26.9.2022 – Thứ Hai Tuần XXVI Thường Niên
Lời Chúa: Lc 9, 46-50
Khi ấy, các môn đệ suy nghĩ tự hỏi xem ai là người lớn nhất trong các ông. Ðức Giêsu biết điều các ông đang suy nghĩ trong lòng, Người liền đem một trẻ nhỏ đặt bên cạnh mình và nói với các ông: “Ai tiếp đón một em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy. Thật vậy ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.” Ông Gioan lên tiếng nói: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không đi theo Thầy cùng với chúng con.” Ðức Giêsu bảo ông: “Ðừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống chúng ta là ủng hộ chúng ta!”
Suy niệm:
Phá kỷ lục là ước mơ của các vận động viên.
Làm sao phá kỷ lục của quốc gia, của vùng, của châu lục và thế giới?
Để phá kỷ lục cần có thành tích vượt hơn người đang giữ nó.
Chỉ cần chạy nhanh hơn một phần ngàn giây,
nhảy cao hơn hay xa hơn một centimét,
cũng đủ để làm một kỷ lục đứng vững nhiều năm bị phá đổ.
Nhưng không phải chỉ các vận động viên mới thích phá kỷ lục.
Các nước cũng tranh nhau xem ai là cường quốc về một lãnh vực nào đó.
Có vẻ cả nhân loại đều ở trong một cuộc đua tranh xem ai đứng đầu.
Có những cuộc đua tranh lành mạnh, thúc đẩy tiến bộ.
Nhưng cũng có những cuộc đua tranh dẫn đến chiến tranh và hủy diệt.
Các môn đệ vẫn loay hoay với một câu hỏi trong đầu:
“Trong các ông, ai là người lớn nhất ?” (c. 46).
Thầy Giêsu muốn dạy cho họ một bài học rất gợi hình,
nên đem một em nhỏ đến và trân trọng đặt em đứng bên cạnh (c. 47)
Thầy đồng hóa mình với em nhỏ yếu đuối và không có địa vị ấy:
ai tiếp đón em này là tiếp đón chính Thầy.
Thầy cũng cho biết, ai tiếp đón Thầy là tiếp đón chính Thiên Chúa (c. 48).
Như thế một em nhỏ bình thường là con đường dẫn ta gặp gỡ Đức Giêsu,
và gặp gỡ chính Thiên Chúa siêu việt.
Để tiếp đón Thiên Chúa và Đức Kitô trong đời,
ta phải sẵn sàng tiếp đón những người yếu kém và nhỏ bé nhất trong xã hội.
Khi các môn đệ bị ám ảnh bởi chuyện làm lớn
thì Thầy Giêsu đem lại cho họ một em nhỏ,
và cho thấy sự cao trọng lớn lao của em trong cái nhìn của Thiên Chúa.
Câu trả lời của Thầy đã rõ: kẻ nhỏ nhất chính là người lớn nhất trong anh em.
Vượt ra khỏi sự tranh chấp trong nhóm,
bây giờ các môn đệ lại phải đối diện với một người trừ quỷ ở ngoài nhóm.
“Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng chúng con đi theo Thầy.”
Tại sao một người ở ngoài nhóm lại dám lấy danh Thầy mà trừ quỷ?
Lẽ ra việc dùng danh Thầy phải là độc quyền của chúng con.
Người ấy không được chiếm lấy sự thành công và tăm tiếng
mà chỉ những ai theo Thầy như chúng con mới được hưởng.
Các môn đệ đã có thái độ cục bộ và bè phái.
Họ cần cởi mở và khoan dung hơn với những người ngoài.
Danh Thầy Giêsu là quà tặng cho cả thế giới, chứ không cho riêng môn đệ.
Ai cũng có thể đến múc lấy sức mạnh từ Danh ấy và sẻ chia.
Thầy Giêsu mời các môn đệ bước ra khỏi sự hẹp hòi khép kín,
để vui vẻ kính trọng một người tuy không thuộc nhóm mình,
nhưng làm được những việc mà có khi mình không làm nổi (Lc 9, 40).
Danh Giêsu được tôn vinh: đó là điều chúng ta nhắm tới.
Chúng ta chỉ mong sức mạnh của Danh này làm thế giới được trừ quỷ.
Chỉ mong ai đó đang ở ngoài nhóm và đang trừ quỷ nhờ Danh Giêsu,
sẽ có ngày trở thành người môn đệ trong nhóm.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau
trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.
Xin cho chúng con đến với nhau
không chút thành kiến,
và tin tưởng vào thiện chí của nhau.
Khi cộng tác với nhau,
xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,
nhờ đó chúng con vượt qua
những tự ái nhỏ nhen,
những tham vọng ích kỷ
và những định kiến cằn cỗi.
Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,
để tìm kiếm chân lý
ở mọi nơi và mọi người,
nhất là nơi những ai khác quan điểm.
Lạy Cha,
xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,
để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,
và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.
Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,
xin cho chúng con được triển nở không ngừng
và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy.” (Lc 9,48).
Câu chuyện minh hoạ:
Một tỷ phú ở Dubai sống trong căn biệt thư xa hoa, ngày nọ phát hiện ra mình mắc bệnh hiểm nghèo. Tới lúc cái chết cận kề, ông mới chợt nhận ra rằng tất cả danh vọng, tiền tài và vật chất, thực ra đều hư vô như mây khói. Ông tìm đến một vị sư để xin lời khuyên và hy vọng tìm thấy tia sáng cuối con đường.
Nghe chuyện của nhà tỷ phú, nhà sư nói: “Bệnh của ông, ngoài cách này ra thì không thuốc nào có thể chữa khỏi. Tôi sẽ kê 3 đơn thuốc, ông cứ theo đó mà làm, hết đơn thứ nhất thì chuyển sang đơn tiếp theo”.
Về nhà, vị tỷ phú lấy đơn thuốc đầu tiên ra đọc: “Hãy đến một bãi biển và nằm đó khoảng 30 phút, làm liên tục như vậy 21 ngày”.
Mặc dù thấy khó hiểu nhưng ông vẫn quyết định ra bờ biển, lang thang một vòng rồi ngả lưng nằm trên bãi cát. Bất chợt, một cảm giác nhẹ nhàng và khoan khoái vô cùng bao trọn lấy cơ thể ông.
Trước đây, vì công việc bận rộn, ông không có cơ hội nghỉ ngơi. Nay ông có thể tĩnh tâm lắng nghe tiếng gió vi vu, tiếng sóng biển rì rào hòa lẫn với tiếng kêu thánh thót của đàn hải âu gọi bầy… Trái tim bỗng thổn thức, chưa bao giờ ông có được cảm giác thoải mái như vậy.
Ngày thứ 22, ông mở đơn thuốc thứ hai, trong đó viết: “Hãy tìm những người nghèo và giúp đỡ họ, liên tục như vậy trong 21 ngày”. Một lần nữa ông lại thấy băn khoăn, nhưng vẫn cặm cụi đi tìm và cứu giúp những người nghèo khó. Ngắm nhìn từng gương mặt hạnh phúc của họ, ông không nén nổi nỗi xúc động.
Ngày thứ 43, ông đọc đơn thuốc cuối cùng: “Tìm một cành cây và viết những điều khiến ông cảm thấy không hài lòng lên bãi cát”.
Khi ông vừa viết xong, thủy triều lại cuốn tất cả xuống biển. Ông lại viết, sóng lại cuốn đi, lại viết, lại cuốn đi, rồi lại viết, và lại cuốn đi…
Ông bật khóc nức nở vì chợt hiểu ra tất cả.
Khi về nhà, ông cảm thấy toàn thân nhẹ nhàng, tinh thần chưa bao giờ thoải mái và tự tại đến thế, thậm chí ông cũng không còn sợ cái chết nữa.
Thì ra con người ta chỉ cần học được 3 điều thì sẽ vui vẻ hạnh phúc.
Thứ nhất: Nghỉ ngơi
Thứ hai: Cho đi
Thứ ba: Buông bỏ.
Suy niệm:
Hôm nay Chúa dạy chúng ta một bài học về sự tiếp đón. Chúa không đòi chúng ta chuẩn bị cho một cuộc tiếp đón thật trang trọng và hoành tráng, nhưng Chúa muốn chúng ta đón tiếp Chúa qua những người bé mọn, những người bị bỏ rơi, những người thấp kém trong xã hội… Muốn được như vậy chúng ta cần đáp ứng 3 điều như nhà phú hộ trong câu chuyện đã làm: nghỉ ngơi, cho đi và buông bỏ. Thật vậy, chúng ta cần nghỉ ngơi để lắng nghe nhu cầu của tha nhân; cần cho đi khi chúng ta biết buông bỏ, và như vậy chúng ta sẽ tìm được hạnh phúc.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta bôn ba chạy theo những phù hoa, bon chen với vật chất, tiền tài và bám víu với danh vọng. Chúng ta có dành thời gian tĩnh lặng để lắng nghe tiếng Chúa không? Chúng ta có mở lòng đón Chúa qua những người anh em bé mọn nghèo hèn xung quanh chúng ta không? Với ánh sáng Lời Chúa, xin cho mỗi người chúng ta biết dành thời gian tĩnh lặng để lắng nghe tiếng Chúa và biết mở rộng trái tim để đón nhận những người cần đến chúng ta.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Chúa Giêsu nhiều lần dạy các môn đệ cung cách phục vụ: phục vụ vô vị lợi, phục vụ khiêm tốn, phục vụ như Chúa cúi xuống phục vụ, rửa chân cho các môn đệ. Chúa Giêsu yêu thương phục vụ các môn đệ như người tôi tớ.
Ngày hôm nay, ngôn từ phục vụ ấy vẫn còn nguyên ý nghĩa, nhưng cách thực hành dường như trở nên biến dạng. Có khi nhân danh sự phục vụ, nghe thì hay lắm nhưng làm thì như là quan quyền, cung cách hành chính, nặng nề, hạch xách và trịch thượng như kẻ bề trên! Người làm lớn phải trở nên bé nhỏ, khiêm tốn, biết phục vụ mới là người làm lớn.
Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong triều đại Giáo hoàng của mình, những năm qua không ngừng sống và kêu gọi các giám mục, linh mục, hàng giáo sĩ nói chung phải mặc lấy tâm tình và giáo huấn của Chúa Kitô. Không thể khoác lên mình chiếc áo phục vụ như một tu phục, mà còn phải có trong mình dòng máu xả thân phục vụ nên giống Chúa Giêsu. Ngài cho thế giới thấy điều đó qua cách sống giản dị nhưng đầy sung mãn của ơn gọi tận hiến trong tư cách người mục tử nhân hậu. Qua cách sống, làm việc và giảng dạy ấy, ngài muốn Hội thánh của Chúa, nơi mà mỗi chúng ta trong tư cách phục vụ Hội thánh, phục vụ anh chị em mình, phải xê dịch được nguyên nghĩa của từ phục vụ này. Phục vụ phải đúng nghĩa của nó, không chỉ là một chức vụ qua thánh chức được Hội thánh trao ban, mà còn qua chức vụ ấy gắn liền với trách nhiệm, với sự dấn thân không ngừng nghỉ cho những đòi buộc nên giống Chúa Kitô, mỗi Kitô hữu phải nên như một Kitô khác giữa lòng nhân loại.
Trong việc khắc hoạ lại hình ảnh sống động của Chúa Kitô, người phục vụ đích thực, tròn đầy ý nghĩa, thì những vị thánh đương đại như mẹ Têrêsa Calcutta hay thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, là những gương mẫu được ưa chuộng và rất được mến mộ giữa lòng thế giới hôm nay.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con mỗi lần chiêm ngắm Chúa là mỗi lần chúng con mặc lấy tâm tình khiêm tốn hết mực mà phục vụ anh chị em chúng con. Amen.