13.8.2022 – Thứ Bảy Tuần XIX Thường Niên
Lời Chúa: Mt 19, 13-15
Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Ðức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Ðức Giêsu nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.
Suy niệm:
Bàn tay con người thật là cao quý. Trong Cựu Ước, Đức Chúa muốn ông Môsê đặt tay trên ông Giosuê để chia sẻ cho ông này quyền lãnh đạo dân (Ds 27, 18. 23). Cụ Giacóp đã chúc phúc cho hai đứa cháu là Épraim và Mơnase bằng cách đưa hai tay đặt trên đầu chúng (St 48, 14). Cử chỉ đặt tay trên cũng thường thấy trong Giáo Hội thuở ban đầu. Chúa Thánh Thần được trao ban qua việc đặt tay (Cv 8, 17-19; 19, 6). Qua đặt tay, bảy phó tế đầu tiên lãnh nhận sứ vụ (Cv 6, 6).
Bácbara và Saolô cũng được đặt tay sai để sai đi truyền giáo (Cv 13, 3). Bàn tay Thiên Chúa là khí cụ che chở, đỡ nâng. “Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt trên con (Tv 138, 5). Bàn tay của Đức Giêsu đóng vai trò lớn trong sứ vụ. Ngài chữa anh mù bằng cách đặt tay trên mắt anh (Mc 8, 25). Ngài cũng chữa bà còng lưng theo cách tương tự (Lc 13, 13). Người ta xin Ngài đặt tay để chữa một anh điếc và ngọng (Mc 7, 32), thậm chí đặt tay để hoàn sinh một em gái mới chết (Mt 9, 18).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Cha mẹ của các em đã đưa các em đến với Đức Giêsu, để được Ngài đặt tay trên chúng và cầu nguyện (c. 13). Họ tin phúc lành đến với con cái họ qua cử chỉ ấy. Cuối cùng, Đức Giêsu đã đặt tay trên các em nhỏ và cầu nguyện, trước khi tiến về Giêrusalem để chịu khổ nạn (c. 15). Nhưng các môn đệ lại bực bội và la rầy cha mẹ của các em. Có lẽ đối với họ, Thầy Giêsu còn nhiều việc lớn lao để làm hơn là mất thì giờ để chúc lành cho mấy em bé. Đức Giêsu hoàn toàn không đồng ý với thái độ coi thường này. Ngài nói thẳng: “Hãy để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng.” Đến với Thầy Giêsu là quyền lợi của mọi trẻ em, người lớn không được phép xâm phạm.
Ngài đưa ra lý do khiến các môn đệ phải tôn trọng trẻ em: “vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (c. 14). Như thế trẻ em, tuy không có chỗ cao trong xã hội, nhưng lại có chỗ vững chãi trong Nước Trời. Trẻ em có chỗ vì chúng hồn nhiên sống lệ thuộc vào cha mẹ, và đón nhận mọi sự từ người khác với lòng biết ơn. Những người lớn muốn vào Nước Trời phải nên giống chúng. Đây là một tiến trình khó khăn và lâu dài, vì người lớn phải quay lại, phải hoán cải để trở nên đơn sơ như trẻ thơ, phải tự hạ mình xuống, bỏ đi những tự hào, tự mãn về mình (Mt 18, 3-4). mở lòng đón lấy Nước Trời như quà tặng nhưng không.
Như thế trẻ thơ lại là mẫu mực cho các môn đệ của Thầy Giêsu. Nước Trời dành cho trẻ thơ và những ai trở nên giống chúng. Trẻ em có chỗ trong Nước Trời và trong Giáo Hội tại thế. Các em cũng là thành viên trong cộng đoàn đức tin. Lời dạy của Đức Giêsu vẫn mãi âm vang nơi chúng ta: “Hãy để trẻ em đến với tôi, đừng ngăn cấm chúng.” Chúng ta đã làm gì để đưa các em đến với Giêsu?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ, nên xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con. Cho con biết yêu những công việc bé nhỏ mỗi ngày, những công việc âm thầm, những bổn phận mà con làm vì yêu mến. Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày, vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ, nhưng làm tim con đau đớn.
Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ, đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực, sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa. Hơn nữa, xin cho con can đảm, dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn, nhờ đó con vui tuoi phục vụ mọi người và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.
Mỗi lần bị cám dỗ tự cao, xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi, con đường bé nhỏ và khiêm hạ. Ước gì con được làm bạn của Chúa trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ, và được ở bên Chúa trong Nước Trời.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.”. (Mt 19,14).
Câu chuyện minh họa:
Dân ở một miền núi nọ có một tục lệ rất đẹp, đó là vào lúc Đông tàn, Xuân đến, mọi người già trẻ, lớn bé đều tham dự một cuộc thi đi tìm bông hoa đầu tiên của mùa xuân.
Theo họ thì ai tìm thấy và hái được bông hoa đầu tiên của mùa xuân năm ấy, sẽ là người may mắn nhất trong năm.
Năm ấy, khi tuyết đông vừa tan, mọi người ở trong làng đều kéo nhau vào rừng, lên núi để tham gia cuộc thi. Một buổi sáng đã trôi qua rồi mà chưa ai tìm được một bông hoa nào cả. Đang lúc mọi người chán nản muốn bỏ cuộc thì bỗng một em bé la lên: “Kia rồi”. Thế là mọi người đều đổ xô về chỗ em bé kia chỉ để ngắm nhìn bông hoa đầu tiên của mùa xuân năm ấy.
Nhưng khổ nỗi là bông hoa ấy lại nằm ở ngay trong một kẹt đá, dưới một thung lũng sâu. Vậy làm sao mà hái bông hoa đó được đây?
Để giúp cho em bé kia đoạt giải năm ấy, 5 thanh niên lực lưỡng tự nguyện cầm một đầu dây, thả em bé kia xuống thung lũng để cho em hái bông hoa mà em đã phát hiện ra được. Thế nhưng nói thế nào em bé kia cũng vẫn không chịu, dù em rất muốn đoạt giải năm ấy. Người ta đã thêm dây và thêm cả những người giữ dây nữa vì nghĩ rằng có thể em bé sợ ít dây và ít người giữ dây thì không chắc ăn chăng. Nhưng em bé kia vẫn không chịu xuống thung lũng hái hoa. Em chỉ khóc trước những lời cổ võ của bà con dân làng.
Thế rồi bỗng thấy em bé kia lấy tay áo em quệt nước mắt đi rồi nói: “Bây giờ cháu bằng lòng xuống để hái hoa, nhưng phải để cho ba cháu nắm đầu dây ở trên này với các bác, các chú”.
Thì ra chính sự hiện diện của ba em mới là động cơ thúc đẩy em bé kia bằng lòng xuống thung lũng hái hoa.
Suy niệm:
Trẻ em vốn tin tưởng nơi cha mẹ, hoàn toàn tín thác vào cha mẹ, nên đó là lý do Chúa Giêsu muốn những ai thuộc về Nước Trời trở nên như trẻ nhỏ. Vì thế khi chúng ta muốn khai trừ trẻ nhỏ là chúng ta loại bỏ một tâm hồn trong sạch, luôn tín thác vào người lớn. Trẻ nhỏ thường bị khinh khi và bị gạt ra bên lề xã hội thậm chí còn bị coi là gánh nặng.
Chúa Giêsu đề cao tính lệ thuộc của trẻ nhỏ để dạy cho chúng ta luôn biết khiêm nhường, cậy trông, gắn bó vào Chúa. Đồng thời Ngài cũng muốn chúng ta biết tôn trọng và yêu thương những người bé mọn, nghèo khó và những người bất hạnh trong xã hội, vì đó là hiện thân của Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con luôn phó thác và cậy trông vào Chúa vì đó là điều Chúa muốn và ưa thích, và xin cho tâm hồn con luôn biết hướng về Chúa như trẻ nhỏ hướng về cha mẹ là nơi an toàn và hạnh phúc nhất.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Có một thực tế là nhiều cha mẹ đi lễ dẫn con cái theo. Có em thì rất ngoan. Có em thì thì nghịch ngợm chạy nhảy lung tung. Thậm chí có nhiều bậc phụ huynh tự tiện cho con cái mình đi lại hết chỗ này chỗ khác trong giờ cử hành thánh lễ khiến nhiều người chia trí. Ngày nay, có khi cha mẹ mang theo cả sữa, thức ăn, đồ chơi cho con cái mình khi đi nhà thờ với lý lẽ là để nó khỏi phá…
Có ý kiến cho rằng trẻ con biết gì mà trách chúng. Có nghịch ngợm tí có sao đâu. Đem con cái theo cha mẹ đi lễ cho nó quen… Có ý kiến trách móc nặng lời. Không dừng lại ở một đứa trẻ chưa đủ lớn để hiểu biết mà còn liên quan tới cha mẹ và ý thức giáo dục con cái nơi cha mẹ.
Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta suy tư về một khía cạnh nhỏ này. Dĩ nhiên việc Chúa nói “hãy để trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời là của chúng” nó hàm ý hơn nhiều. Việc chúng ta tranh luận và nghiêng về lập trường ủng hộ hay chê trách cũng giống như các môn đệ của Chúa xưa. Họ khó chịu về việc người ta đưa những đứa trẻ đến cho Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện.
Những người bảo vệ con mình dù nó nghịch ngợm làm người khác khó chịu thì cần bình tĩnh suy xét. Không ngang nhiên mà người ta nhìn con cái chúng ta với cặp mắt khó chịu. Đem con theo là việc tốt, đó là ý hướng ngay lành. Tuy nhiên, ý hướng ngay lành ấy phải xuyên suốt. Người ta có thể chịu đựng một lần, hoặc hai lần và cảm thông. Nhưng cứ nhiều lần để con cái làm người khác khó chịu là do ý muốn của chúng ta. Nó nằm trong cách giáo dục của chúng ta. Rõ ràng là chúng ta muốn con mình đến với Chúa, nhưng lại làm cho nhiều người khác phải xa Chúa vì hành động của chúng ta. Ta phải tự hỏi: tại sao không dạy con cái chúng ta ý thức hơn. Quan trọng là giáo dục, mà ở đây còn là giáo dục đức tin. Chúng ta thấy có nhiều phụ huynh dạy con cái mình rất tốt. Biết vào nhà thờ trang nghiêm, không đi lại chạy nhảy nơi linh thánh, biết ý thức giữ yên lặng nơi thờ phượng, biết chào Chúa khi ra về, biết làm dấu đọc kinh, biết kiêng ăn kiêng uống nơi thờ tự…
“Hãy để trẻ nhỏ đến với Chúa”, đó là mệnh lệnh, nhưng đừng lạm dụng mệnh lệnh tình yêu này mà làm cho nhà Chúa là nơi thờ phượng thành nhà trẻ vui chơi.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết giáo dục đức tin cho con em chúng con, biết thờ phượng Chúa trên hết mọi sự. Amen.