15.09.2022 – Thứ Năm Tuần XXIV Thường Niên: Lễ Đức Mẹ Sầu Bi
Lời Chúa: Ga 19, 25-27
Lúc ấy, đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
Suy niệm:
Chúng ta thường suy ngắm bảy nỗi đau của Đức Mẹ, khi Mẹ nghe lời tiên tri của cụ Simêôn về Con, đưa Con trốn qua Ai Cập, mất Con nơi Đền thờ, cùng Con lên đỉnh Canvê, khi đứng bên Con chịu đóng đinh, hạ xác Con xuống khỏi thập giá, và chôn táng Con trong mộ. Những nỗi đau này đi dọc theo đời của người đã thưa tiếng Xin Vâng. Những nỗi đau trong lòng người Mẹ, đau vì Con và với Con. Ngoài bảy nỗi đau này, còn có bao nỗi đau khác không được kể tới. Chỉ ai yêu mới biết đau. Khi vẽ hay điêu khắc hình Đức Mẹ, các nghệ sĩ thường trình bày một Đức Mẹ với khuôn mặt rất vui tươi.
Lễ Đức Mẹ sầu bi nhắc cho ta thấy đời Mẹ cũng có khi buồn. Vui buồn ở đời là chuyện mấy ai tránh khỏi. Cần ngắm nhìn khuôn mặt lo lắng của Mẹ khi mất Con hay đem con đi trốn. Cần chứng kiến khuôn mặt đớn đau của Mẹ khi đứng bên Con trên núi Sọ. Chính khuôn mặt buồn khổ của Mẹ lại làm chúng ta thấy gần Mẹ hơn. Khi chia sẻ mọi đau khổ của kiếp người long đong, Mẹ cảm thông với cái nặng nề của phận người mà ta gánh chịu. Chúng ta vẫn thường nghĩ đau khổ là hậu quả của tội lỗi. Điều đó đúng, nhưng không luôn luôn đúng. Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ khỏi vết nhơ của tội nguyên tổ,
và Mẹ đã đáp lại ơn Chúa bằng việc luôn trung tín, vẹn tuyền. Nhưng điều đó không làm Mẹ tránh được mọi đau khổ. Thánh giá đã phủ bóng trên đời Mẹ ngay từ tiếng Xin Vâng đầu tiên. Khi chấp nhận làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ đã bắt đầu phải trả giá. Mẹ yêu mến Người Con mà Thiên Chúa ban cho mình, nhưng đôi tay Mẹ không đủ sức giữ kho tàng quý giá ấy. Mẹ hy sinh để Con Mẹ bước đi trên con đường khúc khuỷu gập ghềnh. Nhưng trong đau khổ của hy sinh, Mẹ bình an vì biết mình sống theo ý Chúa . Hãy đến với Núi Sọ chiều hôm ấy để thấy Mẹ đứng gần thập giá treo Con. Mẹ đã có mặt trong tiệc cưới Cana khi Con khởi đầu sứ vụ (Ga 2, 1-12). Bây giờ Mẹ lại có mặt khi Con hoàn tất sứ vụ ấy (Ga 19, 30).
Dù không theo Đức Giêsu trên mọi nẻo đường loan báo Tin Mừng, nhưng Mẹ là môn đệ của Ngài còn hơn những môn đệ khác. Mẹ không chạy trốn, nhưng muốn nếm trọn nỗi đau của Con để sẻ chia. Chính vào giây phút này, Đức Giêsu hấp hối làm điều không ai ngờ. Ngài nối kết Mẹ Ngài và người môn đệ Ngài dấu yêu, đặt Mẹ làm mẹ người môn đệ ấy: Thưa Bà, đây là con của Bà (c. 26). và muốn người môn đệ ấy làm con của Mẹ: Đây là mẹ của anh (c. 27). Chính dưới chân thập giá, Đức Giêsu đã lập một gia đình mới. Mẹ là Mẹ của Đức Giêsu ở Cana, bây giờ thành Mẹ của người môn đệ. Nơi người môn đệ này, các Kitô hữu thấy hình ảnh của chính mình. Chúng ta cũng muốn đón Mẹ về nhà và nhận Mẹ làm Mẹ. Mẹ sẽ là người lo cho chúng ta trong ngôi nhà của gia đình mới.
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria, khi đọc Phúc Âm, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường. Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu. Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ. Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana. Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng. Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ. Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong, từ con người hay từ Thiên Chúa. Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu trong mọi bước đường của cuộc sống. Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa. Có những con đường đầy máu và nước mắt. Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly. Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người…”. (Ga 19,25)
Câu chuyện minh họa:
Trong cuộc viễn chinh mở mang bờ cõi sang phía đông. Napoléon Bonaparte e dè lưỡng lự trong quyết định tấn công một đồn quân Phổ nắm phía bên kia một con sông rộng, chỉ vì ông không biết tình hình đối phương ra thế nào.
Đêm đó ông gọi một thiếu úy trẻ và hỏi anh có sẵn sàng giúp ông bằng cách sang sông dò thám tình hình để ông dễ dàng quyết định trận chiến không? Vị thiếu úy trẻ tuổi hăng hái trả lời sẵn sàng, và nhờ tài tháo vát ngay nửa đêm hôm đó anh đã ở ngay trong lòng địch quan sát tình hình và tinh thần của họ.
Đến 3 giờ sáng nhiệm vụ đã xong, anh đã trên đường về. Nhưng chẳng may cho anh, khi anh đến được giữa dòng sông, đối phương đã phát giác và nã súng như mưa vào anh. Anh bị thương nặng và máu ra nhiều, đuối sức, chỉ còn muốn xuôi tay cho dòng nước cuốn đi.
Nhưng chợt một ánh đèn trên đồn canh của quân nhà rọi xuống dòng sông. Anh biết Napoléon đang sốt ruột chờ anh, đang lo lắng cho số phận của anh và đang ước mong biết được những lợi thế anh đã thu thập được.
Lập tức dường như ánh đèn đó truyền một sức sống mới vào con người của anh. Anh không buông tay phó mặc cho dòng nước nữa, mà nhìn lên ánh đèn cố gắng hết sức để lội vào bờ.
Anh đã đến nơi, và nhờ những lời báo cáo của anh, ngay sau đó Napoléon tấn công và quân Pháp đã thắng trận đó.
Suy niệm:
Trước những khó khăn của cuộc đời, Mẹ luôn đồng hành với chúng ta, vì Mẹ đã cảm nhận được niềm đau khổ tột cùng. Mẹ đau khổ khi nhìn thấy Con Yêu bị hành hạ, bị giết, và chết trên Thập Giá… Mẹ đã ở bên cạnh Chúa trong lúc đau khổ. Chúa cũng muốn Mẹ cảm nhận niềm đau ấy khi Ngài chết lặng trên thập giá. Mẹ như Vị thượng tế dâng của lễ lên Chúa Cha. Trên Thập Giá Con của Mẹ đã chết trong thân xác, nhưng Mẹ đứng dưới chân thập giá cũng chết lịm trong tâm hồn.
Chúa Giêsu đã chấp nhận đau khổ ấy vì ơn cứu độ con người. Và Ngài cũng muốn mỗi người chúng ta biết chấp nhận đau khổ trong cuộc đời như là điều kiện để làm môn đệ Chúa. Và trong những đau khổ ấy, Ngài không muốn chúng ta buông xuôi trong thất vọng nhưng hãy đến với Mẹ Sầu Bi, Người sẽ nâng đỡ ta.
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết chấp nhận thập giá trong cuộc đời để con luôn can đảm đón nhận trong tin yêu và phó thác như Mẹ.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Phụng vụ Giáo hội đặt ngày lễ “Đức Mẹ Sầu Bi” ngay sau lễ “Suy Tôn Thánh Giá”, điều này cho thấy có một mối liên hệ sâu sắc giữa 2 ngày lễ này. Chúa Giêsu đã dùng thập giá mà cứu độ nhân loại tội lỗi, thì Mẹ Maria, nhờ thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu – con Mẹ, cũng đã cộng tác rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế. Bởi vậy, nếu trong lễ Suy Tôn Thánh Giá, chúng ta đã cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa Giêsu dành cho nhân loại qua sự hy sinh đẫm máu của Người, thì lễ Đức Mẹ Sầu Bi cũng là dịp để chúng ta cảm ơn tình yêu của Mẹ dành cho Chúa Giêsu và dành cho cả nhân loại chúng ta.
Sau khi nguyên tổ loài người phạm tội, cửa thiên đàng đóng lại, chiếc màn tăm tối của đau khổ và chết chóc che phủ khắp cõi trần gian này. Bà Evà – người đàn bà đầu tiên của nhân loại – bị nguyền rủa một cách đáng thương vì đã bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Thế nhưng, đó không phải là dấu chấm hết cho lịch sử nhân loại. Bằng sự quan phòng kỳ diệu, Thiên Chúa đã đưa lịch sử ấy bước sang một trang khác. Với lời thưa “xin vâng” của Evà mới là Mẹ Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể vào trần gian, mở ra cho loài người một chân trời hy vọng để nhân loại được giao hòa với Thiên Chúa. Và cùng với lời thưa “xin vâng” ấy, cuộc đời Mẹ đã gắn kết với những đau khổ của Chúa Giêsu và tham dự trọn vẹn vào sứ mạng cứu chuộc nhân loại của Người.
Kinh thánh kể lại cho chúng ta những câu chuyện cụ thể. Khi vừa sinh hạ Đấng Cứu Thế, Mẹ đã cùng với Hài nhi Giêsu chịu cảnh giá rét nơi đồng vắng; rồi sau đó phải bôn ba chạy sang đất khách quê người để lẩn trốn sự lùng bắt của bạo chúa Hêrôđê; khi đến tuổi dâng Hài nhi Giêsu vào đền thờ, Mẹ Maria đã hết sức đau khổ vì lạc mất con trẻ. Có thể nói qua dòng thời gian, cứ mỗi giờ phút, Mẹ lại làm mới lời “xin vâng” ban đầu bằng tất cả lòng trung thành và sự dũng cảm của đức tin và lòng mến, trước những biến cố xảy đến cho Chúa Giêsu – con Mẹ.
Cho đến khi đứng gần thập giá Chúa Giêsu, lòng Mẹ đã quặn thắt khi thấy con mình đang từng phút hấp hối trong đau khổ muôn vàn. Hơn lúc nào hết, Mẹ cảm nhận lời tiên báo của cụ già Simêon hôm nào đã trở thành hiện thực: “còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”.
Ngôi Lời nhập thể đã sống một đời vâng theo thánh ý Chúa Cha cách trọn vẹn để cứu chuộc nhân loại. Thư gửi tín hữu Hipri đã diễn tả điều này như sau: “ Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai tùng phục Người ”. Bởi đó, Đấng Cứu Thế cũng muốn người mẹ mà Người thương yêu nhất được thông phần đau khổ để hưởng trọn nguồn ơn cứu độ này. Nếu trên thập giá, Chúa Giêsu hiến tế chính mình cho Thiên Chúa để nên nguồn ơn cứu độ vô giá, thì đứng gần bên thập giá, Mẹ Maria cũng chết lịm trong tâm hồn để cho thánh ý Chúa được thực hiện.
Với tất cả lòng khiêm cung và phó thác, Mẹ đã sẵn sàng để cho thánh ý Chúa được thực hiện nơi cuộc đời mình với ý thức rằng: “ Này tôi là nữ tỳ của Chúa ”. Bằng một đức tin kiên trung, Mẹ đã đón nhận Chúa Giêsu không chỉ lúc tràn trề niềm vui và hạnh phúc, nhưng cả những lúc đứng bên bờ vực của khổ đau. Cuộc đời Mẹ, vì thế, gắn liền với cuộc đời Chúa Giêsu, thăng trầm trong đời sống Mẹ đan kết với mọi biến cố của Con Mẹ. Mẹ đã không hề tỏ thái độ nghi nan hay tuyệt vọng, trái lại, Mẹ luôn phó thác vào tình thương nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Lạy Mẹ Maria, mỗi chúng con hôm nay cũng xin được học tập với Mẹ để biết thưa xin vâng với thánh ý Chúa trong cuộc đời. Noi gương Mẹ, chúng con nguyện luôn kết hợp những đau khổ trong đời sống hằng ngày với đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá như là phương tiện thánh hóa, đem lại ơn cứu độ cho chúng con. Amen.