20.8.2022 – Thứ Bảy Tuần XX Thường Niên – Thánh Bênađô, Viện Phụ
Lời Chúa: Mt 23, 1-12
Một hôm, Ðức Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “rápbi”. Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “rápbi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Ðức Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
Suy niệm:
Nửa sau của bài Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta bị sốc. Ðức Giêsu bảo ta đừng để ai gọi mình là thầy, vì chỉ có một Thầy, một vị lãnh đạo là chính Ngài; cũng đừng gọi ai là cha, vì chỉ có một Cha là Thiên Chúa trên trời. Vậy mà chúng ta vẫn gọi nhiều vị trong Hội Thánh là cha, là Ðức Thánh Cha, là giáo phụ, thượng phụ, viện phụ… Chúng ta có làm sai lời Chúa dạy không? Ta có phải hiểu theo nghĩa đen lời của Ðức Giêsu không? Hội Thánh sơ khai đã không hề hiểu theo nghĩa đen. Thánh Phaolô đã coi mình là cha sinh ra các tín hữu, đã gọi họ là con (1Cr 4,14-17; Gl 4,19). Hội Thánh cũng có những thầy dạy (Cv 13,1; 1Cr 12,28), và những vị lãnh đạo (Cv 15,22; Rm 12,8)
Vậy đâu là điều Ðức Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta? Chắc chắn Ngài không hề muốn phá bỏ những cơ cấu cần thiết cho thân thể Hội Thánh, Ngài cũng không loại bỏ phẩm trật và quyền hành. Ngài chỉ muốn chúng ta đừng quên: mọi quyền bính trong Hội Thánh đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và phải quy về Thiên Chúa. Nếu có ai làm thầy, làm người lãnh đạo, thì vì họ được chia sẻ quyền làm Thầy của Ðức Giêsu. Nếu họ được gọi là cha, thì vì họ được chia sẻ quyền làm Cha của Thiên Chúa. Dù có chức vụ hay chức vị gì trong Hội Thánh, tôi cũng không được quên chân lý này: còn tất cả anh em đều là anh em với nhau, con một Cha trên trời. Chỉ có một vị Thầy là Ðức Giêsu. Nhưng Thầy Giêsu lại sống như bạn của các môn đệ, như anh em với họ (Ga 15,14; Mt 12,49-50), và nhất là như tôi tớ phục vụ họ(Mt 20,2) Ðức Giêsu mãi mãi là gương cho các nhà lãnh đạo. Quyền lãnh đạo chính là để phục vụ con người.
Phần đầu của bài Tin Mừng cho thấy sự giả hình của một số người pharisêu, có quyền giảng dạy Lề Luật. Giả hình là không làm điều mình dạy người khác, là dễ dãi với chính mình, nhưng khắt khe với tha nhân. Giả hình là biến việc thờ phượng Chúa thành thờ mình, làm việc tốt để người ta thấy và thán phục. Khi nhìn khuôn mặt của người pharisêu giả hình, tôi thấy tôi: háo danh, khoa trương, ích kỷ, dám “đốc” chứ không dám làm… Có những đoạn Tin Mừng làm chúng ta nhức nhối, vì mở cho chúng ta những chân trời xa, cho chúng ta thấy những điều cần làm, phải làm, nhưng chưa làm.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, khi đến với nhau, chúng con thường mang những mặt nạ. Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình. Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối. Khi đến với Chúa, chúng con cũng thường mang mặt nạ. Có những hành vi đạo đức bên ngoài để che giấu cái trống rỗng bên trong. Có những lời kinh đọc trên môi, nhưng không có chỗ trong tâm hồn, và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cũng thường ngắm mình trong gương, tự ru ngủ và đánh lừa mình, mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn. Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ, đã ăn sâu vào da thịt chúng con, để chúng con thôi đánh lừa nhau, đánh lừa Chúa và chính mình. Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành, để chúng con được lớn lên trong bình an.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.” (Mt 23,11).
Câu chuyện minh họa:
Martin Caphu là người Bangla thuộc Cameroun Phi Châu. Cha anh là quốc vương Bangla. Từ thiếu niên, anh đã quen với phong trào Tổ Ấm, một tổ chức Công giáo làm việc xã hội ở Phi châu. Thấy các thành viên Tổ Ấm xả thân giúp đỡ người đồng loại, anh Caphu rất cảm phục, và tới năm 1963, vào lúc mười bảy tuổi, anh xin trở lại Công giáo. Sau khi tốt nghiệp Trung học, anh được Gia đình gởi về Rôma học ngành điện tử. Đậu tiến sĩ điện tử xong, anh Caphu gia nhập phong trào Tổ Ấm.
Năm 1980, cha anh qua đời, và theo chúc thư, ông đã chọn Caphu kế vị ngai vàng. Caphu vội vã trở về Bangla, anh họp cả sắc tộc lại và xin mọi người đề cử người khác làm vua. Còn anh, anh muốn dành cả cuộc sống làm việc xã hội theo tinh thần Kitô giáo. Và mọi người đã đồng ý.
Suy niệm:
Chính trong việc phục vụ, chúng ta nhận được niềm vui và hạnh phúc, nơi đó chúng ta khám phá ra điều này, không phải khi chúng ta phục vụ là chúng ta cho đi nhưng là lúc chúng ta nhận lãnh.
Khi xuống thế làm người Chúa đã đến trong thái độ phục vụ chứ không đến như một vị vua ngự trên ngai tòa. Ngài đã đến sống với con người, với nỗi khổ cực của một gia đình thiếu thốn, cảm thông với những bệnh hoạn tật nguyền của con người, và đem người tội lỗi trở về với Cha… Chính trong đời sống gương mẫu ấy, Ngài dạy mỗi người chúng ta đừng dùng những lời nói xuông như những kinh sư “họ nói mà không làm”. Vì những lời nói dù có hay mấy đi nữa, mà người giảng dạy không sống được như vậy, thì chẳng mang lại kết quả gì.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn mang nơi mình tinh thần phục vụ để mỗi ngày con trở nên giống Chúa và trở nên hoàn thiện bản thân mình hơn.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Được Cảnh Công hỏi về chính sự, Khổng Tử nói rằng: “Cội rễ của việc chính sự là phải làm sáng tỏ luân thường đạo lý ở chốn triều đình, vua hết đạo làm vua, tôi hết đạo làm tôi; ở trong gia đình, cha hết đạo làm cha, con hết đạo làm con. Vua tôi, cha con, ai nấy đều hết đạo của mình”.
Sống cho đúng danh nghĩa của mình, đó là điều Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta trong Tin mừng hôm nay. Chúa Giêsu kết án thái độ giả hình của những người biệt phái và những nhà lãnh đạo Do Thái giáo, họ giảng dạy một đằng, nhưng lại sống một ngả, cuộc sống và sứ mệnh của họ không đi đôi với nhau. Vừa kết án sự giả hình của người biệt phái, Chúa Giêsu vừa kêu gọi các môn đệ hãy sống tinh thần của Người, đó là tinh thần quên mình, hy sinh và phục vụ.
Ở bất cứ đâu và thời nào, người ta cũng thường đánh giá con người qua hành động và cách cư xử hơn lời nói suông. ” Hãy nhìn những gì họ làm, chứ đừng nghe những gì họ nói ” , đó là châm ngôn thường được trích dẫn mỗi khi chúng ta phê phán một tổ chức hay một con người. Với những người biệt phái và những nhà lãnh đạo tinh thần thời của Người, Chúa Giêsu cũng phải phát biểu một cách tương tự: ” Hãy tuân giữ những gì họ giảng dạy, nhưng đừng bắt chước lối sống và hành động của họ, vì họ nói mà không làm ” .
Chúa Giêsu đã lột mặt nạ những nhà lãnh đạo Do Thái, không phải vì Người muốn hủy bỏ Luật Môsê hoặc xúi dục dân chúng nổi loạn, nhưng chính là để bênh vực cho công bằng, sự thật và những giá trị đạo đức, đã bị giới tôn giáo dùng làm tấm màn che đậy những hành động và lối sống gian trá của họ. Chúa Giêsu đã ví họ như những mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương chết và đủ thứ ô uế.
Dường như ai trong chúng ta cũng có tính giả hình của những người biệt phái. Sự tách biệt giữa những gì chúng ta tuyên xưng và cách sống của chúng ta vẫn còn quá lớn. Chúng ta cố tạo cho mình một lớp sơn đạo đức bên ngoài hơn là sống chân lý của Tin mừng.
Lạy Chúa, Xin giúp chúng con luôn biết sống đúng danh hiệu Kitô hữu trong gia đình, ngoài xã hội để thể hiện Tin mừng bằng chính cuộc sống của mình. Amen.