06.09.2022 – Thứ Ba Tuần XXIII Thường Niên
Lời Chúa: Lc 6, 12-19
Trong những ngày ấy, Ðức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Ðến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Ðồ. Ðó là ông Simôn mà Người gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là các ông Giacôbê, Gioan, Philípphê, Batôlômêô, Mátthêô, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Simôn biệt danh là Quá Khích, Giuđa con ông Giacôbê, và Giuđa Ítcariốt, người đã trở thành kẻ phản bội. Ðức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđon đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.
Suy niệm:
Đức Giêsu là con người cầu nguyện:
đây là nét nổi bật của Tin Mừng Luca.
Ngài cầu nguyện suốt cuộc đời trần thế,
từ khi nhận phép rửa của Gioan ở sông Giođan (Lc 3, 21)
đến khi hấp hối trên thập giá (23, 34. 46).
Đối với Ngài, cầu nguyện là chuyện Con đi gặp Cha,
là cuộc chuyện trò thân mật giữa Cha và Con.
Chính vì thế các lời cầu nguyện của Ngài (10, 21; 22, 42; 23, 34. 46).
đều bắt đầu bằng hai tiếng Abba, Cha ơi, thân thương.
Cần một không gian tĩnh lặng và riêng tư để gặp Cha (9, 18),
nên Đức Giêsu thường lên núi (6, 12; 9, 28)
hay vào chỗ hoang vắng (5, 16).
Nhưng có khi Ngài cầu nguyện tự phát trước mặt môn đệ (10, 21),
hay dẫn các môn đệ đến nơi mình sắp cầu nguyện (9, 28; 22, 39).
Gặp Cha là hơi thở đem lại sự sống và hạnh phúc cho Đức Giêsu.
Ngài múc lấy toàn bộ ý nghĩa đời mình qua các cuộc gặp gỡ đó.
Bài Tin Mừng hôm nay
cho thấy một lần cầu nguyện đặc biệt của Đức Giêsu.
Ngài đã thức suốt đêm nơi một ngọn núi (c. 12).
Ngài cố ý đến ngọn núi này để gặp gỡ Thiên Chúa là Cha của Ngài.
Đức Giêsu có điều cần hỏi ý Cha trước khi đi tới một quyết định.
Và đây là một quyết định quan trọng.
Đã có một đám đông môn đệ theo Ngài (Lc 6, 17),
bây giờ Đức Giêsu muốn tuyển chọn một nhóm nhỏ
để họ ở gần Ngài hơn và cộng tác với Ngài sát hơn.
Đức Giêsu không muốn tự chọn cho mình những cộng sự viên.
Ngài muốn đặt việc chọn lựa này trong bầu khí cầu nguyện.
Ngài coi nhóm đặc biệt này là “những kẻ Cha đã ban cho Con,”
“những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian” (Ga 17, 6. 9).
Đức Giêsu chỉ muốn chọn những người Cha đã chọn cho mình.
Đến sáng Ngài mới rõ ý Cha, mới làm xong việc chọn lựa.
Như thế cả Đức Giêsu cũng phải vất vả tìm kiếm ý Cha.
Cuối cùng Ngài đã chọn được Mười Hai ông mà Ngài gọi là tông đồ.
Đời người được đan kết bằng những chọn lựa lớn nhỏ.
Có những trường hợp dễ phân biệt trắng đen.
Nhưng có khi tôi phân vân không rõ điều nào tốt hơn,
và đâu thực sự là điều Chúa muốn cho đời tôi.
Gặp gỡ Chúa trong lặng lẽ cô tịch, với tâm hồn tự do thanh thoát,
chúng ta có cơ may nhận được ánh sáng từ trên cao.
Nếu tôi làm theo ý Chúa, đời tôi sẽ được hạnh phúc, dù phải hy sinh.
Nếu tôi cương quyết làm theo ý mình, dù biết ngược với ý Chúa,
thì lòng tôi sẽ chẳng được bình an.
Thiên Chúa muốn vén mở cho tôi biết ý định của Ngài về tôi,
nhưng Ngài đòi tôi cất công tìm kiếm.
Hạnh phúc cho ai tìm thấy ý Chúa sau những đêm dài trăn trở!
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,
không có giờ đi vào sa mạc
để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.
Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.
Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu
là con có thể tạo ra sa mạc.
Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa
mà con đã bỏ mất :
Khi chờ một người bạn,
chờ đèn xanh ở ngã tư,
chờ món hàng đang được gói.
Khi lên cầu thang,
khi đến nơi làm việc,
khi kẹt xe,
khi cúp điện bất ngờ.
Thay vì bực bội hay nóng ruột
con lại thấy mình sống an bình
trong sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa,
những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày
giúp con tỉnh thức
để nhạy cảm với ý Chúa.
Xin cho con yêu mến Chúa hơn
để tìm ra những sa mạc mới
và vui vẻ bước vào.
(gợi hứng từ Madeleine Delbrêl)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa”. (Lc 6,12)
Câu chuyện minh họa:
Đang cần một thư ký mới, giám đốc một doanh nghiệp định thẩm vấn những người xin việc qua một nhà tâm lý. Ba cô gái được phỏng vấn.
Nhà tâm lý hỏi:
– 2 với 2 là mấy?
Cô thứ nhất trả lời cách chắc chắn: 4.
Cô thứ hai: có thể là 22.
Cô thứ ba: có thể là 22 và có thể là 4.
Khi các cô ra về, nhà tâm lý quay sang giám đốc và nói:
– Đó là những biểu hiện tâm lý. Cô thứ nhất nói điều hiển nhiên. Cô thứ hai nghi ngờ. Cô thứ ba có cả hai: ông sẽ chọn cô nào?
Giám đốc không ngập ngừng:
– Tôi sẽ chọn cô có mái tóc vàng với cặp mắt xanh.
Vâng! Việc Chúa tuyển chọn cũng như thế! Chẳng giống một kiểu nào ở trần gian.
Chính vì thế mà chúng ta thường nghe người ta diễn tả về ơn của Chúa bằng một cụm từ thật vắn gọn: “Tất cả là một hồng ân”.
Suy niệm:
Trước mọi biến cố quan trọng, Chúa Giêsu luôn kết hợp với Chúa Cha. Cũng vậy, trước khi chọn các tông đồ, Chúa lên núi thức suốt đêm cầu nguyện với Đấng sai Ngài đến thế gian. Vì thế, những gì Ngài thực hiện luôn phù hợp với thánh ý Chúa Cha. Chúa Giêsu chọn các tông đồ để các ông sống với Ngài, và để thành lập một cộng đoàn mới gồm những người tin Chúa. Đó cũng là bài học cho các ông để những khi phải quyết định hay làm một điều gì phải biết diện kiến Chúa và thực thi ý Ngài.
Đời sống kết hợp với Chúa là quan trọng hơn cả của người Kitô hữu. Xin cho mỗi người chúng con biết dành thời gian sâu lắng bên Thánh Thể Chúa để chúng con kín múc nguồn ân sủng Ngài luôn tuôn đổ trên chúng con.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Cầu nguyện và sứ vụ, cả hai nhưng là một. Là môn đệ Chúa Giêsu, bạn không thể làm việc nếu không cầu nguyện, và bạn cũng không thể chỉ cầu nguyện mà không làm việc. Trong truyền thống đan tu, đã có hạn từ đầy chuyên môn: ora et labora, nghĩa là cầu nguyện và lao động. Sứ vụ của chúng ta sẽ chệch hướng nếu chúng ta chỉ chăm chú vào công việc mà lại lơ là việc cầu nguyện. Có những ngày, công việc lu bù, chúng ta bị cuốn vào dòng xoáy công việc, với những tính toán mang đậm chất trí tuệ. Những lúc ấy chúng ta quên mất việc cầu nguyện, chúng ta có lý do để biện hộ cho việc lơ là trong cầu nguyện vì không có đủ thời gian, vì phải chạy ngược chạy xuôi lo cho công việc. Hãy coi chừng với điều này. Lằn ranh đỏ cảnh giác chúng ta đó là nguy cơ chúng ta chỉ làm công việc mà đơn thuần chỉ hướng đến công việc và hiệu quả. Cuộc đời chúng ta chính là sứ vụ. Và sứ vụ chúng ta gắn liền với lời mời gọi của Chúa Giêsu. Chúng ta không thể tách rời mình với tiếng nói của Chúa. Nên việc cầu nguyện không được xem nhẹ, mà nó phải là khởi đầu cho ơn gọi, cho mọi công việc, cho toàn thể sứ vụ của chúng ta.
Nơi Chúa Giêsu, mà điển hình là trình thuật Tin mừng hôm nay, cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện và sứ vụ, nơi chính Chúa Giêsu và nơi các tông đồ, nhóm Mười hai. Tin mừng Luca có 11 lần nói về việc Chúa Giêsu cầu nguyện. Con số ấy còn vượt trên số lần mà Chúa cầu nguyện, nói khác đi là cầu nguyện được xem như là cuộc sống của Chúa Giêsu, mọi lúc mọi nơi, trong mọi công việc. Chúa cầu nguyện và thực thi sứ vụ, và khi thực thi sứ vụ cũng là lúc Chúa cầu nguyện. Điều cốt yếu kết hợp sứ vụ và cầu nguyện thành một thể thống nhất nơi Chúa Giêsu đó là thực thi sứ mệnh mà Thiên Chúa Cha muốn. Thế nên, việc mời gọi các môn đệ, và nâng lên hàng tông đồ hay là nhóm Mười hai, cũng chỉ để cho các ông tiếp tục sứ mạng theo gương mẫu của Chúa Giêsu: làm việc và cầu nguyện trong thánh ý của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con cầu nguyện, và Chúa còn là gương mẫu của sự cầu nguyện và thực thi sứ vụ, xin giúp chúng con mỗi khi làm gì hay muốn gì, chúng con đều cầu nguyện và thực thi theo ý Chúa muốn. Amen.