27.8.20122 – Thứ Bảy Tuần XXI Thường Niên – Thánh Mônica
Lời Chúa: Mt 25, 14-30
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ riêng của mình đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ của các đầy tớ ấy đến thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây”. Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! Hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Trong việc ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ đặt anh lên coi việc nhiều. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây”. Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! Hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Trong việc ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ đặt anh lên coi việc nhiều. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!” Ông chủ đáp: “Hỡi tên đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Ngươi đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý ngươi phải gởi số bạc của ta cho các chủ ngân hàng, để khi ta đến, ta thu hồi của thuộc về ta cùng với số lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”
Suy niệm:
Người ta vẫn hay có cái nhìn tĩnh và buồn về đời sống Kitô hữu.
Đó là một đời sống cam chịu, nhẫn nhục, cúi đầu vâng phục Ý Chúa,
một đời sống khổ đau vì phải bước theo Chúa Giêsu vác thánh giá.
Nhìn như thế đúng nhưng không đủ.
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một cái nhìn khác,
tươi tắn hơn nhiều, chủ động và tích cực hơn nhiều.
Thiên Chúa được ví như một ông chủ sắp đi xa.
Vì tin tưởng các đầy tớ của mình, nên khi vắng nhà (c. 14),
ông không ngại giao phó cho họ những món tiền rất lớn, tùy khả năng.
Người được năm yến, kẻ được hai, người được một (c. 15).
Mỗi yến bạc tương đương với sáu ngàn ngày công.
Hẳn các đầy tớ hiểu ý chủ muốn mình đầu tư sinh lợi.
Anh nhận được năm yến đã đi ngay lập tức và làm ăn với số vốn ấy.
Chúng ta không rõ anh đã đầu tư thế nào và bao lâu,
chỉ biết anh đã sử dụng cách hiệu quả những gì anh nhận được.
Sau một thời gian, tiền lời bằng số vốn bỏ ra.
Anh nhận được hai yến cũng vậy, cũng sinh lợi được hai yến khác.
Anh được một yến cũng đi,
nhưng là đi đào lỗ dưới đất để chôn giấu yến bạc (c. 18).
Anh không dám đầu tư vì sợ làm ăn lỗ lã.
Anh sợ số bạc lớn bị mất, nên anh muốn chôn giấu nó cho an toàn.
Khi ông chủ trở về để nghe báo cáo sổ sách của các đầy tớ,
ông đã khen hai anh đầy tớ vất vả làm ăn bằng những lời giống nhau:
“Khá lắm! Anh đúng là tôi tớ tốt lành và trung tín!
Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh.
Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (c. 21. 23).
Còn anh đầy tớ chôn giấu yến bạc dưới đất vì sợ hãi ông chủ,
đã bị chủ chê là đầy tớ xấu xa và biếng nhác.
Yến bạc của chủ còn nguyên chẳng hề là điều đáng tự hào.
Ông chủ ngạc nhiên vì tại sao anh lại không gửi tiền vào ngân hàng
để đồng vốn có thể sinh lợi (c. 27).
Anh bị tước mất yến bạc anh đã giữ kỹ, và tống vào chỗ tối tăm.
Một đầy tớ không sinh lợi từ số vốn được trao là một đầy tớ vô dụng (c. 30).
Mỗi Kitô hữu cũng là một người đầy tớ, một quản lý của Chúa,
được tin cậy giao phó, được yêu cầu đầu tư, được mong mỏi sinh lợi.
Sống đời Kitô hữu là chấp nhận dùng tất cả khả năng của mình (c. 15)
để làm cho những gì Chúa ban sinh lợi nhiều nhất.
Điều đó cần đến công sức, tính toán, sáng tạo, và nhất là tình yêu.
Yến bạc là khả năng và hoàn cảnh thuận lợi để ta làm việc cho Chúa.
Kitô hữu không phải là người thích an nhàn hay hưởng thụ.
Họ nỗ lực phấn đấu từng ngày để đời mình sinh hoa trái cho Chúa.
Ngày Phán xét, chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên nỗ lực sinh lợi của mình.
Mỗi người chúng ta không rõ mình đã nhận bao nhiêu yến bạc.
Điều quan trọng là không được giấu đi, và vui vẻ tận dụng điều mình có.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào…
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”. (Mt 25,23).
Câu chuyện minh họa:
Trong kho truyện cổ tích của Ấn Độ, có một câu truyện về một đôi vợ chồng vừa lười lại vừa bướng bỉnh.
Truyện kể rằng, một hôm hai vợ chồng đang ngồi ăn cơm tối, thì bỗng trời nổi gió mạnh. Gió thổi vào nhà làm cho hai cánh cửa ở giữa nhà mở tung ra.
Thấy thế chồng bảo vợ:
– Bà ra đóng cửa lại đi kẻo gió lạnh
Người vợ ngúng ngoảy nói:
– Ông ra mà đóng.
Người chồng không chịu thua, nên đáp trả:
– Bà ra mà đóng.
Thế là hai vợ chồng cứ ngồi ở đó chừa cho nhau về việc đi đóng cửa. Thấy việc không ổn, người chồng bỗng nảy ra một ý kiến. Anh nói với vợ:
– Bây giờ hễ ai lên tiếng trước thì người đó phải ra đóng cửa nhá, bà có chịu không?
Chị vợ đồng ý. Từ lúc đó, cả hai vợ chồng, chẳng ai nói với ai lời nào nữa. Họ đã giữ im lặng cho đến lúc họ đi ngủ.
Thế là cửa nhà đêm đó bỏ ngỏ.
Vì nhà không đóng cửa, nên đêm đó, con chó của nhà hàng xóm đã qua dọn hết sạch những thức ăn mà họ đã để dành cho ngày hôm sau.
Sáng hôm sau, lúc vừa từ giường đi ra, cả hai vợ chồng đều chưng hửng vì mọi thứ để ăn sáng đã bị dọn sạch. Nhưng vì chợt nhớ đến điều đã cam kết với nhau tối hôm trước, nên chẳng ai nói với ai lời nào.
Sau khi làm vệ sinh cá nhân buổi sáng, hai vợ chồng ngồi vào bàn ăn. Nhưng còn gì đâu mà ăn? Thế là người vợ lặng lẽ xách giỏ đi chợ. Còn chồng thì ngồi đó chờ ăn sáng và nghĩ cách là làm sao để cho vợ anh phải lên tiếng trước mình.
Đang lúc ngồi suy nghĩ thì có một anh thợ hớt tóc dạo, đi ngang qua nhà vợ chồng anh lười. Nhìn vào trong nhà, thấy người chủ nhà, tóc đã dài, nên anh thợ hớt tóc bước vào nhà, kính cẩn chào chủ nhà, và mời chủ nhà hớt tóc. Nhưng chủ nhà chẳng nói một lời nào. Anh thợ hớt tóc nghĩ có lẽ chủ nhà bị câm điếc. Nhưng ý tưởng đó của anh đã không đứng vững, vì anh thấy bộ tịch của chủ nhà không phải là câm điếc. Vì thế không cần chờ ý kiến của chủ nhà, anh thợ hớt tóc lấy đồ nghề ra hớt tóc cho chủ nhà.
Nhưng vì thấy bộ mặt dễ ghét của chủ nhà, nên anh thợ hớt tóc nẩy ra một ý nghĩ tinh nghịch. Thế là thay vì hớt tóc đàng hoàng cho chủ nhà, anh lại chỉ hớt một bên, còn bên kia vẫn để nguyên. Cả bộ râu của chủ nhà cũng chịu một số phận như thế.
Nhìn vào gương, thấy mái tóc và bộ râu của mình như thế, nhưng chủ nhà chỉ trố mắt nhìn chứ chẳng nói năng gì. Thấy thế, anh thợ hớt tóc quyết tâm làm cho chủ nhà phải lên tiếng. Thế là anh chạy xuống bếp, xách lên một cái nồi, lấy nhọ nồi bôi lên một bên mặt của chủ nhà. Đã đến như thế rồi mà chủ nhà vẫn không chịu lên tiếng. Anh thợ hớt tóc bắt đầu đâm lo, vì anh nghĩ rằng có lẽ người này đã bị ma quỉ ám nhập gì đó. Thế là anh vội vã cuốn gói biến mất.
Khi anh thợ hớt tóc đi khỏi rồi, thì người vợ anh lười kia đi chợ về. Vừa bước chân vào nhà, thấy đầu tóc, mặt mũi chồng dị hợm quá, nên buột miệng hỏi:
– Ông làm sao thế?
Ngay lúc ấy người chồng phá lên cười một cách đắc thắng. Anh nói với vợ:
– Thế là từ nay công việc đóng cửa là phần của bà đó nhá, vì bà đã lên tiếng trước tôi mà.
Chỉ vì lười biếng và bướng bỉnh mà cả hai vợ chồng kia đã mất hết đồ ăn sáng hôm ấy, còn người chồng thì mất 1/2 mái tóc và 1/2 bộ râu.
Suy niệm:
Mỗi người đều được Chúa ban cho một số vốn để sinh sống. Vốn ấy là sức khỏe, thời gian, khả năng… Bổn phận của chúng ta là làm sao để số vốn đó sinh lời, để khi ra trước tòa Chúa, chúng ta trao lại cho Chúa cả vốn lẫn lời. Đối với Chúa, năm nén, hai nén, hay một nén, điều đó không quan trọng nhưng Chúa muốn mỗi chúng ta phải biết làm sao cho những nén bạc ấy sinh lời. Chúng ta đừng so đo với người khác về khả năng Chúa ban cho, cũng đừng kiêu căng vì người khác ít khả năng hơn mình.
Nén bạc Chúa trao cho chúng ta nói lên rằng chúng ta không phải là đầy tớ nhưng là người cộng tác với Chúa, tài sản của Chúa là tài sản của chúng ta. Chúa không đòi hỏi điều gì quá sức chúng ta, vì thế chúng ta phải biết dùng hết khả năng mình mà làm sinh lời những nén bạc Chúa trao.
Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa đã tín nhiệm và trao cho con những nén bạc, xin giúp con biết dùng hết khả năng mình mà làm cho những nén bạc ấy sinh lời, để ngày con đến trước tòa Chúa con được lắng nghe lời dịu dàng của Chúa: “con hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ con”.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Làm ăn buôn bán, thì phải tính lời lỗ. Những công ty làm ăn hiệu quả, thường họ có một giám đốc thông minh, nhạy bén và khôn ngoan. Công ty làm ăn phát đạt, phát triển, cả ông chủ và người làm công đều có lợi, có thu nhập cao, phát triển kinh tế. Ở Việt Nam, các công ty nhà nước thường làm ăn thua lỗ, không hiệu quả. Không phải do thiếu chất xám, mà là vì cơ chế bao cấp, thiếu chiến lược, không tận tuỵ. Vì bao cấp nên dẫn đến thái độ ỷ lại, có nhà nước lo, rồi tham nhũng, chia chác… của chung nên không đầu tư chất xám, công nghệ, không tư duy mới mẻ, không theo kịp xu thế, từ đó mà dẫn tới thua lỗ, thất bại triền miên.
Một gợi ý nhỏ đó để chúng ta liên hệ đến Tin mừng ngày hôm nay: dụ ngôn về nén bạc được trao. Người khôn ngoan và trung tín thì biết làm sinh lãi, dù vốn được trao ít hay nhiều. Người biếng nhác và tồi tệ thì dù có trao vào tay cả đống của cải, không biết làm sinh lợi mà còn nợ nần, cụt vốn và phá sản. Trong tuyển chọn nhân sự, ai dại gì mà chọn người biếng biếng nhác và ngu dốt, tham lam. Muốn phát triển công ty, thì việc tuyển dụng nhân sự phải chọn được người có tài có tâm, người trung thực và giỏi giang để làm lợi cho công ty.
Đời sống đạo của chúng ta cũng gần như thế. Mỗi cuộc đời chúng ta đều được Chúa cắt đặt và trao cho một số “nén bạc” nào đó. Bạn đừng ngồi đó so đo một nén hay hai nén, đừng nhìn vào người khác rồi phàn nàn số bạc mình ít hơn. Căn bản là mỗi chúng ta là mỗi con người khác nhau. Căn bản là chúng ta làm gì với cuộc đời của mình. Có những người không có tay mà người ta vẫn tập viết bằng đôi chân của mình. Nén bạc Chúa trao là tài năng, trí tuệ, nhân đức và sự thành toàn cả cuộc đời chúng ta. Ai trong hoàn cảnh nào cũng có thể sống và làm chứng cho Chúa bằng cách sống của mình. Người khôn ngoan và trung tín luôn ý thức cuộc đời của mình là một ân ban, thế nên họ luôn biến mình thành quà tặng vô giá cho anh chị em của họ. Còn người khờ dại thì chỉ biết ích kỷ, giữ lấy nén bạc Chúa trao, coi cuộc đời của mình chẳng đáng giá mà phung phí đi. Tuỳ theo chọn lựa cách sống, mà chúng ta sẽ là người hạnh phúc hay bất hạnh.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết trân quý những gì Chúa ban, và cũng xin giúp chúng con không ngừng cố gắng sống sao cho đẹp lòng Chúa và mưu ích cho anh chị em chúng con. Amen.