02.6.2022 – Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 17, 20-26
Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con. Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa”.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay là phần cuối của Lời Nguyện sau Tiệc Ly.
Đức Giêsu cầu nguyện, không phải cho các môn đệ đang hiện diện,
nhưng cho các môn đệ tương lai, là chính chúng ta,
những người tin nhờ nghe lời giảng của các môn đệ đi trước (c.20).
Hôm nay Đức Giêsu là Thượng Tế trên trời, là Đấng Trung Gian duy nhất,
vẫn dâng lên Chúa Cha lời nguyện tương tự.
Ngài nhìn thấy một phần ba dân số thế giới là Kitô hữu, hơn hai tỷ người.
Ngài nhìn thấy những người theo Công Giáo gồm hơn một tỷ,
theo Chính Thống giáo, Tin Lành, Anh giáo và bao giáo phái khác.
Ngài xin Cha cho họ nên một, như Cha và Con là một (c. 22).
Đức Giêsu đã xin cho các môn đệ đang hiện diện bên Ngài
được nên một “như chúng ta” (Ga 17, 11b).
Bây giờ Ngài xin cho các môn đệ tương lai cũng được nên một.
Sự hiệp nhất nên một giữa Cha và Con
vừa là khuôn mẫu, vừa là nguồn mạch cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu.
“Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (c. 21).
Cha và Con ở trong nhau, đó là mẫu mực cho sự hiệp nhất.
Chúng ta được mời gọi ở trong nhau khắng khít như Cha và Con.
Điều này không thể thực hiện được, nếu chúng ta không được đưa vào
trong mối tương quan thân thiết giữa Cha và Con:
“để họ cũng ở trong Chúng Ta” (c. 21).
Các Kitô hữu chỉ hiệp nhất khi họ được sống trong nguồn hiệp nhất
là sự ở trong nhau giữa Cha và Con.
Trong Lời Nguyện của Đức Giêsu, ta thấy có một tương quan ba chiều
giữa Cha, Con và các môn đệ.
“Con ở trong họ và Cha ở trong Con…
Cha đã yêu thương họ như đã yêu thương Con” (c. 23).
“Tình Cha đã yêu thương Con ở trong họ, và Con cũng ở trong họ nữa” (c.26).
Tương quan này sâu lắng đến mức có sự ở lại trong nhau thật sự
giữa Cha, Con và các môn đệ là chính chúng ta.
Tuy vậy ít khi chúng ta dám nghĩ mình có tương quan gần gũi đến thế
với thế giới siêu việt của Cha và Con.
Nhưng Đức Giêsu còn nói đến tương quan giữa các môn đệ với thế gian.
Chỉ khi có sự hiệp nhất giữa các môn đệ, lúc đó mới hy vọng
“Thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (c. 21),
“Thế gian sẽ nhận biết rằng Cha đã sai Con (c. 23).
Chúng ta cầu cho sự hiệp nhất yêu thương giữa các Kitô hữu trên thế giới.
Nếu một phần ba dân số thế giới sống nên một trong yêu thương,
hai phần ba còn lại sẽ sống trong hạnh phúc bình an.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,
xin giúp con quên mình hoàn toàn
để ở lại trong Chúa.
lặng lẽ và an bình
như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.
Lạy Đấng thường hằng bất biến,
mong sao không gì có thể khuấy động
sự bình an của con,
hay làm cho con ra khỏi Chúa ;
nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con
tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa!
Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,
xin biến hồn con thành chốn trời cao,
thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,
nơi Chúa nghỉ ngơi.
Ước chi
con không bao giờ để Chúa ở đó một mình
nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người,
với thái độ nhạy bén trong đức tin,
cung kính tôn thờ
và phó mình cho Chúa sáng tạo.
(Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con…” (Ga 17,24)
Câu chuyện minh họa:
Năm 1976, chiến tranh giữa Pháp và Liên Minh Ý- Áo. Đại Tướng Pháp: Bonaparte đưa quân đến một địa điểm, có cây cầu bắc qua trận tuyến địch. Trong lúc trận chiến đang nguy, Bonaparte hô tiến qua cầu. Không một ai qua! Bonaparte xuống ngựa, giựt lá cờ quân đoàn, chân bước qua cầu, miệng hô: “Ai yêu Tổ quốc thì theo ta!”. Ngó lại, trên cầu chỉ có một mình mà lá cờ đã rách nhiều mảnh vì đạn của địch quân. Khi ấy có cậu bé 13 tuổi đánh trống thúc quân, hai tay đập mạnh vào trống chân bước qua cầu theo đại tướng, quân sĩ tràn theo qua cầu. Bonaparte toàn thắng và chấm dứt chiến tranh…
8 năm sau, Bonaparte đã là Hoàng Đế Napolêôn, trở lại chỗ cũ, có lễ nghi nghinh tiếp rất long trọng. Napolêôn muốn bắt tay cậu bé Vidal đã 21 tuổi hiện ở trong quân đoàn lại đó.
Hỏi đến Vidal thì cậu đã nghỉ phép để đưa đám tang mẹ. Napolêôn bãi bỏ tất cả nghi lễ quân Đội, đi thẳng đến làng của Vidal, theo sau đám tang đến huyệt, đọc bài điếu văn rồi đi bộ cùng Vidal trở về. Vidal từ chối và mời Hoàng đế lên xe. Hoàng đế Napolêôn đáp: “Tám năm trước con đã liều chết theo ta trên con đường chết, nay trên con đường đau khổ, con cho ta theo con, cho có bạn!”
Suy niệm:
Những ai bước theo Chúa trong cuộc khổ nạn, thì chắc rằng họ cũng sẽ được chia sẻ vinh quang với Chúa. Như thế, mọi thử thách ở đời này làm cho người Kitô hữu thêm giá trị cao cả, và trở nên giống Chúa Kitô hơn. Chúa Giêsu đã hạ mình xuống thế làm người để nâng loài người sa ngã lên. Và cho chúng ta trở thành con cái Chúa và nên một trong Thiên Chúa. Đó là tình yêu cao cả mà Chúa đã dành cho loài người chúng ta.
Xin Chúa cho con cảm nghiệm được tình yêu mà Ngài đã dành cho con, và đền đáp tình yêu ấy qua cách sống của con.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Những lời nguyện mà Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha trong trình thuật Tin mừng hôm nay làm cho chúng ta thật ấm lòng và gia tăng thêm lòng tin yêu Chúa, vì biết rằng, mỗi người chúng ta đều là môn đệ của Chúa, đều là nhân vật chính trong lời nguyện thánh hiến này.
Thật vậy, khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, trở thành một Kitô hữu, chúng ta đã được xức dầu bởi Thiên Chúa, nghĩa là được chọn và được trao cho một sứ mệnh. Đoạn Tin mừng này, Chúa Giêsu soi sáng cho ta hiểu rõ hơn về sự đồng căn tính và đồng sứ mệnh giữa Người và chúng ta.
Chính Đức Giêsu đã liên kết chúng ta với Người, với công trình của Người: “Để họ nên một như chúng ta là một” , “Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian” , “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian” , “Con thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” .
Và rất nhiều lần, Chúa Giêsu cũng cho ta hiểu rõ về sự đồng căn tính và đồng sứ mệnh như thế, khi Chúa nói: “Anh em hãy thương yêu nhau như thầy đã thương yêu anh em” , “Người ta đã bắt bớ thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” , “Họ đã giữ lời thầy, họ cũng giữ lời anh em”.
Để rồi, lời của thánh tông đồ Phaolô lại nhắc nhở chúng ta về về sự đồng căn tính này: “Anh em là thân thể của Đức Kitô. Đức Kitô là đầu, anh em là chi thể của thân thể Người” . Như thế, mỗi người Kitô hữu chúng ta được trở nên như là thân thể của Đức Kitô. Chúng ta cùng tên, cùng gốc, chúng ta được chia sẻ cùng sứ mạng với Chúa.
Để rồi, khi ý thức được đồng căn tính, đồng sứ mệnh rồi, lúc đó một đòi hỏi khẩn thiết thúc đẩy chúng ta phải sống đúng căn tính Kitô hữu, biết chia sẻ sứ mệnh của Chúa – Sứ mệnh mang Tin mừng tình yêu và ơn cứu độ đến cho con người.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã xin Chúa Cha thánh hóa các môn đệ bằng sự thật, bằng Lời của Người, thì nay xin Chúa cũng thánh hóa chúng con để chúng con được thuộc trọn về Chúa để chúng con được đồng căn tính và đồng sứ mệnh với Chúa, dù vẫn sống giữa thế gian nhiều cám dỗ và tội lỗi. Amen
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaphucsinh