau. Gieo rắc ngọn lửa và ánh sáng là chấp nhận bị từ khước và đe dọa. Ðức Giêsu linh cảm những gì sẽ xảy ra cho đời mình. Ngài sẽ phải chịu một phép rửa kinh khủng, sẽ phải dìm mình thật sâu trong nỗi khổ đau.
Hôm nay, Ngài mời chúng ta ném lửa trên mặt đất và chấp nhận đối đầu với sức mạnh của bóng tối. Khi Ðức Giêsu bị treo trên thập tự, khi Ngài bị giam trong mồ tối, bóng tối tưởng như đã nuốt chửng được Ngài. Nhưng ngọn lửa phục sinh đã bừng lên giữa đêm đen. Ðó là niềm hy vọng của chúng ta, những người vẫn còn phải hăng say chiến đấu để đẩy lui bóng tối ra khỏi mọi nơi, mọi chỗ, bóng tối của bất công, sa đọa và tuyệt vọng, bóng tối của hận thù, của nạn mù chữ,bóng tối của nghèo nàn lạc hậu… Bóng tối do khép lại cánh cửa của lòng mình, Bóng tối ở ngay trong lòng tôi. Có lúc chúng ta sợ hãi bóng tối dầy đặc, mà ngọn lửa của mình lại yếu ớt. Nếu một tỷ Kitô hữu đều là những ngọn lửa thì bóng tối sẽ bị đẩy lùi khỏi mặt đất.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu thương mến, xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi nơi chúng con đi. Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con bằng Thần Khí và sức sống của Chúa. Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa, Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con. Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Chân phước Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!.” (Lc 12,49)
Câu chuyện minh họa:
Một nữ tu đang phục vụ trong chương trình phát thanh bằng tiếng Đại Hàn, của đài phát thanh Chân Lý Á Châu, đã có lần cho biết, gia đình của chị là một gia đình chịu ảnh hưởng của Khổng Giáo một cách hết sức sâu đậm. Lòng hiếu thảo chi phối mọi quyết định và sinh hoạt của con cái trong gia đình.
Thế nhưng ngày kia niềm tin Kitô đã đến với người anh của chị. Điều này đã làm cho gia đình của chị xáo trộn. Người cha già của chị đã cực lực phản đối việc trở lại Công Giáo của người con trai duy nhất của ông.
Sự phản đối còn đi xa hơn nữa, khi ông ta được biết, người con trai của ông lại còn quyết định đi tu làm Linh Mục nữa. Như thế là gia đình ông không còn người nối dõi tông đường.
Nhưng chưa hết. Sau khi người anh của chị quyết định đi tu, thì lại đến lần chị, chị cũng trở lại Công Giáo và cũng xin đi tu.
Những điều này đã làm cho người cha của chị buồn phiền đến nỗi ông muốn từ hai đứa con của ông và ông đã căm thù đạo Công Giáo đến độ ông gọi Thiên Chúa của đạo Công Giáo là một ông thần xấu, vì đã cướp đi của ông hai người con.
Trước cảnh chia rẽ của gia đình như thế, chị và anh của chị, chỉ biết cầu nguyện để cho người cha của họ hiểu được lý do mà chị và anh chị trở lại Công Giáo. Và lời cầu xin của họ đã được Chúa nhận lời, vì vào giờ phút chót của cuộc sống tại thế, chính người cha của họ đã xin trở lại.
Suy niệm:
Sự bình an mà Chúa đem đến cho chúng ta không phải là sự bình an của thế gian: sống trong sự an nhàn, thảnh thơi, không lo lắng… nhưng sự bình an của Chúa là sự chiến đấu cho một chọn lựa. Chúng ta chọn Chúa thì phải từ bỏ những gì không thuộc về Chúa. Và khi chúng ta chiến thắng, chính là lúc chúng ta được bình an vì một giá trị chúng ta đạt được trong sự chọn lựa ấy.
Chúa Giêsu là Vua bình an nhưng cuộc đời trần thế của Ngài đầy những sóng gió, và kết thúc cuộc đời bằng cái chết thê thảm trên thập giá. Vậy, chúng ta là môn đệ của Chúa, chúng ta chọn sự bình an theo cách của Chúa như thế nào? Chúng ta có tìm sự an nhàn, ẩn mình, tránh né những thử thách không, hay chúng ta phải trả cái giá đắc cho niềm tin của mình để rồi đạt được sự bình an vĩnh cửu nơi Thiên Chúa?
Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con luôn phó thác và tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa, để dù giữa cảnh đời đầy cam go thử thách, chúng con luôn cảm nhận được sự bình an vì có Chúa ở cùng.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
“Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian“.
“Lửa” theo truyền thống của người Do Thái là sự phán xét. Mà sự phán xét của Chúa Giêsu nằm ở tận đáy lòng người ta, để rồi những ai không theo tiếng lương tâm mà sống ngay chính thì sự phán xét đó làm cho họ ray rứt. Chỉ những ai nghe tiếng của sự thật mà hoán cải thì họ thuộc về Thiên Chúa. Vì Chúa Giêsu đã nói: “Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37).
Chúa Giêsu còn nói thêm: “Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên”. Lửa lúc này còn mang một ý nghĩa khác, đó là lửa tình yêu. Lúc nào trong con người Chúa Giêsu cũng muốn cho tình yêu của Người được bùng cháy lên và lan tỏa trong lòng đời và lòng người, để người người yêu thương nhau, nhà nhà quý mến nhau. Nhưng ở đây có một điều lạ là: lẽ ra chân lý và tình yêu phải đem đến sự nối kết, đằng này lại đưa tới sự chia rẽ?
Sự chia rẽ mà Chúa muốn nói ở đây không phải đến từ chân lý và tình yêu, nhưng đến từ lòng người. Chúng ta cứ thử nhìn lại cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu mà xem, sau những tháng ngày miệt mài rao giảng, đã có nhiều người tin theo Chúa, nhưng cũng không ít người cứng lòng tin, thậm chí họ còn chống lại và tìm cách giết Chúa nữa.
Phải chăng khi người ta làm những điều bất chính, người ta cũng muốn những người xung quanh phải về phe mình. Và khi không được như ý muốn, họ lại đối xử với nhau như những kẻ thù. Và tự cho mình cái quyền sinh sát lẫn nhau. Cho nên, Chúa Giêsu cũng thật đau lòng khi phải nhìn thấy cảnh này. Vì thế, “Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất”. “Phép rửa”, như để nói về chính cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Người đã dùng hoa trái của cuộc vượt qua để xoa dịu và cứu lấy những sự ác nơi con người. Đó cũng là mong ước của thánh Phanxico Assisi khi viết nên kinh Hòa Bình: “Đem yêu thương vào nơi oán thù .Đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hoà vào nơi tranh chấp. Đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Thiên Chúa mong những con người sống trong lỗi lầm, trong hận thù đó sẽ được hoán cải để được vào Nước Trời. Nước Trời đó dành cho những ai sống trong chân lý và tình yêu. Còn những ai chối từ, sẽ đi con đường khác, nơi đó đầy rẫy những đau khổ, hận thù và oán ghét. Vì vậy, sự chia ly nó nằm ở chỗ con người có chọn Chúa hay không mà thôi.
Là người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi làm cho ngọn lửa chân lý và tình yêu Chúa Giêsu bùng lên trong tâm hồn, trong gia đình và cuộc sống bằng đời sống chứng tá của mình.
Lạy Chúa, xin giúp từng người chúng con luôn biết hoán cải và nỗ lực sống thánh thiện, yêu thương nhau hơn, để rồi mai này, khi Chúa đến vào ngày quang lâm, chúng con sẽ được nắm lấy tay nhau bước vào vương quốc tình thương của Chúa. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muathuongnien