09.5.2022 – Thứ Hai Tuần IV Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 10, 1-10
Khi ấy, Đức Giêsu nói rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ”. Đức Giêsu kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ. Vậy, Đức Giêsu lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.”
Suy niệm:
Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục sinh, mùa của sự sống tươi mới.
Đức Giêsu là người mục tử chăn chiên.
Khác với kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy,
Ngài đến để chiên có sự sống, và có một cách dồi dào (c. 10).
Hãy nhìn những nét đặc trưng của người mục tử đích thực.
Anh đi vào ràn chiên hay chuồng chiên bằng cửa,
đường đường chính chính, chứ không lén lút trèo qua tường rào (cc. 1-2).
Người giữ cửa quen anh và mở cửa cho anh.
Chiên cũng quen anh và quen tiếng của anh.
Tiếng của anh là dấu hiệu quan trọng để chiên nhận ra
và phân biệt anh với người lạ hay kẻ trộm (cc. 3-5).
Chiên nghe tiếng của anh (c. 3).
nhưng không nghe tiếng người khác (c. 8).
Anh trìu mến gọi tên từng con, vì anh biết rõ chiên của mình.
Khi dẫn chúng ra ngoài chuồng, anh đi trước dẫn đường,
chúng yên tâm theo sau chứ không chạy trốn,
vì chúng biết mình đang đi theo ai và sẽ được dẫn đến đâu.
Rõ ràng có sự hiểu nhau, gần gũi giữa chiên và mục tử.
Nhưng Đức Giêsu không chỉ là Mục tử chăn chiên.
Ngài còn tự nhận mình là Cửa cho chiên ra vào (c. 7. 9).
Thánh Gioan Kim Khẩu nói:
“Khi Ngài đưa ta đến với Cha, Ngài nhận mình là Cửa.
Khi Ngài săn sóc ta, Ngài nhận mình là Mục Tử.”
Cửa chuồng chiên nhằm để chiên đi vào và tìm được sự an toàn.
Cửa cũng nhằm để chiên đi ra và tìm được đồng cỏ nuôi sống.
Chỉ ai qua Cửa Giêsu mà vào mới được cứu độ.
Ai ra vào Cửa Giêsu mới tìm thấy đồng cỏ xanh tươi (c. 9).
Cửa Giêsu cũng giúp phân biệt mục tử giả và thật.
Mục tử giả sẽ không dám đến với chiên qua Cửa Giêsu.
Mong sao cho Giáo Hội có nhiều mục tử gần gũi với chiên,
biết gọi tên từng con chiên và đem lại cho chiên hạnh phúc.
Và mong sao chiên có khả năng nhận ra tiếng nói của người mục tử.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa nhận mình là Tấm Bánh,
vì Chúa muốn nuôi tâm linh chúng con.
Chúa nhận mình là Cây Nho,
vì Chúa muốn trao cho chúng con dòng nhựa sống.
Chúa nhận mình là Mục tử nhân lành,
vì Chúa muốn dẫn chúng con đến nơi đồng cỏ.
Chúa nhận mình là Cửa,
vì Chúa mở cho chúng con sự phong phú của Nước Trời.
Chúa nhận mình là Con Đường,
vì Chúa là Đấng duy nhất dẫn chúng con đến với Chúa Cha.
Chúa nhận mình là Ánh sáng,
vì Chúa có khả năng khuất phục bóng tối trong thế gian này.
Chúa nhận mình là Sự Thật,
vì Chúa vén mở cho chúng con khuôn mặt của Thiên Chúa.
Chúa nhận mình là Sự Sống và là Sự Sống Lại,
vì Chúa không để cho chúng con bị cái chết chôn vùi.
Lạy Chúa Giêsu,
tạ ơn Chúa vì mọi điều Chúa định nghĩa về mình
đều hướng đến hạnh phúc cho chúng con,
và đều cho chúng con sự sống thâm sâu của Chúa.
Xin cho chúng con chấp nhận Chúa là Anpha và Ômêga,
là Khởi Nguyên và là Tận Cùng của cuộc đời mỗi người chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.” (Ga 10,9)
Câu chuyện minh họa:
Có một chàng sinh viên, sau khi tốt nghiệp đại học, đã không chọn cho mình một ngành nghề chuyên môn, nhưng lại đi chăn cừu thuê. Anh cho biết: Mỗi ngày anh phải làm việc tới mười tám tiếng đồng hồ và làm tất cả bảy ngày trong tuần. Suốt thời gian ở trên núi, anh hoàn toàn cô đơn, chỉ bầu bạn với chú chó, chú ngựa và hai ngàn con cừu.
Mỗi tuần một lần, người ta đem đến cho anh thực phẩm, thư từ và đạn dược. Công việc của anh là làm sao giữ cho đàn cừu được ở chung một chỗ, dẫn chúng đến nơi có cỏ và có nước, đồng thời bảo vệ chúng khỏi thú dữ.
Anh kể: một buổi sáng nọ, có một nhóm cừu tự rời khỏi bày, thế là tôi phải bỏ tất cả thời gian để lần theo dấu vết của chúng. Ngay khi vừa mới tìm thấy, thì một cơn mưa bão ập xuống, khiến tôi và những con cừu vừa ướt lại vừa bị lạnh cóng suốt đêm.
Suy niệm:
Người mục tử biết chiên của mình không những về số lượng nhưng biết cả về thể chất, con nào khỏe, con nào đau yếu, con nào ngoan ngoãn, con nào hư đốn… Ngài biết từng con chiên vì Ngài luôn dõi theo, và lắng nghe từng con chiên. Ngài ân cần đến bên từng con chiên như người mẹ dịu dàng bên đứa con nhỏ của mình, biết được tài năng, sức lực và cả những thành công hay thất bại của từng con chiên. Vậy, do những kiến thức hay kinh nghiệm nào mà Chúa biết từng con chiên, có phải do kiến thức từ cõi lòng của người chăn chiên?
Chúng ta là chiên của Chúa, dĩ nhiên chúng ta cũng phải nghe tiếng Chúa và biết Chúa qua Kinh Thánh, qua cầu nguyện và qua sự kết hiệp mật thiết với Chúa, để chúng ta tỏ tường thánh ý Ngài và thi hành trong cuộc sống. Theo Chúa, chúng ta sẽ được sự sống đời đời và sống dồi dào trong ân sủng Chúa như Ngài đã tuyên bố: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.”
Lạy Chúa, giữa những ồn ào và bon chen của cuộc sống, xin cho con biết dùng những khoảng lặng bên Chúa để con lắng nghe tiếng Chúa và cảm được tình Chúa yêu con.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Tin mừng hôm nay cho biết Đức Giêsu dùng hình ảnh mục tử, đàn chiên và cửa chuồng chiên để nói lên mối tương quan giữa Người và dân Israel.
Mục tử là khái niệm rất quen thuộc của người Do Thái, đàn chiên chính là gia sản của họ, nên ai cũng biết. Mục tử và đàn chiên cả hai đều sống du mục, nay đây mai đó, luôn tìm đến chỗ có đồng cỏ tươi, dòng suối mát để hạ trại. Hôm nay, Đức Giêsu khẳng định Người là “Cửa cho chiên ra vào ”, tức là người canh phòng, bảo vệ chiên khỏi sói dữ tấn công, khỏi tay của kẻ trộm và kẻ cướp. Nếu cửa chuồng chiên nhằm để chiên đi vào và tìm được sự an toàn, đồng thời cũng nhằm để chiên đi ra và tìm được đồng cỏ xanh tươi, thì Đức Giêsu, hôm nay, cũng cho thấy chỉ ai qua “Cửa Giêsu” mà vào mới được ơn cứu độ. Đức Giêsu là cửa. Người không loại trừ ai khỏi ơn cứu độ. Người đã đến là để cho mọi người được sống và sống dồi dào, kể cả những người Pharisêu đang tìm cách loại trừ Người. Người là cửa duy nhất đưa đến ơn cứu độ mà tất cả phải chấp nhận đi qua.
Nhìn lại đời sống của chính mình, chúng ta có yên tâm rằng bản thân đang đi theo Đức Giêsu, Vị Mục tử duy nhất không? Ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta thuộc về Chúa và Chúa thuộc về ta. Chúa “biết ” chúng ta và Người “ biết” cách thấu đáo. Còn chúng ta có “biết ” Người không, hay có “biết” nhưng “ biết ” cách vu vơ, lúc biết lúc không?
Lạy Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành, xin Chúa ban cho chúng con được “biết” Chúa như chính Chúa đã “biết” chúng con. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaphucsinh