27.4.2022 – Thứ Tư Tuần II Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 3, 16-21
Khi ấy, Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”
Suy niệm:
Khi nghĩ về Thiên Chúa, người ta hình dung ra Ngài với nhiều khuôn mặt.
Có khi Thiên Chúa giống một ông cảnh sát, luôn để ý theo dõi để trừng phạt,
hay như một quan tòa cứ theo pháp luật mà kết án nghiêm minh.
Có khi Thiên Chúa giống một nhà buôn, tính toán sòng phẳng,
chỉ ban ơn khi nhận được một lợi lộc nào đó, có qua có lại.
Có khi Thiên Chúa giống một nhà độc tài, áp đặt quyền lực trên con người,
không cho con người được tự do, bắt con người phải theo một định mệnh có sẵn.
Có khi Thiên Chúa như một thứ ô dù để người ấu trĩ dựa dẫm trong lúc khó khăn,
hay như một sản phẩm của người bị áp bức tự ru ngủ mình.
Có bao nhiêu hình ảnh méo mó về Thiên Chúa như vậy.
May mắn đó không phải là khuôn mặt Thiên Chúa của các Kitô hữu.
Ngài chẳng phải là cảnh sát hay quan tòa, là nhà buôn hay nhà độc tài.
Ngài cũng chẳng phải là người cha độc đoán không muốn cho con mình khôn lớn.
Đơn giản Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4, 8).
Và Tình Yêu vô lượng ấy được thể hiện bằng hành động:
“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (c. 16).
Tình yêu của Thiên Chúa Cha ôm lấy thế gian, dù nó nghiêng chiều về sự dữ.
Như Abraham yêu quý đứa con một là Isaac, và đã chịu sát tế con cho Chúa,
Thiên Chúa Cha cũng yêu quý người Con Một của Ngài là Đức Giêsu,
và đã trao ban người Con ấy cho thế gian.
Cha trao ban Con khi sai Con vào đời mang thân phận xác phàm (Ga 1, 14).
Cha còn trao ban Con cho thế gian qua cái chết của Con trên thập giá.
Nơi máng cỏ Bêlem hay nơi đồi Sọ,
ta thấy Cha đưa hai tay ra để trao món quà tình yêu quý giá nhất cho loài người.
Và Cha chờ con người đáp lại bằng cách đưa hai tay đón nhận.
Con người vẫn có tự do để đón nhận hay từ chối món quà ấy
qua việc tin hay không tin Đức Giêsu.
Đứng trước Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa,
là đứng trước một chọn lựa nghiêm chỉnh có liên quan đến vận mệnh con người.
Ai tin vào Ngài thì có ánh sáng, ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu (cc. 16.17.19).
Tiếc thay có kẻ ghét ánh sáng và thích bóng tối hơn ánh sáng.
Hãy từ bỏ những việc làm tối tăm, dối trá, xấu xa,
bạn sẽ dễ dàng đến cùng ánh sáng Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
ánh sáng và bóng tối thì dễ phân biệt,
còn bóng mờ thì khó nhận ra hơn.
Con đã mạnh dạn khước từ bóng tối
nhưng khi nhìn thật sâu vào lòng mình,
con vẫn thấy có nhiều bóng mờ tác động.
Con an tâm ở lại trong bóng mờ,
vì thấy đó chưa phải là một tội.
Nhưng con cũng áy náy
vì biết rằng bóng mờ là nơi
ánh sáng Chúa chưa thấm nhập trọn vẹn.
Con không muốn bóng mờ thành ánh sáng,
vì con vẫn muốn giữ lại
một điều gì đó rất quý đối với con.
Xin giải phóng con khỏi những tình cảm lệch lạc
để con được tự do yêu mến và phụng sự Chúa hơn.
Xin chinh phục những bóng mờ trong lòng con
để con được thuộc trọn về Chúa.
Xin kéo con ra khỏi thái độ lấp lửng, nước đôi,
để dứt khoát đặt Chúa trên mọi sự.
Ước gì con có đủ can đảm để dám nhìn thẳng
vào những bóng mờ trong đời con.
Và ước gì con được trở nên trong suốt
nhờ để ánh sáng Chúa
tràn ngập mọi vùng mờ tối nơi con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa”. (Ga 3,21)
Câu chuyện minh họa:
Tại Florence thuộc nước Italia, có một ngôi đại giáo đường, được kiến trúc rất đặc biệt. Ngôi đại giáo đường này có một vòm cầu lớn. Trên vòm cầu này có một lỗ nhỏ được ghép kính.
Kiến trúc sư vẽ kiểu ngôi đại giáo đường này, đã khéo léo tính toán thế nào, để cứ đến ngày 21 tháng 6 hàng năm, ánh sáng mặt trời sẽ chiếu vào lỗ nhỏ kia, rồi dọi xuống một miếng bạc, được ghép ở dưới nền giáo đường.
Người ta chỉ cần nhìn vào ánh sáng chiếu xuống từ mặt trời, qua lỗ nhỏ trên vòm cầu kia, rồi dọi xuống nền giáo đường là biết được độ nghiêng của ngôi giáo đường để mà sửa chữa, vì ngôi đại giáo đường này được xây trên một khu vực mà trước đây là vùng xình lầy.
Suy niệm:
Chúa Giêsu chính là ánh sáng chiếu soi thế gian để soi rọi những lầm lạc của con người. Thế nhưng thế gian lại không tiếp nhận ánh sáng ấy. Cũng như ngôi đại giáo đường để cho ánh sáng của mặt trời dọi vào làm cho chúng ta nhận ra độ nghiêng của nó, thì ánh sáng Giêsu cũng dọi vào thế gian, làm cho người ta thấy được những khiếm khuyết, tội lỗi của thế gian. Đời sống của chúng ta cũng cần có những cái vòm như ngôi giáo đường này để ánh sáng Chúa soi rọi vào tâm hồn, giúp chúng ta hoàn thiện mình hơn.
Lạy Chúa là ánh sáng muôn ngàn đời, xin soi sáng cõi lòng con để con luôn bước đi trong đường ngay nẻo chính mà đến cùng Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Chúng ta bước qua Chúa nhật II Phục sinh, tuy nhiên không vì thế mà chúng ta quên biến cố tử nạn của Chúa. Bởi tử nạn và phục sinh là mầu nhiệm cứu độ không thể tách rời nhau. Tính hai chiều của mầu nhiệm này luôn nhắc cho chúng ta về tình yêu vô song mà Thiên Chúa đã ban cho cho nhân loại. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” . Nên dù là đang sống trong những ngày hân hoan của đại lễ Phục sinh kéo dài, chúng ta cũng không quên cái giá tình yêu mà Con Chúa Trời phải trả cho chúng ta.
Một lần nữa chúng ta được mời gọi chiêm ngắm mầu nhiệm căn bản này: Thiên Chúa đã yêu thế gian. Việc chiêm ngắm này đòi hỏi nơi ta một cảm thức đức tin sâu xa hơn. Hành trình Mùa Chay 40 ngày là để sám hối tội lỗi. Tam nhật Vượt Qua là đi vào cao điểm của cuộc khổ nạn, và lễ Phục sinh là đỉnh cao của ơn cứu độ -Chúa Giêsu chiến thắng tử thần. Những cử hành này là đỉnh cao phụng vụ của Hội thánh. Chúng ta có thông dự vào cách sốt sáng, và mỗi lần thông dự chúng ta có gia tăng thêm đức tin của mình nhờ cảm thấu giá cứu chuộc của Chúa dành cho chúng ta không?
Thực tế cho thấy, càng đắm mình trong suy ngắm và sốt sáng với các cử hành này, bầu khí linh thiêng của phụng vụ thánh sẽ đưa ta vào hiện thực mà tình yêu Thiên Chúa dành cho ta qua hy tế của Người Con. Vì thế, phụng vụ hay là việc cử hành là việc hiện tại hoá hy tế của Chúa cách sống động bằng chính nền tảng đức tin của chúng ta và Hội thánh.
Có những người thông dự theo thói quen, chỉ đến tham dự như một sự kiện lặp lại; có những người thông dự cách hời hợt, chỉ tham dự như người xa lạ vì không hiểu được căn bản mầu nhiệm cứu độ này. Chúng ta được sống, được cứu độ, được tha thứ là vì tình yêu vô cùng lớn lao Chúa dành cho chúng ta. Khi chúng ta không cảm nếm đó là tình yêu, chúng ta sẽ yêu lại một cách hời hợt và đức tin của chúng ta cũng giống như hạt giống mọc lên bên vệ đường, bị rập trong lùm cây.
Lạy Chúa, xin ban thêm cho chúng con lòng tin, để khi cử hành các mầu nhiệm thánh, chúng con cảm nghiệm Chúa đang hiện diện sống động với chúng con. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaphucsinh