15.6.2022 – Thứ Tư Tuần XI Thường Niên
Lời Chúa: Mt 6, 1-6.16-18
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
Suy niệm:
“Đã mang tiếng ở trong trời đất,
phải có danh gì với núi sông.”
Danh tiếng để lại cho đời là điều khiến nhiều người bận tâm.
Có người hiến mình để làm những công trình lớn lao để lại cho hậu thế.
Nhưng cũng có người rơi vào thói háo danh, làm mọi sự chỉ để tìm cho mình chút tiếng khen mau qua.
Trong Bài Giảng trên núi mà ta nghe hôm nay, Đức Giêsu tố giác thói háo danh của những người đạo đức giả, khi họ làm ba việc đạo đức căn bản là bố thí, cầu nguyện, ăn chay.
Ngài cũng cho thấy cách sống đạo của người môn đệ. Làm các việc đạo đức để tìm tiếng khen, là một cám dỗ có thật. Có người thổi kèn trong hội đường hay ngoài phố khi bố thí. Có người thích đứng cầu nguyện tại giữa ngã ba đường. Có người có mang bộ mặt thiểu não khi ăn chay.
Tất cả chỉ nhằm thu hút sự chú ý của nhiều người khác, chỉ nhằm “cho người ta thấy”, “để người ta khen” (cc. 1. 2. 5. 16).
Họ làm những việc tốt lành, nhưng lại tìm mình, co quắp trên chính mình, trong khi lẽ ra những việc này phải mở họ ra trước Thiên Chúa.
Đối với Đức Giêsu, được người ta khen là nhận được phần thưởng rồi, nên cũng chẳng được Cha trên trời ban thưởng nữa (c. 1).
Họ được phần thưởng mau qua của người đời, nhưng mất phần thưởng trọng hậu trong ngày sau hết.
Đức Giêsu mời các môn đệ đi vào cái kín đáo, thầm lặng, nơi đó không có con mắt của người đời, không có tiếng khen chê.
Nơi đó kín đến mức tay trái không biết việc tay phải làm.
Nơi đó là căn phòng đóng cửa, để chỉ có Cha và anh gặp gỡ.
Cha là Đấng hiện diện ở nơi kín đáo (cc. 6. 18).
Cha cũng là Đấng thấy những gì được làm ở nơi kín đáo (cc. 4. 6. 18).
Cha thấy anh đã bố thí, cầu nguyện, ăn chay cách thầm lặng.
Chính Cha sẽ ban thưởng cho anh.
“Hữu xạ tự nhiên hương” có thể là một hình ảnh đẹp về người Kitô hữu.
Đời Kitô hữu là cuộc đời kín đáo thầm lặng, như bị che khuất.
Nhưng cũng là cuộc đời không che giấu được trước mắt mọi người. Chính khi cái tốt được làm một cách vô cầu, thì nó lại tỏa ngát hương.
Không hẳn là chúng ta luôn luôn phải cầu nguyện trong phòng đóng cửa. Cũng như không hẳn chúng ta phải tô son đánh phấn khi ăn chay.
Nhưng điều quan trọng là chúng ta làm mọi sự cho vinh danh Chúa.
Cầu nguyện:
Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa, tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan, hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa muôn loài, tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Dưới bầu trời bao la, trong cô đơn và thầm lặng, với tấm lòng thanh tịnh, tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn, huyên náo vì đấu tranh, giữa đám đông hối hả lăng xăng, tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Và khi đã hoàn tất việc đời, lạy Thiên Chúa muôn loài, một mình, lặng lẽ, tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
(R. Tagore, Đỗ Khánh Hoan dịch)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,18b)
Câu chuyện minh họa:
Trong một bài tạp bút của báo Tuổi trẻ số ra chủ nhật đầu tháng 10/1998, tác giả Uông Thế Biển có ghi lại một kinh nghiệm như sau:
Truyện cách đây đã hơn mười năm. Ngày ấy, tôi làm lục lâm vượt sông Nghệ An đi buôn bè gỗ đường dài. Lần đầu và lần sau, người đưa đường cho tôi là Văn Suối, người dân tộc. Trong cuộc luồn rừng với tôi, Suối là cuốn tự điển sống về rừng. Anh thuộc tên từng loại côn trùng, thảo mộc, và với anh, rừng là cuộc sống, là máu thịt của anh.
Trời ngả sang chiều, chúng tôi dừng chân trong căn lều từ lâu đã bị bỏ hoang. Căn lều đã siêu vẹo, lưng lửng trên bếp một ống Đứa đựng muối còn sạch sẽ, trong đó vẫn còn một dúm muối khô như ai đó vừa bốc bỏ vào. Tôi và Suối mở cơm nắm ra ăn. Vì mệt nên chúng tôi ăn hết phân nửa mo cơm. Theo thói quen, tôi định hất phần cơm còn lại, Suối giằng lấy. Tôi nhìn anh gói ghém lại phần cơm và trèo lên bên dưới mái lều, anh không quên bốc một nắm muối mang theo cho vào ống Đứa, và bỏ lại bên hòn đá năm bảy que diêm.
Thấy tôi ngạc nhiên, Văn Suối giải thích “Lần đầu tiên đi rừng, cậu không hiểu là phải. Đây là tập quán của những người quanh năm sống gắn bó với rừng: nắm cơm thừa, vài ba hạt muối, đôi lúc đã cứu được cả mạng sống người trong khi lạc đường, một viên ký ninh cắt tạm cơn sốt, một que diêm có thể đốt lên ngọn lựa sưởi ấm một người lạc rừng đang bị cô đơn và sợ hãi đe dọa. Những túp lều hoang trơ trọi giữa rừng núi trùng điệp này là nơi trú chân cho những người lỡ đường giữa mênh mông đại ngàn. Là người đi rừng, ai cũng có thể làm vào hoàn cảnh như thế”…
Bao năm đã qua, tôi vẫn không quên được lời của Văn Suối, người bạn chỉ chung một chuyến đi rừng, và ấn tượng về mục đích đẹp dành cho những người bạn rừng vẫn mãi theo tôi…
Suy niệm:
Người đi rừng trong câu chuyện trên đây đã thực hiện hành vi đẹp: lòng bác ái ẩn khuất và không chờ đợi một sự đáp trả nào. Đó cũng chính là điều mà Chúa Giêsu muốn dạy mỗi Kitô hữu chúng ta trong ngày hôm nay: “Khi làm việc lành phúc đức, các con phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy…” Sự kín đáo của một người không phải là những gì người ấy giấu đi không cho người khác biết, nhưng là những gì trong cuộc đời người ấy được thực hiện trong một sự thinh lặng sâu xa. Đó là những gì được trao tặng trong sự thân mật của trái tim, để rồi không còn chỗ cho ngôn từ nữa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đắm mình trong cầu nguyện, để chúng con được tan chảy trong Ngài; từ đó, chúng con sẽ được hòa chung nhịp đập với trái tim Chúa, nhịp đập của sự yêu thương, tha thứ và cảm thông.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Để giúp mọi người ăn năn, sám hối và sửa đổi đời sống, Chúa Giêsu đưa ra ba việc làm cụ thể hầu mong mỗi người có thể thực hiện, đó là: làm phúc bố thí, cầu nguyện và chay tịnh. Cả ba việc này nếu được thực hiện đúng với tinh thần Chúa mong muốn thì mới có giá trị trước mặt Thiên Chúa.
Theo đó, “ khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước”, nghĩa là khi giúp ai, chúng ta được mời gọi hãy làm trong thầm lặng và kín đáo, đừng để ai biết. Chúa muốn chúng ta thực hiện trong thầm lặng và kín đáo, nhưng Chúa thì không bao giờ quên việc ta làm cho tha nhân.
Và “khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại”, nghĩa là việc đạo đức có thực sự trở nên giá trị hay không là tùy thuộc vào thái độ và tâm tình của ta đối với Chúa, chứ không phải ở tiếng khen của người đời. Vì thế, khi cầu nguyện, chúng ta được mời gọi hãy tìm nơi thanh vắng, yên tĩnh và ở đó ta có thể tâm sự cách thân mật, chân tình với Chúa.
Còn “khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt”. Việc chay tịnh nói lên sự hy sinh của mỗi người để bày tỏ lòng ăn năn, sám hối về những lầm lỗi của mình và xin Chúa thứ tha. Cho nên khi ăn chay thì tâm tình và thái độ của chúng ta phải là hân hoan, vui tươi vì đã được Chúa thương xót và thứ tha, chứ đừng làm cho vẻ mặt ra ủ dột để được người khác thương hại.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập tới nền đạo đức mới, đó là hãy làm với tinh thần của Chúa Kitô, không phải để được người đời ca tụng, khen ngợi nhưng là để lập công đức trước mặt Chúa. Cho nên, mọi việc bác ái cũng như đạo đức phải được thực hiện cách kín đáo âm thầm với lòng khiêm tốn và tin tưởng nơi Chúa.
Chúng ta được mời gọi loại trừ tư tưởng háo danh ra khỏi đời sống đạo, vì tư tưởng đó dễ làm cho việc đạo đức và bác ái của ta trở nên phô trương, khoe khoang, xem lời khen ngợi của người đời quan trọng hơn việc lập công phúc trước mặt Chúa.
Với ba tư tưởng của tinh thần sống đạo mới này, Chúa Giêsu muốn mỗi người hãy trở về và sống thật với lòng mình. Đừng ham tìm danh vọng, tiếng tăm nơi người đời, nhưng hãy tìm cho mình những giá trị trường tồn, vĩnh cửu là hạnh phúc Nước Trời.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết loại bỏ đi những kiểu sống phô trương và hình thức bề ngoài; thay vào đó, xin giúp chúng con luôn ý thức để sống thật với Chúa và với chính mình trong đời sống hằng ngày của chúng con. Amen.