21.6.2022 – Thứ Ba Tuần XII Thường Niên – Thánh Luy Gônzaga, Tu Sĩ
Lời Chúa: Mt 7, 6.12-14
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em. Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó. Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy”.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay gồm những câu rời rạc.
Câu đầu tiên là một câu khó hiểu đối với chúng ta ngày nay (c.6), tuy có thể rất dễ hiểu đối với những người trực tiếp nghe Đức Giêsu.
“Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai chớ liệng cho heo…”
Heo là con vật nhơ uế, chó thường được dùng để chỉ dân ngoại.
Vào khoảng đầu thế kỷ thứ hai, sách Điđakhê coi của thánh ở đây là Mình Thánh Chúa, từ đó xác định rằng chỉ tín hữu mới được rước lễ (9, 5).
Tuy nhiên, có thể hiểu của thánh hay ngọc trai là Tin Mừng Nước Trời.
Tin Mừng này có thể được đón nhận hay bị từ chối một cách thô bạo.
Không hẳn chỉ dân ngoại mới có người từ chối và chà đạp viên ngọc quý.
Cả người Do thái cũng có kẻ bách hại những ai rao giảng (Mt 10, 17).
Thái độ của người môn đệ là không dừng lại, nản lòng khi bị chối từ.
nhưng là tiếp tục mang sứ điệp ấy đến cho người khác.
Câu 12 thường được coi là khuôn vàng thước ngọc.
Nó xuất hiện trong nhiều tôn giáo và văn hóa từ xưa.
“Làm cho người khác mọi điều mình muốn họ làm cho mình.”
Đây là một thái độ tích cực đòi chúng ta một chút tưởng tượng.
Tôi thử nghĩ xem mình muốn gì nơi người khác.
Cảm thông, bao dung, yêu mến, kính nể, trung thành, nâng đỡ…
Rồi tôi tìm cách trao cho họ những điều tốt lành mà tôi ước mong, vì giữa con người với nhau, vẫn có chung những khát vọng.
Trong một thế giới mà người ta chỉ tìm làm điều tốt cho nhau, thì thế giới đó là địa đàng, nơi sự dữ không còn đất đứng.
Như thế người Kitô hữu không chỉ yêu anh chị em trong cộng đoàn, yêu người thân cận như chính mình (Mt 22, 39), mà còn yêu mọi người đau khổ cơ nhỡ (Mt 25, 31-46), thậm chí yêu cả kẻ thù (Mt 5, 44).
Cộng đoàn Kitô hữu là cộng đoàn yêu bằng hành động tích cực :”chính anh em hãy làm cho người ta” (c. 12).
Người ta ở đây là mọi người, vượt quá mọi thứ biên giới.
Con đường mà Đức Giêsu đã đi là con đường hẹp, khó đi.
Nó hẹp vì nó là con đường tình yêu, mà yêu thì không dễ.
Ít ai tìm thấy con đường này, mà cũng ít người muốn đi (c. 14).
Chúng ta được mời chọn đi con đường Giêsu, con đường tình yêu đòi hy sinh mạng sống, con đường đòi ra khỏi mình để sống cho và sống với tha nhân.
Và chúng ta tin mình sẽ gặp được hạnh phúc.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con, nếu Hội Thánh được ví như một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất.
Đó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu. Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động.
Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu, thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng, các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình…
Lạy Chúa Giêsu, cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con, ơn gọi của con chính là tình yêu.
Con đã tìm thấy chỗ đứng của con trong Hội Thánh: nơi Trái tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu, và như thế con sẽ là tất cả, vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.
Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con, mọi ước mơ của con được thực hiện.
(dựa theo lời của thánh Têrêxa)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong.” (Mt 7,13).
Câu chuyện minh họa:
Câu chuyện sau đây của tiến sĩ Marcello Candia, người đã dâng cúng tất cả tài sản để xây dựng một bệnh viện giữa khu rừng già Amazone bên Ba Tây và sinh sống tại đó như một người dân nghèo.
“Khi còn ở bậc trung học, tôi là thành phần của một nhóm trẻ sinh hoạt dưới sự hướng dẫn của một cha dòng Phanxicô. Chúng tôi thường đi thăm các gia đình nghèo tại ngoại ô Milano. Sự chú ý đến người nghèo đã làm nảy sinh ước muốn truyền giáo nơi tôi.
Một hôm thầy Cêciliô, người coi cổng nhà dòng đã nhờ tôi phát thức ăn cho người nghèo.
Trên tường nơi phòng ăn dành cho người nghèo có treo một tấm hình của cha Daniele Samarate, một vị thừa sai của dòng đã chết vì bệnh cùi sau một thời gian phục vụ người thổ dân tại một miền ở Ba Tây.
Mỗi lần phát thức ăn cho người nghèo, tôi đều nhận ra hình ảnh đầy đau khổ của ngài. Dần dà, hình ảnh đó quen thuộc đến nỗi trong bất cứ người nghèo nào, tôi cũng nhận ra hình ảnh ấy.
Từ đó, ước muốn phục vụ những người cùi đã nảy sinh trong tôi”.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Macello đã được cha gửi đi công cán tại nhiều nước nghèo trên thế giới. Trong dịp ghé thăm một vùng nghèo tại Amazone bên Ba Tây, Macello đã trở về với quyết định bán hết tất cả tài sản và rút về đây để phục vụ người nghèo. Với tài sản do gia đình để lại, Macello đã xây cất một bệnh viện với 120 giường và được trang bị với đầy đủ dụng cụ của một trung tâm y tế đa khoa.
Macello đã giải thích về việc làm của mình như sau: “Người ta nói với tôi rằng tốt hơn hãy giúp những người nghèo ở xứ sở của mình trước đã. Tôi xin trả lời rằng điều quan trọng là mỗi người chúng ta biết làm một chút gì cho những người đang đau khổ, bất cứ họ đang ở đâu.
Niềm vui lớn nhất của tôi là thấy nhiều người, thụ động và cam chịu số phận, đã biết cởi mở”.
Suy niệm:
Xã hội chúng ta đang sống có rất nhiều người nghèo đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta, vì thế chúng ta cần ra khỏi vỏ ốc an toàn của sự hưởng thụ, mà đến với người nghèo bằng việc chia sẻ, yêu thương và cảm thông với họ. Bên cạnh những sự nghèo đói cơm bánh còn có cái nghèo của những người thiếu sự an ủi, bị cô lập, bị loại ra khỏi một tập thể… Vì thế chúng ta cần ra khỏi mình, mang yêu thương của Chúa đến với họ. Đó là con đường hẹp mà Chúa muốn mời gọi mỗi Kitô hữu chúng ta đi theo.
Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ những ham mê, những sở thích riêng để đáp lại lời kêu gọi của Chúa “hãy nên trọn lành” để qua con đường hẹp đó, Chúa sẽ dẫn con vào con đường đầy hạnh phúc, và chan chứa niềm vui vĩnh cửu.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
“Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”.
Chúng ta sẽ làm gì để người khác làm gì với chúng ta? Hãy trung thực và cố gắng suy nghĩ về điều này. Nếu thành thật, phải thừa nhận rằng, chúng ta muốn người khác làm nhiều điều cho mình: muốn được tôn trọng, được đối xử công bằng… Ở mức độ sâu hơn, chúng ta muốn được yêu, được hiểu, được biết đến và được chăm sóc.
Trong sâu thẳm, tất cả chúng ta nên cố gắng nhận ra niềm khao khát tự nhiên mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta đó là: được chia sẻ yêu thương trong các mối tương quan với người khác và được Thiên Chúa yêu thương. Chúng ta là con người được tạo ra cho tình yêu này. Khao khát yêu thương này đi sâu vào trái tim và ý nghĩa của việc làm người. Tin mừng hôm nay tiết lộ rằng chúng ta phải sẵn sàng và vui lòng cung cấp cho người khác những gì chúng ta mong muốn nhận được. Nếu chúng ta có thể nhận ra trong mình những khao khát tình yêu tự nhiên, thì chúng ta cũng nên cố gắng nuôi dưỡng khao khát được yêu thương. Chúng ta nên nuôi dưỡng mong muốn được yêu thương ở mức độ mà chúng ta tìm kiếm nó cho chính mình.
Nói về điều này có vẻ dễ nhưng thực hiện nó thì không phải là dễ. Xu hướng của chúng ta là đòi hỏi và mong đợi tình yêu và lòng thương xót từ người khác, nhưng đồng thời chúng ta lại giữ mình, không muốn cho đi hay cho đi ở một mức độ thấp hơn nhiều so với những gì mình mong muốn nhận được từ người khác. Đây là một xu hướng ích kỷ mà nhiều người dễ mắc phải.
Chúng ta nên cố gắng để xem mình được kêu gọi làm gì và yêu thương như thế nào. Khi chúng ta coi đây là nghĩa vụ đầu tiên của mình và cố gắng thực hiện nó, sẽ phát hiện ra rằng chúng ta tìm thấy sự hài lòng khi cho đi nhiều hơn là tìm cách nhận lại. Chúng ta sẽ thấy rằng “làm cho người khác”, bất kể những gì họ “làm cho mình”, là điều làm cho chúng ta thực sự thấy thỏa mãn và bình an. Hãy suy gẫm về ước muốn tự nhiên về tình yêu và sự tôn trọng của người khác có trong trái tim mình. Sau đó, hãy biến điều này thành trọng tâm của cách mà chúng ta đối xử với những người xung quanh.
Lạy Chúa của tình yêu tự hiến vì người khác, của những khao khát được cho đi trọn vẹn , xin giúp chúng con biết làm cho người khác những gì chúng con mong muốn họ làm cho chúng con. Xin giúp chúng con sử dụng ước muốn trong trái tim mình về tình yêu làm động lực cho tình yêu của chúng con đối với người khác. Xin giúp chúng con tìm thấy niềm vui và bình an khi cho đi chính bản thân mình . Amen .