03.10.2022 – Thứ Hai Tuần XXVII Thường Niên
Lời Chúa: Lc 10, 25-37
Khi ấy, có người thông luật kia đứng lên hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi và người thân cận như chính mình.” Ðức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”
Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Ðức Giêsu rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” Ðức Giêsu đáp: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samaria kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiều, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”. Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Ðức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”
Suy niệm:
Trong Tin Mừng Mátthêu và Máccô (Mt 22, 36; Mc 12, 28) vị luật sĩ đặt câu hỏi về điều răn nào là điều răn lớn nhất. Còn theo Tin Mừng Luca, vị này lại hỏi Đức Giêsu về việc phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp (c. 25). Đức Giêsu nghĩ rằng câu trả lời đã có trong sách Luật, nên Ngài hỏi lại ông. Ông này đã trích sách Đệ Nhị Luật 6,5 và sách Lêvi 19,18 để trả lời. Động từ yêu mến diễn tả thái độ đối với Thiên Chúa và người thân cận: “Hãy yêu mến Thiên Chúa với tất cả trái tim con, với tất cả linh hồn con, với tất cả sức lực con và với tất cả trí khôn con, và người thân cận như chính mình” (c. 27). Đức Giêsu khen ông trả lời đúng và khích lệ ông (c. 28). Như thế giữa Ngài và vị thầy Do thái giáo đã có sự nhất trí nào đó. Tình yêu không phải là một đòi hỏi mới của Kitô giáo, nhưng tình yêu đã là điều cốt yếu của Do thái giáo từ xưa. Vấn đề là phải yêu Thiên Chúa với tất cả trái tim, linh hồn, sức lực và trí khôn. Từ tất cả được lặp lại bốn lần để nói lên một đòi hỏi tận căn, trọn vẹn.
Nhưng Đức Giêsu còn phải trả lời câu hỏi: “Ai là người thân cận của tôi ?” Ngài đã trả lời bằng một dụ ngôn nổi tiếng, qua đó ngài mở rộng quan niệm truyền thống về người thân cận. Một người từ Giêrusalem xuống Giêrikhô. Anh phải vượt qua đoạn đường dài gần 25 cây số. Đoạn đường này thời bấy giờ có nhiều trộm cướp. Anh đã bị bọn cướp trấn lột, đánh nhừ tử và đặt nằm đó nửa sống nửa chết. Nhìn vào tình cảnh bi đát của anh, có ai muốn thương giúp anh không? Có ba người đi qua chỗ anh nằm, một là thầy tư tế, hai là thầy Lêvi. Cả hai đều phản ứng như nhau: thấy và tránh qua bên kia mà đi (cc. 31-32). Chúng ta không rõ tại sao họ làm thế. Có thể vị tư tế sợ mình bị ô nhơ qua việc đụng chạm đến xác chết, vì sách Lêvi (21, 1-3) cấm không được làm thế, trừ phi là xác bà con gần.
Một người Samari là nhân vật thứ ba đi ngang qua nạn nhân. Hầu chắc nạn nhân này là một người Do Thái, vì không có chi tiết nào cho thấy anh ta là dân ngoại cả. Giữa dân Do Thái và dân Samari vốn có mối hiềm thù từ lâu. Người Samari này cũng thấy nạn nhân như hai người trước, nhưng đó không phải là cái nhìn lạnh lùng, vô cảm. Anh thấy bằng trái tim mình, vì thế anh chạnh lòng thương (c. 33). điều mà hai người trước không có. Chính sự thúc đẩy của trái tim đã khiến anh làm một loạt hành động cụ thể: lấy dầu và rượu đổ lên vết thương, băng bó, đặt nạn nhân trên lưng lừa, đưa về quán trọ săn sóc, ở lại quán trọ nguyên ngày hôm ấy, trả tiền cho chủ quán và hứa sẽ trở lại trả thêm nếu cần (cc. 34-35). Lòng thương xót thật sự khiến anh chấp nhận mất công, mất của, mất giờ, và có thể mất mạng nữa, vì có thể tên cướp vẫn còn núp đâu đây.
Khi giúp cho kẻ lâm nạn, dù biết đó là một người Do Thái kẻ thù của mình, người Samari đã làm một phép lạ lớn. Đó là biến mình trở thành người thân cận với anh ấy, và biến anh ấy, kẻ thù của mình, trở thành người thân cận với mình. Đây là phép lạ của tình thương phá vỡ và vượt qua mọi biên giới của chủng tộc, tôn giáo và nhất là vượt qua những thù oán lâu đời. Để trả lời câu hỏi của vị luật sĩ: ai là người thân cận của tôi ? Đức Giêsu đặt câu hỏi ngược lại cho vị này: “Theo ông, trong ba người, ai đã trở nên người thân cận với kẻ bị nạn ?” (c. 36). Câu hỏi quá dễ, nhưng hàm chứa một điều mới mẻ sâu xa. Trước khi giúp một người, tôi không nên tự hỏi người này có thân cận với tôi không. Chúng ta không chỉ giúp những người thân cận và loại trừ người khác. Chúng ta giúp một người chỉ vì người đó đang cần chúng ta. Giúp đỡ cụ thể là cách tạo ra người thân cận. Càng giúp nhiều, ta càng có nhiều người bạn thân. Vị luật sĩ đã hỏi Đức Giêsu phải làm gì (c. 25). Kể xong dụ ngôn, Đức Giêsu trả lời: Hãy đi và hãy làm như vậy (c. 37). Đất nước chúng ta đã giàu lên đáng kể, nhưng vẫn không thiếu người nghèo, nghèo sức khỏe, nghèo tri thức, nghèo vật chất tối thiểu, nghèo nhân phẩm… Chúng ta cũng bị cám dỗ “tránh sang bên kia đường”, thấy mà làm như không thấy những Ladarô nằm trước cửa. Yêu những người nghèo như chính mình, yêu cả những ai đã làm khổ mình. Đó là cách chúng ta rao giảng Tin Mừng cho quê hương Việt Nam hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau để làm thành một vòng tròn khép kín. Sau đó chúng con hiểu rằng cần phải buông tay nhau để nhận những người bạn mới, để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng và trái tim được lớn lên mãi. Lạy Chúa, chúng con biết rằng cần phải nối vòng tay lớn xuyên qua các đại dương và lục địa. vòng tay người nối với người, vòng tay con người nối với Tạo Hóa. Chúng con thích Chúa đứng chung một vòng tròn với tất cả loài người chúng con, nắm lấy tay chúng con và đưa chúng con lên cao. Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau
và nhận nhau là anh em.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp.” (Lc 10,25)
Câu chuyện minh họa:
Truyện ngụ ngôn người Tầu có thuật lại rằng:
Có một cậu bé tên là CHI CHANG, một hôm, bị lạc vào rừng. Cậu đi, đi mãi, không còn biết lối ra. Chiều đến, cậu mệt nhoài, nên ngồi nghỉ dưới một gốc cây cổ thụ cao lớn. Ngước mắt lên, cậu nhìn thấy ở đàng xa giữa cái vườn hoang có một túp lều nho nhỏ tư bề vắng lặng, không một tiếng gà cục tác, không một tiếng chó sủa… bị thúc đẩy bởi tính tò mò và lòng ham thích mạo hiểm, cậu bé tiến về phía túp lều bỏ hoang.
Nhìn qua khe cửa, cậu bé thấy một cụ già nằm dài trên một cái chõng, bộ râu trắng toát. Cậu bé bỗng giật mình nghe tiếng cụ già bảo:
– Hãy bước vào cháu ơi, đừng sợ! Cụ đã nghe tiếng bước chân của cháu từ xa hàng cây số.
Chi Chang đẩy cửa bước vào và đứng bên giường cụ già và hỏi:
– Làm sao cụ có thể nghe tiếng chân của cháu và biết cháu từ xa tới đây được?
– Cháu biết không -cụ già âu yếm trả lời-, khi một người già yếu như cụ suốt ngày chỉ mong đợi có ai ở gần bên cạnh; thì tất nhiên cả niềm ước muốn đó sẽ dồn hết vào tai, và tai trở nên thính gấp bội, có thể nghe tiếng từ xa vọng lại. Cụ nói với cháu một điều này nhé, cháu đừng ngạc nhiên: cho đến nay, cụ đã sống rất nhiều năm, mắt đã từng xem thấy nhiều điều, cụ đã từng hoạt động không ngừng, đã từng giao chiến quyết liệt. Giờ đây, cụ chỉ còn nhớ nhung và chỉ ước vọng một điều duy nhất, đó là được nhìn thấy lại nụ cười của một trẻ thơ. Cháu có thể tặng cho cụ một nụ cười trước khi cụ nhắm mắt lìa trần được không?
Chi Chang sung sướng nở một cụ cười thật tươi, và hơn thế nữa, cậu bé giang tay ôm ghì lấy cụ già, tặng cho cụ một cái hôn thật âu yếm trên vầng trán nhăn nheo vì tháng năm. Rồi cụ già nhắm mắt thiếp đi, như thể để thưởng thức tình âu yếm của một cậu bé ngoan ngoãn, tốt bụng.
Suy niệm:
Khi một người chung thủy thì họ làm hết lòng vì người mình yêu, không mỏi mệt, không tính toán cũng không than trách. Người Samaritanô tuy bận rộn, và cũng không biết nạn nhân ấy là ai, thế mà ông đã hết lòng lo lắng cho nạn nhân mà ông ta gặp trên đường. Ông làm một công việc với trái tim yêu thương thật sự. Tư tế và thầy Lêvi cũng đi trên con đường đó nhưng đã rẻ hướng khác để tránh sự cho đi của lòng nhân hậu, trái tim yêu thương và sự nhạy bén. Nên ông đã không tiếp cận với những đòi hỏi của Tin mừng. Qua đó, Chúa muốn mỗi người hãy học gương của người Samaritanô nhân hậu, biết trao ban tình thương và mang theo trái tim quả cảm của Chúa Giêsu.
Lạy Chúa, xin cho con biết chạnh lòng thương trước những nhu cầu của anh chị em con, để biết lắng nghe và giúp đỡ những ai cần đến con.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
“Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”
Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta có thể tóm gọn trong chữ “Hãy yêu”, và Chúa Giêsu nói: hãy làm như vậy thì sẽ được sống! Theo dụ ngôn người Samari nhân hậu, chúng ta thấy một khi đã yêu thì không phân biệt, không giới hạn: Yêu ai? Họ có xứng đáng để mình yêu không? Nhưng luôn mở rộng tấm lòng quảng đại với tha nhân: đặc biệt là người cần sự cứu giúp.
Giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn. Vị tư tế và thầy Lêvi đã giới hạn tình yêu của mình trong những khoản luật, trong sự tính toán thiệt hơn: sợ liên lụy, sợ ô uế, sợ phiền toái, sợ phải mất tiền… Một khi đã sợ, tâm trí sẽ co lại trong tất cả những lý do thoái thác làm việc thiện. Người Samari không bị ràng buộc bởi luật, không sợ liên lụy, mất danh giá, không ngại cho đi… nên đã không ngần ngại giúp người cần giúp đỡ. Người Samari này đã yêu không giới hạn. Người Samari đã thực sự trở nên công dân của Nước Trời.
Đi vào ngưỡng cửa đời đời là đi vào một cuộc sống có con tim biết thổn thức với tất cả nhu cầu của anh chị em mình. Theo thánh Gioan Kim Khẩu, nếu chúng ta không thể nhận ra người ăn xin hiện diện ở cửa nhà thờ thì chúng ta cũng không thể nhận ra Chúa Giêsu hiện diện nơi Thánh Thể. Ai cũng ước mong có sự sống đời đời, tuy vậy, điều chúng ta thực hiện lại không nói lên ước mong đó. Thánh Gioan khẳng định nếu chúng ta nói chúng ta yêu mến Chúa mà lại thờ ơ với anh chị em mình thì chúng ta là kẻ nói dối. Và quả thật, những mâu thuẫn ấy vẫn tồn tại trong cuộc sống hằng ngày, vẫn còn đó những phân biệt đối xử và kì thị những ai không cùng tôn giáo, dân tộc, gia đình mình.
Lạy Chúa, để được trở nên công dân Nước Trời, chúng con cần phải biến đổi bản thân thật nhiều để có thể giữ giới răn yêu thương của Chúa. Xin Chúa biến đổi trái tim chúng con nên giống trái tim Chúa. Amen.