10.8.2022 – Thứ Tư Tuần XIX Thường Niên – Lễ Thánh Laurensô, Phó Tế, Tử Đạo
Lời Chúa: Ga 12, 24-26
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.”
Suy niệm:
Khi nghĩ đến cái chết sắp đến của mình, Đức Giêsu lại nghĩ đến thân phận hạt lúa mì. Ngài nói một điều mà ai cũng biết như một định luật tự nhiên,một điều chẳng làm ai ngỡ ngàng kinh ngạc. “Nếu một hạt lúa rơi xuống đất và không chết đi, nó trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó mới mang nhiều hoa trái” (c. 24). Đức Giêsu ví mình như hạt lúa đem gieo. Điều kiện để đời Ngài đơm bông kết trái, đó là cái chết. Không chấp nhận chết đi, hạt lúa vẫn chỉ là hạt lúa trơ trọi. Đức Giêsu không muốn mình là thứ hạt lúa ấy, được bao bọc vững chắc bởi lớp vỏ, cố giữ cho mình được nguyên vẹn, vì thế cũng chẳng chịu vươn ra khỏi mình, chẳng dám đánh mất chính mình để nảy mầm sinh hạt. Đức Giêsu đã đón lấy cái chết như con đường để sự sống sinh sôi. Cái chết của Ngài trên thập giá có khả năng kéo được mọi người lên (Ga 12, 32), và thu hút cả vũ trụ về với Thiên Chúa.
Có một hạt lúa mang tên Giêsu. Hạt lúa ấy đã chấp nhận chịu mục nát, để cả thế giới trở thành đồng lúa thơm trĩu hạt. Mỗi Kitô hữu cũng là một hạt lúa, được mời gọi để sống như hạt lúa Giêsu. “Ai yêu mạng sống của mình, thì sẽ mất nó; còn ai ghét mạng sống của mình ở trần gian này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (c. 25). Vấn đề là yêu hay ghét cuộc sống ở đời này. Kitô hữu không phải là những kẻ chán đời hay khinh rẻ cuộc đời tại thế. Ghét mạng sống ở đây chỉ có nghĩa là không đặt nó lên chỗ cao nhất, không để nó chiếm chỗ của Thiên Chúa. Chính khi nhận ra giá trị tương đối của cuộc đời trần thế này, chúng ta mới có hy vọng giữ được nó mãi mãi. Ngược lại, thái độ bám chặt vào đời này, gắn bó với nó một cách lệch lạc, lại dẫn đến việc đánh mất hạnh phúc, cả đời này lẫn đời sau.
Thánh Laurensô đã bị thiêu sống ở Rôma trên một chiếc giường sắt, sau khi ngài đã phân phát tài sản của cộng đoàn cho người nghèo. Thầy phó tế Laurensô đã sống như người phục vụ cho Đức Kitô (c. 26) bằng cuộc sống và cái chết tử đạo năm 258. Được ở bên Thầy Giêsu mãi mãi và được Cha Thầy quý trọng, đó là điều Laurensô được hưởng và cũng là hy vọng của chúng ta.
Cầu nguyện:
Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế Người là tất cả của tôi. Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi, đến với Người trong mọi sự, và dâng Người tình yêu trong mọi lúc. Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người. Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
(R. Tagore)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình…”. (Ga 12,24)
Câu chuyện minh họa:
Chuyện cổ Ấn Độ kể lại như sau:
Một chàng thanh niên nọ khao khát được nhìn thấy Chúa. Và rồi Chúa đã đến với anh qua vóc dáng của một con người đẹp đẻ, uy quyền và dễ mến. Ngài đề nghị với anh:
– Con hãy đi theo Ta một đoạn đường.
Chàng thanh niên cảm thấy hạnh phúc khi cùng bước đi với Chúa. Được một lúc, Chúa bảo:
– Ta khát, con hãy đi tìm cho Ta một chút nước.
Chàng thanh niên hăm hở đi tìm. Đi mãi đi hoài mà chẳng thấy. Cuối cùng anh cũng đến được bên dòng sông. Anh đang chuẩn bị múc nước thì một cô gái xuất hiện. Cô gái đẹp đến độ làm cho chàng thanh niên mê mẩn tâm thần, thậm chí quên cả việc đem nước về cho Chúa. Anh làm quen, trò chuyện với cô gái và hai người lấy nhau, sinh con đẻ cái.
Thế rồi một năm kia, lũ lụt xảy ra. Mưa đổ xuống và nước dâng lên. Chỉ một mình anh may mắn bám vào cành cây là được cứu thoát. Còn tất cả vợ con, nhà cửa và sản nghiệp anh đã chắt chiu vun trồng và tích lũy, đều bị dòng nước cuốn trôi. Giữa lúc anh đang tiếc nhớ khóc thương cho số kiếp bẽ bàng và cay đắng của mình, thì Chúa hiện ra và nói với anh:
– Con có mang nước về cho Ta không đó. Con làm gì lâu thế, bắt Ta phải chờ hoài.
Suy niệm:
Trong cuộc sống, chúng ta phải chấp nhận chết đi cho những yếu đuối, cám dỗ, đam mê… và chỉ hướng đến một mục đích là chính Chúa.
Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta khi chọn cái chết trên thập giá, Ngài chết thay cho chúng ta là những con người tội lỗi. Chúa Giêsu cũng muốn những môn đệ của Ngài là chúng ta, cũng đi trên con đường ấy, con đường tình yêu, tự huỷ, tự hiến cho anh chị em mình. Vì hạt giống chỉ mục nát đi mới đem lại sự sống mới.
Nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta không chính chắn trong những chọn lựa của mình. Chúng ta vừa muốn chọn Chúa, vừa muốn chọn những đam mê và thú vui trần thế, để rồi chúng ta trở nên những Giuđa bán Chúa, những Phêrô chối Chúa, và những môn đệ bỏ Chúa khi Chúa trên đường khổ nạn.
Trong thinh lặng, chúng ta tự vấn xem bản thân mình đã thực sự chết đi cho tính ích kỷ, đam mê, tội lỗi và những tham vọng trần thế chưa? Chúng ta có quyết tâm ra khỏi con người cũ của mình không khi nhận ra những khuyết điểm và thiếu sót của bản thân?
Lạy Chúa, chúng con là những con người nhỏ mọn, yếu hèn, tội lỗi… xin Chúa thêm sức mạnh giúp chúng con thắng vượt mọi rào cản đến với Chúa, bằng việc từ bỏ ý riêng, những toan tính hơn thiệt, để mỗi ngày chúng con sống vui trong ơn Chúa vì biết trao ban và chia sẻ với anh chị em mình.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Người nông dân nào cũng biết tiến trình sinh trưởng của cây lúa: bắt đầu ngâm hạt giống, rồi hạt nảy mầm, được gieo xuống đất, rồi thành cây lúa và đơm bông kết trái.
Trang Tin mừng cho thấy, Đức Giêsu nói về giai đoạn quan trọng nhất trong tiến trình sinh trưởng của cây lúa, đó là hạt giống. Hạt giống phải nảy mầm và để nảy mầm thì hạt giống ấy phải mục nát đi để có được cây lúa, có được bông hạt lúa khác và mới mong có được một vụ mùa bội thu. Nếu hạt giống không thối đi mà cứ trơ trọi như lúc ban đầu trước khi gieo thì hạt ấy trở nên vô tích sự.
Đức Giêsu chính là hạt lúa được gieo vào thế gian này, đã chết đi để sinh ơn cứu độ cho nhân loại. Từ hạt giống Ngôi Lời ấy, Giáo hội vẫn tiếp tục sứ mạng gieo hạt giống Tin mừng cứu độ. Thánh Laurensô mà Giáo hội mừng kính hôm nay, cũng là hạt giống được gieo đã chết đi qua việc cộng tác tích cực với Giáo hội trong vai trò phó tế để phục vụ lo cho người nghèo khổ; đã hy sinh trên giàn hỏa thiêu hầu bảo vệ đức tin làm sáng danh Chúa và mang lại hoa quả là các tín hữu như giáo phụ Tertulianô khẳng định: “máu các vị tử đạo làm trổ sinh các tín hữu”.
Là Kitô hữu, chúng ta cũng được mời gọi trở nên những hạt giống biết tự hủy trong bối cảnh hôm nay? Những hy sinh âm thầm vì hạnh phúc gia đình; những quan tâm chia sẻ thăm viếng anh chị em; dành thời gian cho người thân, cho những việc đạo đức; từ bỏ những thói hư nết xấu, loại trừ cái tôi ích kỷ, kiêu căng của bản thân… và hơn nữa chúng ta can đảm dấn thân vì danh Chúa, vì Giáo hội, vì cộng đồng và vì mưu ích cho các linh hồn. Tất cả những điều ấy được ví như những hạt giống Kitô hữu đang mục nát, chết đi để mang lại những hoa trái là phần rỗi các linh hồn.
Ước chi các Kitô hữu luôn là những hạt giống tốt, hạt giống có khả năng tự hủy để trổ sinh những cây đức tin lớn mạnh và những hoa trái tươi tốt trên cánh đồng truyền giáo rộng lớn nơi quê hương đất nước Việt Nam chúng ta.