25.6.2022 –Thứ Bảy Tuần XII Thường Niên – Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Lời Chúa: Lc 2, 41-51
Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm. Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.
Suy niệm:
Nếu ai hỏi Mẹ Maria điều gì quý nhất trong đời Mẹ, hẳn Mẹ sẽ trả lời đó là Giêsu, con của Mẹ. Người con này Mẹ đã cưu mang, dưỡng dục, và bảo vệ giữ gìn. Người con này đã đem lại cho Mẹ biết bao niềm vui và hãnh diện.
Nhưng Mẹ cũng chịu nhiều đau khổ vì người con ấy. Bài Tin Mừng hôm nay vén mở một chút nỗi đau của Mẹ, cho thấy một chút trái tim của Mẹ khi sống bên Giêsu. Cậu Giêsu, mười hai tuổi, cùng với cha mẹ lên Đền thờ mừng lễ Vượt qua. Kể cũng lạ khi cậu ở lại Giêrusalem mà không báo cho cha mẹ biết. Hai ông bà đi một ngày đường mới nhận ra mình mất con, vội vã đi tìm trong đám bà con thân thuộc, nhưng không thấy, nên trở lại Giêrusalem mà tìm. Phải qua ba ngày đầy lo âu và nước mắt mới tìm thấy con trong Đền thờ.
Kinh nghiệm mất- tìm kiếm-tìm thấy này thật đau đớn đối với người mẹ. Mẹ Maria sợ mất con, mất điều rất quý đã được Thiên Chúa trao cho mình. Nhưng khi thấy con mình ngồi giữa các vị thầy, rất bình an trò chuyện với họ, thì Mẹ lại sửng sốt, ngỡ ngàng, thay vì vui sướng.
Như vậy là con không bị lạc, nhưng đã cố ý ở lại Đền thờ mà không báo. Mẹ không nén được một lời trách móc: “Tại sao con làm thế với cha mẹ?
Cha con và mẹ đã khắc khoải tìm con” (c. 48). Chuyện không ngờ là cậu Giêsu đã đáp lại câu hỏi của Mẹ bằng hai câu hỏi, đầy vẻ sửng sốt và cũng là một lời trách: “Tại sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con phải ở nhà của Cha con sao ?” (c.49).
Cũng có thể hiểu là: cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con sao? Đức Giêsu, khi lên mười hai tuổi, đã bắt đầu có ý thức mình thuộc về Cha. Người Cha trên trời này khác với người cha mà Ngài đang chung sống.
Ngài phải ở với và lo việc cho người Cha này, lẽ ra cha mẹ phải biết chuyện đó. Dĩ nhiên hai ông bà chưng hửng, không hiểu được câu nói của cậu Giêsu (c.50). Riêng Mẹ Maria có thói quen nghiền ngẫm về các biến cố khó hiểu. Mẹ giữ kỹ trong trái tim mình những chuyện xảy ra (Lc 2, 19. 51b).
Chúng ta tưởng Mẹ Maria luôn luôn hiểu Con mình, hiểu ngay, hiểu trọn vẹn. Chúng ta tưởng ai sống thánh thiện thì lúc nào cũng vui, chẳng bao giờ lo sợ. Nhìn Mẹ Maria, chúng ta hiểu theo Chúa là bước vào một cuộc hành trình.
Có những lúc như đang chơi ú tim với Chúa, mất rồi lại tìm, tìm thấy rồi lại mất. Chúng ta chẳng bao giờ nắm được Chúa, giữ chặt Chúa trong tay. Chúa vẫn là Đấng không thể thấu hiểu được, và vẫn làm chúng ta sững sờ.
Mẹ Maria đã chứng kiến Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt (Lc 2, 40), từ khi sinh ra đến khi mười hai tuổi, và từ mười hai tuổi đến lúc trưởng thành (Lc 2, 52). Ngài càng lúc càng ý thức mình thuộc về Cha và ý thức về sứ mạng. Con của Mẹ là một mầu nhiệm khôn dò mà Mẹ phải tìm hiểu mỗi ngày.
Mẹ để cho Con tự do sống theo Ý Cha, dù điều đó đem lại nhiều đau khổ. Chuyện mất Con hôm nay chuẩn bị cho việc Con sẽ chia tay Mẹ đi sứ vụ, và chuẩn bị cho cuộc chia tay kinh hoàng trên thập giá. Chúng ta cầu cho các bà mẹ đang đau khổ vì con. Mong sự vâng phục của con cái làm tươi trái tim người mẹ.
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria, khi đọc Phúc Âm, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường. Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu. Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ. Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana. Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng. Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong, từ con người hay từ Thiên Chúa. Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu trong mọi bước đường của cuộc sống. Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa. Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,48)
Câu chuyện minh họa:
Cổ tích vùng Rotal mạn Bắc nước Pháp có kể lại một câu chuyện sau đây:
Có một gia đình nọ gồm cha mẹ và một người con sống rất hiệp nhất yêu thương nhau. Nhưng một đêm kia, đang lúc mọi người ngủ say, một trận giông bão to lớn chưa từng thấy, chỉ trong mấy giờ đồng hồ cả vùng đều lụt lớn, nhà cửa sập cả, thây người và vật trôi bồng bềnh. Người cha của gia đình cõng vợ trên vai mình và bà vợ tay bế đứa con. Nước càng lúc càng dâng cao, chẳng bao lâu ngập đầu của hai vợ chồng. Dù ngộp thở và vô cùng mệt mỏi, bà mẹ cố giơ cao hai cánh tay nâng cao đứa con lên khỏi mặt nước để đứa bé khỏi chết ngộp. Hai vợ chồng sẵn sàng chờ chết, nhưng chỉ mong có ai cứu được đứa bé khỏi chết. Vừa lúc đó, có một thiên thần bay ngang qua, trông thấy cái đầu bé tí nhô khỏi mặt nước, vội cầm lấy kéo lên và dính chùm theo là cả cha mẹ đứa bé. Thế là nhờ yêu thương hiệp nhất mà cả gia đình được thoát nạn.
Suy niệm:
Chúa Giêsu khi lên mười hai tuổi, Ngài đã ý thức về bổn phận của mình ở nhà Cha, nhưng Đức Maria và cha nuôi Ngài không biết chuyện này, lại đi tìm con. Mẹ Maria sống đời nội tâm, Mẹ luôn suy gẫm những biến cố trong cuộc đời của Chúa Giêsu nhưng vẫn chưa hiểu hết được. Mẹ bước đi cùng Chúa trên mọi hành trình, có những lúc Mẹ cũng chới với vì không tìm thấy con đâu, và lại tìm thấy con… Chúa Giêsu là một mầu nhiệm mà Mẹ luôn tìm hiểu mỗi ngày, vâng theo thánh ý Chúa dù có những điều thật khó hiểu và thậm chí gặp đau khổ trong lòng. Việc lạc mất Chúa trên đền thờ cũng phần nào tiên báo việc Mẹ phải mất con khi chịu treo trên thập giá. Thế nhưng Mẹ vẫn phải vâng phục ý Chúa.
Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa mỗi ngày như Mẹ, biết tìm kiếm Chúa mỗi ngày để trong cuộc đời chúng con không bao giờ lạc mất Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Nền tảng của ơn cứu độ chính là mối tương giao qua lại giữa Thiên Chúa và con người. Trong mối tương giao này điểm chính yếu là đi ra khỏi chính mình, từ bỏ chính mình để lắng nghe và vâng phục trong tinh thần khiêm cung.
Mẹ Maria trong cuộc tìm kiếm con chất đầy nỗi lo. Cái lo của Mẹ là cái lo của tình mẫu tử, lo đến đứt ruột gan. Ba ngày tìm kiếm có lẽ Mẹ chỉ có thể nuốt vài giọt nước để có sức mà tìm kiếm, chứ chẳng có bụng dạ nào mà ngồi ăn. Thế mà khi gặp được con, niềm vui chưa cạn, thì đã đối diện với một thực tế xem ra phũ phàng: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”.
Quả thật, mới nghe qua có lẽ chúng ta, ai cũng cảm thấy xốn xang trong lòng, có thể xen vào một chút bực dọc, tại sao Đức Giêsu lại có thể trả lời như thế? Đâu là tình mẹ con? Thế nhưng, Mẹ Maria im lặng lắng nghe, bởi sứ điệp trong biến cố truyền tin luôn in đậm trong trí lòng của Mẹ. Mẹ, xét theo bình diện nhân loại, là người sinh ra Chúa Giêsu trong nhân tính, nhưng căn tính cội nguồn của Con Mẹ, vẫn là một Vị Thiên Chúa. Mẹ không để cho bản tính tự nhiên của tình mẫu tử lấn át tâm tình của người “nữ tỳ Thiên Chúa”, điều mà Mẹ đã tuyên xưng: “này tôi là tôi tớ của Chúa”, và vì thế, một lần nữa Mẹ im lặng lắng nghe và khiêm cung đón nhận thánh ý trong tinh thần vâng phục. Mẹ vẫn một mực trung thành: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”.
Thật tuyệt vời tâm tình của Mẹ Maria. Là mẹ đó, nhưng bên cạnh đó, Mẹ vẫn luôn ý thức được điều mà Chúa đã phán qua miệng thiên sứ: “ Thánh thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,37). Vì thế, Mẹ không thể cho tình mẫu tử trần thế lấn át sứ vụ quan trọng mà Con Mẹ phải thực thi khi được sai phái đến trần gian. Mẹ xin vâng điều Mẹ đã đón nhận, Người Con do Mẹ sinh ra đó, còn thuộc về Đấng mà Mẹ hằng tôn thờ: Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời. Mẹ không để cho giá trị trần thế chiếm đoạt giá trị của trời cao. Không đánh đổi ân huệ của Thiên Chúa để lấy những tâm tình trần gian chóng qua. Vâng, Mẹ vẫn giữ mãi là người nữ tỳ như lời Mẹ tuyên xưng: “ phận nữ tỳ hèn mọn người đã đoái thương”.
Hợp với tâm tình của Mẹ, Đức Giêsu cũng đã “đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài”. Chấp nhận đến trần gian, sinh hạ bởi một người nữ, Chúa Giêsu chấp nhận lấy thân phận làm người, và trước tiên là một người con vâng phục. Cho dẫu là Thiên Chúa, Người không khư khư giữ mãi mình là Thiên Chúa, Người không chối từ vị thế mới của Người trong trần gian: con của Giuse và Maria, một người con như bao người con khác trên đời này, và khiêm cung vâng phục cha mẹ mình như bao trẻ khác trong làng, nếu muốn được gọi là người con ngoan.
Sự vâng phục của Mẹ Maria cùng với sự vâng phục của Chúa Giêsu đã kiến tạo nên một tác phẩm tuyệt hảo về ơn cứu chuộc. Nếu không có sự vâng phục này có lẽ nhân loại mãi sống trong bóng tối của sự chết.
Lạy Chúa, trong tâm tình cảm tạ và biết ơn, xin Chúa giúp chúng con luôn biết noi gương Mẹ Maria can đảm trung kiên với hồng ân đức tin mà Chúa đã trao ban, không dại dột đổi chác hồng ân này để tìm lấy những giá trị tầm thường chóng qua. Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn ý thức rằng chỉ sống theo thánh ý Chúa chúng con mới có thể đạt tới hạnh phúc đích thật. Amen.