30.9.2022 – Thứ Sáu Tuần XXVI – Thánh Giêrônimô, Linh Mục
Lời Chúa: Lc 10, 13-16
Khi ấy Chúa Giêsu nói rằng: “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradim! Khốn cho ngươi, hỡi Bétxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđon, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi. Vậy thì, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xiđon sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Caphácnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!
“Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Ðấng đã sai Thầy”.
Suy niệm:
Tin Mừng hôm nay kể lại một kinh nghiệm không vui của Đức Giêsu, Kinh nghiệm của một người tận tụy với công việc tông đồ nhưng sau thời gian dài chờ đợi, kết quả lại không như ý. Đức Giêsu là người vùng Galilê, hẳn Ngài yêu vùng đất này. Ngài thường lui tới những thành phố quanh Hồ Galilê. Khoradin, Bếtsaiđa, Caphácnaum nằm trong số đó. Ngài đã rao giảng nhiều về sám hối (7, 36-50; 13, 1-5; 19, 1-10), và Ngài cũng làm bao phép lạ kèm theo để gọi mời hoán cải. Có thể nhiều người bị đánh động khi nghe lời Ngài giảng và bị thu hút bởi các phép lạ Ngài làm. Nhưng đối với Đức Giêsu, như thế vẫn chưa đủ. Tất cả vẫn chỉ là hời hợt của cảm xúc bên ngoài. Điều Ngài đòi hỏi là biến đổi tận căn bên trong cuộc sống. “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtsaiđa! Đức Giêsu đau đớn thốt lên như thế khi phải so sánh hai thành phố trên với hai thành phố dân ngoại tội lỗi là Tia và Xiđôn (Is 23; Ed 26-28).
Hai thành phố ở Galilê chẳng đổi gì mấy dù đã biết Ngài từ lâu. Dân ở đây sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn trong cuộc phán xét. Thành phố Caphácnaum cũng chẳng khá hơn, dù đây là nơi Đức Giêsu hay lui tới để phục vụ (Lc 4, 23. 31-37 ; 7,10). Ngài đặt thẳng câu hỏi với thành phố này về tương lai của nó (c. 15). Đừng mong được nâng đến tận trời, nhưng sẽ bị xuống tận âm phủ! Đức Giêsu có kinh nghiệm về thất bại trong việc tông đồ. Ngài cũng nhắc các môn đệ về chuyện đó (Lc 10, 10-12). Không được tiếp đón, bị từ khước, không được người ta nghe (c.16), thậm chí có khi bị bách hại, bị vu khống, bị giết chết. Đó là những điều người môn đệ tín trung vẫn thường gặp, vì Thầy của họ đã trải qua và vượt qua.
Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu nói chuyện với các thành phố, những nơi thân quen, đã mang dấu chân Ngài. Ngài lấy làm tiếc vì những gì Ngài làm chưa thấm vào bề sâu, chưa tạo ra được những thay đổi nơi lòng thành phố. Một sám hối thật sự không phải chỉ là một sám hối cá nhân, nhưng là sám hối nơi sinh hoạt của cả một thành phố. Nếu hôm nay Ngài đến với thành phố của chúng ta Ngài sẽ nói gì? Ngài có chỗ không, ở mọi nơi người Kitô hữu đang sống, đang làm việc, đang học hành, đang vui chơi, đang cầu nguyện? Sám hối là trả lại chỗ cho Ngài trong mỗi góc phố vắng, là giữ cho thành phố xanh-sạch-đẹp theo nghĩa thiêng liêng nhất. Ước gì chúng ta biết xây dựng quanh ta những khoảng không gian tràn ngập sự hiện diện của Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, việc tông đồ của con phải là việc tông đồ diễn tả lòng tốt. để khi thấy con, người ta phải nói: “vì anh này tốt quá, nên đạo của anh phải là đạo tốt.” Và nếu có ai hỏi con tại sao con lại hiền lành và tốt như thế, con sẽ trả lời vì con là tôi tớ của một đấng tốt hơn con nhiều. “Mong sao bạn biết được Chủ Giêsu của tôi tốt biết bao!” Con muốn sống thật tốt, để người ta có thể nói: “nếu tôi tớ mà tốt như vậy, thì Chủ sẽ tốt đến ngần nào ?”
( Chân phước Charles Foucauld )
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Khốn cho các ngươi hỡi Khô-ra-dim! Khốn cho các ngươi hỡi Bét-xai-đa!… Trong cuộc phán xét, Tia và Xiđon sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi.” (Lc 10,13-14)
Câu chuyện minh hoạ:
Có một chàng thanh niên, vừa nghiện ma tuý, lại can tội giết người, nên bị kết án chung thân. Đêm kia anh đang nằm trên giường tại phòng giam, thì đột nhiên anh nghĩ tới tình trạng hỗn loạn mà anh đã gây ra trong đời anh. Anh cảm thấy có một ước muốn mãnh liệt là cầu nguyện. Đợi cho người bạn nằm cùng giường ngủ yên, anh mới quỳ xuống cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin tỏ bày cùng Chúa những gì chất chứa trong trái tim con. Anh nói với Ngài bằng những lời lẽ đơn sơ mộc mạc tất cả những gì anh muốn, từ những hy vọng đến những thất bại, từ những vui mừng đến những khổ đau. Sau khi anh cầu nguyện xong, người bạn tưởng chừng như đã ngủ buột miệng kêu lên: Amen. Và người bạn nói tiếp: Tôi cũng tin Chúa. Tôi nghĩ rằng Ngài luôn ở với chúng ta, chỉ có chúng ta là không ở với Ngài mà thôi.
Suy niệm:
Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ ở Kho-ra-din, Bét-sai-đa và Ca-phác-na-um, nhưng dân chúng ở đây ít người tin Chúa, do đó Chúa Giêsu đã khiển trách họ “Khốn cho các ngươi…”. Bởi vì họ không có lòng sám hối ăn năn.
Ngày nay Chúa dùng nhiều phép lạ để chúng ta thành tâm thống hối về những tội lỗi của mình bằng cách này cách khác. Do đó chúng ta cần nhận ra mình yếu đuối để nhìn nhận những lỗi lầm của mình mà xa lánh dịp tội, quay lưng lại với tội lỗi và quyết tâm sửa đổi. Có như thế, ân sủng Chúa mới đổ tràn trên chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết nhận ra con người tội lỗi của mình mà thành tâm ăn năn thống hối trở về với Chúa để được Chúa xót thương.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Roy T Bennett đã nói: “Hạnh phúc là một sự lựa chọn. Đau khổ cũng là một sự lựa chọn. Hãy lựa chọn khôn ngoan”.
Tin mừng thánh Luca trình thuật về bài học ý nghĩa mà Chúa Giêsu đã lên án gắt gao thành Bethsaida, Corozain và Capharnaum. Đây là những nơi Người hoạt động, rao giảng, cứu giúp và ban ân huệ cho dân chúng. Họ sẽ giàu có, phong phú biết bao về tinh thần, nếu họ lắng nghe và sống theo lời Người. Nhưng khốn thay, họ đã cùng túng và thảm bại vì đã từ chối lời Người kêu gọi. Họ đã chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa, chối bỏ những chứng từ đức tin và tôn thờ ngẫu tượng. Chai lỳ trong tội và đi tìm sự thỏa mãn xác thịt để bù lấp khoảng trống trong tâm hồn.
Bởi thế, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng, chỉ nhờ lắng nghe lời Người, con người mới có thể thông hiệp và hợp nhất với nhau: “Ai nghe anh em là nghe thầy; và ai khước từ anh em là khước từ thầy; mà ai khước từ thầy là khước từ Đấng đã sai thầy”. Niềm tin là mối dây nối kết con người với nhau, niềm tin là sức bật đưa con người ra khỏi chính mình để đến với người khác, niềm tin là thuốc chữa trị con người khỏi vong thân.
Cuộc sống Kitô hữu chúng ta cũng vậy. Chúng ta sống trong một xã hội đang phát triển với những nhu cầu thuận lợi về vật chất, kinh tế. Thế nhưng, con người không chỉ sống bằng cơm bánh. Ăn no, hưởng thụ, mà tinh thần trống rỗng thì cũng chỉ là mẫu người què quặt kém phát triển mà thôi. Một cuộc sống sung mãn đích thực phải là cuộc sống trong đó giá trị tinh thần và luân lý được đặt vào hàng trọng yếu. Vì thế, sự chọn lựa khôn ngoan mà chúng ta phải vun đắp hạnh phúc của con người, đó là luôn lắng nghe Lời Chúa và từng bước hoàn thiện bản thân cho phù hợp với Lời Chúa.