14.09.2022 – Thứ Tư Tuần XXIV Thường Niên: Lễ Suy Tôn Thánh Giá
Lời Chúa: Ga 3, 13-17
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Ðấng từ trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”
Suy niệm:
Nhiều người ngoài Kitô giáo cảm thấy sợ
khi vào nhà thờ, nhìn lên thánh giá,
thấy một người bị đóng đinh, máu chảy đầm đìa.
Tại sao lại thờ một người khủng khiếp như vậy?
Một số nơi đã đặt tượng Chúa Phục Sinh trên thánh giá.
Hẳn nhà thờ sẽ tươi hơn, ít gây sốc hơn,
mầu nhiệm phục sinh được nổi bật hơn…
Nhưng chúng ta vẫn không được quên Chúa chịu đóng đinh.
Không có cái chết ấy thì cũng chẳng có ơn cứu độ.
Không có thánh giá thì cũng chẳng có phục sinh.
Khi suy tôn thánh giá,
chúng ta không suy tôn hai thanh gỗ xếp hình chữ thập.
Chúng ta suy tôn chính Ðấng đi đóng đinh vào thánh giá.
Ngài là Ðấng vô tội, là Con Thiên Chúa làm người,
là “Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20).
Chúng ta cũng không suy tôn đau khổ và cái chết,
nhưng chúng ta suy tôn Tình Yêu:
Tình Yêu của Cha dám trao cho thế gian người Con Một,
Tình Yêu của Con dám sống hết mình cho Cha và anh em.
Ðau khổ và cái chết
là cái giá phải trả cho một tình yêu.
Tình yêu lớn nhất là tình yêu hiến mạng.
Thập giá là một thất bại của Tình Yêu.
Quà tặng của Cha bị loài người từ khước:
Người Con yêu dấu bị làm nhục và đóng đinh.
Quà tặng của Con bị loài người rẻ rúng:
Con chẳng đáng giá bằng tên sát nhân Baraba.
Thiên Chúa thất bại vì Ngài khiêm tốn.
Ngài để cho con người có tự do chối từ.
Ngài đau đớn lặng thinh khi Con Ngài hấp hối…
Nhưng thập giá lại là một thành công của Tình Yêu.
Nơi thập giá, tội ác con người lên đến cao điểm.
Cũng nơi thập giá, Tình Yêu Thiên Chúa lên đến tột cùng.
Và Tình Yêu đã thắng tội ác, sự sống thắng sự chết,
ánh sáng thắng bóng tối, tha thứ thắng hận thù.
Cha không đưa Ðức Giêsu xuống khỏi thập giá,
nhưng đưa Ngài ra khỏi nấm mồ hiu quạnh.
Thất bại của thập giá đã biến thành chiến thắng.
Thập giá trở thành Thánh Giá đem lại sự sống đời đời.
Thánh Giá đã trở nên biểu tượng của Kitô giáo.
Thánh Giá có mặt cả trên nến phục sinh.
Thánh Giá ở trên thân xác ta, mỗi lần ta làm dấu,
nhưng Thánh Giá còn ở với người Kitô hữu suốt đời:
“Ai muốn theo Tôi hãy vác thánh giá mình mà theo Tôi”.
Ðừng sợ hãi tránh né dù đau đớn xót xa.
Ðừng kéo lê, bạn sẽ thấy thánh giá nhẹ hơn và sinh trái.
Hãy hôn kính Thánh Giá của mình, của quê hương, của Giáo Hội,
dù chúng ta chẳng bao giờ hiểu hết được mầu nhiệm.
Ước gì chúng ta thấy được ý nghĩa của khổ đau
nhờ tin tưởng nhìn lên Thánh Giá Chúa Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả,
đó là ơn nhận ra Thánh Giá của Con Cha
trong mọi nỗi khổ đau của đời con,
và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh Giá,
bao lâu tuỳ ý Cha định liệu.
Xin đừng để con trở nên chua chát
nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ
với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ
và lòng khát khao nóng bỏng
có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau.
Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ
của những người đã yêu mến Cha,
đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khổ,
tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.
Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con
nói lên lòng tin của con
vào những lời hứa của Cha,
lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha,
và lòng mến mà con dành cho Cha.
Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân,
và yêu Cha chỉ vì Cha,
chứ không mong phần thưởng.
Ước gì Thánh Giá trở nên mẫu gương cho con,
là ánh sáng cho đêm tăm tối,
nhờ đó con không còn coi khổ đau
như một tai họa hay một điều vô lý,
nhưng như một dấu chỉ cho thấy
con đang thuộc về Cha mãi mãi.
(Karl Rahner)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”. (Ga 3,14)
Câu chuyện minh họa:
Huyền thoại của một nước vùng Ấn Độ có câu chuyện này: Thời xưa, đất nước còn hoang sơ, có một con thỏ tên là Pôlixa. Thỏ Pôlixa rất thương người, ai xin gì cũng cho, không từ chối bao giờ. Một hôm có một cụ già lom khom chống gậy đi tới và nói:
– Già đói lắm, suốt mùa nước lũ già không có gì ăn. Chắc già sắp chết rồi, giờ đây già chỉ thèm một miếng thịt thỏ, Pôlixa có cho già được không?
Thỏ Pôlixa nhìn ông già hom hem yếu đuối, tội nghiệp quá. Thỏ Pôlixa bảo ông:
– Được rồi, ông chờ một lát.
Pôlixa đi kiếm củi xếp thành đống rồi nổi lửa, và nói:
– Ông chờ thịt cháu chín, ông lấy mà ăn.
Rồi thỏ chụm chân nhảy vào lửa. Bỗng nhiên lửa tắt, ông già biến mất. Thì ra đó là một vị thần được Thượng đế cho phép tới thử lòng thỏ. Về sau để thưởng công, Thượng đế đã cho thỏ Pôlixa về vui đùa mãi mãi bên mặt trăng.
Suy niệm:
Chúa Giêsu quá yêu thế gian, nên đã hiến mình làm của lễ đền tội cho chúng ta; hơn thế nữa, Ngài còn dùng chính cái chết để mang lại sự sống cho thế gian. Ngài đã tha thứ muôn vàn tội lỗi và tái sinh chúng ta để chúng ta được sống với Người. Khi xưa dân Do Thái đã không trung thành với Chúa, đúc bò vàng thờ lạy, nên Chúa đã cho rắn độc cắn để cảnh cáo họ. Thế nhưng, với tình yêu thương, Người đã cho ông Môsê làm con rắn đồng để ai nhìn lên nó sẽ được cứu. Đó cũng là dấu chỉ sau này Người sẽ phải chết để cứu độ chúng ta. Vì thế, chúng ta cần ăn năn sám hối về tội lỗi của mình, và cậy dựa vào lòng thương xót của Chúa, để được sống với Chúa trong ngày sau hết.
Lạy Chúa, xin cho con biết nhìn lên thập giá Chúa, để chiêm ngắm tình yêu mà Chúa đã trao ban cho nhân loại và cho chính bản thân con, để nhờ đó con biết cải thiện đời sống, hoàn thiện con người hơn để xứng đáng với tình Chúa yêu thương. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Mỗi thứ Sáu hàng tuần trong Mùa Thường niên và Mùa Chay, nhất là vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo hội mời gọi các tín hữu đi đàng thánh giá để cùng hiệp hành với Chúa Giêsu trên đường thánh giá của Người. Và qua đó, chúng ta suy tôn tình yêu của Thiên Chúa, vì Chúa đã dùng thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ. Như thế, thánh giá là một biểu tượng đặc trưng và đặc biệt của Kitô giáo.
Xã hội ngày nay đang bị tục hóa, chúng ta đừng biến thánh giá của Chúa trở thành thập giá, khi đeo thánh giá trước ngực chỉ như một thứ trang sức; khi làm dấu thánh giá một cách qua loa và chiếu lệ, thậm chí là không dám thể hiện mình là một Kitô hữu trước khi ăn hàng quán.
Lạy Chúa, xin thương xót chúng con, xin Chúa thương xót chúng con. Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô, vì Chúa đã dùng thánh giá Chúa mà chuộc tội cho chính con, gia đình con và toàn thế giới. Và mỗi khi gặp gian nan sóng gió của cuộc đời, xin giúp chúng con biết ngước nhìn lên thánh giá của Chúa để biến thập giá đời mình trở thành thánh giá đời chúng con. Amen.