26.5.2022 – Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh: Thánh Philipphê Nêri, Linh Mục
Lời Chúa: Ga 16, 16-20
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.” Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giêsu hỏi nhau: “Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’ và ‘Thầy đến cùng Chúa Cha’?” Vậy các ông nói: “ ‘Ít lâu nữa’ nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì!” Đức Giêsu biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: “Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.”
Suy niệm:
Trong bầu khí của bữa Tiệc Ly,
Thầy Giêsu nói với các môn đệ một câu đối với họ là khó hiểu:
“Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy,
rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy” (c. 16).
Câu này có thể dễ hiểu với chúng ta
vì chúng ta biết rõ cái chết trên thập giá đang chờ Thầy Giêsu.
Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi,
cái chết này sẽ khiến các môn đệ không còn được thấy Thầy nữa.
Chúng ta cũng biết rằng chỉ một thời gian ngắn sau,
Thầy Giêsu lại được phục sinh, và đã hiện ra cho các môn đệ thấy.
Mất Thầy là một thử thách lớn trong đời người môn đệ.
Thầy là chỗ dựa, là lý do khiến họ chấp nhận cuộc sống bấp bênh này.
Chính Thầy đã gọi, đã kéo họ ra khỏi gia đình và nghề nghiệp ổn định
để lang thang đó đây, sống nhờ lòng tốt của những người nghe giảng.
Gần ba năm sống bên Thầy, chia sẻ ngọt bùi, thành công thất bại,
tình Thầy trò gần gũi như tình bạn hữu.
Bây giờ mất Thầy, họ sẽ đi đâu và đi với ai?
Cái chết trên thập giá của Thầy là đại tang của một người thân.
Nỗi đau này được nhân lên nhiều lần
vì họ đã không dám có mặt để lo liệu việc mai táng.
“Anh em sẽ khóc lóc và than van… Anh em sẽ buồn phiền…” (c.20).
Khi tảng đá đã khép kín ngôi mộ, chẳng còn thấy Thầy nữa,
khi thế gian và thủ lãnh của nó hả hê vui sướng vì chiến thắng,
liệu các môn đệ có vượt qua được nước mắt đau đớn này không ?
“Ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… (c. 16)
và nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (c. 20).
Anh em sẽ lại thấy Thầy lúc Thầy hiện ra gặp anh em sau phục sinh,
lúc Thầy sai Thánh Thần đến ở với và nâng đỡ anh em,
và nhất là lúc Thầy đồng bàn với anh em trong bữa tiệc Thiên quốc.
Khi gặp lại Thầy và nhận ra Thầy đang sống,
thế nào anh em cũng hết phiền muộn đắng cay.
Nỗi buồn của anh em tan biến khi anh em biết rằng
Thầy mới là người chiến thắng.
Đời sống người Kitô hữu đan xen giữa vui với buồn.
Có lúc thấy mất Chúa và mất hướng, thấy thất vọng và buồn chán.
Chúng ta phải chia sẻ cuộc Khổ nạn và cái chết của Chúa mỗi ngày.
Nhưng rồi ngày nào đó, Chúa lại đến thăm, lại tỏ mình, lại vỗ về an ủi.
Niềm vui trong ta như sống lại với bao hy vọng dâng trào.
Chỉ xin đừng bỏ đi khi thấy Chúa vắng bóng và thất bại trong đời ta.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
có những ngày con cảm thấy
đời sống thật nặng nề ;
có những lúc con muốn buông trôi,
để mặc cho dòng đời đưa đẩy ;
có những khoảng thời gian dài,
con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.
Xin cho con ánh sáng của Chúa
để con biết lối mà đi.
Xin cho con tấm bánh của Chúa
để con có sức mà dấn bước.
Xin cho con Lời của Chúa
để con vững một niềm tin.
Xin cho con sự sống của Chúa
để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,
niềm vui và sáng tạo.
Lạy Chúa Giêsu,
con thấy mình cần Chúa
trong mỗi giây phút của cuộc đời.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp được sự hiện diện của Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.” (Ga 16,16)
Câu chuyện minh họa:
Trong khi đợi bạn tôi ở sân bay, tôi đã chứng kiến những khoảnh khắc đáng quí nhất đời mình. Và chuyện đó xảy ra chỉ cách tôi khoảng nửa mét. Tôi thấy một người đàn ông xách hai chiếc túi nhỏ. Anh ta dừng lại ngay cạnh tôi, nói người nhà anh đang chờ.
Đầu tiên anh ta cúi xuống đứa con trai nhỏ nhất chỉ khoảng 5 hay 6 tuổi, hôn nó thật thắm thiết. Hai cha con ôm chặt lấy nhau trông thật tình cảm. Rồi người cha lùi lại một bước, nhìn vào mắt cậu bé và nói: “Gặp lại con thật vui quá, bố nhớ con lắm!”. Cậu bé bẽn lẽn cười, cúi xuống và nói: “Con cũng thế ạ!”.
Người đàn ông đứng thẳng dậy nhìn cậu bé lớn hơn và nói: “Con đã thực sự trưởng thành rồi đấy chàng trai nhỏ, cha yêu con lắm!”. Rồi anh ôm cậu bé thật lâu, còn khẽ cọ râu vào má nó nữa. Một bé gái, nhắm chỉ khoảng 1 tuổi nắm tay mẹ đứng gần đó, cứ nhìn theo cha vẻ rất hào hứng. Người đàn ông bế cô bé lên và nói: “Chào bé yêu của bố!”, rồi áp chặt cô bé vào ngực mình rất lâu. Rồi người đàn ông nói tiếp: “Bao giờ cũng phải để dành điều quan trọng nhất cho người cuối cùng!”, nói xong anh choàng tay ôm hôn vợ mình thật chặt. Họ cầm tay nhau cười thật hạnh phúc.
Lúc đầu tôi ngỡ rằng đây là cặp vợ chồng mới cưới, nhưng không thể bởi cậu con trai lớn đã hơn 10 tuổi rồi. Đột nhiên tôi như bị “say” trước tình yêu của một gia đình, và tôi thấy giọng mình cất lên không hề chủ ý:
– Xin chào, anh chị cưới nhau bao lâu rồi?
– Chúng tôi quen nhau 14 năm và đã cưới nhau 12 năm nay – Người đàn ông trả lời, vẫn nắm chặt tay vợ.
– Vậy anh xa nhà bao lâu rồi?- Tôi hỏi tiếp.
Anh ta cười, lắc đầu vẻ hối lỗi:
– Đã hai ngày chẵn rồi đấy.
Hai ngày? Tôi thật sửng sốt! Nhìn họ mừng rỡ thế nào khi gặp nhau, tôi đã nghĩ họ phải xa nhau nhiều tuần liền, nếu không nói là nhiều tháng hay nhiều năm. Tuy nhiên để tỏ sự trân trọng, tôi kết thúc câu chuyện:
– Hy vọng mai sau kia khi kết hôn, tôi cũng được như anh chị!
Người đàn ông nhìn vào mặt tôi với tia nhìn quả quyết nhất:
– Đừng hi vọng. Hãy tự mình quyết định!
Rồi anh mỉm cười:
– Chúc may mắn!
Sau đó gia đình anh cùng hướng ra cửa sân bay. Tôi nhìn theo đến khi họ đi khuất, đúng lúc đó bạn tôi hỏi:
– Cậu đang nhìn gì thế?
Tôi cười:
– Tương lai!
Suy niệm:
“Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy”. Chúa Giêsu muốn loan báo cho các ông về cái chết Ngài sắp chịu; và “anh em sẽ lại thấy Thầy”, Ngài muốn nói đến việc Ngài sẽ sống lại. Chính vì nỗi buồn mất Thầy quá lớn nên khi Ngài sống lại, các môn đệ cũng vui mừng biết bao. Sau bao ngày xa cách, đôi vợ chồng hớn hở vui mừng gặp lại nhau có lẽ họ cũng vượt qua những khó khăn thử thách, nhưng vì họ có niềm tin và hy vọng. Còn đối với các môn đệ, niềm vui mà các ông nhận được từ nơi Thiên Chúa nên niềm vui đó thật sự viên mãn, không gì lớn hơn.
Trước những thử thách, đau thương của cuộc đời tôi có tin tưởng và hy vọng vào Chúa không?
Lạy Chúa, xin cho con luôn hy vọng vào cuộc đời, đừng đánh mất niềm hy vọng trong những lúc gặp khó khăn, đừng buông xuôi trước những thất bại, và đừng chán nản khi gặp gian nan, nhưng luôn bám chặt vào Chúa trong mọi lúc, vì chính Người sẽ là khiên thuẫn cho mỗi người.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Có một bi kịch đã kết thúc như sau: Đời sống tình cảm giữa đội vợ chồng đã rạn nứt đến độ hầu như vô phương cứu chữa. Ngày nọ, trong cơn nóng giận, người chồng giựt quả lắc từ chiếc đồng hồ treo tường và đánh chết vợ, sau đó ông lấy liều thuốc độc tự kết liễu đời mình. Màn kịch chấm dứt, một khán giả đã nhận xét: “Khỏi cần dùng quả lắc đồng hồ để giết người và cũng chẳng dùng một cách thức khác, cứ để cho quả lắc đếm thời gian và thời gian sẽ giết chết họ”.
Người khán giả trên đây cho rằng thời gian là liều thuốc độc, nhưng chúng ta thường cho rằng thời gian là phương thuốc chữa lành mọi vết thương. Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói đến thời gian, nhưng là thời gian của Người.
Mỗi ngày có hai mươi bốn giờ, mỗi giờ có sáu mươi phút, mỗi phút có sáu mươi giây, nhưng chắc chắn những đơn vị thời gian ấy không có cùng một nội dung và ý nghĩa đối với mỗi người. Người đang chờ đợi sẽ thấy thời gian đi quá chậm, kẻ sợ hãi thì thấy thời gian đi quá nhanh, người đang buồn phiền thì cảm thấy thời gian như một gánh nặng, còn kẻ đang yêu thương thì dường như không màng đến thời gian.
“Một ít nữa các con sẽ không thấy thầy, rồi lại một ít nữa, các con sẽ thấy thầy”. Chúa Giêsu cho các môn đệ biết sẽ có một khoảng thời gian họ sẽ không thấy Người, vì Người về cùng Chúa Cha. Cùng một thời gian, các môn đệ sẽ khóc lóc buồn sầu, còn thế gian thì vui mừng. Thật ra thời gian tự nó chẳng có ý nghĩa gì, nó chỉ có ý nghĩa và giá trị khi con người đặt tình cảm vào đó. Quá khứ đã qua, nhưng vẫn có thể sống lại trong tình cảm con người, tương lai chưa đến nhưng đã trổ sinh hoa trái bằng niềm hy vọng, bằng hoài bão của con người.
Chúa Giêsu có thời gian của Người. Người kêu gọi các môn đệ đến với Người, nhưng tới lúc Người phải từ giã các ông ra đi vì sứ mệnh, lúc đó các ông sẽ buồn sầu, nhưng đó cũng là lúc để các ông nhớ lại những gì Người đã nói và nỗi buồn của các ông sẽ biến thành niềm vui khi Người trở lại. Chúa Giêsu chính là ý nghĩa của thời gian đối với các môn đệ: vắng bóng Người, các ông buồn sầu; có Người, các ông vui mừng.
Người Kitô hữu chúng ta cũng được mời gọi sống kinh nghiệm thời gian của các môn đệ Chúa Giêsu. Thời gian có Chúa Giêsu luôn là thời gian sung mãn và đem lại niềm vui. Người Kitô hữu tin rằng “Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một”, Người là chủ thời gian, Người đang hiện diện trong từng phút giây của cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu , xin cho niềm tin của chúng con vào Ngài mang lại cho chúng con niềm vui đích thực, và giúp chúng con tìm ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaphucsinh