16.5.2022 – Thứ Hai Tuần V Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 14, 21-26
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” Ông Giuđa, không phải Giuđa Ítcariốt, nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Đức Giêsu đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”.
Suy niệm:
“…Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn.
Linh hồn phải giữ linh hồn, đến khi gần chết được lên thiên đàng”.
Đó là phần cuối của một bài đồng dao quen thuộc cách đây mấy chục năm.
Bài hát này đi kèm với trò chơi thiên đàng hỏa ngục hai bên của trẻ nhỏ.
Thiên đàng là điểm đến tối hậu của đời người kitô hữu.
Nhưng mô tả thiên đàng lại là điều vượt sức con người.
Thánh Phaolô đã được nghe những lời khôn tả ở đó,
nhưng tiếc là ngài không được phép nói lại (2 Cr 12, 4).
Đức Giêsu đã dùng hình ảnh bữa tiệc để nói lên bầu khí thiên đàng,
nơi có niềm vui, hạnh phúc và sự hiệp thông
giữa Thiên Chúa và những người từ bốn phương thiên hạ (Mt 8, 11).
Nếu coi thiên đàng là nơi con người được hạnh phúc bên Thiên Chúa,
trong một tương quan tình yêu, diện đối diện và vĩnh viễn,
thì thiên đàng ấy đã chớm nở ngay từ đời này rồi.
Khi yêu Thầy Giêsu, người môn đệ sẽ được Thầy yêu lại.
Hơn nữa, chính Chúa Cha cũng yêu mến người ấy (c. 21).
Và điều con người không dám mong sẽ xảy ra sau Phục sinh :
“Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy và sẽ ở lại với người ấy” (c. 23).
Thiên đàng bắt đầu với sự trao đổi tình yêu qua lại
giữa người môn đệ với Cha và Con.
Nơi nào có Thiên Chúa cư ngụ, nơi đó là thiên đàng.
Khi Cha và Con đến dựng nhà nơi người môn đệ trung tín,
tâm hồn người ấy trở thành thiên đàng.
Hạnh phúc đã được nếm cảm trong giây phút hiện tại rồi
trước khi được hưởng trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa.
Nhưng không phải chỉ có sự hiện diện của Cha và Con,
Người môn đệ còn có Thánh Thần ở với và ở trong mình (Ga 14, 16-17).
Như Cha đã sai Con, nay Cha lại sai Thánh Thần (c. 26).
Thánh Thần sẽ là thầy dạy và là người gợi cho các môn đệ
nhớ lại và hiểu thấu những gì Đức Giêsu đã làm (x. Ga 2, 22; 12,16).
Vậy nơi tâm hồn người môn đệ, có sự hiện diện của cả Ba Ngôi Thiên Chúa.
Một thiên đàng nho nhỏ ngay ở đời này!
Muốn cho thiên đàng ấy tồn tại,
cần giữ các điều răn của Thầy Giêsu với rất nhiều tình yêu.
Hãy yêu bằng hành động hơn là bằng cảm xúc.
và để cho tình yêu Giêsu chi phối mọi chi tiết của đời ta.
Cầu nguyện:
Ngài đã xuống tận đáy lòng con,
xin cho con chỉ tập trung
vào tận đáy lòng con.
Ngài là thượng khách của lòng con,
xin cho con bước vào nhà
là chính đáy lòng con.
Ngài chọn cư ngụ trong lòng con,
xin cho con biết ngồi yên
ngay tại đáy lòng con.
Duy Ngài ở lại trong con,
xin cho con biết chìm sâu
xuống tận đáy lòng con.
Duy Ngài hiện diện trong lòng con,
xin cho con biết xóa mình
khi Ngài ở bên con.
Khi con đã gặp Ngài,
không còn con và Ngài nữa.
Con chẳng là gì cả,
và Ngài là tất cả.
(Theo Swami Abhisiktananda)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.” (Ga 14,23)
Câu chuyện minh họa:
Thánh Phanxicô Assisie có lòng yêu mến Chúa và yêu người rất sâu xa. Một hôm Ngài gặp một người bạn, người này nói với thánh nhân rằng, ông ta không thể nào yêu mến Thiên Chúa được.
Đang khi hai người đi đường thì gặp một hành khất vừa mù, vừa què. Thánh nhân hỏi người hành khất:
– Nếu tôi chữa cho anh để anh thấy và đi được thì anh có yêu mến tôi không?
Người hành khất trả lời:
– Thưa Ngài, không những tôi yêu mến Ngài mà xin dâng hiến trọn phần còn lại của đời tôi để phục vụ Ngài.
Nghe câu trả lời của người hành khất, thánh nhân quay sang người bạn đang đứng bên Ngài nói:
– Đấy anh thấy không, người hành khất này chỉ thấy được, đi được, thế mà còn hứa với tôi như thế, huống hồ là anh, anh không những được Chúa dựng nên với chân tay mắt mũi lành lặn, Ngài lại còn chịu chết để cứu chuộc anh nữa, đang khi đáng lý ra anh phải chết vì tội của anh. Vậy mà anh lại không mến Ngài được sao?
Suy niệm:
Yêu Chúa không phải trên môi miệng nhưng là gồm tóm tất cả trong tình yêu. Yêu Chúa trong tâm tình của người con thảo là lắng nghe, và đem lời ấy ra thực hành chứ không phải yêu cách thụ động, nghĩa là thực hành Lời Chúa với sáng kiến.
Chúa Giêsu đã dùng tình yêu mà cảm hóa được rất nhiều người và họ đã thay đổi cách sống: Giakêu, Maria Madalena, Lêvi… Vì thế, chúng ta là những người theo Chúa cần phải sống theo gương Ngài, mà tiêu chuẩn để nhận ra môn đệ của Ngài là: anh em có lòng yêu thương nhau. Đó là tính chất đặc trưng của người môn đệ Chúa. Môn đệ Chúa đích thực không hẳn phải căn cứ vào việc được rửa tội, nhưng còn căn cứ vào tình yêu đối với đồng loại. Vì không thể nói yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương đồng loại được. Là Kitô hữu, chúng ta đã thực hiện giới luật yêu thương ấy thế nào?
Lạy Chúa, là môn đệ Chúa, con phải tuân giữ giới răn Chúa trong tinh thần và thể hiện ra bên ngoài bằng việc quan tâm giúp đỡ những người sống gần con, cũng như những người mà con gặp gỡ.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Thánh Phanxicô Assisi có lòng yêu mến Chúa và thương người rất sâu xa. Một hôm, ngài gặp một người bạn, người này nói với thánh nhân rằng, ông ta không thể nào yêu mến Thiên Chúa được. Đang khi hai người đi đường thì gặp một hành khất vừa mù, vừa què. Thánh nhân hỏi người hành khất: nếu tôi chữa cho anh để anh thấy và đi được thì anh có yêu mến tôi không? Người hành khất trả lời: thưa ngài, không những tôi yêu mến ngài mà xin dâng hiến trọn phần còn lại của đời tôi để phục vụ ngài. Nghe câu trả lời của người hành khất, thánh nhân quay sang người bạn đang đứng bên ngài nói: đấy anh thấy không, người hành khất này chỉ thấy được, đi được, thế mà còn hứa với tôi như thế, huống hồ là anh, anh không những được Chúa dựng nên với chân-tay-mắt-mũi lành lặn, Ngài lại còn chịu chết để cứu chuộc anh nữa, đang khi đáng lý ra anh phải chết vì tội của anh. Vậy mà anh lại không mến Ngài được sao?
Yêu Chúa, đó là bổn phận của mỗi người chúng ta. Nhưng thế nào là yêu Chúa? Trong Tin mừng hôm nay, chính Chúa Giêsu đã trả lời cho chúng ta câu hỏi trên đây. Người nói: “Ai nghe các giới răn thầy truyền và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến thầy” . Như vậy, yêu mến Chúa là giữ Lời Chúa truyền. Giữ ở đây không có nghĩa thụ động, tức là đem chôn dấu Lời Chúa, nhưng cần hiểu theo một nghĩa tích cực, tức là có sáng kiến đem Lời Chúa ra thực hành trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Nhưng Lời Chúa là lời nào? Tất cả những lời của Chúa gồm tóm rất gọn trong một lời này, đó là “YÊU”. Yêu Thiên Chúa với một tình yêu của một người con thảo và yêu đồng loại với tình yêu như Chúa yêu ta. Muốn thế, trong thực hành không gì bằng là luôn đặt câu hỏi: “ Nếu Chúa là tôi, trong hoàn cảnh cụ thể này, Ngài sẽ xử trí và hành động như thế nào?”
Lạy Chúa, xin cho chúng con là con cái Chúa biết lắng nghe, đón nhận và đem ra thực hành những Lời Chúa dạy. Vì chưng, mỗi chúng con vẫn hiểu rằng, nếu biết mà không sống điều mình biết, thì không những là không lợi ích gì, mà còn trở nên án phạt cho chúng con nữa. Xin Chúa đồng hành và giúp sức cho chúng con. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaphucsinh