31.08.2022 – Thứ Tư Tuần XXII Thường Niên
Lời Chúa: Lc 4, 38-44
Khi ấy, Đức Giêsu rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simôn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. Ðức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt rời khỏi bà: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài. Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Ðấng Kitô. Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Ðám đông tìm Người, đến tận nơi Người đang ở và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giuđê.
Suy niệm:
Sáng ngày sabát Đức Giêsu đã giảng dạy ở hội đường Caphácnaum.
Lời của Ngài đầy uy quyền và uy lực.
Lời ấy đã trục được quỷ khỏi một người đàn ông (Lc 4, 31-37).
Có lẽ đến trưa, Đức Giêsu rời khỏi hội đường để về nhà ông Simôn.
Tiếc thay bà mẹ vợ của ông lại bị sốt nặng, nằm một chỗ.
Người ta yêu cầu Ngài chữa cho người phụ nữ này.
Ngài đã lại gần và cúi xuống trên bà.
Ngài quát mắng cơn sốt như đã quát mắng thần ô uế (c. 39).
Lập tức cơn sốt phải rút lui.
Bà có thể đứng dậy được để phục vụ cơm nước cho Đức Giêsu và môn đệ.
Một lần nữa, chúng ta lại thấy sức mạnh của Lời Ngài.
Ngài chữa bệnh cho người phụ nữ chỉ bằng một lời ra lệnh.
Bệnh tật, dù nhẹ đi nữa, cũng làm phiền con người,
làm cản trở mọi sinh hoạt bình thường, và làm con người mất tự do.
Đức Giêsu đã nâng dậy một người đang nằm, mất sức làm việc.
Khi mặt trời lặn, lúc đã hết ngày sabát là ngày lễ nghỉ,
người ta mới đem cho Ngài những người bị đau đủ thứ bệnh.
Ngài chữa cho họ bằng cách đặt tay trên từng người (c. 40).
Đức Giêsu cúi xuống và chạm vào nỗi đau của từng thân xác.
Không rõ khi nào Ngài dừng tay để đi ngủ.
Chỉ biết khi trời hừng sáng, Ngài đã thức dậy ra đi, đến một nơi vắng vẻ.
Hẳn là Ngài cần chút thinh lặng, để xa đám đông, để gặp gỡ Cha,
Ngài cần dâng cho Cha một tuần mới đang đến.
Đức Giêsu không chỉ mê phục vụ cho đám đông,
Ngài còn mê ở một mình, mê cầu nguyện, mê chỗ vắng.
Nhưng các đám đông hối hả đi tìm Ngài, vì nhiều người cần chữa bệnh.
Khi bắt được Ngài, họ không cho Ngài lìa bỏ họ (c. 42).
Thành công và tiếng tăm, thiện cảm và sự thân quen gần gũi,
là những điều có thể giữ chân người tông đồ.
Trước sự chèo kéo của những người đau yếu đang thực sự cần Ngài,
Đức Giêsu vẫn muốn giữ cho mình sự tự do của người được Cha sai.
Ngài nhìn thấy cánh đồng mênh mông của thế giới.
Ngài hiểu là mình không được phép dừng chân ở một chỗ, để đặt trụ sở.
Ngài biết là mình được mời gọi lên đường mỗi ngày.
Đâu phải chỉ có thành Caphácnaum hay Nadarét hay vùng Galilê.
“Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa
cho các thành khác nữa, vì tôi được sai cốt để làm chuyện đó” (c. 43).
Chữ phải đến như một mệnh lệnh từ Cha, kéo Đức Giêsu đi không nghỉ.
Ngài vượt qua bao biên giới của gia đình, làng quê, tỉnh thành…
Rồi có ngày việc loan báo Tin Mừng sẽ trải dài đến tận cùng thế giới.
Khi chữa lành cho con người, Đức Giêsu cho thấy Nước Thiên Chúa đến.
Con người hôm nay cũng bị đau yếu về nhiều mặt.
Mong mỗi tông đồ hôm nay cũng có khả năng chữa lành như Thầy Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất…”(Lc 4,39)
Câu chuyện minh họa:
Tại một xứ nhỏ ở một miền quê nước Pháp, có một người đàn ông ngoài 50 tuổi bị chứng bất toại. Chân không đi đứng gì được và hai tay cũng không làm gì được hơn. Suốt ngày ông chỉ biết than thân trách phận. Mặc dù ông không phải là người Công giáo nhưng cha sở thỉnh thoảng đến thăm ông và mời gọi nhiều người đến thăm, chia sẻ và giúp đỡ ông. Mỗi tuần có một bác sĩ tình nguyện đến săn sóc cho ông. Mỗi Chúa nhật có một thiếu nhi đến đọc chuyện cho ông nghe, kể chuyện vui cho ông bớt cô đơn. Sau một thời gian, ông xin lãnh Bí tích Thánh Tẩy. Ông nói: “Thưa Cha, trước đây con không tin có Chúa, nhưng từ ngày con được Cha đến thăm, được bác sĩ giúp đỡ, các em giúp vui, con cảm thấy mình như gặp được Thiên Chúa, và chính Chúa đã gởi Cha, bác sĩ và các em đến với con và bày tỏ tình thương đối với con. Con tin như thế”.
Suy niệm:
Cử chỉ nhỏ có thể giúp chúng ta gần nhau hơn, nó như một sức mạnh gắn kết tình người. Chúa Giêsu đã dùng cử chỉ cúi xuống, ra lệnh cho cơn sốt và bà mẹ vợ ông Simon lại được khỏi bệnh. Ngài đã cúi xuống và nâng dậy một con người chỉ bằng hành động nhỏ, và một lời ra lệnh đầy quyền uy. Sáng sớm, Ngài lại tiếp thêm năng lượng bằng việc tiếp xúc, gặp gỡ Chúa Cha. Ngài không bị chìm sâu trong công việc hay bị nhận chìm trong những lời khen ngợi, ca tụng. Qua đó, Ngài dạy chúng ta không nên dừng chân ở một nơi nào, nhưng luôn ra đi vì sứ mạng của chúng ta là rao giảng Tin mừng cho đến tận cùng thế giới.
Lạy Chúa, xin cho con biết hăng say rao giảng Tin mừng của Chúa không mỏi mệt, luôn dấn thân cho tha nhân và năng kết hiệp với Chúa trong Bí tích Thánh Thể, để mọi việc con làm đều vinh danh Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Nhà triết học người Pháp thế kỷ 20 Emmanuel Levinas, đã nói: “ Sự đau đớn cô lập người ta một cách tuyệt đối, và sự cô lập tuyệt đối làm nảy sinh nhu cầu kêu gọi sự giúp đỡ và cảm thông của người khác, kêu cầu người khác ”.
Bối cảnh Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu chữa lành bà mẹ vợ ông Simon và nhiều người đau yếu khác, việc chữa lành này không chỉ nói đến quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa, mà diễn tả cho chúng ta thấy Thiên Chúa luôn yêu thương con người. Thiên Chúa không chỉ giúp con người thoát khỏi bệnh tật hay đau khổ, nhưng sâu xa hơn ngài muốn dẫn con người đi vào con đường tình yêu của Thiên Chúa, con đường của sự nâng đỡ, chia sẻ, đồng cảm và giúp đỡ nhau.
Cuộc sống con người chúng ta trong thế giới hiện đại ngày nay có biết bao nhiêu người đang rơi vào tình trạng của bệnh tật: có người bệnh thể lý, có người bệnh tinh thần, có người bị cô đơn và có người rất đau khổ với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên giữa những bệnh tật như vậy, đức tin của họ như thế nào? Tương quan tình người cư xử lẫn nhau làm sao? Con người có chấp nhận một khía cạnh bệnh tật để đặt cuộc đời trong con đường khổ giá của Chúa Giêsu hay không?
Tất cả những điều này mời gọi mỗi người chúng ta cần phân định tương quan tình yêu của chúng ta đối với Chúa và đối với anh chị em của mình. Tình yêu trong Đức Kitô giúp chúng ta xoa dịu mọi đau khổ của con người. Chúng ta hãy lắng nghe lời khuyên bảo của thánh Phaolô: “ Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta ” (Gl 5,1).