22.6.2022 – Thứ Tư Tuần XII Thường niên
Lời Chúa: Mt 7, 15-20
Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.”
Suy niệm:
Thời nào Hội Thánh cũng có những ngôn sứ giả.
Họ mang dáng dấp là người của Chúa, người nói lời Chúa.
Họ hấp dẫn quần chúng và có nhiều người chạy theo.
Đức Giêsu dạy ta phải coi chừng họ (c. 15).
Ngài dùng một hình ảnh quen thuộc để nói lên mối nguy cơ này.
Các ngôn sứ giả đội lốt chiên tốt lành mà đến với dân Chúa.
Nhưng thực chất họ là sói dữ tham mồi.
Cái khó là nhận ra bộ mặt thật của họ để không bị đánh lừa.
Không nhận ra họ là sói, chúng ta có thể dễ làm mồi cho họ.
Đức Giêsu dùng một hình ảnh khác
để chỉ cho ta cách phân biệt chiên với sói: hình ảnh quả và cây.
Cây nào sinh quả ấy: đó là một nguyên tắc bất biến.
“Có ai hái được nho ở bụi gai, hay hái vả trên cây găng không?” (c. 16).
Hẳn là không rồi.
Cây tốt ắt sinh quả tốt, cây bị sâu ắt sinh quả chẳng ra gì (c. 17).
Hơn nữa, Đức Giêsu còn mạnh mẽ khẳng định:
cây tốt không thể sinh quả xấu,
và cây xấu không thể sinh quả tốt được (c. 18).
Chính vì thế cứ nhìn quả thì biết cây.
Cứ nhìn những công việc do một người làm,
ta sẽ biết người ấy là ai (cc. 16. 20).
Những môn đệ đích thực của Đức Giêsu hẳn sẽ sinh quả tốt,
đó là sống công chính như giáo huấn của Bài Giảng trên núi.
Còn những ngôn sứ giả bị lộ mặt nạ qua đời sống bất chính của họ.
Chuyện ngôn sứ giả đã có từ xưa trong Cựu ước.
Ở Côrintô, thánh Phaolô đã phải vất vả đối đầu
với những kẻ mà ngài gọi là tông đồ giả, đội lốt tông đồ của Đức Kitô.
Ngài còn thêm: “Lạ gì đâu !
Vì chính Xatan cũng đội lốt thiên thần sáng láng!” (2 Cr 11, 13-14).
Như thế các tín hữu phải cảnh giác để phân biệt chân và giả,
đặc biệt trong thời Hội Thánh gặp khủng hoảng khó khăn.
Họ phải tỉnh táo để khỏi bị dáng vẻ bên ngoài hay lý luận mê hoặc.
Điều cần lưu tâm là đời sống công chính của vị ngôn sứ.
Trong thư gửi tín hữu Galát, thánh Phaolô cho chúng ta một tiêu chuẩn
để nhận ra hoa quả nào là bắt nguồn từ Thần Khí (5, 22).
Đó là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín…
Những điều ngược lại, ngài gọi là những hành động của xác thịt,
như hận thù, bất hòa, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái… (5, 20).
Sống trong một thế giới phẳng và đa nguyên, người kitô hữu hôm nay
chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và nhanh chóng,
bởi nhiều nguồn thông tin, đến từ nhiều người.
Những tiêu chuẩn của Đức Giêsu hay của thánh Phaolô vẫn còn giá trị.
Nhưng chúng ta cần có thời gian để phân định quả xấu, quả tốt.
Và cũng cần có thời gian để nhận ra đâu là sói, đâu là chiên.
Cầu nguyện:
Như thánh Phaolô trên đường về Đamát,
xin cho con trở nên mù lòa
vì ánh sáng chói chang của Chúa,
để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.
Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,
ánh sáng phá tan bóng tối trong con
và đòi buộc con phải hoán cải.
Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối
chỉ vì chút tự ái cỏn con.
Xin cho con khiêm tốn
để đón nhận những tia sáng nhỏ
mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.
Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý
để Chân lý cho con được tự do.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Cứ xem họ sinh quả nào, thì biết họ là ai.” (Mt 7,20).
Câu chuyện minh họa:
Ngày kia có một người nghèo nhặt được một cái ví, trong đó có hai trăm đồng vừa vàng vừa bạc. Nhớ lại lời Chúa, người đó muốn trả lại cái ví cho người chủ. Nhưng không biết tìm đâu ra người chủ. Người nghèo liền viết một tấm bảng kêu gọi người mất ví tìm đến nhà mình để nhận lại. Đọc được tấm bảng người mất ví tìm vào nhà người nghèo để xin nhận lại cái ví. Sau khi tra hỏi kỹ càng, người nghèo liền trao cái ví cho người chủ. Người này cảm ơn rối rít và tặng cho người nghèo hai mươi đồng, tức là mười phần trăm số tiền có trong ví, theo như qui định thời bấy giờ. Nhưng người nghèo nhất quyết không nhận món quà. Người chủ liền trao cho mười đồng, nhưng ông cũng từ chối. Cuối cùng người chủ nài nỉ ông nhận cho năm đồng, người nghèo cũng một mực không nhận. Khổ tâm vì không thể nói lên được lòng biết ơn của mình, người chủ đành ném cái ví xuống đất rồi nói như sau: “Bởi vì ông không chịu nhận cho một đồng nào, nên tôi tuyên bố là tôi cũng không hề mất một đồng nào”. Nghe thế, người nghèo đành phải nhận món quà của người giầu. Nhưng tức khắc ông đem chia sẻ tất cả cho những người nghèo khổ hơn ông.”
Suy niệm:
Người nghèo trên đây đã không tham lam khi nhặt được của rơi, không nhận quà khi người ta đền ơn, nhưng vì lòng bác ái ông đã nhận và cũng vì bác ái mà ông đã trao ban cho người nghèo hơn ông. Đây quả thật là hình ảnh đẹp tuy ông nghèo về vật chất nhưng ông giàu về lòng quảng đại, bác ái, và tình người.
Hôm nay Chúa sử dụng hình ảnh xem quả thì biết cây, để nói với mỗi người chúng ta về sự kết hiệp của chúng ta thế nào đối với Chúa. Cây lành, cây xấu thì tự nó không thể thay đổi được nhưng chúng ta mang danh là Kitô hữu, chúng ta cần biến đổi mỗi ngày để trở nên tốt hơn, giống hình ảnh Chúa nhiều hơn. Những ai là môn đệ thật sự, thì đời sống của họ sẽ trổ sinh hoa trái của Thánh Thần là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ…” (Gl 5,22-23).
Mỗi chúng ta tự vấn bản thân mình xem đời sống và việc làm của chúng ta có chứng minh được chúng ta là con cái Chúa chưa?
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con kiên trì, nhẫn nại, thay đổi bản thân để mỗi ngày đời sống hằng ngày cũng như đời sống tâm linh của con trổ sinh hoa trái tốt đẹp như lòng Chúa ước mong.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta về các ngôn sứ giả. Họ đội lốt chiên mà đến với chúng ta, nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Điều này có thể được hiểu là bất kỳ ai chủ động đánh lừa người khác dưới chiêu bài làm điều tốt đều là ngôn sứ giả. Một người có thể vô tình làm điều này, nhưng thông thường, kẻ đóng vai sói đội lốt cừu làm vậy vì mục đích vụ lợi ích kỷ. Mục tiêu của ngôn sứ giả là vì lợi ích ích kỷ của bản thân mà không quan tâm đến thiệt hại gây ra cho người khác.
Tương tự như vậy, nhiều người trong chúng ta có thể bị cám dỗ bởi những lời “nói ngọt” hoặc nói những gì chúng ta nghĩ người khác muốn nghe để khiến họ làm những gì chúng ta muốn. Đây là lừa đảo, gây hiểu lầm và cũng là hình thức sói đội lốt cừu.
Chúa Giêsu cho chúng ta thấy chìa khóa để phân định ngôn sứ giả, ngôn sứ thật là nhìn vào kết quả của những gì họ nói hoặc làm. Điều gì đến từ Thiên Chúa và phù hợp với ý muốn của Ngài, thì hoa trái sẽ tốt; ngược lại, điều gì đến từ lừa dối hoặc gây hiểu lầm, cho dù có được che đậy trong “sự tốt lành” bề ngoài, thì kết quả cuối cùng, trái được sinh ra, nhiều nhất chỉ là những trái nho chua.
Thật vậy, bất cứ điều gì trong cuộc sống mà chúng ta đang cố gắng quyết định hoặc phân biệt, nếu chúng ta thực sự muốn biết ý muốn của Chúa trong các quyết định hoặc phân biệt này, hãy cố gắng nhìn xa hơn sự lựa chọn trước mắt cho đến những ảnh hưởng mà sự lựa chọn này sẽ gây ra sau này. Trong sự chân thành nhìn nhận, nếu chúng ta nhận thấy kết quả của những lựa chọn đó là sự tốt lành, thì biết rằng đây là một dấu hiệu cho thấy điều này là tốt và đến từ Chúa. Nếu chúng ta nhận thấy những tác động tiêu cực của một số quyết định nhất định, tạo ra trái xấu, thì đó là một dấu hiệu cho thấy quyết định đang dự tính không phải đến từ Thiên Chúa. Hãy chọn trái tốt và chúng ta sẽ chọn theo ý muốn của Thiên Chúa.
Lạy Chúa , xin giúp chúng con luôn biết khiêm tốn và khôn ngoan để nhận ra ý muốn thánh thiện của Chúa trong đời sống chúng con. Đặc biệt, thương giúp chúng con nhìn thấy trái tốt khi làm theo ý muốn của Chúa . Và x in giúp chúng con tiếp tục đi theo con đường thánh thiện đó để hướng tới sự dồi dào của mọi món quà tốt lành. Amen.