25.8.2022 – Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên
Lời Chúa: Mt 24, 42-51
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các đệ rằng: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”
“Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc? Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà còn thấy anh ta đang làm như vậy. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về”, thế rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không chờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt chung số phận với những tên đạo đức giả: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”
Suy niệm:
Châm ngôn của hướng đạo sinh là Sắp Sẵn, nghĩa là hãy sẵn sàng. Không rõ ông tổ của phong trào hướng đạo có được gợi hứng từ bài Tin Mừng hôm nay không. Nhưng hãy sẵn sàng đúng là châm ngôn của mọi Kitô hữu, từ những Kitô hữu sống ở thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ 21 và cho đến tận thế. Hãy sẵn sàng vì từng Kitô hữu cũng như cả Kitô giáo vẫn luôn ở trạng thái chờ Chúa Kitô trở lại. Ngài đã đến làm người cách đây hai ngàn năm, Ngài đã cứu độ nhân loại bằng cuộc sống và cái chết trên thập giá, Ngài vẫn đang ở với Giáo Hội nhờ Thánh Thần, nhưng Ngài sẽ trở lại trong vinh quang như Đấng phán xét cả thế giới.
Đó là điều chúng ta chờ mong, điều duy nhất Ngài chưa thực hiện. Nếu chủ nhà biết canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông sẽ canh thức, không để nó khoét vách nhà mình (c. 43). Còn người Kitô hữu, vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa trở lại, nên họ phải canh thức luôn luôn, phải sẵn sàng liên lỉ. Canh thức không phải là không ngủ. Canh thức là sống đời sống Kitô hữu của mình cách trung tín, quảng đại. Canh thức không làm chúng ta bị căng thẳng thường xuyên,vì thấy mình như bị đe dọa bởi một tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Chúa cũng không cố ý đến bất ngờ, để ta không kịp trở tay. Đơn giản là chúng ta biết chắc chắn Ngài sẽ đến, nên chúng ta luôn sẵn sàng. Chuyện khi nào Ngài đến, không làm chúng ta lo âu và sợ hãi nữa, vì cả cuộc sống của chúng ta đã là một chuẩn bị, một đợi chờ. Canh thức cũng có nghĩa là làm tròn phận sự được Chúa trao. Ông chủ đi vắng nên trao cho người đầy tớ quyền cấp phát lương thực. Đó là quyền hành mà cũng là phận sự trên các gia nhân. Nếu khi trở về, ông chủ thấy người đầy tớ ấy đang phục vụ nghiêm chỉnh, thì phúc cho anh ấy, vì anh sẽ được coi sóc toàn bộ tài sản của ông (c. 47).
Nhưng nếu anh ấy nghĩ rằng ông chủ sẽ về muộn, anh còn nhiều thời giờ để vui chơi hơn là chu toàn bổn phận. Nếu anh ấy lạm dụng quyền lực trong tay để đánh đập các đầy tớ khác, nếu anh ấy nhậu nhẹt với bọn say sưa, nên không còn tỉnh thức đủ, thì ông chủ sẽ về bất ngờ, vào ngày và giờ sớm hơn anh nghĩ. Lúc ấy khuôn mặt thật của anh sẽ lộ ra, khuôn mặt giả hình. Và anh sẽ chịu chung số phận với những người đạo đức giả (c. 51).Anh đầy tớ xấu xa nghĩ chủ sẽ về trễ, nào ngờ chủ về sớm.
Kitô giáo đã chờ Chúa quang lâm từ gần hai mươi thế kỷ. Có người nản lòng, nên cho rằng chắc còn lâu lắm mới đến ngày đó. Có người đồn thổi lung tung về ngày tận thế sắp đến tới nơi rồi. Cả hai thái độ đều không đúng. Điều quan trọng đối với người môn đệ là trung tín chu toàn công việc. Tỉnh thức và sẵn sàng giúp ta luôn bình an, dù ngày mai tận thế.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, nếu ngày mai Chúa quang lâm, chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng. Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang, còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa. Chúa đâu muốn đến để hủy diệt, Chúa đâu muốn mất một người nào… Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng, vui tươi và hạnh phúc, để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con niềm tin vững vàng và niềm hy vọng nồng cháy, để tất cả những gì chúng con làm đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Anh em hãy canh thức vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.” (Mt 24,42)
Câu chuyện minh họa:
Trong tác phẩm mang tựa đề “Chờ đợ Gô-Đô” của nhà văn Samuel Vecket, người Ái Nhĩ Lan, có kể lại cảnh hai người hành khất nọ chờ đợi một nhân vật tên là GôĐô, và hy vọng nhân vật này sẽ đến giúp đỡ cho họ ổn định cuộc sống bơ vơ, khốn khổ của họ.
Thế nhưng có một điều lạ là, hai người hành khất này không biết một tí gì về người mà họ đang chờ đợi, cũng như về thời điểm của cuộc gặp gỡ giữa họ với nhân vật GôĐô.
Họ đợi mãi, đợi hoài… và trong khi chờ đợi, hai người đã trò truyện với nhau. Họ đưa ra hết giả thuyết này đến giả thuyết khác về sự chậm trễ của nhân vật mà họ đang chờ đợi.
Thề rồi, bỗng có một em nhỏ đến trao cho họ một mảnh giấy ghi lại sứ điệp của GôĐô. Vị này báo là sẽ tới vào ngày hôm sau.
Hôm sau, em nhỏ kia lại đem đến cho họ một sứ điệp khác, nội dung là dời cuộc gặp gỡ vào ngày hôm sau nữa. Thế là hai người hành khất cứ tiếp tục chờ đợi.
Tác phẩm trên đã kết thúc với lời hai người hành khất thôi thúc nhau: “Thôi chúng mình hãy đi”. Thế nhưng trong cả hai người, không ai nhúc nhích.
Suy niệm:
Tin mừng hôm nay Chúa muốn chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng cho ngày Chúa đến. Nghĩa là loại bỏ những hành vi xấu xa tội lỗi, làm điều lành, để có thể tích trữ một kho tàng mà mối mọt không thể làm hư hoại được. Nếu chúng ta đặt Chúa Giêsu là đối tượng chính yếu của đời mình, thì chắc hẳn chúng ta sẽ tìm kiếm Chúa luôn mãi.
Là Kitô hữu, chúng ta phải có thái độ tỉnh thức và chờ đợi, không phải sự chờ đợi trong vô vọng, cứng nhắc, không nhúc nhích như hai người hành khách trong câu chuyện nhưng là sự chờ đợi mang niềm hy vọng. Chờ đợi Chúa là chu toàn bổn phận mỗi ngày, nhận ra sự hiện diện của Chúa, dấn thân phục vụ trong tinh thần khiêm tốn… để ngày Chúa đến, chúng ta không lo sợ gì vì chúng ta đã sẵn sàng.
Lạy Chúa, xin Chúa cho con luôn thức tỉnh sẵn sàng, để ngày Chúa đến con hân hoan ra nghênh đón Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Thông điệp Chúa Giêsu muốn gửi đến chúng ta qua đoạn Tin mừng đó là sự tỉnh thức, Chúa Giêsu đã cảnh báo rằng: “Các con hãy tỉnh thức vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến”. Nhưng phải hiểu như thế nào về sự tỉnh thức? Tỉnh thức ở đây không có nghĩa là ngồi đó để khoanh tay chờ đợi, Bởi vì Chúa sẽ đến vào những giờ phút mà con người không thể ngờ trước được.
Và để nói lên sự tỉnh thức thật sự, Chúa Giêsu dùng hình ảnh của một người đầy tớ đêm ngày trung thành với công việc được chủ giao phó. Và sự tỉnh thức mà Chúa Giêsu kêu mời là một sự tỉnh thức tích cực đòi hỏi nơi chúng ta sự cộng tác và phấn đấu.
Tỉnh thức là thái độ cơ bản của người Kitô hữu. Và toàn bộ Kinh thánh là một lời mời gọi hãy tỉnh thức bởi vì Chúa là Đấng đang đến trong từng phút giây cuộc sống, trong từng biến cố, trong mỗi con người. Tỉnh thức để nhận ra Người và nhất là đáp trả một cách tích cực tiếng gọi của Người.
Ước gì cuộc sống đức tin của chúng ta không là tiếng trống khua inh ỏi trong những bức tường nhà thờ, mà phải được thể hiện bằng những gặp gỡ để cảm thông và phục vụ. Nghĩa là không chỉ sống đạo đức, nhưng còn phải biết yêu thương, biết nghĩ đến và biết đến với người khác trong tinh thần phục vụ.
Xin Chúa gìn giữ chúng ta và luôn thức tỉnh chúng ta trong việc chờ đợi Chúa đến, không phải Chúa đến lần thứ hai vào cuối lịch sử mà là từ nay đến đó còn biết bao lần Chúa đến. Chúa đến với chúng ta nơi con người của anh chị em mình, Chúa đến nơi những người nghèo khổ bệnh tật cần sự cảm thông và sự trợ giúp của chúng ta.
Xin cho từng người chúng ta đừng bao giờ trốn tránh hay làm ngơ trước trách nhiệm quan trọng này. Amen.