28.4.2022 – Thứ Năm Tuần II Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 3,31-36
“Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người;Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người. Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật. Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy.”
Suy niệm:
Giêsu ơi! Ngài từ đâu đến?
Tôi là Đấng từ trên cao mà đến.
Tôi là Đấng từ trời mà đến (c.31).
Tôi sinh ra trên đất, sống trên đất, chết trên đất.
Nhưng tôi không thuộc về đất, đất không phải là gốc của tôi.
Gốc của tôi ở nơi cung lòng Thiên Chúa (Ga 1, 18).
Dù cư ngụ trên mặt đất, tôi vẫn luôn hướng về Cha tôi trên trời.
Khi làm xong sứ mạng, tôi sẽ trở về với gốc của tôi.
Giêsu ơi! Ngài làm gì vậy?
Tôi làm chứng về điều tôi đã thấy và đã nghe (c. 32).
Tôi làm chứng về Thiên Chúa là Cha của tôi.
Tôi đã thấy việc Người làm và đã nghe tiếng Người nói.
Nhiều vĩ nhân diễn tả rất hay, rất đúng về Thiên Chúa
và cũng có kinh nghiệm rất sâu về Người.
Nhưng họ không phải là Con như tôi.
Họ chẳng thể nào gần mầu nhiệm Thiên Chúa như tôi.
Chẳng ai biết Cha bằng Con, không ai biết Cha trừ ra Con (Lc 10, 22).
Chỉ mình tôi mới có thể vén mở trọn vẹn khuôn mặt Thiên Chúa.
Giêsu ơi! Ngài là ai?
Tôi là người được Thiên Chúa sai đến với nhân loại trên mặt đất (c. 34).
Chẳng có giây phút nào tôi quên mình là Con, người được sai.
Chẳng có giây phút nào tôi quên Cha tôi là Đấng sai tôi.
Khi nhận mình triệt để tùy thuộc vào Cha, tôi chẳng hề xấu hổ.
Tôi đáng tin vì chính sự tùy thuộc đó.
Tôi chẳng làm điều gì tự mình,
tôi chỉ làm điều tôi đã thấy Cha tôi làm (Ga 5, 19).
Tôi chẳng nói điều gì tự mình,
tôi chỉ nói điều tôi đã nghe Cha tôi nói (Ga 8, 26).
Chính khi tôi tùy thuộc trọn vẹn vào Cha mà tôi được tự do.
Giêsu ơi! Ngài có hạnh phúc không?
Tôi hạnh phúc vì tôi yêu và được yêu.
Cha tôi yêu mến tôi và tôi ở lại trong tình yêu của Cha (Ga 15, 10),
Người vẫn ở với tôi và không để tôi cô độc (Ga 8, 29).
Người yêu mến tôi vì tôi dám hy sinh mạng sống cho đoàn chiên (Ga 10, 17).
Tình yêu của Cha thể hiện qua việc Người trao phó mọi sự trong tay tôi (c. 35).
Tôi có quyền phán xét, quyền cho sống lại ngày sau hết, quyền trên mọi xác phàm.
Bởi vậy tôi mới nói mọi sự Cha có là của tôi (Ga 16, 15).
Hãy đón nhận lời chứng của tôi (c. 33).
Hãy tin vào tôi để được sự sống vĩnh hằng ngay từ đời này (c. 36).
Hãy đến với tôi để được chia sẻ cùng một sứ mạng và vinh quang.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
con phó mặc con cho Cha,
xin dùng con tùy sở thích Cha.
Cha dùng con làm chi, con cũng xin cảm ơn.
Con luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả.
Miễn là ý Cha thực hiện nơi con
và nơi mọi loài Cha tạo dựng,
thì, lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa.
Con trao linh hồn con về tay Cha.
Con dâng linh hồn con cho Cha,
lạy Chúa Trời của con,
với tất cả tình yêu của lòng con,
Vì con yêu mến Cha,
vì lòng yêu mến
thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha,
thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha,
không so đo,
với một lòng tin cậy vô biên,
vì Cha là Cha của con. (Charles de Foucauld)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Người làm chứng về những gì Người đã thấy, đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người.” (Ga 3,32)
Câu chuyện minh họa:
Có một ông nhà giàu kia. Ông có thú vui sưu tầm các bức danh họa trên thế giới. Những người đến thăm ông đều phải trầm trồ trước những bức tranh của Picassos mà ông đã không tiếc tiền mua chúng về treo. Ông có một đứa con trai duy nhất. Khi đến tuổi trưởng thành, chàng trai bị gọi nhập ngũ. Trong một trận chiến, anh đã anh dũng hy sinh khi cố gắng cứu mạng cho một đồng đội. Nhớ ơn anh, và biết người cha là một người thích tranh, người đồng đội được cứu sống đã vẽ lại bức tranh ghi lại hình ảnh hào hùng của người con để tặng cho người cha.
Một thời gian sau, người cha cũng qua đời và người ta bán đấu giá những tài sản của ông. Nhiều người từ khắp nơi trên thế giới tuốn đến mong có thể mua được những danh họa có một không hai.
Người trọng tài trong cuộc đấu giá bắt đầu bằng cách nói: “Chúng ta hãy khởi đầu từ bức tranh của người con”.
Một sự im lặng khó chịu bao trùm căn phòng đấu giá. Một tiếng nói cất lên: “Bỏ qua chuyện đó đi. Bức tranh đó do một tay hoạ sĩ nghiệp dư vẽ có đáng gì mà đấu giá. Đấu mấy bức của Picassos hay Rembrandts đi”.
Tuy nhiên, người trọng tài vẫn không nhượng bộ: “Không, chúng ta phải bắt đầu bằng bức tranh người con trước. Ai muốn lấy bức tranh của người con”.
Cuối cùng, một giọng nói cất lên từ cuối phòng: “Mười đồng”. Đó là tiếng người làm vườn già nua. Mười đồng là tất cả khả năng mà người làm vườn có thể trả nổi.
“Có người trả mười đồng. Có ai trả hơn không? Có ai trả hai mươi đồng không?”
Một sự im lặng nặng nề lại bao trùm, hy vọng bức tranh được bán cho mau để chuyển qua những món khác.
“Mười đồng lần thứ nhất. Mười đồng lần thứ hai. Mười đồng lần thứ ba. Bán”.
Người trọng tài gõ búa xuống. Ông xé một bao thư đi kèm với bức tranh. Đọc xong, ông tuyên bố với mọi người: “Cám ơn quý vị đã đến đây hôm nay. Cuộc đấu giá đã kết thúc”. Người trọng tài giải thích: “Nội dung bức thư của chủ nhân dặn rằng hễ ai mua bức tranh người con thì sẽ được tất cả tài sản, đất đai, tiền bạc và tất cả các bức tranh. Người cha đã muốn trao tặng tất cả cho những ai chấp nhận người con”.
Suy niệm:
Những khát vọng của con người không gì có thể lắp đầy được. Có những vị thánh đã đánh đổi cuộc đời để được Đức Kitô là tất cả, vì đối với họ chỉ có Đức Kitô mới có thể làm thỏa mãn những khát vọng.
Những người tham gia buổi đấu giá trên đây, nếu biết nội dung bức thư nói gì thì họ sẽ tìm mọi cách để giành cho được bức tranh ấy. Còn mỗi người chúng ta, biết rõ ý định của Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Kitô, chúng ta có dám đánh đổi tất cả để được Người không?
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin cho con mạnh dạn loan báo tình yêu Chúa, dấn thân phuc vụ những bàn chân rã rời kiệt sức, cứu vớt những thân phận heo hắt đang bị hất hủi bỏ rơi,… để qua đó, con làm chứng cho niềm tin của mình.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Những lời này của Chúa Giêsu chúng ta nghe trong bối cảnh Mùa Phục sinh, nghĩa là sau khi Chúa phục sinh, chúng ta đọc lại Lời Chúa nói trước lúc Người chịu khổ nạn.
“Người làm chứng về những gì Người đã thấy và đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người”.
Người là chứng điều gì mà không ai đón nhận?
Thứ nhất là Người làm chứng về vị thế của mình. Vị thế của Người trên cao, Người từ trời mà đến. Và cũng vì vị thế này mà càng khó làm cho con người chấp nhận. Xét cho cùng thì chúng ta thuộc về đất, thế nên có những sự trên trời chúng ta khó hiểu. Nó càng phô bày một thực tế khác mà chúng ta nhìn thấy đó không phải giá trị đều được đón nhận, kể cả giá trị Tin mừng. Nó lý giải vì sao Tin mừng khó loan báo. Cảm thán của Chúa Giêsu trong câu này cũng là những nghi nan của Giáo hội hiện thời. Làm sao nói về vị thế cứu độ của Chúa cho thế giới này.
Thứ hai là Người nói về Thiên Chúa Cha, để cho họ tin vào Thiên Chúa Cha. “Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa chân thật”. Vị thế của Người Con đã bị khước từ thì lời nói của Người Con về Thiên Chúa Cha cũng không được đón nhận. Cha của Chúa Giêsu không phải là Thiên Chúa của họ. Và ngược lại. Từ đó sinh ra mâu thuẫn. Chúa Giêsu luôn làm chứng về Chúa Cha cho mọi người. “Cha và ta là một, ai thấy ta là thấy Cha”. Thế nhưng họ vẫn không tin cho đến khi Người chịu treo trên thập giá.
Thứ ba là Người thực thi sứ mạng nhờ Thần Khí ban cho Người. Lại nói về sứ mạng, nói về Chúa Thánh Thần. Điều này càng làm cho thế hệ này mơ hồ. Chung quy là lòng tin. Chung quy là niềm tin đã bị gãy đổ. Họ không còn tin vào cái gì vĩnh cửu. Phải chăng chủ nghĩa hoài nghi làm cho con người ngày nay nghi ngờ tất cả, cả chính mình và Thiên Chúa?
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã khó công như thế nào để rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa. Và ngày hôm nay chúng con cũng khó nhọc như thế nào để rao giảng Tin mừng. Xin cho chúng con biết kiên nhẫn, khôn ngoan và cậy trông vào Chúa luôn trong mọi sự. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaphucsinh