05.09.2022 – Thứ Hai Tuần XXIII Thường Niên
Lời Chúa: Lc 6, 6-11
Một ngày sabát khác, Ðức Giêsu cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Các kinh sư và những người Pharisêu rình xem Ðức Giêsu có chữa người ấy trong ngày sabát không, để tìm được cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. Ðức Giêsu nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Giơ bàn tay anh ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Ðức Giêsu không.
Suy niệm:
Chúng ta không biết nhiều chi tiết về người đàn ông này. Ông bao nhiêu tuổi, có gia đình chưa, sống bằng nghề gì? Chỉ biết là bàn tay phải của ông bị teo, không duỗi được (c. 6). Chắc là nó bị co quắp vì các cơ không hoạt động bình thường. Như thế sẽ rất khó chịu và bất lợi để sinh hoạt hàng ngày. Hơn nữa đây lại là bàn tay phải, bàn tay chính để làm việc. Người đàn ông có bàn tay thương tật đã đến hội đường vào ngày sabát. Ông đến để nghe giảng dạy và cầu nguyện như mọi người.Có vẻ ông chẳng mong gì, chẳng xin được Đức Giêsu chữa lành, dù tiếng tăm của Ngài lúc đó đã lan rộng nhiều nơi (Lc 5, 15). Thật bất ngờ khi Ngài bảo ông: “Hãy trỗi dậy và ra đứng giữa đây.” Ông chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mình, nhưng đã vâng lời. Ông đứng ở ngay giữa cho mọi người thấy. Sau đó Ngài bảo ông: “Hãy duỗi bàn tay của anh ra!” (c. 10).
Một lần nữa ông lại vâng lời . Ông làm điều mà có lẽ từ lâu ông không làm được. Duỗi bàn tay khô héo, co quắp này, để có thể cầm cái ly, cái chén. Ước mơ đơn giản ấy nào ngờ hôm nay được thực hiện. Ông đã duỗi bàn tay theo lời Đức Giêsu, và nó đã trở lại bình thường. Bàn tay như được sống lại, được phục hồi, mềm mại, dễ bảo. Cuộc đời ông từ nay sẽ tươi hơn, có ích hơn, ít phải nhờ vả hơn.Đức Giêsu đã làm phép lạ này không phải vì được yêu cầu, nhưng như một câu trả lời cho các kinh sư và những người Pharisêu. Họ rình xem Ngài có chữa bệnh trong ngày sabát không, để tố cáo Ngài. bởi lẽ theo họ, ngày sabát chỉ được chữa những bệnh nguy tử. Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu này và công khai tỏ thái độ. Câu hỏi quen thuộc: có được phép làm điều này vào ngày sabát không? được thay bằng câu hỏi mới: ngày sabát được phép làm điều lành hay dữ; cứu mạng sống hay hủy hoại mạng sống? (c. 9). Phép lạ sau đó của Đức Giêsu chính là câu trả lời (c. 10).
Nhiều khi không làm một điều tốt, cũng bằng với việc làm một điều xấu, Không cứu một người vào giây phút ấy, cũng bằng gián tiếp giết chết họ. Đức Giêsu đã không coi ngày sabát như ngày chỉ biết ngồi khoanh tay, nhưng như ngày để làm điều tốt, để cứu sự sống con người. Dù sao Đức Giêsu đã không hề đụng đến ông có bàn tay bị tật. Khó lòng bắt lỗi Ngài đã vi phạm ngày sabát Ngài chữa cho ông ấy chỉ bằng một lời mà thôi. Các Kitô hữu không còn phải giữ ngày sabát nữa, nhưng giữ Chúa Nhật. Đây là ngày để chúng ta làm điều tốt, để chăm lo cho sự sống. Chữa cho một bàn tay bị teo tóp được lành, việc này không nhỏ. Làm cho một con người có thể sống bằng đôi tay của mình, là chuyện lớn. Đức Giêsu đã phải trả giá cho việc chữa bệnh của mình. Chúng ta cũng phải trả giá khi dám bảo vệ một sự sống nhỏ nhoi. Chỉ mong bàn tay tôi không co lại, nhưng mở ra cho mọi người.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, ai trong chúng con cũng thích tự do, nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ. Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra. Xin giúp chúng con được tự do thực sự: tự do trước những đòi hỏi của thân xác, tự do trước đam mê của trái tim, tự do trước những thành kiến của trí tuệ. Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ, để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa, để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được tự do như Chúa. Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi, khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi và chữa bệnh ngày Sabát. Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe, khi Chúa không ngần ngại nói sự thật. Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết, vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng. Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng, để chúng con được tự do bay cao.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Ngày sabat được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt”. (Lc 6,9)
Câu chuyện minh họa:
Người ta kể rằng: Một hôm, Chúa Giêsu hiện ra với một đan sĩ có bổn phận phải coi nhà khách và thỉnh thoảng bố thí cho người đến xin giúp đỡ. Trớ trêu thay, đúng vào lúc Chúa Giêsu hiện ra thì chuông nhà khách reo lên báo hiệu có người nghèo đến gõ cửa xin giúp đỡ. Thoạt đầu, người đan sĩ có vẻ do dự không biết phải ở lại bên Chúa Giêsu đang hiện ra với mình, hay phải đến phòng khách làm bổn phận mang thức ăn cho người đói ăn xin. Nhưng rồi vị đan sĩ quyết định đến nhà khách để chu toàn bổn phận, xong việc rồi đan sĩ trở lại thì thấy Chúa Giêsu vẫn còn chờ nơi đó. Chúa Giêsu tươi cười bảo vị đan sĩ:
– Nếu con đã không ra đi chu toàn bổn phận giúp cho người nghèo kia thì Ta đây đã không ở lại để chờ con.
Suy niệm:
Đôi khi trong công tác tông đồ, chúng ta cũng bị rơi vào tình trạng người khác không chấp nhận quan điểm của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta cứ theo dư luận mà sống, thì chúng ta có thể bị rơi vào tình trạng bi đát nhất, là không còn rao giảng Tin mừng nhưng là phản chứng Tin mừng.
Luật giữ ngày sabat là trung tâm của toàn bộ lề luật. Thế nhưng, con người đã dùng nó để xét đoán, và lên án nhau, thậm chí là giết chết thay vì mang lại sự sống. Chúa Giêsu đã giúp họ nhận ra ý nghĩa đích thực của ngày sabat, là mang lại ơn giải thoát khi chữa khỏi người bại tay. Ngài rất khéo trong cách chữa bệnh: không hành động nhưng dùng lời để chữa lành, nhằm tránh những lời tố cáo của bọn biệt phái.
Lạy Chúa, xin cho con biết khôn ngoan trong cách xử thế, để những việc con làm không là nguyên nhân để người khác tố cáo, ghen ghét hay đố kỵ.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Các kinh sư và người Pharisêu rình mò để tìm cớ kết án Chúa Giêsu không phải bởi lòng nhiệt thành đối với lề luật, nhưng trên hết là do sự ghen tuông.
Các kinh sư và biệt phái lợi dụng lề luật để củng cố quyền hành và lợi lộc. Luật là để phục vụ cho quyền lợi vật chất của họ, chứ không hướng tới việc phục vụ thiện ích. Lòng tham và tính ích kỷ kết thành một thành trì chống lại lòng thương xót, và đó là nguyên nhân của bao nỗi khổ đau mà nhân loại đang đón nhận.
Khi chứng kiến các em bé vô tôi chết oan uổng do bọn khủng bố gây ra, có người đã kêu lên: Lạy Chúa, Chúa còn lòng nhân từ không? Tại sao các em thiếu nhi phải chịu chết thảm thương như thế?” Chúa cũng đau lòng khi chứng kiến cảnh khốn cùng do bọn khủng bố gây ra, cũng như Chúa cũng đã không chịu nổi khi chứng kiến người bị cánh tay khô bại, để rồi Chúa phải hỏi: “Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?”
Ngày hôm nay Chúa cũng hỏi như thế, nhưng tất cả đều câm lặng, câm lặng vì sợ thiệt hại đến lợi ích cá nhân và gia đình, câm lặng vì đụng chạm đến quyền lợi cá nhân, câm lặng vì trái tim chai cứng, trở nên vô cảm trước nỗi khổ đau của người khác. Đức thượng phụ Công giáo nghi lễ Syriac đã phải thốt lên: “chính sự thờ ơ của các nhà lãnh đạo Tây phương, đã làm cho các Giáo hội Đông Phương, là những Giáo hội có từ thời các thánh tông đồ, đang bị đe dọa, nguy hiểm”. Vâng, chính sự thờ ơ của con người, mà nhiều kẻ vô tội phải gánh chịu biết bao nỗi thống khổ.Chúng ta than vãn vì nỗi khốn cùng mà nhân loại đang đối diện mà quên đi rằng, chính chúng ta đã góp phần tạo nên nó do bởi chính sự kiêu hãnh, tính ích kỷ, sự hẹp hòi và sự vô cảm của chúng ta.
Lạy Chúa, có lẽ nhiều lần Chúa cũng giận dỗi nhìn chúng con vì sự chai cứng của chúng con. Có thể chúng con đã kết án anh em mình nhân danh lòng đạo đức, và tâm hồn chúng con cũng đặc cứng về định kiến và sự cố chấp. Xin dạy chúng con nhận ra rằng chỉ có lòng nhân ái mới là chất xúc tác kiến tạo niềm vui và hạnh phúc. Xin cho chúng con luôn biết mở rộng tấm lòng để cảm thông và xót thương. Amen