25.5.2022 – Thứ Tư Tuần VI Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 16, 12-15
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói : Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.”
Suy niệm:
Làm người ở đời, một trong những điều rất khó
là sống bình an hạnh phúc với người khác.
Trong gia đình, nơi Giáo hội, ngoài xã hội, trên thế giới,
đâu đâu cũng thấy những xung đột và khổ đau do con người gây cho nhau.
Từ cái chết của Aben đến cái chết của một thai nhi bị người mẹ chối từ.
Một triết gia người Pháp viết: “Hỏa ngục chính là những người khác.”
Mục tiêu của giáo dục không phải chỉ là đào tạo những người giỏi giang,
mà còn là huấn luyện nên những người biết sống với và sống cho người khác.
Để được vậy, cần giúp người ta ra khỏi sự ích kỷ, khép kín của lòng mình.
Đời sống của Ba Ngôi giúp chúng ta biết cách sống với người khác.
Ba Ngôi sống cho nhau.
Nếu Đức Giêsu đã tôn vinh Cha bằng cách vuông tròn việc Cha giao (Ga 17, 4),
thì Thánh Thần cũng tôn vinh Đức Giêsu
bằng việc loan báo, soi sáng, nhắc nhớ những lời Ngài dạy (c. 14).
Chính Chúa Cha cũng tôn vinh Đức Giêsu qua phục sinh vinh hiển (Ga 17,1).
Ba Ngôi không tìm vinh quang cho mình, nhưng mở ra để chia sẻ.
“Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” (c. 15).
“Tất cả những gì của Cha đều là của Con…” (Ga 17, 10).
Cha là nguồn mạch trao cho Con tình yêu, sự sống, quyền năng, vinh quang.
Và Con cũng chẳng giữ gì cho mình, Con chia sẻ cho cả các môn đệ.
Đến giờ phút chia tay, nhưng Thầy Giêsu phải khiêm tốn nhìn nhận rằng
mình còn nhiều điều chưa nói hết (c. 12).
Khiêm tốn là chấp nhận ra đi khi phần việc của mình đã xong,
tuy công việc vẫn còn dang dở.
Khiêm tốn là chấp nhận giới hạn của các môn đệ, họ cần thời gian để chín.
Khiêm tốn là chấp nhận mình cần được bổ sung bởi người khác,
mình không làm được hết mọi sự.
Đức Giêsu là Sự Thật đã được chính Ngài vén mở cho ta,
nhưng Thánh Thần mới là Đấng đưa chúng ta vào mầu nhiệm Giêsu,
vào Sự Thật trọn vẹn (c. 13).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Thánh Thần,
xin ban sức sống cho chúng con.
Xin cho cuộc đời Kitô hữu của chúng con
đừng rơi vào sự đơn điệu nghèo nàn,
vào những lối mòn quen thuộc,
nhưng xin canh tân
và tái tạo chúng con mỗi ngày.
Xin nuôi chúng con bằng những thức ăn mới,
cho chúng con khám phá ra
những chiều sâu khôn dò của Đức Kitô
và ý nghĩa thâm thúy của Tin Mừng.
Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống,
thế giới hôm nay luôn bị đe dọa
bởi bạo lực, khủng bố, chiến tranh ;
mạng sống con người bị coi rẻ.
Xin cho chúng con biết say mê sự sống,
và gieo vãi sự sống khắp nơi.
Ước gì Chúa ban cho nhân loại
một lễ Hiện Xuống mới
để con người có thể hiểu nhau hơn
và đón nhận nhau trong yêu thương.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn…” (Ga 16,13)
Câu chuyện minh họa:
Một cậu bé nhìn thấy một chú chim non rơi từ chiếc tổ trên cành xuống nằm trên mặt đất. Cậu lượm nó lên, sưởi ấm nó. Một lát sau chú chim tỉnh dậy. Nhưng thay vì đặt chú chim trở về tổ, cậu đem nó để trong một chiếc lồng. Hằng ngày cậu mang cho nó rất nhiều thức ăn và nước. Chú chim ngày càng khoẻ mạnh. Nó bắt đầu bay và hót. Cậu bé rất thích. Nhưng một hôm chú chim cứ đập cánh xành xạch vào thành chiếc lồng. Cậu bé không hiểu nên hỏi cha mình. Người cha giải thích:
– Tại vì nó không hạnh phúc đó.
Cậu bé cãi lại:
– Con đã đặt vào lồng cho nó tất cả những gì nó cần rồi kia mà.
– Nhưng vẫn còn thiếu cái điều mà chim yêu quý nhất.
– Điều gì?
– Đó là tự do.
– Bộ cha muốn con thả cho nó đi sao?
– Đúng thế.
– Nhưng con không thể cho nó đi. Nó đâu có biết là bên ngoài chiếc lồng này có rất nhiều hiểm nguy đang rình rập nó.
– Nhưng con phải chấp nhận như thế.
Cậu bé nài nỉ:
– Cha ơi, con thương nó lắm.
– Nếu con thương nó thì con phải để cho nó đi.
Cậu bé đành mở cửa lồng cho chú chim bay đi. Lòng cậu rất buồn. Nhưng chú chim vừa ra khỏi lồng đã cất tiếng hót líu lo, tỏ vẻ như trước đây chưa bao giờ vui vẻ và hạnh phúc như thế. Khi đó cậu bé không buồn nữa mà cảm thấy vui lây.
Suy niệm:
Hạnh phúc của người khác không phải là khi chúng ta áp đặt trên người khác. Niềm hạnh phúc của chú chim là được bay tự do, mặc dù trong cái lồng bé nhỏ không thiếu thứ gì, nhưng đó không phải là niềm hạnh phúc. Các môn đệ không muốn Chúa rời bỏ các ông, nhưng như thế Chúa Thánh Thần sẽ không đến với các ông. Mầu nhiệm Thiên Chúa cao thẳm và bí nhiệm, với trí hiểu của con người sẽ không thể chịu nổi. Nhờ Thánh Thần, Người sẽ tác động trên tâm hồn chúng ta, khai mở cho chúng ta hiểu về mầu nhiệm của Ngôi Lời. Nhưng với những tâm hồn khao khát và yêu mến chân lý thật sự, sẽ tìm được nguồn bình an và sự thật toàn vẹn trong Thiên Chúa. Là những Kitô hữu, chúng ta hãy để cho sự thật là Chúa Thánh Thần chiếm lấy, để Người hướng dẫn ta trên bước đường theo Chúa Giêsu.
Lạy Chúa, xin cho những ai đang bước đi trên con đường Đức tin, cho họ kiên nhẫn đón nhận chân lý của Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Chúa Giêsu Phục Sinh có mặt trong cuộc sống con người mà chỉ có niềm tin mới cho phép chúng ta cảm nhận được. Đây là sự hiện diện mà Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ trước cuộc tử nạn và phục sinh của Người. Người đã nói với các môn đệ là Người sẽ sai Thánh Thần đến với các ông. Thánh Thần không đến để thay thế Người, nhưng để giúp họ cảm nhận được cách thế hiện diện mới mẻ của Người (Chúa Giêsu).
Quả thật các môn đệ đã cảm nhận được sự hiện diện ấy trong những lần hiện ra của Chúa Giêsu Phục Sinh. Người không đến như một người đã từng sống với các ông, nhưng dưới dáng vẻ của một người xa lạ. Xuất hiện một cách bất ngờ: khi thì như người làm vườn, lúc thì như người bộ hành hay một khách lạ trên bờ hồ. Qua cách xuất hiện như thế, Chúa Giêsu muốn thuyết phục các môn đệ Người đừng tìm kiếm sự hiện diện thể lý của Người nữa, mà hãy khám phá sự hiện diện thần linh của Người, một sự hiện diện mà chỉ nhờ Thánh Thần và trong đức tin, con người mới cảm nhận được.
Từ hai ngàn năm qua, Giáo hội đã có mặt như chính sự nối dài và hiện thực hóa sự hiện diện của Chúa Giêsu. Qua và trong Giáo hội, các Kitô hữu gặp gỡ và đón nhận sứ điệp thần linh của Chúa Giêsu. Nhưng cũng qua và trong Giáo hội, đôi mắt đức tin của người Kitô hữu có thể mở rộng, để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong từng biến cố và gặp gỡ mỗi ngày.
Con người chỉ cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh khi biết sống theo sự thúc đẩy của Thánh Thần tình yêu.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống yêu thương để cảm nếm được sự hiện diện của Chúa, và đồng thời, khi ý thức được sự hiện diện của Chúa trong tha nhân, chúng con cũng được thúc đẩy để sống yêu thương. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaphucsinh