17.10.2022 – Thứ Hai Tuần XXIX Thường Niên: Thánh Ignatiô Antiôkia
Lời Chúa: Lc 12, 13-21
Một hôm, có người trong đám đông nói với Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu.” Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!” Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giời ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Ðồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”
Suy niệm:
Cái kho là quan trọng. Kho bạc quan trọng đối với một đất nước. Kho lẫm cần cho người làm nghề nông. Mỗi gia đình, mỗi công ty thường có kho riêng. Có thể là một tủ sắt để trong nhà hay ở ngân hàng. Mọi lợi nhuận đều thu vào kho. Ai cũng muốn cho kho của mình bành trướng. Sau một vụ mùa bội thu, mối bận tâm lớn nhất của ông phú hộ trong dụ ngôn là tìm cho ra chỗ để tích trữ hoa màu của mình, vì những kho cũ không đủ sức chứa nữa. Cuối cùng ông đã tìm ra giải pháp này: phá những kho cũ, làm những kho mới lớn hơn, rồi bỏ tất cả hoa màu, của cải vào đó, khóa lại cho thật kỹ, đề phòng kẻ trộm. Khi nhà kho đã an toàn thì tương lai của ông vững vàng ổn định. Nhiều của cải cho phép ông sống thoải mái trong nhiều năm. Những cái kho lớn cho ông tha hồ vui chơi, ăn uống. Ông thấy mình chẳng cần đến Chúa, chẳng cần đến ai. Của cải trong kho bảo đảm cho ông sống hạnh phúc. Những cái kho là nơi ông đặt lòng mình (x. Lc 12,34). Xin đừng ai xâm phạm vào chỗ thiêng liêng ấy. Kho là nơi của cải đổ vào, sinh sôi nẩy nở. Kho không phải là chỗ chia sẻ cho người khác. Ông phú hộ sống cô độc, khép kín như cánh cửa kho. Ông sống với cái kho, sống nhờ cái kho. Ông tưởng mình đã tính toán khôn ngoan, nhưng ông không ngờ cái chết đến lúc đêm khuya, hay có thể có biết bao rủi ro khác xảy đến.
Ông chợt nhận ra mình phải bỏ lại tất cả. Cái kho không níu được ông, cũng không vững như ông nghĩ. Những gì ông thu tích như giọt nước lọt qua kẽ tay. Ai trong chúng ta cũng có một hay nhiều kho. Có thể chúng ta ôm mộng làm giàu hay đang giàu lên, chúng ta định nới kho cũ hay xây kho mới. Chúng ta chăm chút cái kho cho con cháu mai này. Thật ra của cải không xấu, xây kho cũng không xấu. “Nhưng phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” (12,15). Phải mở rộng những cánh cửa kho của mình, để kho không phải chỉ là nơi tích trữ cho tôi, nhưng là phương tiện để tôi giúp đỡ tha nhân. Ðừng để nhà kho, két sắt, ví tiền thành mục đích. Người giàu đáng yêu trước mặt Thiên Chúa là người biết mở kho để trao đi và thấy Thiên Chúa liên tục làm cho kho mình đầy lại. Làm thế nào để khi ra trước toà Chúa, chúng ta thấy kho của mình trống trơn vì vừa mới cho đi tất cả.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng tấm bánh để dành của con thuộc về người đói, chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn. Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng, có bao điều con lãng phí bên cạnh những Ladarô túng quẫn, có bao điều con hưởng lợi dựa trên nỗi đau của người khác, có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu. Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công chẳng ở đâu xa. Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con. Con phải chịu trách nhiệm về cảnh người nghèo trong xã hội. Lạy Cha chí nhân, vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng. Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt, vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau. Thế giới còn nhiều người đói nghèo là vì chúng con giữ quá điều cần giữ. Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu, nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12,21)
Câu chuyện minh họa:
TOLSTOI kể rằng một bác nông dân kia tên là Pakhom rất thích có một mảnh đất làm tài sản riêng. Sau một thời gian làm lụng cực nhọc, anh ta rất mừng khi tậu được một mảnh đất rộng tới 40 mẫu tây. Nhưng rồi sau đó, anh lại muốn sở hữu một mảnh đất khác rộng hơn. Anh liền chịu khó làm lụng vất vả, rồi bán đi mảnh đất cũ, cộng thêm tiền để dành, và cuối cùng đã mua được một mảnh đất 80 mẫu tây. Nhưng anh vẫn chưa cảm thấy thoả mãn, muốn có một mảnh đất khác rộng hơn nữa. Có người mách bảo rằng ở vùng bên kia núi có một bộ lạc mà dân chúng sống rất đơn giản, họ có rất nhiều đất, ai muốn mua bao nhiêu cũng được. Ngay sáng hôm sau, anh nông dân liền đi sang vùng đất phía bên kia núi. Vị tù trưởng bộ lạc nói: “Anh chỉ cần đặt cọc trước 1000 rúp là có thể sở hữu được vùng đất mà anh đi vòng quanh được trong ngày hôm đó. Nhưng phải nhớ kỹ điều kiện này là phải xuất phát từ 6 giờ sáng và đến đúng 6 giờ chiều phải quay trở lại điểm đã xuất phát. Nếu về không kịp một giây thì không những anh sẽ không được gì mà còn mất trắng luôn số tiền đã đặt cọc 1000 rúp kia nữa !”
Đêm hôm đó anh nông dân cảm thấy thật sung sướng không sao ngủ được. Vừa rạng sáng anh đã có mặt để nhờ người đánh dấu điểm xuất phát rồi bắt đầu đi. Càng đi anh càng sung sướng khi nhìn thấy phần đất của mình mỗi lúc một rộng ra thêm. Anh cứ đi và đi mãi quên cả dừng lại dọc đường để nghỉ ngơi ăn uống. Khi thấy mặt trời bắt đầu xuống núi anh liền hốt hoảng quay trở về. Nhưng vì đã đi quá xa sợ về không kịp nên anh cắm đầu chạy. Khi chạy về tới điểm đã xuất phát thì anh bị ngã gục xuống. Vị tù trưởng đến chúc mừng: “Xin chia vui với anh. Từ trước tới nay tôi chưa gặp được người nào đi xa được như anh. Anh hãy nhận phần đất của anh”. Nhưng người nông dân kia đã không thể đứng dậy được nữa để nhận lấy phần đất của mình, vì anh đã chết!
Suy niệm:
Của cải, vật chất, tiện nghi đời này chỉ là tạm bợ, nó chỉ phục vụ cho lợi ích con người nhưng nó không đảm bảo hạnh phúc đời sau. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết sử dụng nó như phương tiện thì nó sẽ giúp chúng ta đem hạnh phúc cho người khác. Có một thứ mang lại hạnh phúc cho con người là hạnh phúc nơi Chúa, khi chúng ta biết chia sẻ, trao ban, yêu thương… Bởi vì tất cả những gì chúng ta có được là do Chúa ban. Chúng ta hãy nghe và thực hành lời Chúa đã phán dạy:“Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được” (Mt 6,20). Thật vậy, khi chúng ta cho đi là lúc chúng ta nhận lãnh.
Lạy Chúa, Chúa không bảo chúng con phải sống mà không có của cải, nhưng Chúa muốn chúng con không bám víu vào nó mà quên đi hạnh phúc mãi mãi là chính Chúa. Xin cho chúng con chỉ biết tìm kiếm Chúa trên hết mọi sự vì Ngài là hạnh phúc vĩnh cửu cho mọi tâm hồn.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Trong xã hội hôm nay, có nhiều người, nhất là các bạn trẻ đang thực hiện một kế hoạch đáng phải kể đến: làm việc và tích góp để có thể về hưu sớm, hưởng một cuộc sống an nhàn, không phải vướng bận tới việc kiếm tiền mưu sinh, có một khoản tiết kiệm để hậu thuẫn cho tương lai. Đây không phải là một việc làm đáng khích lệ sao? Tiết kiệm cho tương lai chẳng phải là khôn ngoan và có trách nhiệm sao? Ai trong chúng ta đã từng nghĩ hoặc là đang thực hiện như vậy?
Việc làm này cũng tương tự như người phú hộ giàu có kia, tuy nhiên, việc làm này vẫn là “ngốc”, vậy người phú hộ này ngốc ở chỗ nào?
Có một điều rất quan trọng mà người phú hộ giàu có này đã không lên kế hoạch, đó là lên kế hoạch với Chúa; chính xác thì ông ta đã quên Chúa, ông ta chỉ nghĩ tới mình. “Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’”.
Người phú hộ giàu có bị coi là ngốc không phải vì ông ta có nhiều của cải tích trữ cho tương lai, mà bởi vì ông ta dường như chỉ nghĩ và sống cho bản thân và nghĩ rằng ông có thể đảm bảo cho cuộc sống của mình bằng số tài sản dồi dào ấy. Không phải là Chúa không muốn chúng ta tiết kiệm cho những nhu cầu về hưu hoặc trong tương lai. Không phải Chúa không muốn chúng ta “ăn, uống, vui” và tận hưởng những gì Chúa đã ban cho chúng ta. Tin mừng, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã dành thời gian ăn uống với mọi người và tận hưởng cuộc sống. Nhưng Chúa cũng rõ ràng về nơi an toàn nhất nằm ở đâu, nó ở nơi Chúa là Đấng ban cho chúng ta mọi sự và là Ngài là hạnh phúc của đời ta.
Lạy Chúa, nhiều lần chúng con đã tính toán quá nhiều, và những toan tính ấy phần lớn là chỉ nghĩ đến bản thân mình. Xin Chúa giúp chúng con biết chia sẻ, biết Chúa là nơi chúng con phải đến, và là đích điểm đời chúng con. Amen.