02.9.2022 – Thứ Sáu Tuần XXII Thường Niên
Lời Chúa: Lc 5, 33-39
Khi ấy, những người Pharisêu và những kinh sư nói với Đức Giêsu: “Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pharisêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!” Ðức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay.” Ðức Giêsu còn kể cho họ nghe dụ ngôn này: “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với cũ. Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm hư bầu, rượu sẽ chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới. Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: Rượu cũ ngon hơn.”
Suy niệm:
Sau khi Lêvi, người thu thuế, được Thầy Giêsu mời gọi đi theo, ông đã tổ chức bữa đại tiệc khoản đãi Thầy và các môn đệ. Ông còn mời các bạn đồng nghiệp đến dùng bữa để từ giã. Ăn uống vui vẻ, hòa đồng cả với những người bị xã hội tránh xa, đó là một nét đặc biệt của nhóm Thầy Giêsu. Đừng quên chính Thầy cũng bị mang tiếng là tay ăn nhậu (Lc 7, 34). Như thế nhóm của Thầy không có nét khắc khổ, như các nhóm môn đệ của Gioan hay của người Pharisêu. Các nhóm này thường hay ăn chay và cầu nguyện. “Còn môn đệ Thầy thì ăn với uống !” (c. 33). Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo hỏi Thầy về lý do có sự khác biệt đó. Thầy trả lời: vì bầu khí của nhóm Giêsu là bầu khí vui của tiệc cưới. Chú rể chính là Thầy, còn các môn đệ là những khách dự tiệc.\ Chẳng ai dự tiệc cưới mà lại ăn chay. Chẳng ai buồn khi chàng rể còn đang ở bên cạnh (c. 34).
Bởi đó thật là dễ hiểu nếu các môn đệ không ăn chay một tuần hai lần, nếu họ có nét mặt tươi tắn và sẵn sàng chung vui với người khác. Chuyện Thầy Giêsu ăn uống hồn nhiên với những tội nhân cho thấy Thiên Chúa không khinh, nhưng quý họ và mời họ trở về. Thầy cho thấy mình đang rao giảng Tin Mừng, loan báo Tin Vui. Đến với Thầy là gặp được niềm vui cứu độ. Thầy Giêsu và các môn đệ đều mời gọi người ta hoán cải (Mc 1,15; 6,12) Nhưng hoán cải ở đây không phải là chuyện buồn, mà là chuyện vui, bởi lẽ hoán cải là thay đổi tận căn cái nhìn về Thiên Chúa và người khác. Chẳng ai vui bằng người thoát ra khỏi được cảnh nô lệ tội lỗi. Cả thiên đàng cũng mừng vui khi một người hoán cải (Lc 15, 7. 10). Thầy Giêsu đã trao cho các môn đệ niềm vui của chính mình. Ba lần Ngài nói đến niềm vui trọn vẹn (Ga 15,11; 16,24; 17,13).
Kitô giáo bắt nguồn từ niềm vui phục sinh và sống mãi nhờ niềm vui ấy. Các tông đồ bị đánh đòn mà lại vui, bởi họ chịu vì Đức Giêsu (Cv 5,41). Niềm vui là đặc nét của người Kitô hữu qua mọi thách đố. Niềm vui là quà tặng lớn của chúng ta cho một thế giới muộn phiền. Chàng rể Giêsu đang ở với chúng ta cho đến tận thế và mãi mãi, nên “anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4, 4). Chúng ta chỉ có thể là sứ giả của Tin Mừng nếu ta có niềm vui nội tâm. Niềm vui này phải tỏa ra như hương thơm làm mọi người ngây ngất. Ông Nietzsche một triết gia vô thần người Đức viết cho các Kitô hữu: “Nếu niềm tin của các anh làm các anh hạnh phúc, thì hãy cho tôi thấy hạnh phúc ấy trên khuôn mặt của các anh… Nếu Tin Mừng của Sách Thánh được viết trên khuôn mặt của các anh rồi, thì các anh chẳng cần phải cố nhấn mạnh đến giá trị của Sách ấy nữa.” Nietzsche không tin một Kitô hữu buồn, mà bảo mình tin vào sự phục sinh. Chúng ta có bao giờ để ý soi khuôn mặt Kitô hữu của mình không?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, có những ngày con cảm thấy đời sống thật nặng nề; có những lúc con muốn buông trôi, để mặc cho dòng đời đưa đẩy; có những khoảng thời gian dài, con như mảnh đất khô khan cằn cỗi. Xin cho con ánh sáng của Chúa để con biết lối mà đi. Xin cho con tấm bánh của Chúa để con có sức mà dấn bước. Xin cho con Lời của Chúa để con vững một niềm tin. Xin cho con sự sống của Chúa để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn, niềm vui và sáng tạo.
Lạy Chúa Giêsu, con thấy mình cần Chúa trong mỗi giây phút của cuộc đời. Ước gì ai gặp con cũng gặp được sự hiện diện của Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, khách dự tiệc mới ăn chay.” (Lc 5,35)
Câu chuyện minh hoạ:
Một phụ nữ bước vào nhà băng để xin đổi tiền từ một tấm séc.
Viện dẫn qui định của nhà băng, anh nhân viên ở quầy yêu cầu người phụ nữ xuất trình thẻ căn cước.
Người phụ nữ há hóc miệng, kinh ngạc. Cuối cùng, chị cũng thốt ra được mấy tiếng: “Nhưng Jonathan, má là má của con mà!”
Suy niệm:
Lời Chúa hôm nay nói đến những người kinh sư và biệt phái chất vấn Chúa Giêsu về các môn đệ của Ngài không ăn chay và cầu nguyện. Theo quan niệm Do Thái thời đó, mục đích của việc ăn chay là để mong đợi Đấng Cứu Thế đến. Thế nhưng, những người Biệt Phái và các môn đệ của Gioan chỉ biết ăn chay mà không để ý đến ý nghĩa của việc ăn chay. Họ ăn chay là để lôi kéo sự thán phục của thiên hạ. Đó là điều Chúa Giêsu đã khiển trách họ.
Chúa Giêsu đã dựa vào mục đích việc ăn chay của người Do Thái để nói đến việc miễn chuẩn ăn chay: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ” (Lc 5,34). Hay nói đúng hơn, Chúa Giêsu muốn cho mọi người nhận ra rằng: Ngài chính là Đấng Cứu Thế và họ không cần phải mong đợi gì nữa. Giờ đây là thời của niềm vui, nên con người không còn phải chay tịnh với vẻ mặt ủ rũ héo tàn, nhưng phải vui mừng vì Chúa đã đến.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn có Chúa trong đời, để đời sống của chúng con không chỉ có niềm vui, mà còn là dấu chỉ mang Tin Vui của Chúa đến với những ai chúng con gặp gỡ. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Có lẽ, trong một thế giới phẳng, mở ra và hoà nhập với đa sắc tộc, đa tín ngưỡng tôn giáo, thì những câu nói kiểu như: “Đạo nào cũng là đạo, đạo nào cũng tốt, đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành” đã trở nên phổ biến, dễ chấp nhận và dần được sử dụng như là một lối nói trong ngoại giao, mang đến sự hoà nhập.
Tuy nhiên, xét trên bình diện đức tin và giáo lý Công giáo, câu nói ấy đang trở nên một xu thế nguy hại cho đức tin và đưa đến những hiểu lầm căn bản vào ơn cứu độ duy nhất nơi Chúa Giêsu Kitô. Thật vậy, là người tín hữu Công giáo, khi đối diện với quan điểm đó, đôi khi chúng ta cảm thấy có điều gì đó chưa ổn, chưa đúng, làm chúng ta hoang mang, nghi ngờ. Tuy nhiên, chúng ta lại không biết cách giải thích thế nào cho người khác hiểu về đức tin và giáo lý của chúng ta.
Là người tin vào Chúa, đặt trọn tình yêu và theo Chúa, chúng ta hiểu rằng: Đức tin Công giáo không chỉ đơn giản chỉ là để ăn ngay ở lành, nhưng quan trọng hơn và sâu xa hơn là tin vào một Con Người, tin vào Đức Giêsu Nazareth. Người là Đấng Cứu Độ duy nhất. Và như thế, tin là bước vào một tương quan, trở nên giống Chúa hơn, không chỉ là ăn ngay ở lành, nhưng vượt xa hơn: trở nên con của Chúa. Và vì là con của Chúa, cho nên sẽ thánh thiện và tốt lành hơn.
Bởi đâu chúng ta xác tín mạnh mẽ như thế? Bởi vì Kinh thánh Tân ước không ngừng khẳng định Ðức Kitô là Ðấng Cứu Độ cho tất cả nhân loại. Giáo hội sơ khai tin vững rằng Ðức Kitô cứu rỗi mọi người, bất cứ thuộc chủng tộc, văn hóa, tôn giáo hay thời đại nào. Người ban cho họ ơn cứu độ sung mãn, và chẳng ai khác có thể làm được như vậy. Duy chỉ mình Người có quyền tha tội, ban ơn công chính hóa, biến con người thành nghĩa tử của Thiên Chúa.
Kinh thánh ghi rất rõ: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).Thánh Phaolô cũng nói rõ Ðức Kitô đã chết vì, thay mặt, và cho mọi người (x. 2Cr 5,14-15), với kết quả là nơi Người, Thiên Chúa đã hòa giải thế giới với Ngài (x. 2Cr 5,19). Trong thư gửi Timôthê thì điều đó được xác quyết: “Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Ðức Kitô Giêsu, Ðấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người” (1Tm 2,5-6).
Cũng vậy, tính cách phổ quát của ơn cứu độ nơi Chúa Kitô được cả Thánh Kinh Tân ước nhắc đến. Thánh Phaolô đã công nhận Chúa Kitô phục sinh là Chúa. Ngài viết: “mặc dầu người ta cho là có những thần ở trên trời hay dưới đất – quả thực, thần cũng lắm mà chúa cũng nhiều – nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu” (1Cr 8,5-6).
Bởi thế, không ai có thể được hiệp thông với Thiên Chúa mà không qua Chúa Kitô, nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Vai trò trung gian duy nhất phổ quát của Chúa Kitô, không hề làm ngăn cản hành trình tiến đến với Thiên Chúa, là đường lối chính Thiên Chúa thiết lập, một sự kiện Chúa Kitô đã thừa biết. Mặc dù cũng có những hình thức dự phần vào việc làm trung gian khác thể loại và khác cấp độ, chúng chỉ có ý nghĩa và giá trị là do vai trò trung gian riêng của Chúa Kitô mà thôi, và không được nghĩ rằng chúng song song với hay bổ khuyết cho vai trò trung gian của Người.
Như thế, Giáo hội luôn tin mà dạy rằng Thiên Chúa đã thiết lập Chúa Kitô như vị trung gian duy nhất, và chính Giáo hội cũng được thiết lập như một bí tích cứu độ phổ quát. Tuy nhiên, tính cách phổ quát của ơn cứu độ có nghĩa là ơn cứu độ không phải chỉ được ban cho những ai tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô và đã gia nhập Giáo hội. Vì được ban cho tất cả mọi người, ơn cứu độ phải thuận lợi một cách cụ thể đối với mọi người.
Vì thực tế cho thấy, hôm nay đây, cũng như trong quá khứ, nhiều người không có cơ hội biết đến hay chấp nhận mặc khải Phúc âm hoặc gia nhập Giáo hội. Những điều kiện về xã hội và văn hóa họ sống không cho phép họ thực hiện được điều này, và họ thường được dưỡng dục theo các truyền thống tôn giáo khác. Đối với những người như vậy, mặc dù họ có liên hệ một cách mầu nhiệm nào đó với Giáo hội, ơn cứu độ nơi Chúa Kitô bởi ân sủng cũng không làm cho họ chính thức trở thành phần tử của Giáo hội, song chỉ soi sáng cho họ bằng một đường lối hợp với tình trạng tinh thần và thể chất của họ mà thôi. Ân sủng này là do Chúa Kitô ban cho; ân sủng ấy là hoa trái của việc Người hiến tế và được Thánh Linh thông ban cho. Ân sủng ấy giúp cho mỗi người đạt đến ơn cứu độ bằng việc tự do cộng tác của họ.
Lạy Chúa Giêsu, lời của Chúa nói với người thiếu phụ Samari năm xưa vẫn như còn vang vọng đâu đây, nhất là trong thời kỳ của ngàn năm thứ III này: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem […] Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Ngài như thế. Thiên Chúa là Thần khí và những ai thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong Thần khí và sự thật” (Ga 4,21-24).
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn vững tin vào Chúa là Đấng Cứu Độ duy nhất, và xin ban Thánh Thần để chúng con có thể thờ phượng Chúa Cha trong Thần khí và sự thật. Amen.