03.09.2022 – Thứ Bảy Tuần XXII Thường Niên – Thánh Grêgôriô Cả, Giáo Hoàng
Lời Chúa: Lc 6, 1-5
Vào ngày sabát, Ðức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. Nhưng có mấy người Pharisêu nói: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sabát?” Ðức Giêsu trả lời: “Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách à? Vua Ðavít đã làm gì khi vua và thuộc hạ đói bụng? Vua vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.” Rồi Người nói: “Con Người làm chủ ngày sabát.”
Suy niệm:
“Tại sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”
“Tại sao môn đệ ông lại không ăn chay?”
“Tại sao môn đệ ông không chịu rửa tay khi dùng bữa?”
Mấy người Pharisêu có vẻ thích đặt những câu hỏi tại sao.
Và trong bài Tin Mừng hôm nay, họ lại đặt một câu hỏi nữa:
“Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày sabát?”
Câu chuyện đơn giản như sau:
Thầy Giêsu và các trò đi ngang qua một cánh đồng lúa chín.
Các môn đệ đói nên bứt những bông lúa, vò trong tay cho vỏ tróc ra mà ăn.
Hành vi này được phép làm, dựa theo sách Đệ nhị luật (23, 26).
Nhưng vì đó là ngày sabát, nên lại không được phép làm.
Thật ra sách Xuất hành chỉ cấm gặt lúa vào ngày sabát thôi (34, 21).
Nhưng truyền thống đã dựng thêm một hàng rào bảo vệ,
bằng cách coi bứt lúa cũng là một hình thức gặt lúa.
Bởi thế các môn đệ bị coi là đã vi phạm luật giữ ngày sabát.
Thầy Giêsu lại một lần nữa bênh vực học trò của mình.
Ngài bắt đầu câu trả lời bằng việc đưa các ông Pharisêu về với Kinh Thánh.
Chẳng lẽ những người trí thức như họ mà đã không đọc chuyện này rồi sao.
Đó là chuyện vua Đavít và thuộc hạ đói bụng, đã được ăn “bánh thánh”,
khi họ đến đền thờ Nốp, gặp tư tế Akhimêléc (1 Sm 21, 2-7).
Vị tư tế này đã cho họ ăn thứ bánh đặt trước nhan Đức Chúa (Xh 25, 30)
mà chỉ tư tế mới được phép ăn (c. 4; Lv 24, 9),
khi 12 bánh cũ của tuần trước được thay bằng bánh mới vào ngày sabát.
Akhimêléc đã làm điều không được phép, vì bánh thường không còn.
Đứng trước cơn đói của Đavít, ông đã không quay đi vì nệ luật.
Đức Giêsu dùng câu chuyện này để bênh các môn đệ đang đói của Ngài,
dù nó không liên quan gì đến chuyện giữ ngày sabát.
Như tư tế Akhimêléc, Ngài cũng không quay đi vì nệ luật.
Hơn nữa, Ngài khẳng định mình là chủ ngày sabát (c. 5).
Đức Giêsu không dẹp bỏ ngày sabát, nhưng đặt nó ở dưới quyền của Ngài.
Chính Ngài cho ta biết cách giữ ngày sabát theo đúng ý Thiên Chúa.
Tội nghiệp các môn đệ bị đói, vì họ đã bỏ mọi sự mà theo Thầy Giêsu.
Họ chấp nhận bữa đói bữa no với một vị Thầy lang thang đây đó,
sống hoàn toàn nhờ lòng tốt của người nghe.
Mấy bông lúa có là gì để tránh cái cồn cào trong ruột.
Thầy Giêsu đã từng nếm cái đói, và thèm một trái vả (Mc 11, 13).
Thầy đã từng khát và xin nước của người phụ nữ (Ga 4, 7).
Bởi đó Thầy hiểu được cái đói khát hành hạ con người mọi thời.
Mọi luật lệ được đặt ra để phục vụ con người và thăng tiến nó.
Đôi khi chúng ta phải nhìn lại những luật đã quen giữ từ lâu
để điều chỉnh lại cho phù hợp với những nhu cầu mới của con người.
Làm sao để luật không đè bẹp, nhưng nâng đỡ con người sống tốt hơn?
Làm sao để khi áp dụng luật, tôi vẫn giữ được sự mềm mại của tình yêu?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
con được no nê mà vẫn thiếu ăn,
vì bên con còn có người đói lả.
Con uống nước mát mà họng vẫn khô ran,
vì bên con còn có người đang khát.
Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi,
vì bên con còn có người phiền muộn.
Con sáng mắt mà vẫn ở trong bóng đêm,
vì bên con còn có người mù tối.
Con mặc áo đẹp mà vẫn rách tả tơi,
vì bên con còn có người trần trụi.
Con nằm trong nệm êm mà vẫn thao thức,
vì bên con còn có bao người thiếu thốn.
(Myrtle Householder)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Con Người làm chủ ngày sabat”. (Lc 6,5)
Câu chuyện minh họa:
Trong kinh điển Phật giáo, có ghi lại câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Có một người giàu có và tham lam nọ bỗng thấy tiền bạc của cải của mình biến thành tro bụi. Người đó đau buồn đến độ không còn thiết gì đến ăn uống nữa. Hay tin ông đau liệt, một người bạn tìm đến thăm. Sau khi đã tìm ra nguyên nhân của căn bệnh, người bạn đã nói như sau: “Anh đã không biết sử dụng của cải của anh. Chính vì thế mà anh càng thu tích, thì của cải của anh càng trở thành tro bụi. Xin anh hãy nghe lời khuyên sau đây của tôi: “Anh hãy đưa cả đống tro bụi vào hiệu buôn của anh. Anh ngồi trên đó và rao bán cho mọi người”.
Người giàu có làm theo lời khuyên của người bạn. Ông ngồi trên đống tro và rao hàng. Có người hỏi tại sao ông bán tro, ông trả lời như sau: “Ðây là tất cả tài sản của tôi”.
Một ngày kia, có một em bé gái mồ côi đi qua trước cửa hiệu. Em nghèo nhưng trong lòng không hề vương vấn đối với của cải. Thấy người giàu có ngồi trên đống tro, em bé mới nói: “Thưa ngài, ngài không biết là ngài đang bán vàng và bạc đó sao?”. Ngạc nhiên trước lời nói chân thành của em bé, người đàn ông mới thành khẩn van xin: “Xin cháu hãy chỉ cho chú biết đâu là vàng, đâu là bạc trong đống tro này?”. Ðứa bé đưa tay bốc lên một nắm tro. Tức khắc vàng hiện lên trên đôi tay em trước sự ngạc nhiên của người giàu có.
Suy niệm:
Tro không thể thành vàng được, và vàng cũng không trở thành tro được nhưng mỗi chúng ta có cách nhìn khác nhau về sự vật, cũng như ngày sabat không phải để làm cớ cho con người mà để giải thoát con người. Chúa Giêsu luôn ưu tiên sự sống hơn lề luật, vì lề luật được đặt ra là để phục vụ con người. Người cảm được cơn đói, nên thông cảm khi thấy các môn đệ bứt lúa. Ngài mang đến một ý nghĩa mới cho ngày sabat, ngày của sự giải thoát và sự hiện diện của Chúa Phục sinh, ngày gặp gỡ Thiên Chúa. Vì thế, ngày sabat là ngày chúng ta đến hiệp dâng thánh lễ để tiếp xúc, gặp gỡ Chúa trong tinh thần hiệp thông và trong tâm tình con thảo chứ không vì lề luật buộc.
Lạy Chúa, xin giúp con sống triệt để lời mời gọi của Chúa để những gì con nói, con làm đều vì lòng yêu mến Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Sabbath là nghỉ ngơi, giới hạn mọi công việc. Nhưng thực tế, có những người không nghỉ ngơi cách trọn vẹn trong chính tâm hồn của họ. Những người biệt phái giữ chặt luật “nghỉ ngơi” nhưng biến ngày này thành ngày của sự răn đe, cấm đoán, bất an…
Chính Đức Giêsu Kitô, Đấng làm chủ ngày Sabbath và đã đem lại ý nghĩa đích thực cho ngày này. Ngày Sabbath được lập ra là để phục vụ lợi ích cho con người. Nếu không quan tâm đủ đến yếu tố cơ bản làm nên sự sống thân xác: cho kẻ đói ăn… thì chưa đủ để làm nổi bật giá trị của tình yêu thương Chúa trao gửi cho chúng ta. Bên cạnh đó, ngày Sabbath được thiết lập cũng để tôn vinh Thiên Chúa. Thiên Chúa được tôn vinh khi con người được sống đúng với phẩm giá mà Thiên Chúa đã trao ban. Cách nhìn hạ thấp nhân vị chỉ đem đến việc phụng thờ Thiên Chúa cách sai lạc. Ngày nay, việc thiếu tôn trọng toàn vẹn phẩm giá con người xuất phát từ chính thái độ gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.
Trong Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, ngày Sabbath có một ý nghĩa mới: Người đã thiết lập một trật tự mới, một ngày Sabbath mới qua cuộc tử nạn và phục sinh vinh hiển của Người. Chúng ta được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, một con người mới trong Thần khí mới.
Lạy Chúa, trong ngày Chúa nhật – ngày của Chúa – xin giúp chúng con đừng bao giờ quên thực thi việc tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa bản thân. Amen.