30.08.2022 – Thứ Ba Tuần XXII Mùa Thường Niên
Lời Chúa: Lc 4, 31-37
Khi ấy, Đức Giêsu xuống Caphácnaum, một thành miền Galilê, và ngày sabát, Người giảng dạy dân chúng. Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì Người nói năng có thẩm quyền. Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Ðấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Ðức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. Nỗi kinh ngạc trùm lên mọi người, và họ nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!” Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.
Suy niệm:
Phép lạ đầu tiên được kể trong Tin Mừng Luca là một phép lạ trừ quỷ,
diễn ra tại hội đường Caphácnaum vào một ngày sabát (c. 31).
Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng, và họ sửng sốt trước lời dạy của Ngài,
bởi lẽ lời của Ngài là lời đầy quyền uy (c. 32).
Quyền uy làm sửng sốt ấy đến từ con người Ngài,
vì Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa.
Trong hội đường ngày hôm đó, có một người bị quỷ thần ô uế nhập.
Anh ta tự nhiên la to, vì thấy mình bị đe dọa: “Ông Giêsu Nadarét,
chuyện chúng tôi can gì đến ông ? Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao?”
Sự hiện diện và lời dạy quyền uy của Đức Giêsu, làm quỷ xuất đầu lộ diện.
Nhưng nó sợ, muốn tránh Ngài trong cuộc chiến không cân sức.
Quỷ biết rõ đối thủ có sức tiêu diệt mình là ai.
Nó biết được điều mà dân chúng không biết về căn tính của Đức Giêsu.
Ngài không phải chỉ là ông Giêsu ở Nadarét,
mà còn là Đấng Thánh của Thiên Chúa (c. 34).
Có một sự đối lập gay gắt giữa thần ô uế và Đấng Thánh tinh tuyền.
Đức Giêsu trừ thần ô uế chỉ bằng một lời quát mắng (c. 35).
“Câm đi, hãy xuất ra khỏi người này !”
Ngài không cho quỷ nói lên danh tánh của Ngài,
vì Ngài không muốn sự thật được nói lên bởi miệng những kẻ dối trá.
Lời truyền lệnh của Ngài khiến thần ô uế phải xuất ra.
Nó không còn được ở lại hay có quyền gì trên người này nữa.
Quỷ vật anh ngã xuống, xuất ra, nhưng lại không làm hại được anh.
Người trong hội đường kinh ngạc, không vì chuyện Đức Giêsu trừ quỷ,
nhưng vì họ thấy uy quyền và uy lực nơi lời nói của Ngài (c. 36).
Lời nói ra như một mệnh lệnh, và quỷ phải vâng nghe.
Thế giới hôm nay dễ bị tấn công và thống trị bởi các thần ô uế.
Thần ô uế có mặt ở khắp nơi, và có sức hấp dẫn mê hoặc con người.
Ô uế nơi thân xác, nơi trí tưởng tượng, nơi những ám ảnh không ngơi.
Ô uế trở thành một thứ văn hóa, xâm nhập vào mọi ngõ ngách,
chi phối mọi lối nghĩ và lối hành xử của con người.
Chúng ta phải nhìn nhận sức mạnh của thần ô uế trong thế giới hôm nay.
Rất nhiều bạn trẻ đã phải thú nhận mình không đủ sức kháng cự lại.
Đức Giêsu cho chúng ta niềm tin vào sự chiến thắng.
Sự hiện diện của Ngài làm thần ô uế không thể giấu mặt.
Sự thánh thiện của Ngài làm nó phải run sợ cúi đầu.
Uy quyền và uy lực nơi Lời quát mắng của Ngài khiến nó phải tháo lui.
Hãy để cho Đức Giêsu thánh thiện có chỗ trong đời chúng ta.
Hãy tin vào sức mạnh giải phóng của Lời Ngài.
Hãy để Lời Ngài nâng chúng ta dậy và cho chúng ta được tự do.
Một người ở trong hội đường hay nhà thờ cũng có thể bị thần ô uế ám.
Chúng ta mong Chúa cho ta khả năng trục được sự ô uế ra khỏi đời ta.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì Lời của Người có uy quyền”. (Lc 4,32)
Câu chuyện minh họa:
Một người đưa tin đến một lâu đài cũ kỹ và anh lấy búa gõ cửa. Không ai trả lời. Anh lại gõ và chỉ có tiếng vang dội lại. Nhưng anh biết có người trong nhà, anh nhìn thấy họ qua cửa sổ. Giận sôi lên, anh cầm búa và lấy hết sức giáng mạnh vào cửa hai ba chục lần.
Một khuôn mặt cau có ngó qua lỗ then cửa và lịch sự hỏi xem người khách muốn vào không.
Vị khách nói như mê sảng: “Này ông, tôi vào được không? Chẳng lẽ ai muốn vào cũng phải gõ như tôi?”.
– Ồ, ông biết đấy: Có nhiều trẻ ở xung quanh đến đây, chúng gõ cửa một vài lần rồi bỏ chạy, nên chúng tôi biết là không cần để ý đến chúng. Nhưng khi nghe ông gõ cửa, tôi thực sự thấy ông muốn vào. Vì thế tôi ra mở cửa.
Suy niệm:
Qua câu chuyện trên chúng ta nhận thấy được rằng người đưa tin này thật sự muốn vào nhà, nên đã kiên trì đứng gõ cửa cho đến khi cánh cửa được mở ra; còn những đứa trẻ chỉ gõ cửa nhưng không mong cũng không cần thiết cánh cửa có mở ra hay không, cũng giống như Lời Chúa được rao giảng cho nhiều người nhưng chỉ những tâm hồn biết lắng nghe và ao ước lắng nghe mới nghe được và đón nhận.
Khi Chúa Giêsu chữa người bị quỷ ám, là lúc Ngài biểu lộ quyền năng của Ngài. Chúa Giêsu không giảng suông nhưng Ngài luôn làm những gì Ngài rao giảng; vì thế, dân chúng kinh ngạc khi thấy những dấu lạ Ngài thực hiện. Ngài đem đến cho dân chúng sự kinh ngạc, có lẽ đây là bước đầu để dẫn họ đến đức tin. Những lời rao giảng và những dấu lạ Ngài làm ảnh hưởng rất nhiều trên dân chúng, nhưng Ngài không dừng lại ở những lời tán dương ca tụng, Ngài còn dành thời giờ để cầu nguyện, tiếp xúc, gặp gỡ Chúa Cha. Qua đó, Chúa dạy chúng ta một bài học cho sứ vụ tông đồ: luôn giữ liên lạc với Chúa, trung thành với Chúa trong sứ mạng.
Lạy Chúa, xin cho con luôn hăng say rao giảng Tin mừng của Chúa, và luôn biết kết hợp với Chúa trong cầu nguyện để những gì con nói và làm đều hợp với thánh ý Ngài. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “ Lòng thương xót tự bản chất là thành trì căn bản mà Thiên Chúa ban cho con người chống lại sự dữ. Lòng thương xót còn mạnh mẽ hơn cả bác ái, hay tình thương, hơn cả tha thứ. Niềm hy vọng dựa trên lòng thương xót, tức là trong việc Thiên Chúa hết sức chống lại sự dữ, chấm dứt sự dữ, loại trừ sự dữ ”.
Câu định nghĩa giúp chúng ta phân định được ý hướng của Lời Chúa hôm nay đề cập đến việc Chúa Giêsu giảng dạy tại Capharnaum và chữa lành một người bị quỷ ám. Chúa Giêsu khởi đầu sứ mạng giảng dạy công khai của mình để thể hiện quyền năng của Thiên Chúa, quyền năng này không cần dựa vào một uy thế nào khác. Do vậy, dân chúng phải thán phục Chúa Giêsu: “ Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền ”.
Tuy nhiên, quyền uy của Chúa Giêsu không phải như quyền uy theo cách nghĩ của trần thế, mà là quyền uy của tình yêu Đấng tối cao, quyền uy của lòng thương xót Chúa phá tan mọi sự chống đối của tội lỗi và sự dữ. Chúng ta xác tín rằng chỉ có một mình Thiên Chúa là Đấng uy quyền trong tất cả mọi lời nói và hành động.
Là con cái Chúa, chúng ta đừng cậy nhờ vào những uy quyền của trần thế, tiền bạc và danh vọng. Bởi những sức mạnh của thế gian dễ làm cho chúng ta xa rời tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa hay nói đúng hơn khi say mê vào những quyền lực của thế gian, chúng ta gạt đi niềm tin vào Thiên Chúa, chúng ta sẽ sống cao ngạo, vênh vang và tự mãn.